Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

Cô giáo tỵ nạn Jennifer Ramm

Cô Giáo Tỵ Nạn Jennifer Joy Ramm, đã đem tất cả lòng
nhiệt thành và tuổi trẻ của mình ra để phục vụ người tỵ 
nạn khắp bốn phương trời, nhất là người tỵ nạn Việt 
Nam (Hình chụp tại trại tỵ nạn Galang, Nam Dương.) 
Share
Cô Giáo Tỵ Nạn mà tôi và các bạn đề cập tới ngày hôm nay, không phải là cô giáo ở Việt Nam đi vượt biên, sống tạm thời tại các trại tỵ nạn, mà là cô giáo người Úc, từ Úc tới các trại tỵ nạn để dậy tiếng Anh cho những người dân Tỵ Nạn đang sống ở đó. 

Cô giáo người Úc này tên là Jennifer Joy Ramm. 

San ngày Việt Cộng cưỡng chiếm Miền Nam, dân Việt chúng ta đã ào ạt bỏ xứ ra đi tìm Tự Do, vì không thể sống dưới chế độ bạo lực, tù đầy và sự trả thù dã man của bọn Cộng Sản. Cả thế giới dang rộng vòng tay và lòng từ thiện thiết lập những trung tâm tỵ nạn tại các hòn đảo trong vùng Á Châu Thái Bình Dương để chúng ta có nơi tạm trú chờ đi định cư ở các quốc gia khác. 

Trong thời gian tạm trú này, đã có rất nhiều thiện nguyện viên nam cũng như nữ, già cũng như trẻ, ở khắp mọi nơi trên thế giới tới các trại tỵ nạn để giúp đỡ chúng ta tìm thân nhân thất lạc cũng như học Anh ngữ. Một trong những người trẻ đó là cô Jennifer Joy Ramm mà các bạn hữu và các học viên thường gọi cô bằng cái tên ngắn gọn và đầy tình thân: 

"Chị Jenny". 

Jenny là con cả trong một gia đình gốc Anh, sinh sống ở vùng Burra Burri thuộc Tiểu bang Queensland. Đến khi lớn lên, gia đình đã chuyển về Cooroy để cô có thể tiếp tục học bậc trung học ở Noosa.Tốt nghiệp trung học, Jenny được học bổng của chính phủ Liên Bang để tiếp tục học ở Đại Học Queensland. 

Sau khi tốt nghiệp văn bằng Cử Nhân Văn Chương tại Queensland, cô đã xuống Melbourne học thêm để lấy chứng chỉ về Giáo Dục tại Đại học La Trobe. 

Là thành viên của nhóm người trẻ tình nguyện hoạt động ở ngoại quốc “Australian VolunteersAbroad – AVA”, vào năm 1976, cô Jenny được cử đi dậy Anh ngữ tại một trường trung học ở Mukah, thuộc Malaysia. Với giọng nói nhẹ nhàng, vui tươi và thái độ cởi mở, Cô giáo Jenny đã thu phục được nhân tâm của các học sinh và phụ huynh của Mukah, đến nỗi có gia đình đã đặt tên con của họ là Jenny để ghi nhớ thời gian cô dậy học cho các em học sinh tại đây. 

Năm 1979, cô lại được cử đến trại tỵ nạn Ban Vmai ở Thái Lan, để lập ra một chương trình giảng dậy tiếng Anh cho 60.000 người Hmong đang sống ở trại tị nạn này. Để có thể dậy tiếng Anh một cách hữu hiệu, cô đã theo cách thức của các nhà truyền giáo là học tiếng bản địa trước. Jenny đã bỏ ra bốn tháng trời để chuyên tâm học tiếng Thái Hmong cho thật trôi chẩy, rồi sau đó mới dùng chính ngôn ngữ của họ mà dậy tiếng Anh cho họ. Trong vòng hai năm trời, cô đã xây dựng lên một trung tâm giảng dậy với nhiều lớp học, thuê giáo viên địa phương và mua cả một chiếc xe chở hàng nữa. 

Với những kinh nghiệm giảng dậy này, vào khoảng cuối năm 1981, cô đã được Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc mới đi dậy tiếng Anh cho các Thuyền Nhân Việt Nam tại trại Tỵ Nạn Galang, thuộc Indonesia. 

Tại Galang, công vỉệc của Cô Giáo Jenny không chỉ đơn giản là dậy tiếng Anh cho người Việt Nam, cô con phải giúp đỡ họ chuẩn bị cho cuộc sống mới ở các nước Tây Phương, mà ở đó, không những họ chỉ phải đương đầu với sư khác biệt về ngôn ngữ, mà còn cả những khác biệt về phong tục tập quán, cách thức ăn uống và những sinh hoạt hàng ngày nữa. Các học viên của cô, gồm đủ mọi trình độ, đủ mọi lứa tuổi và đủ mọi ý thích. Từ đó, cô Jenny mới chia lớp học ra thành nhiều nhóm khác nhau: Nhóm nhỏ bạo dạn hơn, nói lung tung mà không sợ bị chê là sai, nên học nhớ chữ mau hơn và nói đúng giọng hơn. Nhóm lớn tuổi, trí nhớ kém đi và hay bị mặc cảm nên khó nhớ mặt chữ và giọng đọc cứng hơn. Một nhóm đặc biệt mà chỉ có ở trại tỵ nạn Việt Nam, đó là nhóm trai tráng đã đi lính, bị Việt Cộng bắt đi tù "Cải Tạo" rồi trốn về hoặc được thả về. Nhóm người này đa số biết nói một chút ít tiếng Anh, một số nói rất khá.Họ rất chăm chỉ học và cố gắng nói thật nhiều để cô sửa giọng cho họ.Đối với nhóm cựu quân nhân này và những nhóm lớn tuổi, cách giảng tiếng Anh của cô là kể những câu chuyện về đời sống hàng ngày tại Úc và dậy cho họ những câu đối thoại cần thiết. 

Theo kinh nghiệm dậy học cho người Hmong, ngoài giờ dậy học, Jenny thường hay tới thăm viếng những láng trại của người Việt tỵ nạn để nói chuyện với họ, tìm hiểu cách thức sinh sống của họ và nhất là . . . học tiếng Việt bằng cách . . . nói tiếng Anh với người Việt. Từ những buổi tiếp xúc này mà cô giáo Jenny quen biết rất nhiều bạn bè và biết ăn cơm, biết cầm đũa. Một cô thợ may đã đo và may tặng cho Jenny một chiếc áo dài, cô mặc thử, thấy đẹp quá, về thư viện, cô đã tìm sách đọc thêm, và sau khi biết chíêc áo này được coi là quốc phục của người Việt Nam, cô đã khuyến khích các cô gái Việt trên đảo giữ truyền thống áo dài của mình bằng cách . . . tổ chức một cuộc thi áo dài ngay trên đảo tỵ nạn. 

Cô Giáo Tỵ Nạn tổ chức thi Hoa Hậu Áo Dài mừng xuân Quý
Hợi 1983 tại trại tỵ nạn Galang.
Trong một buổi giảng dậy, cô giáo Jenny để ý thấy có một cậu trai luôn luôn lảng vảng phía ngoài lớp học, nhưng không bao giờ vào dự lớp học của cô.Nghĩ rằng anh này có thể . . . còn ngại ngùng gì đó, nên cô giáo đã đích thân ra mời anh vô lớp để học cho vui, nhưng anh mắc cở đỏ mặt chạy đi nơi khác. Một lúc sau, anh ta lại quay trở lại, nhưng cũng vẫn đứng ở ngoài lớp học chứ không vô trong lớp. Lâu dần, cô không thắc mắc nữa, mà chỉ giảng và đọc lớn hơn để người đứng ở ngoài có thể nghe rõ hơn mà thôi. 

Đến năm 1983, cô giáo Jenny trở về lại Melbourne, tiếp tục dậy tiếng Anh tại Trung Tâm Anh Ngữ Cho Những Người Di Dân Lớn Tuổi (Adult Migrant English Service - AMES), tại đây, Jenny cũng vẫn giúp đỡ người dân tỵ nạn Việt Nam bằng cách khuyến khích họ làm những công việc mà họ có khả năng từ hồi ở Việt Nam, và dậy họ nói Tiếng Anh về chính ngành nghề họ có thể làm, muốn làm và đang làm. Cô giáo Jenny thành công ở chỗ, cô có thể nói tiếng Việt, hiểu tiếng Việt, để nghe người Việt nói ra những điều họ muốn biết, muốn học, do đó đã giúp người Việt có hứng thú khi học tiếng Anh và vì thế mà họ học mau hơn, tiến bộ hơn. Jenny lại có sáng kiến tổ chức những buổi barbecue tại nhà của mình, mới các bạn trẻ người Úc và người tỵ nạn Việt Nam cùng tham dự, để cả hai bên hiểu rõ nhau hơn và nhất là để các bạn trẻ người Việt có cơ hội nói chuyện, trau dồi khả năng Anh ngữ của mình. Nhiều cô giáo đã rất ngại ngùng phải dậy học cho đám trẻ thiếu niên đi tỵ nạn một mình, vì các em . . . khó dậy, không chịu tiếp xúc . . . Riêng đối với Jenny, cô không thấy có gì trở ngại cả, vì cô hiểu tâm tình của đám trẻ này, cứ để cho các em tâm sự với cô về những khó khăn của cuộc sống, cô nhờ nhân viên xã hội giải quyết những điều các em mong muốn, rồi sau đó mới dậy học cho các em nhỏ này. Việc quan trọng nhất mà Jenny muốn hướng dẫn họ là, nên đi học trở lại để có kiến thức và có một tương lai tốt đẹp hơn. 

Cũng vì tình thân với người Việt, đã có nhiều người mời Jenny dự đám cưới của họ, và cô rất vui khi được mặc áo dài để bưng mâm ngũ quả đi rước dâu. 

Gia Đình hạnh phúc. 
Trong một buổi barbecue mời tất cả các . . . cư dân của đảo Galang, cô giáo Jenny lại gặp lại người thanh niên thường hay lảng vảng ngoài lớp học của cô hồi còn ở trại tỵ nạn. Anh chàng cũng vẫn đứng một mình, tay cầm lon coca xoay qua xoay lại chứ không bắt chuyện với ai. Cô giáo Jenny nghĩ rằng anh này chắc . . . không biết tiếng Anh, hoặc là ít nói, nên đã tới nói chuyện với anh ta.Anh vui vẻ nói chuyện, tự giới thiệu tên là Sơn, hiện đang làm việc cho Australia Post, tại Blackburn Mail Centre. Cô Jenny rất là ngạc nhiên khi biết anh . . . biết nói tiếng Anh, và lại nói khá nữa: 

“Ah! Vì anh biết nói tiếng Anh rồi, nên mới không tham dự lớp học của tôi ở trại tỵ nạn, có phải vậy không?” 

Lại trái với dự đoán của Jenny khi anh con trai trả lời: 

“Không phải vậy.Hồi đó, quả thực tôi dở tiếng Anh lắm.Vì tình trạng chiến tranh, tôi chỉ mới học hết lớp 11 mà thôi. Đến khi Việt Cộng chiếm miền Nam, tôi là con Lính Cộng Hòa nên đâu có được tiếp tục học nữa, tôi phải đi bán hàng với mẹ để kiếm sống cho gia đình, bao nhiêu tiếng Anh tôi học ở trường, tôi quên hết trơn, nên tôi đâu có biết học từ đâu? Thấy cô dậy học, tôi cũng muốn vô học, nhưng thấy mình lớn rồi, vô học không biết một câu tiếng Anh tiếng U nào hết . . . mắc cở với đám con nít lắm . . . nên tôi chỉ đứng ngoài nghe lén mà thôi. Hơn nữa, cô nói tiếng Anh của người Úc . . . khó nghe quá, tôi nghe như là . . . vịt nghe sấm . . . chẳng hiểu cô nói gì hết, thì làm sao mà học?” 

Cô giáo Jenny lúc nào cũng có thói quen nghề nghiệp, cô khuyến khích Sơn: 

-“Anh nói tiếng Anh hay lắm, lại được làm ở Australia Post thì đời sống cũng khá lắm rồi . . . nhưng nếu anh muốn, anh có thể đi học lại, vô đại học học nghành nào mà anh thích, biết đâu lại có tương lai sáng sủa hơn!” 

-“Tôi cũng muốn lắm, nhưng tôi . . . mới học xong lớp 11 chứ chưa tốt nghiệp trung học, làm sao tôi có thể vô đại học được?Hơn nữa, tiếng Anh của tôi chỉ đủ để làm việc thôi, chứ chưa đủ để học đại học đâu.” 

-“Anh đừng lo, tôi có thể giúp anh về phần tiếng Anh, anh sẽ dư sức học. Ở Úc có những trường cao đẳng, gọi là trường TAFE (Technical And Further Education) dành cho những người chưa học xong trung học, tôi sẽ giới thiệu anh với chú tôi, một giáo sư của trường Footscray Institute of Technology (FIT- sau này nhập chung với trường Đại học Victoria University) để chú giải thích cho anh nhiều hơn.” 

Khi về nhà, anh Sơn mới kể lại câu chuyện cho người bạn cùng phòng là anh Lê Hữu Giàu nghe.Anh Giàu cũng khuyên anh Sơn nên đi học để có tương lai khá hơn. 

Thế là anh Sơn đi gặp Giáo sư Douglas Ramm để vấn kế. Ông Douglas làm đúng luật, đã đưa đơn cho anh điền để học thử ba môn học về Civil Engineering xem kết quả ra sao cái đã. May mắn, anh đậu hết cả ba môn toán học này, ông Douglas liền hướng dẫn anh một lần nữa nộp đơn xin học khóa Bachelor of Civil Engineering. 

Thực sự thì Sơn chưa muốn hoàn toàn định cư ở bên Úc, đầu óc của anh vẫn còn hướng về Việt Nam: Khi Sơn còn ở trên đảo Galang, anh đã có nghe về Phong Trào Phục Quốc của Tướng Hoàng Cơ Minh, Sơn định cư tại Úc đúng vào thời điểm Phong Trào Phản Chiến bộc phát rất lớn, Sơn nhớ lời cha dặn là ráng tìm cách gia nhập bất cứ tổ chức kháng chiến nào, để trở về Việt Nam tiêu diệt bọn Cộng Sản, khôi phục lại chế độ Việt Nam Cộng Hòa thân yêu tràn đầy tự do và lòng nhân ái. Do đó, khi được chấp nhận cho học, Sơn phân vân không biết nên lựa chọn con đường nào? Anh đem việc này ra bàn với Jenny.Tiếc thay, cô giáo Jenny chỉ có thể giúp anh trau dồi Anh ngữ thôi, chứ không có khả năng giúp anh về vấn đề này, nên Sơn quyết định không nộp đơn xin học, mà chờ tin để trở về Việt Nam cùng với các bạn bè trong nhóm. 

Buồn thay, tổ chức phục quốc càng ngày càng im tiếng và không có ai liên lạc với anh để nói tới ngày về cả. Sơn đành phải nộp đơn xin đi học và bảo lãnh cha mẹ qua Úc chung sống. 

Muốn tỏ tình với một cô gái đã là chuyện khó rồi, huống chi cô gái này lại còn là cô giáo dậy tiếng Anh nữa, công việc càng trở nên phức tạp và . . . khó khăn hơn. 

Một lần đến nhà Jenny ăn cơm tối, Sơn đem theo cây đàn hát tặng Jenny bản nhạc “Nắng Chiều”: 

“. . . Anh nhớ xót xa dưới tre là ngà 

Gợn buồn nhìn em anh nói: "Mến em!" 

Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi 

Nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi . . .” 

(Nhạc Lê Trọng Nguyễn) 

Hát xong bản nhạc, Sơn đã hỏi Jenny bằng tiếng Việt: 

“Jenny à . . . nếu tôi muốn nói . . . anh yêu em . . . bằng tiếng Anh, thì . . . làm cách nào để nói?” 

Jenny thích bản nhạc Nắng Chiêu quá, đang lo hát theo, nên không biết mánh của Sơn, cô ngây thơ trả lời: 

“Thì nói . . . I love you . . . dễ mà.” 

Thế là Sơn vừa khẩy đàn vừa nhìn Jenny mà hát câu hát để đời: 

“I love you . . . I love you . . . and I love you . . .” 

Sơn hát đến lần thứ ba thì Jenny mới hiểu, cô đỏ mặt hỏi lại Sơn bằng . . . tiếng Anh: 

“Are you serious?” 

Sơn lại trả lời bằng . . . tiếng Việt: 

“Anh nói thiệt mà!”. 

Sơn tốt nghiệp thủ khoa khóa Civil Engineer của FIT vào năm 1990.Một tháng sau khi cha mẹ Sơn qua định cư ở bên Úc, Jenny và Sơn làm đám cưới. Jenny rành đủ sáu câu về đám cưới Việt Nam, nên cô đòi đủ thứ . . . nào là áo cưới cô dâu, vương miện, bông tai, dây chuyền vàng, ngũ quả, heo sữa và pháo nổ . . . thậm chí cả phong bao lì xì cho đám con nít giữ cửa ở nhà gái khi rước dâu cũng phải có đầy đủ. 

Ba Mẹ của chàng rể Sơn mới từ Việt Nam qua, nghe đằng nhà gái nói tiếng Anh líu lo cứ như là chim hót, chẳng biết người ta nói cái gì, nhưng cũng biết đó là những lời chúc tụng cho cô dâu chú rể.Khi mẹ chồng được mời ra đeo dây chuyền cho cô dâu, thiếu điều bà phải bắc ghế đứng lên mới quàng dây chuyền qua cổ cô dâu Tây được. Đằng nhà gái lần đầu tiên nhìn thấy cô dâu và đám phù dâu mặc áo dài thật là đẹp, thấy người nhà bưng các khay đựng đủ thứ bánh trái, rồi lại được nghe pháo nổ đì đùng khói bay khét lẹt . . . thật là vui . . . vui quá xá là vui. 

Vì tốt nghiệp ưu hạng, Sơn được học bổng của chính phủ để học Master, nhưng việc đầu tiên của người chồng và người con là phải lo làm ăn kiếm tiền lo cho gia đình và phụng dưỡng cha mẹ, nên Sơn đã từ chối học bổng để đi làm với công ty xây cất John Holland, và được cử đi làm việc ở Kuching, Mã Lai. 

Đứa con gái đầu lòng tên Lanna của hai vợ chồng ra đời vào tháng 4 năm 1993, chỉ một tháng sau là Jenny đã được hưởng Mother day lần đầu tiên trong đời. 

Cô gọi điện thoại về Úc chúc mừng mẹ: 

“Chúc mẹ một ngày “Mother day” vui vẻ . . . và cũng một ngày “Mother Day” vui vẻ cho chính con nữa . . . vì con cũng đã là mẹ của bé Lana rồi.”
Đến năm 1995, em trai của Lana cũng đã chào đời, được ba mẹ đặt tên là Liam (Từ khi Jenny mới bắt đầu mang bầu, hai vợ chồng đã bàn tính suốt chín tháng trời để tìm cách đặt tên cho con, những cái tên nào vừa có sắc thái của Vương Quốc Anh, lại vừa vẫn có vẻ là một cái tên Việt Nam. Lana cũng có nghĩa là Lan và Liam cũng có thể đọc là Liêm.Ông Bà Nội cũng đọc tên các cháu được, mà Ông Bà Ngoại cũng cảm thấy happy khi gọi tên hai đứa cháu của mình.) 

Khi các con đã lớn, và cha mẹ đã có phần già yếu, Sơn và Jenny quyết định xin trở về Úc làm việc. Lana thi đậu vào trườngMac Roberson và tốt nghiệp VCA với số điểm ưu hạng 99.30 nhưng cháu lại không muốn học Y, Nha, Luật . . . mà chỉ muốn theo gót của mẹ, học Art ở Melbourne University, thời giờ rảnh thì cháu . . . đi làm việc thiện nguyện. Còn Liam thì học IT ở RMIT University với ước mơ trở thành . . . tài tử đóng phim, trong khi Jenny thì đi dậy trở lại ở VUT – Victoria University of Technology. 

Lana và Liam được mẹ cho biết gốc gác của mình là . . . dân tỵ nạn Việt Nam, vượt biên tới đảo và được định cư ở Úc, nên lâu lâu, hai chị em đùa dỡn với nhau, Liam đóng vai Việt Nam, nói với chị: 

"Tôi là . . . Vietnamese Boat people . . . tôi không biết nói tiếng Anh . . ." 

Lana đóng vai cô giáo, nghiêm trang trả lời: 

"If you be good . . . I will teach you how to speak English . . ." 

Jenny và Sơn nhìn nhau cười. 

Vào khoảng tháng Ba Năm 2011,trận bão Yasi đã tàn phá hầu hết những trang trại trồng chuối ở Queensland, giá bán chuối ở các siêu thị vọt lên tới con số kỷ lục là $14.00 một Ký, có nơi còn không có chuối để mà bán. 

Sáng sớm ngày Mother' Day năm 2011, ba cha con mặc quần áo đẹp đẽ, trịnh trọng lái xe đi chợ, khệ nệ đem một gói quà thật lớn đưa tặng cho mẹ. Hai chị em cùng la lớn:
"Happy Mother' Day my dear Mummy". 

Jenny mở gói quà ra: Một nải chuối với năm trái chín vàng óng ánh. 

Jenny sung sướng cười thật tươi, nhưng vẫn cự nự chồng: 

"Chuối mắc lắm, anh mua làm chi cho tốn tiền." 

Lana và Liam lại đồng thanh nói: 

"Chúng con có tiền . . . chúng con mua tặng mẹ." 

Phần của Sơn là một bó hoa đỏ thắm đưa tặng vợ. 

Jenny bị cancer ruột từ năm 2006, coi như đã lành bệnh sau nhiều ca mổ, nhưng đến cuối năm 2011 thì bệnh của cô lại tái phát, qua những vết sẹo còn lại của những ca mổ trước đây. Sơn nghỉ làm suốt ngày luẩn quẩn tại bệnh viện St. Vincent lo chăm sóc cho Jenny. Nhà thương thấy vậy, cho Sơn mướn luôn một phòng để ăn ngủ tại chỗ cùng với vợ. 

Những ngày cuối của cuộc đời, hai đứa con cũng nghỉ học để ở bên cạnh mẹ. 

Lana và Liam nắm tay mẹ mà nói: 

"Mẹ sẽ khỏe lại mà . . . Mother's Day năm tới chúng con sẽ lại mua chuối cho mẹ ăn nữa nha." 

Sơn so lại phím đàn, hát cho Jenny nghe bản nhạc "Bên Kia Sông": 

". . . Này người yêu, người yêu anh ơi! 
Bên kia sông là ánh mặt trời 
Này người yêu, người yêu anh hỡi! 
Bên kia đồi, cỏ hoa đan lối 
Bên kia núi, núi cao chập chùng 
Bên kia suối, suối reo lạnh lùng 
Là bài thơ, toàn chữ hư vô . . ." 

(Nhạc của Nguyễn Đức Quang.) 

Cô Giáo Jenny đang nhận quà Giáng Sinh do đại diện trại tỵ
nạn trao tặng, năm 1982. 
Cô Giáo Tỵ Nạn Jenny Ramm ra đi vào ngày 10 01 2012 với tuổi đời 58 còn rất trẻ trung, để lại chồng và hai đứa con. 

Từ bốn phương trời, những người dân Việt tỵ nạn ở đảo Galang trước đây đã được cô giáo Jenny dậy học tiếng Anh đã gởi thơ chia buồn đến cho gia đình: 

"Jenny . . . chúc chị ra đi bình yên . . . Tên của chị, hình bóng của chị, tiếng Anh của chị dậy . . . sẽ không bao giờ phai nhòa trong trí óc chúng tôi . . .


CÔ DÂU CỦA NGƯỜI VIỆT TỴ NẠN . . . LÀ NHƯ THẾ ĐẤY. 

(Viết theo lời kể của anh Nguyễn Sơn và các con.)

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam