Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

Những yếu tố dẫn đến chiến thắng của ông Obama?

Tổng thống Obama, Phó Tổng thống Biden cùng hai vị phu nhân 
mừng chiến thắng tối 06/11/2012 tại Chicago.AFP photo
 
Thanh Quang, phóng viên RFA - Hoa Kỳ tiếp tục gặp khó khăn không ít về lãnh vực kinh tế, nạn thất nghiệp, mức thâm hụt ngân sách.

Chiến thắng vừa rồi của Tổng thống Barack Obama khiến người ta nêu lên câu hỏi rằng sao cử tri Mỹ lại quyết định chọn ông Obama cầm quyền thêm 4 năm nữa, và sự thành công ấy có thể góp phần ra sao cho vấn đề Biển Đông.

GS Nguyễn Mạnh Hùng, dạy môn Bang giao Quốc tế tại Đại học George Mason, tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ, nhận xét:

Thật ra không phải tất cả cử tri Mỹ đều chọn ông Barack Obama. Cuộc tuyển cử này, nhất là “popular vote” – số phiếu bầu phổ thông – cho thấy, tuy ông Obama thắng một cách vẻ vang trong phiếu gọi là “electoral college”, tức phiếu cử tri đoàn, thì số phiếu bầu này cũng suýt soát nhau lắm. Nhưng may cho ông là ông được đa số thay vì thiểu số.

Vấn đề đặt ra là như vậy chúng ta thấy có sự chia rẽ rõ rệt chứ không phải là có sự chọn lựa rõ rệt giữa cử tri Mỹ.

Bây giờ lý do tại sao ông Obama thắng, thì tôi nghĩ bởi vì có một số điều mà người ta nhận thấy ông Obama đã thành công, như về chính sách ngoại giao.

Về chính sách kinh tế thì rõ ràng là như lời giải thích của ông Obama rằng do ông thừa hưởng một nền kinh tế, tài chánh rất tệ hại gần đến bờ vực thẳm, mà ông đã cứu lên được, thì nền kinh tế này phải cần một thời gian dài mới phục hồi nổi, và không ai có thể phục hồi được trong một nhiệm kỳ. Như vậy rõ ràng lời giải thích của ông Obama đã được đa số cử tri ủng hộ.

Thanh Quang: Thưa GS, còn phía Cộng Hoà gặp trở ngại ra sao trong kỳ bầu cử Tổng thống vừa rồi ?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Chúng ta thấy phía đảng Cộng Hoà cũng có những nhược điểm của nó, mà quan trọng nhất là 3 loại làm cho nhiều cử tri không thích. Thứ nhất là “Tea Party” với thái độ rất cứng rắn và cực đoan. Thứ hai là phe “Religious Rights” là phe tôn giáo cực đoan, không tha thứ quan niệm social issue nào mới mà ngược với người ta. Và thứ ba về cung cách ngoại giao bị ảnh hưởng quá lớn của phe “Neoconservative” (Tân Bảo thủ). Phe này đã đưa nước Mỹ vào 2 cuộc chiến tranh Ả Rập mà đã làm cho Mỹ gần như phá sản.

"Sức mạnh da màu"

Cử tri vui mừng trước chiến thắng của Tổng Thống Obama. AFP photo
 
Thanh Quang: Theo cái nhìn của GS thì việc Tổng thống Obama tái đắc cử như vậy có thể mang lại triển vọng ra sao cho Hoa Kỳ?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Thật sự, thứ nhất, là thế giới sẽ yên lòng và người Mỹ cũng yên lòng là sẽ không bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh nào vội vàng; nếu có chiến tranh thì đó rõ rệt có sự suy tính chứ không phải vội vàng, mà vì lý do ý thức hệ. Thứ hai, là có nhiều kinh tế gia đã nói rằng từ năm 2013- 14 trở đi, thì nền kinh tế Mỹ bắt đầu phục hồi, bởi vì tất cả điều căn bản đã thành công, đã đạt được rồi.

Hôm trước tôi đọc được tiên đoán của kinh tế gia khác ở Mỹ nói là dự đoán khoảng tháng 6 năm 2013, nền kinh tế Mỹ sẽ có chỉ dấu phục hồi. Người ta nói rằng người nào làm Tổng thống cũng sẽ được hưởng thuận lợi này, bởi vì chu kỳ kinh tế đến giai đoạn đó sẽ phục hồi.

Còn về vấn đề xã hội thì phụ nữ Mỹ lo đạo luật Rose vs Wade cho phép phá thai có thể bị đảo ngược, nhất là trong thời gian tới, có thể có 2 thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Mỹ sẽ về hưu, thì tổng thống sẽ có quyền bổ nhiệm người thay thế. Như vậy khuynh hướng bảo thủ của Tối Cao Pháp Viện sẽ không còn nữa trong thời gian dài lâu.

