Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

NTB - Cộng sản và Tôi

Theo Danlambao - Share
Tôi có ý thức chống Cộng vào tuổi 13. Khi đó, những hình ảnh kinh hoàng, đệm theo điệu nhạc buồn thảm vào năm Mậu Thân 1968, được chiếu trên TV mỗi ngày. Tôi thấy những xác người, tay vẫn còn bị trói chặt trong nhiều hố hầm, có lẽ họ bị chôn sống, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em. VC là thủ phạm của những hố chôn tập thể này. Và từ đó, tôi trở thành một người chống Cộng quyết liệt. Đến Mùa Hè Đỏ Lửa (tác phẩm của Phan Nhật Nam) và Đại Lộ Kinh Hoàng (toàn những xác dân bị VC pháo kích trên đường chạy về phía nam) của năm 1972, sang năm 1973, tôi quyết định tình nguyện vào quân đội, lúc đó đã 18 tuổi, và tôi đã đậu xong tú tài một.

Tôi không thể chấp nhận những việc làm vô cùng tội ác của những tên VC. Từ nhỏ, tôi đã được dạy, để hiểu thế nào là danh dự, trách nhiệm của một công dân đối với tổ quốc. Tôi cũng từng là một hướng đạo sinh Việt Nam, đội trưởng đội Hắc Mã của thiếu đoàn Tây Đô, thường đóng đô ở công viên Tao Đàn ở đường Hồng Thập Tự. Điều luật thứ 2 của hướng đạo đã luôn nhắc nhở tôi phải trung thành với tổ quốc Việt Nam. Có lẽ, những gì tôi được học ở hướng đạo, đã làm cho tôi trở thành một người gan dạ. Nếu tôi vào quân đội, tôi sẽ chọn tác chiến, tôi không thích làm lính ở văn phòng. Nhưng rốt cuộc, quyết định đi lính của tôi đã bị ba tôi ngăn cản.

Ba tôi điềm đạm nói:

- Con lớn khôn rồi, ba không ngăn cản quyết định của con, nhưng theo ý ba, nếu con chọn binh nghiệp, con nên đi sĩ quan Đà Lạt, con sẽ có tương lai hơn là đi Thủ Đức, và cần phải đậu tú tài hai.

Nghe theo lời ba, tôi đã xin rút đơn tình nguyện. Trong khi đó, bạn tôi, Lê Thành Vân vẫn tiếp tục con đường Thủ Đức, sau này nó ra trường thiếu úy, về phép đi dáng dấp oai phong ghê, trong bộ đồ lính. Khi vượt biên, được qua Mỹ, tôi đã mất liên lạc với Vân, không biết bây giờ nó ra sao. Nếu đọc được bài này, xin hãy liên lạc với tôi. 

Tôi đậu tú tài hai, rồi những đưa đẩy của thời cuộc, tôi sắp sửa vào quân đội thì VC chiếm Sài Gòn vào tháng 4 năm 1975. Trong khoảnh khắc đó, tôi đã hoàn toàn thay đổi về tư tưởng chính trị. Tôi nghĩ, VC cũng là người Việt Nam, có thể trong chiến tranh, nó rất tàn ác, nhưng trong thời bình, có lẽ nó sẽ không ác đâu, và mọi người cùng góp tay xây dựng những đổ nát của chiến tranh, để đất nước được phát triển, dân sống ấm no, hạnh phúc.

