Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

Nguyễn Huy Canh - Đại biểu Dương Trung Quốc nghĩ gì?

Nguyễn Huy Canh - Dân Luận - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là nạn nhân của đường lối chính sách sai lầm của Đảng CSVN, hay là người khuyếch đại những chính sách sai lầm của Đảng CSVN, mời độc giả Dân Luận cho biết ý kiến nhé!

Hôm qua, ngày 14/11 trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của QH, ông Dương Trung Quốc có lời chất vấn và có ý đổ lỗi hoàn toàn cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về những yếu kém, hạn chế hiện nay trong việc điều hành Chính phủ và có ý mạnh mẽ khuyên Thủ tướng đoạn tuyệt với những lời xin lỗi để đến với văn hóa từ chức.

Cựu ĐBQH, ông Nguyễn Minh Thuyết vừa có bài trả lời phỏng vấn được phát lại trên blog Nguyễn Xuân Diện đã rất ủng hộ quan điểm và cái nhìn của ông Dương Trung Quốc, và cũng cho rằng tình hình xấu đi của đất nước từ tham nhũng không cản được, nợ xấu ngân hàng đến làm ăn, kinh doanh thua lỗ nặng của các tập đoàn... đều là do sự điều hành yếu kém của Thủ tướng. Thủ tướng cần phải từ chức theo nghĩa bắt đầu cho một quá trình lịch sử của văn hóa chính trị giống như các quốc gia tiên tiến trên thế giới ngày nay.

Rất nhiều ý kiến của cử tri từ các phản hồi trên các trang mạng đều cho thấy sự ủng hộ đối với ý kiến của ĐB Dương Trung Quốc, và chỉ trích Thủ tướng rất nhiều... Đó là những bức xúc và ý kiến thẳng thắn: các quan chức của Đảng, Chính phủ và chính quyền các cấp không làm tốt nhiệm vụ để xảy ra tình hình nhân dân đói khổ, nheo nhóc, khiếu kiện kéo dài và có quá nhiều nỗi oan khiên xảy ra, cùng những cái chết rất thương tâm gần đây thì nên và cần phải từ chức.Từ chức phải được hình thành như một văn hóa chính trị của chính thể này.

Tuy nhiên nếu chúng ta bình tĩnh nhìn lại những năm 80 của thế kỉ trước, xã hội này, đất nước này còn bị rơi vào tình huống đau đớn hơn, khủng khiếp hơn nhiều. “Cái đêm ấy đêm gì” của Phùng gia Lộc là bức tranh sinh động của sự khủng khiếp ấy; đó là việc hàng triệu công nhân bỏ việc trong các nhà máy, công xưởng, còn nông dân thì vứt bỏ ruộng nương, không cày cấy, gặt hái. Đất nước lâm vào cảnh tiêu điều, xác xơ trong nạn đói, và kiệt quệ.

Thực trạng đó của xã hội có thuộc về trách nhiệm của Chính phủ, về sự điều hành yếu kém của Thủ tướng Phạm Văn Đồng?

Không, cái lỗi đó cơ bản thuộc về mô hình CNXH cũ, thuộc về phạm trù “làm chủ tập thể” do nghị quyết, do chủ trương của Đảng và của mấy vị cố vấn mù gây ra.

Tôi đã nhìn thấy ở Thủ tướng Dũng tài năng, có đóng góp cho đất nước này trên cương vị Thủ tướng bên cạnh một số yếu kém nhìn thấy rõ liên quan đến vấn đề tự do báo chí, nhân quyền; đó là cách hành xử của Thủ tướng đối với cá nhân Cù Huy Hà Vũ, với một số nhà bất đồng chính kiến có cái gì đó hẹp hòi, chưa nhân văn. Thủ tướng còn thiếu quan tâm đã để cho các phiên tòa có tính chính trị đã công bố là xét xử công khai nhưng lại để công an ngăn cản, bắt bớ người dân tới tham dự một cách thô bạo, vi Hiến.

Đúng là Thủ tướng Dũng điều hành Chính phủ trong nhiều năm qua chưa tốt, và thậm chí còn sai lầm như đã kí gần 3000 văn bản quyết định thu hồi đất không đúng thẩm quyền đã gây ra nhiều đau khổ, cay đắng cho nhân dân như ở Văn Giang, Vụ Bản. Thiếu quan tâm xây dựng chế tài kiểm soát hoạt động của các ngân hàng đã dẫn đến những vi phạm hàng loạt của các cán bộ ngân hàng trong việc vay và cho vay, cũng như tình hình nợ xấu của nó là một hệ quả đau đớn, và tất yếu.

Nhưng thưa ĐB Dương Trung Quốc, tôi cho rằng tất cả điều đó đều bị chi phối một cách chắc nịch từ những nguyên lí do Đảng đẻ ra:Kinh tế nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo, là công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế; là tư tưởng sở hữu toàn dân (nhà nước) về đất đai...

Ông thừa biết các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước chỉ là cái thùng không đáy, nên Thủ tướng dù có mười tai mắt cũng không thể kiểm soát, ngăn chặn nổi tình hình làm ăn gian dối, nhiều tham nhũng lớn, nhỏ xảy ra ở khu vực này.

Vẫn còn quyền lực tuyệt đối của Đảng và nhà nước trong phạm trù “thu hồi đất, và định giá đất” thì vẫn còn các quan chức ở tất cả các quận huyện, tỉnh, thành phố tham nhũng, cướp đoạt đất đai của dân lành, làm khổ họ dựa trên quyền lực và cách lách luật của mình. Trong lĩnh vực này, Thủ tướng dù có sức khỏe quan tâm, và ra nhiều quyết định cũng không thể ngăn chặn được, hoặc có thể thì hiệu lực, hiệu quả cũng không cao. Vụ việc ở Tiên Lãng-Hải Phòng là một minh chứng đó.

Liệu chúng ta có thể cảm thông và chia sẻ quan điểm của Thủ tướng về sự phân công của TW Đảng với ông, và về trách nhiệm chấp hành của Thủ tướng.

Thưa ông Dương Trung Quốc, ông có nghĩ tới điều hệ trọng này khi ông chất vấn:Thủ tướng từ chức thì đường lối, chủ trương của Đảng hiện nay cũng như mớ lí thuyết cũ rích và lạc hậu về con đường đến CNXH đã biến nó thành cái “sân sau” của các nhóm lợi ích của cụ TBT cũng phải” từ nhiệm” trước. Liệu cái văn hóa này có thể xảy ra không ? Tôi nghĩ, đó còn phải là câu hỏi nhức nhối của rất nhiều năm nữa của chính thể và của nền văn hóa của chúng ta.

Ngày 15/11.
NHC


http://danluan.org/tin-tuc/20121116/nguyen-huy-canh-dai-bieu-duong-trung-quoc-nghi-gi