Một vấn đề khác nữa về vấn đề “Obamacare”, thì bây giờ nó đã được thiết lập rồi, không có chuyện xoá bỏ luật này. Nhưng chắc chắn sẽ có một vài sửa đổi Obamacare, vì chính ông Obama cũng phải nhìn nhận nó không phải là đạo luật hoàn hảo.

Thanh Quang: Thưa GS, ngoài số cử tri da trắng ủng hộ Tổng thống Obama, được biết chiến thắng của ông hiện giờ, một phần đáng kể, cũng là nhờ ở lá phiếu của cử tri da màu. GS có nhận xét như thế nào về điều gọi là “sức mạnh da màu” tại Hoa Kỳ, ít ra, cũng từ bây giờ trở đi?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Chúng ta thấy có 2 chuyện phải phân biệt rõ ràng, là trong vấn đề đi bầu phiếu, thì người da màu, ngoại trừ người Nhật, ít chịu đi bỏ phiếu lắm. Thí dụ trong số người Mỹ có tới khoảng 65% đi bầu, thì người gốc Nhật mới đạt được tỷ lệ đó thôi. Còn người gốc Trung Hoa cũng ít. Và nhất là người Mỹ gốc Việt thì chỉ khoảng 40% đi bầu thôi. Thật ra lá phiếu người da màu đáng lẽ được vận động nhiều hơn, nhưng bởi vì người ta không chịu đi bầu thì số phiếu không được như ý. Tuy nhiên, năm nay chúng ta thấy vấn đề da màu quan trọng bởi vì vấn đề người Hispanic, những người gốc vùng Nam Mỹ, họ đông lắm. Và đó là thành phần không những đông mà còn phát triển nhanh lắm. Do đó, ở những nơi, những tiểu bang quan trọng mà ông Obama được phiếu là bởi yếu tố này khiến ông thành công ở những tiểu bang ấy, mở đường cho ông lại vào Bạch Cung kỳ này.
 
Vấn đề biển đông

Thanh Quang: Có một câu hỏi chót, thưa GS, chiến thắng của Tổng thống Obama có thể giúp ích gì thêm cho vấn đề ở Biển Đông hiện giờ?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi nghĩ có giúp hay không, thì chúng ta thấy có chuyện khác biệt giữa ông Obama và ông Romney. Thứ nhất là chính chính quyền Obama quyết định chương trình gọi là “pivot to Asia”, tức Mỹ quay trở lại Biển Đông, quay lại vùng Á Châu-TBD. Tất cả những người lãnh đạo Mỹ, từ Tổng thống Obama, Tổng trưởng Quốc phòng Leon Panetta cho tới Ngoại trưởng Hillary Clinton đều chứng tỏ là Hoa Kỳ có quan tâm đến Biển Đông và có chính sách cứng rắn, chứ không phải chịu hoàn toàn nhân nhượng TQ tại Biển Đông.

Chúng ta thấy điểm đó là điều thứ nhất. Thứ nhì là chúng ta thấy, ngày trước, Tổng thống Bush hờ hững với Biển Đông, với vùng Á Châu-TBD, bởi vì bị sa lầy bởi 2 cuộc chiến Ả Rập, không thắng được mà lại còn tốn kém nữa. Và chính phủ Bush không có khả năng nào, mà dù có muốn, cũng không thể nào lo đến vấn đề Á Châu được. Cho nên khi lãnh tụ Singapore Lý Quang Diệu khi sang Hoa Kỳ nhận phần thưởng ở Wilson Center, thì ông có nói rằng Hoa Kỳ như vậy để cho “sân Á Châu” này TQ chiếm hết.
Chiến thắng này của ông Barack Obama cho thấy là nguy cơ Mỹ lại bị sa lầy vào cuộc chiến tranh khác nữa để không có khả năng lo vấn đề Á Châu, thì nguy cơ đó bớt đi rất nhiều. GS Nguyễn Mạnh Hùng
Thành ra bây giờ giả sử trường hợp ông Romney đắc cử tổng thống, thì những cố vấn của ông ta là phe “Tân Bảo thủ”. Mà những người Tân Bảo thủ này luôn luôn có mộng biến vùng Ả Rập trở thành vùng tự do dân chủ. Vì thế mới phát sinh chính sách “regime change” (thay đổi chế độ). Họ đánh Iraq rồi có thế tiến vào Syria. Mà nếu có cuộc chiến tranh nữa thì nước Mỹ lại sa lầy và như vậy sẽ không để ý đến Biển Đông được. Do đó, chiến thắng này của ông Barack Obama cho thấy là nguy cơ Mỹ lại bị sa lầy vào cuộc chiến tranh khác nữa để không có khả năng lo vấn đề Á Châu, thì nguy cơ đó bớt đi rất nhiều.

Thanh Quang: Cảm ơn GS Nguyễn Mạnh Hùng. 
 

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam