Buổi tưởng niệm các tử sĩ nhân 40 năm Hoàng Sa mất vào tay Trung Quốc ở Hà Nội, tháng 1/2015, cũng bị trấn áp.
Ảnh: JB Nguyễn Hữu Vinh
|
Ngày 25/01/2015, tổ chức nhân quyền Human Rights Watch của Mỹ đã ra thông cáo lên án các vụ tấn công của công an mặc thường phục và côn đồ vào các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam. Human Rights Watch cho rằng các vụ tấn công đó đã “ vi phạm các quyền cơ bản”. Tổ chức nhân quyền của Mỹ yêu cầu chính quyền Việt Nam phải “truy cứu trách nhiệm” tất cả những cá nhân tham gia vào các vụ tấn công nói trên. Cho tới nay chưa có ai bị bắt hay truy tố về các vụ tấn công này.
Thông cáo của Human Rights Watch được đưa ra sau khi ngày 21/01 vừa qua đã xảy ra vụ tấn công vào một nhóm 12 nhà hoạt động nhân quyền và blogger đi từ Hà Nội xuống Thái Bình để thăm ông Trần Anh Kim, một tù chính trị, vừa được thả ngày 07/01 sau khi mãn hạn 5 năm 6 tháng tù. Những người đi thăm gồm có nhà địa vật lý Nguyễn Thanh Giang, nghệ sĩ điện ảnh Nguyễn Thị Kim Chi, cựu biên tập viên Nguyễn Lê Hùng, cựu tù nhân chính trị Nguyễn Vũ Bình, các blogger Nguyễn Tường Thụy và J.B Nguyễn Hữu Vinh; và các nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga, Trương Minh Tam, Trương Văn Dũng, Nguyễn Thanh Hà, Bạch Hồng Quyền và Ngô Duy Quyền.
Theo thông cáo của Human Rights Watch, ngay sau khi những người đến thăm vừa rời nhà Trần Anh Kim, xe của họ bị ba công an phường chặn lại, yêu cầu mọi người về công an phường. Khi họ từ chối thì một nhóm côn đồ, rõ ràng có biểu hiện đang phối hợp với công an, lên xe và tấn công họ. Blogger J.B Nguyễn Hữu Vinh bị lôi khỏi xe, đánh đập và gây thương tích. Nghệ sĩ điện ảnh Nguyễn Thị Kim Chi bị vỡ kính. Những người khác như Nguyễn Tường Thụy, Trần Thị Nga, Ngô Duy Quyền, Bạch Hồng Quyền và Trương Minh Tam cũng bị đánh đập. Trả lời RFI Việt ngữ ngày 27/01/2015, nhà báo J.B Nguyễn Hữu Vinh đã kể lại vụ tấn công nói trên.
Theo Human Rights Watch, việc chính quyền sử dụng côn đồ để tấn công những người hoạt động nhân quyền đang gia tăng ở Việt Nam. Chỉ ba ngày trước khi xảy ra vụ ở Thái Bình, nhà hoạt động tôn giáo Nguyễn Hồng Quang, mục sư của một nhánh Tin lành Mennonite độc lập ở Sài Gòn cũng đã bị những kẻ côn đồ lạ mặt tấn công, gây thương tích nặng.
Không chỉ bị hành hung trên đường mà ngay cả đang ở trong nhà cũng bị người lạ mặt xông vào đánh đập, mà công an địa phương không hề can thiệp, như vụ xảy ra với blogger Huỳnh Công Thuận ngày Chủ nhật 25/01 vừa qua.
Về phần Nguyễn Hoàng Vi, một trong những thành viên Mạng lưới Blogger Việt Nam, thì đã từng bị hành hung nhiều lần và gần đây vẫn tiếp tục bị sách nhiễu, thậm chí bế con nhỏ đi trên đường cũng bị nhiều an ninh mặc thường phục và dân phòng chặn lại vào ngày 16/01 ở Sài Gòn.
Thông cáo của HRW nhắc lại rằng riêng trong năm 2014, có ít nhất 22 nhà hoạt động và blogger cho biết họ đã bị người lạ đánh đập. Nhà báo-blogger J.B Nguyễn Hữu Vinh cũng nhận thấy những vụ tấn công như vậy xảy ra ngày càng nhiều. Về phần blogger Huỳnh Công Thuận thì nhận thấy là dường như công an, an ninh Việt Nam đã thay đổi phương pháp sách nhiễu, ném đá giấu tay nhiều hơn.
Đối với blogger Hoàng Vi, việc gia tăng các vụ tấn công như trên là do chính quyền muốn ngăn cản các blogger, các nhà hoạt động nhân quyền tiếp xúc với đại diện ngoại quốc ở Việt Nam.
Trước tình trạng bị tấn công ngày càng nhiều như vậy, mỗi blogger có cách phản ứng riêng, nhưng nhìn chung họ chỉ có thể phản kháng một cách ôn hòa, như sự chọn lựa của blogger Hoàng Vi. Blogger Huỳnh Công Thuận thì chia sẻ kinh nghiệm của anh với các blogger, nhà hoạt động khác về phương cách đối phó với các vụ tấn công như vậy.
Có điều, như báo cáo của tổ chức HRW có nêu ở trên, cho tới nay chưa có ai bị bắt hay bị truy tố vì những vụ tấn công các blogger, các nhà hoạt động. Cho nên, nhà báo Nguyễn Hữu Vinh tỏ vẻ bi quan về khả năng chấm dứt những vụ tấn công như vậy ở Việt Nam.