Phóng viên Chân Như (phải) phỏng vấn nghệ sĩ Nguyệt Ánh và cùng điều hợp là anh Đào Trường Phúc về phong trào We March for freedom tại trụ sở RFA ở Washington DC hôm 3/3/2015. RFA PHOTO |
We March for freedom, là một cuộc vận động được nghệ sĩ Nguyệt Ánh khởi xướng để tiếp lửa cho cuộc đấu tranh cho quê hương đất nước Việt Nam. Chiến dịch này sẽ được bắt đầu vào cuối tháng 3 năm nay tại một số các quốc gia Âu châu. Nhân chuyến thăm Washington, và cũng để chuẩn bị cho chuyến công tác vận động cho chiến dịch này, chúng tôi rất vui được tiếp chuyện cùng với người khởi xướng cho chương trình này là nghệ sĩ Nguyệt Ánh và cùng điều hợp là anh Đào Trường Phúc.
Lên án cộng sản Việt Nam
Chân Như: Thưa chị, trước đây chị cũng có những cuộc vận động tương tự cho những người dân Việt Nam, vậy trong chuyến đi này của chị có những điểm đặc biệt nào khác với những lần trước xin chị có thể chia sẻ?
Phát động chiến dịch "We March for Freedom" thì mỗi cá nhân anh chị em văn nghệ sĩ thân hữu của Nguyệt Ánh đều quyết định dấn thân trên căn bản đó là tự nguyện, tự túc và trên hết là hoàn toàn độc lập với tất cả mọi tổ chức đoàn thể hay các đoàn phái chính trị. - Nguyệt Ánh
Nguyệt Ánh: Thưa anh, gần 40 năm qua Nguyệt Ánh đã có rất nhiều cơ hội để sát cánh cùng các anh chị em và nghệ sĩ dùng lời ca tiếng hát để chuyển lửa từ hải ngoại về để tiếp sức với hàng chục triệu đồng bào trong nước đang đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền. Nguyệt Ánh cũng đã cùng các anh chị em phát động những chiến dịch vận động trên lãnh vực văn nghệ và truyền thông. Đáng lưu ý nhất là chiến dịch "Trả Ta Sông Núi" từ năm 2002 để kêu gọi tinh thần yêu nước, vừa để chống giặc ngoại xâm phương Bắc và cũng vừa để tố cáo lên án tập đoàn nội thù bán nước, lên án cộng sản Việt Nam. Bây giờ Nguyệt Ánh vẫn đang tiếp tục con đường mà Nguyệt Ánh đã chọn.
Chỉ một điểm cần nói đó là khi tất cả các anh chị em phát động chiến dịch "We March for Freedom" thì mỗi cá nhân anh chị em văn nghệ sĩ thân hữu của Nguyệt Ánh đều quyết định dấn thân trên căn bản đó là tự nguyện, tự túc và trên hết là hoàn toàn độc lập với tất cả mọi tổ chức đoàn thể hay các đoàn phái chính trị.
Chân Như: Theo như chúng tôi được biết thì nhóm cũng sẽ đến gặp một số các cơ quan nhân quyền tại các quốc gia mà nhóm đến, vậy, theo đánh giá của anh thì những cơ quan này họ sẽ có thể giúp được gì cho mục tiêu mà nhóm đề ra?
Đào Trường Phúc: Chúng tôi xin tiếp nối câu trả lời của chị Nguyệt Ánh. Động lực duy nhất thúc đẩy các anh chị em văn nghệ sĩ chúng tôi tham gia vào chiến dịch "We March For Freedom" tại Âu Châu là vì chúng tôi luôn luôn theo dõi và rất xúc động với những hình ảnh của những đồng bào trong nước , nhất là giới blogger, văn nghệ sĩ, trí thức. Tất cả đều bất chấp mọi rủi ro, bắt bớ, tù đầy, đàn áp vẫn kiên quyết đấu tranh cho tự do dân chủ. Với sự dấn thân của đồng bào trong nước như thế nên mục tiêu chính yếu của chiến dịch "We March For Freedom" tại Âu châu lần này là bằng mọi giá phải trao đến tận tay các giới chức đồng hành Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc và Liên hiệp Âu Châu những bằng chứng chà đạp nhân quyền của cộng sản Hà Nội; Phải trao gởi những tiếng nói của sự thật qua các kháng thư, qua các đơn khiếu tố của những nạn nhân trực tiếp của chế độ cộng sản. Và khi làm như vậy chúng tôi sẽ đòi hỏi các cơ quan nhân quyền quốc tế cũng như các quốc gia cấp viện phải gây áp lực thật mạnh mẽ. Để làm gì? Để tất cả các tù nhân lương tâm tại Việt Nam phải được trả tự do và nhân quyền dân chủ phải được trả lại cho người dân Việt Nam.
Phóng viên Chân Như (trái) cùng các nghệ sĩ tại trụ sở RFA ở Washington DC hôm 5/3/2015. RFA PHOTO. |
Chân Như: Theo thông báo của nhóm, thì nhóm hiện đang kêu gọi sự hỗ trợ của mọi người cho chuyến đi này được thành công , vậy cho đến lúc này những sự hỗ trợ đó đến đâu rồi?
Nguyệt Ánh: Ngay từ khi Nguyệt Ánh gởi bức tâm thư đến cho đồng bào ở hải ngoại cũng như đồng bào ở quốc nội từ đầu tháng giêng năm 2015, Nguyệt Ánh và các anh chị em rất phấn khởi và cảm động bởi vì được những phản hồi rất tích cực ở khắp các nơi từ Âu Châu. Hoa Kỳ và đặc biệt là ở trong nước, những nhà đấu tranh dân chủ nhân quyền cũng như gia đình của các tù nhân lương tâm và của các blogger Việt Nam họ đều cố gắng gởi đến cho chúng tôi tất cả những tài liệu cần thiết và những đơn khiếu tố và tất cả những tài liệu về nhân quyền để chúng tôi có thể chuyển giao trực tiếp tới cho hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc và Liên hiệp Âu Châu.
Điều đó chứng tỏ một điều đó là mạng lưới truyền thông ở trong giai đoạn này đã đóng góp hết sức hữu hiệu và tích cực cho cuộc đấu tranh chung và điều đó càng làm cho các anh chị em chúng tôi thêm phấn khởi và tin rằng công cuộc đấu tranh của đại khối dân tộc sẽ đến ngày và sắp sửa thành công.
Chân Như: Không chỉ nhóm của anh mà lâu nay cũng có rất nhiều nhóm người Việt ở hải ngoại có những cuộc vận động lớn cũng đem lại một số hiệu quả. Vậy thì lần này nhóm kỳ vọng gì vào chuyến đi này?
Đào Trường Phúc: Chúng tôi xin nói rất đơn giản: tôi tin rằng tất cả chúng ta đều đồng ý với nhau là cuộc đấu tranh chung của đại khối dân tộc Việt là để giải thể chế độ cộng sản, để đem lại tự do dân chủ cho đất nước Việt Nam. Cuộc đấu tranh đó không chỉ thể nào dựa vào những cố gắng đơn lẻ của từng nhóm này, từng nhóm khác hay của một số đoàn thể này, đoàn thể khác. Cuộc đấu tranh đó phải là một sự đồng tâm hợp lực của tất cả mọi người và đòi hỏi mỗi cá nhân phải tự gạt bỏ lợi ích của riêng mình để nắm tay với những người cùng chia sẻ mục tiêu chung cùng ôm ấp một lý tưởng chung. Vì thế anh chị em văn nghệ sĩ chúng tôi khi tham gia chiến dịch "We March For Freedom" cũng không mong ước gì hơn là được đóng góp phần nhỏ bé của mình vào cuộc đấu tranh chung. Như thế để làm gì? Để đất nước Việt Nam của chúng ta sớm phục sinh trong tự do và tình người.
Chân Như: Xin cám ơn hai vị đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện này và chúc chiến dịch "We March For Freedom" này được thành công như ý nguyện.