Chỉ đôi ba tháng thôi, tất cả những suy nghĩ của tôi chì là giấc mơ. VC luôn dối gạt dân và rất tàn ác, dù là thời bình, không có chiến tranh. Chúng cho binh sĩ VNCH học tập một vài ngày rồi thả về, và kêu gọi sĩ quan ra trình diện, mang theo cơm gạo trong 10 ngày. Thế rồi, có người bị giam cầm lên đến 17 năm tù. Nhìn qua Campuchia, tôi thấy Khmer Đỏ nhân đạo hơn VC nhiều lắm. Thà là xử bắn, gia đình biết chết rồi, còn có thể hoạch định được tương lai phải làm gì. Ai cũng một lần chết, thà được bắn một viên đạn, còn hơn bị bỏ đói, bị hạ nhục, bị đối xử như một con thú dai dẳng hàng chục năm tù. Tuy không có thống kê, nhưng người ta ước lượng khoảng 200.000 tù cải tạo bị hành hạ đến chết. Cái khổ nhất là không bản án, gia đình ly tán, cha xa con, vợ xa chồng. Vợ tù cải tạo thay chồng dạy dỗ con cái, còn chạy ngược chạy xuôi, vất vả thăm nuôi chồng. Đồ đạt trong nhà cứ tiếp tục bán dần. Thời đó, đói kém dữ lắm, đa số dân phải ăn bo bo, khoai, sắn... sống qua ngày. Dù đã xong 2 bằng tú tài, tôi phải còng lưng đạp xe ba gác chở đồ cho thiên hạ, kiếm tiền rất là vất vả. Có lần bộ đội kêu tôi chở 4 bánh xe lớn, rồi chạy xe theo sau. Đến khi bị công an thồi tu huýt, tôi mới biết mình chở đồ lậu và chủ đồ lậu đã biến mất. Nhưng cũng may, công an hỏi qua loa rồi thả về. Từ cuối năm 1976 đến 1977 tôi bán thuốc tây tại chợ trời Nguyễn Huệ. Tôi đã được đọc một toa thuốc ghi rõ "sợi dây đờn loại nhỏ nhất", dùng để cắt amidal gì đó, mới biết rõ đây là chuyện có thật. Ở đây, tôi từng chứng kiến băng đảng của nhóm xã hội đen. Cuối khu kios (nơi bán hàng nhỏ) có một đại ca tên Hùng, ăn bận vô cùng bảnh bao, đi xe mô tô láng bóng, cứ ngồi thoải mái uống cá phê mỗi sáng. Có một lần ông Hùng này bắt tên Trường Đen phải quỳ xuống xin lỗi một người khách. Thế là Trường Đen phải quỳ ngay lập tức. Mấy đứa nhỏ khoảng 13,14 tuổi mới ra nghề chôm chĩa, không biết sờ mó xe của đại ca Hùng, thì có đứa khác cảnh cáo ngay: "Bộ mày muốn chết hả, xe của đại ca đó", thế là tên kia xanh mặt. Một ngày tôi phải chứng kiến trên 10 vụ cướp giựt tại đây, tôi rất ư bất mãn, nhưng đành phải chịu vậy, vì có quy luật dân bán thuốc tây và dân xã hội đen, chẳng ai đụng đến ai. Nếu mình đụng đến chúng, chắc chắn mình phải rời bỏ địa bàn, vì chúng đông lắm. Công an VC đôi lần cũng bắt chúng, bắt xong vài tuần là thấy mặt nó trở lại, dân gọi là "bắt cóc bỏ dĩa". Riết rồi, công an và bọn xã hội đen quen mặt nhau. Tội cướp trộm, VC tạo lý do "vì hoàn cảnh xã hội", nên không giam lâu. Còn tội chính trị, hay chống đối, hay khác ý kiến với nhà cầm quyền, là bị đi tù mút chỉ cà tha. Nhiều người cho rằng công an và xã hội đen như "tay chân", hay "anh em", hay như "bóng với hình" chắc không sai đâu, vì 2 bên cùng biết rõ nhau.

Nói là bán thuốc tây, nhưng thật sự thuốc tây không có trên người. mà để ở chỗ khác, gần đó. Khách đồng ý giá cả xong, mới đi lấy. Nhiều người có thuốc mang ra chợ bán thì mình mua lại. Xây dựng sự nghiệp cũng khá khá, thì đùng một cái, chúng hốt hết thuốc của tôi, trở thành trắng tay, vì bị người theo dõi chỉ chỗ dấu thuốc. Cũng vào thời điểm đó tôi ký tên theo chính sách Hồi Hương Lập Nghiệp, cùng gia đình về Cà Mau.

Riêng cá nhân tôi, vô cùng bất mãn với những chính sách như "Thủy Lợi", "Thanh Niên Xung Phong", hay "Trúng Tuyển Nghĩa vụ Quân Sự", vì được áp dụng vào độ tuổi của tôi. Ở xóm tôi, Cư Xá Phú Nhuận, ngày đầu tiên đi thủy lợi, đã đem về một xác chết của một thanh niên trẻ tên Tèo, nhà 26B. Tèo đi qua con sông nhỏ mà không biết bơi, nên bị chết đuối. Xác về tới xóm còn âm ấm, đứa em gái tên Hà khóc quá chừng luôn, làm tôi cũng mủi lòng và rất bực tức, tại sao những người ra kế hoạch đào kênh, đào mương lại không lo cho sinh mạng của dân. Tụi VC đã biết mánh mung từ lúc đó. Ai không đi thủy lợi có thể đóng tiền hoặc nhờ người khác đi thế. Sau này, tôi biết những con kênh, con mương phải lấp đất lại, vì gây nên lụt khắp nơi. Tôi hiểu ra rất rõ, VC đang chơi màn hành hạ dân VNCH. Tôi bị ép lên phường để ký tên đi Thanh Niên Xung Phong. Tôi nói thẳng vào những người trách nhiệm: "Nếu gọi Thanh Niên Bắt Buộc, tôi sẽ ký ngay lập tức", và ra về, không chịu ký tên. Đến tối, đứa em hàng xóm tên Mười chạy qua nhà tôi thông báo rằng: "Chiều mai chúng nó sẽ bắt anh và anh Cường đấy, vì chống đối TNXP." Ba tôi biết chuyện không yên, nên bàn với tôi chuyện vượt biển: "Con nên tình nguyện ký tên đi Hồi Hương Lập Nghiệp ở Cà Mau, rồi gia đình mình sẽ vượt biển luôn". Sáng ra, tôi lên phường ký tên, còn Cường nghĩ rằng chúng chỉ dọa thôi, ai dè đến chiều chúng bắt thiệt, và dẫn đi đâu mất biệt luôn. Trong suốt nhiều năm, không ai còn biết tin tức gì của Cường nữa. Trong số bạn tôi, có đứa được "trúng tuyển" Nghĩa Vụ Quân Sự. Tổ cha cái quân VC láu cá chó này, tụi nó bắt lính đấy. Lúc đó, bọn tôi nghĩ chúng sẽ đem quân đi đánh Thái Lan. Ai dè, nó thi hành nghĩa vụ quốc tế (làm lính đánh thuê cho Liên Xô) để xâm lược Campuchia.

Nói thật, 20 năm tôi sống với VNCH, tôi đã quen phong cách tự do. Giờ cái gì cũng chánh sách, chủ trương, bắt buộc... làm sao tôi chịu nỗi. Tự dưng chúng, 5-7 đứa, vào nhà mình, ép mình phải mua báo Nhân Dân, hay Giải Phóng gì đó. Mỗi buổi sáng, còn sớm lắm, 6 hoặc 7 giờ gì đó, chúng ép mỗi gia đình phải cử 1 người ra quét sân, coi như làm lao động tập thể. Đến tối, chúng ép mỗi gia đình phải cử 1 người đi họp xóm. Không được nói chi chống chính quyền, chống HCM, và chống Đảng. Mỗi nhà đều bị ép buộc lấy HCM lộng kiếng, rồi phải treo cao hơn bàn thờ tổ tiên. Dân tôi phải xếp hàng từ sáng sớm để được mua từng con cá, miếng thịt, vài ký gạo... Tôi có thể nhịn đói, ăn ngày một bữa cơm thôi, cũng được, nhưng mất tự do, tôi không thể nào chịu đựng nổi. Tôi quyết định kháng chiến chống Cộng. Có nghĩa, tìm mọi cách để tham gia những tổ chức chống Cộng, phục quốc. Lúc đó tôi có quen một bạn gái, lời đau lòng tôi nói với cô ta: "Đừng bao giờ nghĩ rằng chúng ta sẽ lấy nhau, thành vợ thành chồng, vì anh không muốn có con trong cái xã hội CS khốn nạn này." Chúng giáo dục con trẻ phải yêu HCM, phải bắn giết bao nhiêu thằng Mỹ ngụy trong những bài toán cộng, làm sao tôi có thể chấp nhận được một nền giáo dục nhồi sọ như thế này được. Tôi khẳng định, phải tìm mọi cách để chế độ này phải bị sụp đổ.

Về Cà Mau, ba tôi mua được chiếc ghe "vỏ lãi", dài 11 mét, bề ngang rộng nhất chỉ 1,6 mét, được gắn vào chiếc máy đuôi tôm cầm tay Yanma F7 màu đỏ. Hai cha con cùng dọ đường đi ở cửa Hộ Phòng, Sông Đốc, Rạch Sỏi và ngụy trang đi bán khóm, bán chuối, bán mía. Học chữ khó, học lái ghe cũng dễ thôi, gạt cần lái chiều này, ghe đi chiều ngược lại, riết rồi quen. Gia đình tôi khởi hành vào cuối tháng 11 năm 1977, thời biển động, đi ra bằng cửa Sông Đốc, bên phải là đồn công an với đèn điện sáng choang. Mới ra tới cửa biển thôi, ghe đã vô tình bị vướng vào lưới đáy (nơi có cọc đáy để, giăng lưới bắt cá). Mắt vẫn còn nhìn thấy đồn công an, nhưng trời tối đen như mực, công an chắc chắn không nhìn thấy. Tôi lấy dao ra cắt dây lưới, nước chảy xiết lắm, một hồi văng mất luôn bánh lái. May là tôi đã chuẩn bị một cái dự phòng, thay thế ngay.

Kinh hoàng thật, mới ra tới cửa biển thôi, biển động, sóng cao khủng khiếp, nước biển mặn đã tràn đầy vào trong ghe, đánh văng cả nắp lu nước ngọt, nước mặn tràn vào hòa lẫn nước ngọt, còn ghe đã bị ngập hơn phân nửa rồi, em tôi sợ chết:

- Ba ơi, thôi quay đầu trở lại, đi ba, sóng lớn quá.

Thuyền trưởng ba kiên quyết:

- Quay đầu cũng chết trong tay CS, thà chết ở biển, sướng hơn.

Thế rồi ba tôi bảo các chị em tôi phải cùng tát nước ra khỏi ghe, vừa ca hát, và quăng luôn lu nước đã bị nhiễm mặn. Tôi tắt máy, máng vào sườn ghe, thả trôi, và ra tát nước cùng. Sóng biển như thế, làm cái chân vịt hổng cẳng trên mặt biển, làm sao lái được. Xa xa tôi thấy dãi núi Hòn Chuối, mờ mờ bóng quê hương. Thầm nghĩ, lần này ra đi, biết chừng nào trở lại. Sóng cao 3 đến 4 mét cứ ập vào, ghe như bị nhận chìm dưới đáy biển rổi trồi lên thật cao. Đúng là "chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ", chẳng cần biết biển động hay không, cũng chẳng cần kinh nghiệm, cứ đi là đi. Đến lúc sáng, Hòn Chuối đã biến mất, dù là ghe thả trôi, chắc nước cuốn đi nhanh lắm.

Quê hương mà ai không thương, không nhớ, không yêu mến, người đó chẳng phải là người. Người ta còn khẳng định, không gì đẹp bằng quê hương. Thế mà, tại sao tôi lại bỏ quê hương mà đi? Lỗi này của tôi hay lỗi của nhà cầm quyền? Nếu nhà cầm quyền tử tế, biết thương dân, chẳng có dân nào mà dại dột bỏ quê hương ra đi. Khốn nạn thật, có người bảo chúng tôi đi cầu thực, hay gọi là tỵ nạn kinh tế gì đó. Đối với tôi, tỵ nạn kinh tế chỉ là sự ngụy biện để ngăn cản làn sóng người vượt biển. Liên Hiệp Quốc đã ước lượng có trên 500 ngàn thuyền nhân chết ở biển Đông mà. Có ai chịu đánh đổi cả mạng sống của mình vì miếng ăn sao? Rồi một thời gian không nhà cửa, không biết ngôn ngữ của nước người.

Gia đình tôi 12 người và một đứa em họ, tài sản mỗi người chỉ còn lại một bộ quần áo đang bận. Sau 5 ngày đêm, ghe bị chìm giữa biển, tàu đánh cá Thái Lan đã cứu chúng tôi. Vào lúc tối trời, họ thả chúng tôi xuống một cảng nhỏ tại Songkhla. Sáng hôm đó, lại đúng ngày nghỉ lễ sinh nhật của vua Thái. Nhiều người Thái đi ngang đã nhìn chúng tôi một cách ngạc nhiên. Một số người tự dưng cho chúng tôi những đồng bạc cắc Thái. Ngôn ngữ bất đồng, không ai hiểu ai nói gì, làm nhiều người trong gia đình tôi tủi thân, bật khóc. Một vài giờ sau, có cô Linda người Mỹ, biết tiếng Việt dẫn chúng tôi đến sở cảnh sát Thái, đến chiều mới vào trại tỵ nạn Songkhla.

Tôi không đồng ý với nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác bài "Tôi Là Người Bị Quê Hương Ruồng Bỏ, Giống Nòi Khinh" và ca sĩ Duy Quang đã từng ca trên đài VOA, mà tôi đã từng nghe qua. Quê hương chẳng ruồng bỏ, giống nòi chẳng khinh ai cả, đúng hơn, tôi bị CS ruồng bỏ, CS khinh. Chúng nắm quyền, chúng có vũ khí và nhà tù, buộc tôi phải tạm thời rời xa nước, thế thôi. Tôi rất thích ai đó đã nói câu: "Bọn cầm quyền CS có thể đuổi tôi ra khỏi quê hương, như chúng không thể lấy quê hương ra khỏi tôi." Và chắc chắn tôi phải về lại quê hương không bóng CS, tôi nghĩ không còn xa nữa đâu.

28/2/2015


Share

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam