Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

Thế hệ trẻ Việt Nam thời đại mới, góc nhìn mới

Share
Tiếng Nói Vì Dân - Video clip dưới đây là suy nghĩ của một bạn trẻ trong nước, đã trưởng thành với nhận định về ngày 30/4 sau 40 năm trải nghiệm dưới chế độ Cộng sản. 40 năm là quãng thời gian quá đủ để có thể kết thúc một thể chế mốc meo, vô vọng, lỗi thời: Làm gì có chuyện hòa hợp lòng người khi chưa biết hòa giải với những người lính đã khuất phía bên kia chiến tuyến, một nghĩa cử thiện chí đầu tiên. Làm gì có chuyện hòa hợp khi cứ hoài nhảy mừng vui trước sự tang thương đau buồn thời chiến tranh vào mỗi 30/4...

Bài viết làm thay đổi phần nào định kiến về giới trẻ ở VN hiện nay: Thế hệ trẻ Việt Nam thời đại mới với góc nhìn mới.

Hòa giải Hòa hợp Dân tộc kiểu Giả cầy. 40 năm là quá đủ
SourceLê Văn Thành YouTube



Xin kính chào Quý vị và các bạn, rất vui khi được gặp lại mọi người. 

Vừa qua có một số Quý vị hỏi tôi suy nghĩ như thế nào về ngày 30/4 mà chính quyền Việt Nam hiện nay gọi là ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước? 

Hôm nay tôi lại làm clip nầy để nêu lên quan điểm của mình về vấn đề Hòa giải Hòa hợp Dân tộc (HGHHDT) vì theo tôi thì cách nhìn nhận ngày 30/4 cũng liên quan mật thiết đến vấn đề nầy. 

Tôi sẽ thể hiện góc nhìn của một thanh niên bên thắng cuộc, không đao to búa lớn, không dẫn chứng phức tạp tất cả là những điều mà ai trong chúng ta cũng đều có thể mắt thấy tai nghe.


Hòa giải Hòa hợp Dân tộc kiểu Giả cầy. 40 năm là quá đủ

Đã 40 năm kể từ khi chính thể  Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), miền nam Việt Nam sụp đổ, toàn cõi Việt Nam nằm dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của bên thắng cuộc, đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN). Kể từ đó, Sài Gòn không còn là Hòn Ngọc Viễn Đông, vì vùng viễn đông giờ đây đã có vô số các thành phố vượt xa Sài Gòn.

Kể từ đó, cũng không còn ông thủ tướng Singapore nào hy vọng là một lúc nào đó Singapore sẽ phát triển giống như Sài Gòn, không còn đội bóng Nhật Bản nào năn nỉ được đá giao hữu với Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm.

Những nước trước đây vốn kính nể, nghiêng mình muốn học tập bên thua cuộc của chúng ta giờ đây đã bỏ xa chúng ta rất nhiều. Singapore có thu nhập bình quân đầu người thuộc hàng cao nhất thế giới, Nhật Bản nền kinh tế thứ ba thế giới và có nền thể thao hàng đầu Châu Á. Còn Việt Nam, thống nhất dưới sự lãnh đạo tài tình 40 năm của đảng và nhà nước, chúng ta có gì? 

Chúng ta đứng thứ hai thế giới về chỉ số hạnh phúc, điều này cứ khiến tôi nghĩ đến những đứa trẻ, chúng luôn vui vẻ vì chúng ngây thơ.

Xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, nhưng lại thuộc hàng rẻ nhất. 

Tỉ lệ tử vong vì ung thư cao nhất thế giới.

Tiêu thụ nhiều rượu, bia, thuốc lá, mì ăn liền hàng đầu thế giới.

Giá rượu, bia, thuốc lá thuộc hàng rẻ nhất thế giới

Giá bất động sản, giá làm đường, giá xe hơi, sữa, thuốc tây lại thuộc hàng cao nhất trên thế giới v.v... còn rất là nhiều những cái trái khoáy mà chúng ta có được sau 40 năm thống nhất.

Một trong những cái trái khoáy ấy là về vấn đề Hòa giải Hòa hợp Dân tộc (HGHHDT). Bất chấp mọi nỗ lực Hòa giải Hòa hợp của bên thắng cuộc, 40 năm đất nước đã quy về một mối, nhưng lòng người vẫn tan tác bi thương. Tại sao vậy?

Hãy xem cách chúng ta nói về bên thua cuộc:

Về giáo dục, môn lịch sử của bên thắng cuộc luôn dạy thế hệ trẻ rằng VNCH là phường mọi rợ, ác ôn, sát hại đồng bào.

Về truyền thông, báo chí liên tục sử dụng ngụy quân ngụy quyền (NQNQ), tay sai để chỉ chính quyền và quân đội VNCH, những từ ngữ rất là miệt thị và xúc phạm. Một chính thể tồn tại 20 năm, được nhiều tổ chức quốc tế và mười mấy triệu nhân dân miền nam công nhận sao có thể là NQNQ?

Nguyên tắc cơ bản của Hòa giải Hòa hợp (HGHH) là phải tôn trọng lẫn nhau, mình cũng không làm được. Báo chí thì chỉ đưa tin tức một chiều: Những hình ảnh lính Mỹ, lính VNCH kiểm soát, bắt bớ, đàn áp nhân dân thì tràn lan khắp nơi. Ở đây tôi còn chưa muốn nói tới nguyên nhân dẫn đến những hành động đó. Còn những hình ảnh miền nam yên bình, giàu đẹp, kinh tế năng động, lính Mỹ chơi đùa với trẻ nhỏ, giúp đỡ người già, tiêm chủng, khám bệnh cho nhân dân, thì không bao giờ được xuất hiện.

Các kênh nước ngoài như RFA, BBC, Việt ngữ đều bị chặn hết. Truyền thông thì phải khách quan chứ? Thời chiến thì cho rằng đưa những thông tin đó ra có thể làm lung lạc ý chí của quân và dân, nhưng thời bình thì tại sao phải dấu? Phải chăng bên thắng cuộc đang sợ điều gì? Chính nghĩa thuộc về mình mà sao cứ phải sợ sệt mãi như vậy? Còn bên thua cuộc họ không biết đau đớn hay sao, khi bao điều tốt đẹp họ đã làm bây giờ bị phủ nhận hết cả? Cứ cho rằng họ có lỗi lầm thì họ có đáng bị sỉ nhục, bị phân biệt suốt gần nửa thế kỷ như vậy hay không?

Thử hỏi miệng nói HGHH nhưng hành động như vậy, thì HGHH cái nỗi gì? 

Rồi lại bảng sơ yếu lí lịch, đi xin việc ở đâu cũng phải khai theo tôn giáo gì, Có phải Đoàn viên, Đảng viên hay không? bố mẹ trước năm 1975 làm gì ở đâu, sau 1975 làm gì ở đâu? Cái đó thì liên quan gì đến năng lực làm việc của một người? Ngành nào đặc thù thì ngành đó yêu cầu thôi chứ?

Như vậy chẳng phải là để phân biệt đối xử hay sao? HGHH giả cầy thì có!

Bây giờ tôi mới xin nói về ngày 30/4. Nên xem 30/4 là ngày quốc hỉ hay quốc hận?

Bản thân tôi coi 30/4 là ngày quốc tang, bởi hai lý do: 

Thứ nhất: Với mọi tranh chấp, phải sử dụng đến chiến tranh luôn là phương án cuối cùng bất đắc dĩ vì xác định chiến tranh nghĩa là sẽ phải hi sinh, mất mát.

30/4/1975 là ngày kết của cuộc chiến giữa hai miền nam bắc VN, cuộc chiến đẫm máu nhất trong lịch sử dân tộc và là một  trong những cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại, hàng triệu người đã ngã xuống cả hai bên chiến tuyến.

Ngày tàn của một cuộc chiến tang thương nhường vậy có nên cờ hoa rực rỡ, pháo nổ đì đùng hay không?

Tôi luôn nghĩ rằng nên nhìn nhận về một  cuộc chiến đã qua ở góc độ bi tráng, tang thương, chứ không phải hào hứng, hừng hực.

Chúng ta không thể dạy lớp trẻ cảm thấy háo hức với những thứ phải trả giá đắt bằng máu và nước mắt, như vậy chỉ tạo ra một  thế hệ hiếu chiến, khát máu mà thôi.

Phải dạy lớp trẻ cảm thấu với nỗi đau của cha ông mà e ngại chiến tranh, e ngại không phải để hèn nhát, mà để cố gắng hết sức không lặp lại những đau thương ấy một lần nào nữa.

Đó là lý do thứ nhất tôi nghĩ nên coi 30/4 là quốc tang. 

Lý do thứ hai liên quan đến vấn đề HGHHDT.

Vào thời Xuân Thu, cách đây hơn 2000 năm, nhà binh pháp kiệt xuất Tôn Tử đã nhận định:

“Chiếm được thành quách mà không chiếm được lòng người thì cũng kể là thất trận”.

Một nhận định ngắn ngủi cũng đủ để ta thấy được tầm quan trọng của việc đắc nhân tâm đối với bên thắng cuộc. Vậy chúng ta đã làm gì với ngày kỉ niệm kết thúc cuộc chiến để thu phục lòng người trong suốt 40 năm qua?

Ăn mừng, ăn mừng mỗi năm một to hơn, đem chiến tích thắng ra để tung hô, tự mãn, khi cái giá phải trả là hàng triệu sinh mạng và một đất nước hoang tàn, đem bên thua cuộc là người anh em máu thịt ra để hạ bệ, xỉ vả, nhiếc móc, trong khi lúc nào cũng bô bô HGHH, có ai mà hòa hợp cho được với một kẻ miệng nam mô bụng một bồ dao găm không cơ chứ? 

Tóm lại, trách nhiệm HGHHDT nằm ở bên thắng cuộc, với tôi thì bên thua cuộc có thể ôm hận, nhưng bên thắng cuộc, nếu thực tâm HGHH, không thể ngủ mãi trong men say chiến thắng.

Đừng có suốt ngày than trách vì sao người Việt bên kia chiến tuyến cứ ôm mãi hận thù, mà hãy xem lại mình đã hành xử như thế nào trong suốt 40 năm qua.

Hãy để 30/4 là ngày tưởng nhớ vong linh của những người đã khuất, ở cả hai bên chiến tuyến, là ngày để chiêm nghiệm về những thăng trầm của đất nước. 

Lãnh đạo Việt Nam có thể học tập rất nhiều từ nước Đức, bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 thống nhất Đông Đức và Tây Đức.

Hơn 25 năm trôi qua, gần như không còn sự khác biệt giữa hai miền, kết quả của một quá trình HGHHDT tuyệt vời. Nước Đức giờ đây đã vươn lên là nền kinh tế thứ bốn trên thế giới và thứ nhất Âu châu.

Còn Việt Nam, 40 năm đã qua, chúng ta đang ở đâu? Những lãnh đạo Việt Nam, hãy tự vấn lương tâm của mình! 

Lãnh đạo Việt Nam có thể học tập người Mỹ, khi cuộc nội chiến Mỹ (1861 – 1865) kết thúc:

Chiến thắng thuộc về miền bắc, nhưng sau chiến tranh, không có chiến binh nào của bên thua cuộc miền nam phải đi học tập cải tạo. Họ được tôn trọng, tự do về nhà, lao động, cùng nhau xây dựng quê hương. Để chỉ sau đó ít năm thôi, Mỹ đã vươn lên thành siêu cường số một thế giới, liên tục hơn 100 năm cho đến tận ngày hôm nay.

Họ có nhiều hành động để HGHHDT nhưng tất cả đứng trên một suy nghĩ nhân bản:

“Khi một người Mỹ bị nhục, thì dù là Mỹ miền Nam hay Mỹ miền Bắc cũng vẫn là một người Mỹ bị sỉ nhục”.

Nếu như lãnh đạo Việt Nam hiểu được điều đơn giản:

Khi một người Việt bị nhục, thì dù là miền Nam hay là miền Bắc thì cũng vẫn là một người Việt bị sỉ nhục thì họ đã HGHHDT tốt hơn rất nhiều. 

Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn”.

Đúng là như vậy, nên chỉ cần hàng triệu người bớt vui đi một chút thì sẽ có hàng triệu người bớt buồn đi rất nhiều. 

40 năm là quá đủ để thực hiện HGHHDT thực sự!

40 năm là quá đủ để lãnh đạo Việt Nam dám nói dám làm, chứ không phải để nhân dân mãi rỉ tai nhau:

"Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì cộng sản làm!"

40 năm là quá đủ!

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam