Hồi ký

Hồi ký

Không quên 1

“…Tôi còn nhớ như in cái cảnh tôi chạy di tản năm 1975, đây là cuộc di tản lịch sử để lại cho tôi nhiều ấn tượng rất sâu sắc. 

Tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều cảnh tượng bi thương hãi hùng xảy ra trên con đường tang tóc  nầy. Việt Cộng đã có nhiều đợt phục kích và tàn ác vừa nã nạn vừa pháo kích vào dòng người đang chen nhau thoát thân, lồ lộ chạy tán loạn trên con đường không chỗ nào ẩn núp đó. 

Cảnh máu chảy, thịt rơi, bắn tung tóe khắp nơi; có đoạn đường, lớp người trước bị trúng đạn chưa kịp nằm xuống thì lớp người sau đã phải bước qua họ để chạy. Có đoạn có nhiều xác người chết cháy đen thui với nhiều tư thế, trong đó có xác ôm cây cháy chết đứng, nhiều xác ôm nhau chết ngồi, chết nằm, cũng có nhiều xác chết gục trên xe. 

Tôi để ý nhìn xem trong số những xác người đó có ai là bà con mình không? Nhất là ba mẹ và các em tôi mà tôi biết chắc rằng đã chạy di tản theo đoàn người đầu tiên. Bi thương nhất là những người đang bị oằn oại trong vết thương, họ hướng ánh nhìn như muốn kêu cứu vào dòng người đang tuôn chạy bán sống bán chết dưới làn bom đạn, nhưng trong giây phút thập tử nhất sinh đó, đâu có ai để ý đến họ vì ai cũng lo chạy thoát thân...

Thật bồi hồi mỗi khi nhớ lại, tôi không thể nào quên được những ánh mắt đó, những ánh mắt kêu cứu mà vô vọng; với nỗi đau buồn vô hạn, những ánh nhìn đó cứ ám ảnh tôi mãi, tận cho tới bây giờ và sẽ mãi về sau. 

Có thể là họ đã không còn nữa. 

Than ôi! Cùng sống chung với nhau trong một đất nước và cùng chung một dân tộc Việt Nam, sao Việt Cộng lại gây ra những cảnh đau thương nầy?”… 



Không quên 2
“…Có lần tôi đi họp thanh niên ở tận trong xã. Trong buổi họp, có lúc một cán bộ lên giọng trịch thượng mạt sát một thanh niên ngay trước mặt mọi người. Ông ta, tay vừa chỉ chỏ vào mặt, miệng vừa mắng nhiếc xối xả khiến người thanh niên đó phải run sợ cúi đầu, không dám ngước lên nhìn mọi người một lần nào. 

Trong khi người thanh niên ngồi im thin thít, chịu đựng và cả hội trường cũng im lặng ngồi nghe thì ông cán bộ vẫn tiếp tục tuôn ra những lời xúc phạm tới nhân cách của người thanh niên đó. Ông ta thao thao nói không ngừng và càng nói ông ta càng có thái độ miệt thị khinh bỉ thậm tệ. Tức giận về hành vi của ông cán bộ ấy, không chịu được tôi liền lên tiếng bênh vực. Tôi đã dùng cái thứ gọi là triết lý Mác&Lê-nin mà tôi đã bị nhồi sọ trong suốt thời gian tôi bị bắt đi cải tạo lao động để chống lại, tôi nói với ông cán bộ: 
“Hiện tượng nào thì bản chất nấy, tuy nhiên có nhiều hiện tượng xuyên tạc bản chất…Hiện tượng cán bộ đã dùng lời lẽ và hành vi thô bỉ để bôi nhọ một thanh niên ngay trước mặt mọi người trong hội trường như vừa rồi có phải chăng là cán bộ đã làm xuyên tạc đi cái bản chất lý tưởng của người Cộng Sản là tôn trọng dân, cho dân và vì dân, là người đầy tớ trung thành của nhân dân không?
Tôi nói đến đó thì ông cán bộ liền bắt tôi im và như thể sợ tôi sẽ nói thêm nữa, ông liền ghép tôi cái tội là người “công khai kích động công chúng” và tức khắc ra lệnh cho hai tên lính địa phương tới đứng lăm lăm chĩa súng vào người tôi.

Tôi chưa kịp nói thêm được câu nào nữa thì hai tên lính đã xô tôi ra khỏi hội trường và lôi tôi đi như một tên tội phạm ghê gớm. Lúc đó, tôi thấy cả hội trường nhốn nháo cả lên và hình như là không thể tiếp tục được nữa, ông cán bộ cho ngưng ngay cuộc họp còn tôi sau đó thì bị dẫn vào đồn công an. 

Tiếp sau đó tôi bị bắt nhốt hai ngày hai đêm chỉ vì cái tội mà ông cán bộ chụp cho tôi là đã “công khai kích động công chúng”…Ôi thật đáng buồn cho cái kiểu tự do ngôn luận của bè lũ Cộng Sản!”...



Không quên 3
“…Tôi không thể nào quên được vào những ngày cuối tháng Ba năm 1975, tình hình giao tranh quân sự giữa quân đội VNCH và quân CS diễn ra rất căng thẳng, khắc nghiệt. 

Tôi nghe tiếng súng và đạn đại bác nổ rền khắp nơi và diễn ra rất gần. Tôi nhớ hôm đó là ngày CN và VC đang đánh gần tới chỗ tôi ở.
...
Tôi tức tốc chạy về nhà nhưng không còn thấy ba mẹ và các em tôi ở đó nữa. Tôi chạy đi tìm họ khắp nơi nhưng vẫn không thấy…Cuối cùng tôi tìm cách vào phi trường vì hy vọng là ba tôi đã đưa gia đình vào đó. 

Vào được phi trường rồi, tôi cũng chẳng tìm thấy gia đình tôi đâu cả…tôi hỏi thăm một số người về gia đình tôi nhưng họ cũng không biết gì… Khi đang được ngồi trên máy bay và chờ đi, mấy viên sĩ quan nói cho tôi biết là đoàn người đầu tiên di tản bằng xe quân đội đã bị VC phục kích, chết nhiều lắm. 

Tôi nghĩ có thể là ba mẹ và các em tôi cũng đang có mặt trong đoàn người đầu tiên đó và có thể là họ đang gặp nạn đâu đó; lập tức tôi đứng phắt dậy và vội vã bước xuống khỏi máy bay mặc cho một số người níu kéo tôi lại. 

Không! Tôi phải đi tìm gia đình tôi, tôi không thể bỏ họ một mình trong lúc nầy được, nhất là mẹ tôi với đứa em gái út mới sanh. Vâng! Họ là tất cả sự sống của tôi và xem tôi là chỗ dựa tinh thần của họ. 

Tôi lật đật chạy ra khỏi phi trường với tâm trạng rối bời”…
 


Không quên 4
“…Cái năm đầu tiên sau biến cố 1975, gia đình tôi sống rất vất vả. Vì nhà bị mất sau khi đi di tản về, nên chúng tôi phải đi ra khỏi thành phố kiếm chỗ để ở và sinh sống. 
 … 
 Vì không có vật liệu để làm nhà để ở nên tôi có ý tưởng là đi lấy những thùng phuy làm lô cốt trong các trại lính QLVNCH, đổ đất ra, lăn về, đục và lấy búa tạ đàn ra cho thẳng để làm ra cái mà chúng tôi gọi là “tôn thùng phuy”. 

Chúng tôi tính dùng vật liệu nầy, cái thì dựng làm phên (tường), cái thì lợp làm mái, để làm nhà vì tôi muốn gia đình tôi sẽ có được một chỗ tạm đủ để che mưa, che nắng chứ không thể nào ở trong lều mãi được; tôi thương cho đứa em gái út mới sanh được có mấy tháng mà bị bịnh khóc hoài…

Công sức làm “tôn thùng phuy” khá vất vả, chúng tôi phải phơi nắng cả ngày và phải dùng sức rất nhiều. Làm xong cái nào, chúng tôi chồng chúng lên với nhau thành nhiều đống cao bên cạnh cái lều. Nhưng khi “tôn thùng phuy” đã gần đủ để dựng nhà thì chúng tôi bị tịch thu hết số lượng đó. 

Nhà nước đem xe tới cùng với một tốp người trang bị súng, họ nói đây là vật dụng quân sự của Mỹ Ngụy để lại, dân không được quản lý…Chúng tôi nói là dùng mấy thứ nầy chỉ để làm nhà ở thôi chứ không có mục đích gì khác nhưng họ không nghe. Thế là họ cứ lần lượt khiêng lên xe hết tất cả những miếng “tôn thùng phuy” đó. Chúng tôi không làm gì được vì họ đang đứng chĩa súng vào chúng tôi…

Khi xe sắp chạy, mẹ tôi bồng đứa em út ra đứng trước xe, tôi cũng vậy bên cạnh mẹ tôi, mấy em tôi dàn đứng bên hông xe, tay mẹ tôi chỉ về phía cái lều như kêu van. Thấy xe không chạy được, một tên lính nổ một phát súng lên trời đe dọa, xe nhào tới phía trước rồi thắng gấp lại gần sát chỗ tôi và mẹ tôi đang đứng; thấy nguy hiểm quá tôi vội vàng đẩy mẹ tôi vào lề đường…

Chúng tôi đứng vô vọng nhìn theo chiếc xe và tốp người đã cướp đi những tấm “tôn thùng phuy” đã thấm đọng biết bao mồ hôi, nước mắt, đến cả máu và công sức của chúng tôi. Đúng là một lũ ăn cướp đê tiện, kiện với ai bây giờ đây khi chúng tôi đang là những người thấp cổ bé miệng, tiếng nói chúng tôi sẽ đi vào khoảng không.



Không quên 5
“…Tôi rất dị ứng với những chuyện cấm đoán phi lý dưới thời Cộng Sản chủ nghĩa.  Có lần tôi đi xe đò về Sài Gòn; khi đến trạm Ba Ngòi, thì các xe phải dừng lại rất lâu để cho trạm kiểm tra hành lý và hàng hóa. Con buôn rất sợ trạm kiểm soát nầy vì nó khét tiếng là nơi cướp “nồi gạo” của họ một cách không thương tiếc. 

Những hàng hóa nào không nằm trong danh mục là hàng quốc cấm thì chỉ đóng thuế rồi chờ đi, còn nếu là hàng quốc cấm thì bị tịch thu hết. Cà phê hột là một trong những loại hàng quốc cấm mà chỉ nhà nước mới được quyền thu mua với giá rẻ mạt, rồi đem bán với giá cao. 

Hôm đó có một cô sinh viên nghèo về Sài Gòn để đi học, cô ta mang theo một ít cà phê hột bó dấu trong người để tranh thủ kiếm thêm ít tiền chi tiêu. Ở những trạm trước thì cô ta trót lọt, nhưng khi đến trạm Ba Ngòi thì không may bị phát hiện. Nhân viên nữ của trạm lục soát cô sinh viên ấy một cách rất thô lỗ, sờ và nắn bóp khắp người cô ta trước mặt thiên hạ, lôi ra được mấy gói nhỏ cà phê cộng lại khoảng chừng 2 kg rồi tịch thu luôn. Cô sinh viên khóc lóc van nài rất lâu, thấy thật tội nghiệp, nhưng họ không một mảy may thương xót…

Chế độ nầy chuyên bày ra những luật lệ đáng nguyền rủa để bòn của dân một cách trắng trợn, chỉ để làm giàu cho một số người có quyền lực mà thôi”…

v.v...

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam