Ảnh trái: Trẻ con ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ảnh phải: Bữa ăn của một học sinh trường Dền Thàng, Lào Cai |
Đất Nước Nhìn Từ Lào Cai
Ở nơi ấy, cho đến giờ vẫn còn hàng vạn những em nhỏ vẫn còn ăn cơm độn ngô và sắn. (Bình Nguyên - Thiện nguyện viên của Chương Trình Bữa Cơm Có Thịt).
Một cái gì đó đã phá vỡ lòng tin của con người rằng xã hội luôn luôn cố gắng đem lại sự tốt đẹp cho mình, và chính mình phải có bổn phận phải gìn giữ các công trình xã hội để mình và mọi người cùng hưởng. Người ta thẳng tay cắt dây điện để bán lấy chút tiền, có thể đốt hết một kho hàng hoá để phi tang cho một vật ăn cắp không đáng là bao… con người đối xử với xã hội thô bạo như vậy chỉ vì xã hội đã đối xử với họ tệ quá. (Phạm Xuân Đài. Hà Nội Trong Mắt Tôi. Thế Kỷ: Hoa Kỳ 1994).
Tôi chưa bao giờ được đặt chân đến Hà Nội nên cứ băn khoăn, và nghi ngại mãi về đoạn văn thượng dẫn. Thực lòng, tôi không tin rằng có ai đủ vô tâm để “thẳng tay cắt dây điện để bán lấy chút tiền” hay “đốt hết một kho hàng hoá để phi tang cho một vật ăn cắp không đáng là bao.”
Niềm tin mong manh của tôi, buồn thay, vừa mất sau khi nghe Tổng Công Ty Ðầu Tư Phát Triển Đường Cao Tốc Việt Nam (VEC) loan tin:
“Thời gian vừa qua, trên tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai do VEC làm chủ đầu tư, đã xảy ra hiện tượng mất trộm bu-lông ... Qua kiểm tra, đơn vị quản lý vận hành (VEC O&M) phát hiện một số vụ việc vừa qua chủ yếu do các cháu nhỏ tháo trộm bu-lông, hộp đệm, trụ đỡ tôn lượn sóng...”
Mẫu tin này cũng được ghi lại trên facebook với rất nhiều phản hồi. Xin ghi lại năm ba:
· Bin Bin Đm đáng bao nhiêu mà khổ sở thế
· Nguyên Tí Bần cùng sinh đạo tặc
· Thanh Liêm dân ở đó đói lắm à ?
· Quockhanh Nguyen Dung la do nhèo đói ma sinh ra vậy
· trần phúc nguyên chắc mấy người ở đó nghèo túng quá nên mới làm liều ... nghèo cũng khổ
Cứ theo Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Lào Cai thì nơi đây không phải là một nơi bần cùng, hay nghèo đói:
“Trong công cuộc tái thiết cuối những năm 90 của thế kỷ XX đến những năm đầu thế kỷ XXI, cả Lào Cai như một công trường lớn, những công trình đồ sộ hiện hình ở những nơi trước đây là rừng núi hoang vu hay bờ lau, bãi sậy... Lào Cai đã nuôi dưỡng, tạo sức bật cho nhiều doanh nghiệp và chính họ đã đóng góp sức mình khơi dậy tiềm năng, thế mạnh trên mảnh đất này.”
Tuy thế, trong thực tế, “mảnh đất tiềm năng” (tới cỡ đó) lại không có đủ khả năng nuôi dưỡng người dân của nó. Cũng như Yên Bái, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, học sinh ở nhiều trường học tại Lào Cai đều “hội đủ tiêu chuẩn” để được sự yểm trợ của Chương Trình Bữa Cơm Có Thịt.
Hãy nghe chính thiện nguyện viên của chương trình nhân đạo này nói về thực trạng của tỉnh lỵ này.
- Ông Bình Nguyên:
Ở nơi ấy, cho đến giờ vẫn còn hàng vạn những em nhỏ vẫn còn ăn cơm độn ngô và sắn. Hành trình đi tìm con chữ của các em sao nhọc nhằn quá, nhất là vào những ngày mùa đông giá rét của phương Bắc vô cùng khắc nghiệt. Thật xót xa khi nhiều người dân, các em nhỏ Việt Nam miền núi lại vẫn đang thiếu những bữa cơm có thịt cá đầy đủ chất dinh dưỡng, những cái áo ấm và tấm chăn ấm.
Bữa ăn của một học sinh trường Dền Thàng, Lào Cai. Ảnh: Dân Trí |
- Bà Phạm Ánh Ngọc:
Các em tại trường tiểu học Pà Chéo phần lớn đều đi chân đất và áo quần mỏng manh. Cả đoàn nhìn nhau không nói được gì, lặng lẽ quan sát. Có một điều là không phải đứa trẻ nào cũng ăn hết phần thức ăn được phát. Từ đầu bữa đến cuối, nó ăn một chút thức ăn thôi, còn lại, nó để dành một góc cặp lồng.
Thấy chúng tôi có vẻ thắc mắc, cô giáo trầm ngâm nói, nó để dành mang về nhà ăn bữa tối. Ở đây có những nhà có khi hàng mấy tháng trời không có được ăn chút thịt nào. Từ ngày được ăn bữa cơm có thịt, học sinh đi học đầy đủ hẳn. Có những đứa thường xuyên như thế, ở lớp nó không ăn tý thức ăn nào, bảo để dành mang về nhà cho mẹ, cho em. Tôi thấy tim mình thắt lại, cổ họng ứ nghẹn, sống mũi cay cay, tôi chạy ào ra ngoài, lau vội giọt nước mà có lẽ là lẫn cả mưa.
Trẻ con ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Phạm Ánh Ngọc |
Tôi không tin rằng những cô cậu học sinh chịu nhịn phần thịt trong bữa ăn của mình “để dành mang về nhà cho mẹ, cho em” – sau khi tan trường – lại có thể trở thành những đứa bé trộm cắp (bù long) nếu không có sự đồng tình của bố mẹ, và sự “khuyến khích” của những người mua bán vật dụng phế thải.
Tôi cũng không tin rằng giải pháp mà VEC đề xuất (“phối hợp chặt chẽ với địa phương và trường học trên địa bàn tuyên truyền học sinh tham gia bảo vệ tài sản đường cao tốc”) sẽ mang lại kết quả mong muốn. Vấn đề e không giản dị như thế, và nó đã được nhà văn Phạm Xuân Đài đề cập đến tự lâu rồi:
Một cái gì đó đã phá vỡ lòng tin của con người rằng xã hội luôn luôn cố gắng đem lại sự tốt đẹp cho mình, và chính mình phải có bổn phận phải gìn giữ các công trình xã hội để mình và mọi người cùng hưởng. Người ta thẳng tay cắt dây điện để bán lấy chút tiền, có thể đốt hết một kho hàng hoá để phi tang cho một vật ăn cắp không đáng là bao… con người đối xử với xã hội thô bạo như vậy chỉ vì xã hội đã đối xử với họ tệ quá.
Thế xã hội đã “đối xử” ra sao khiến cho người dân Lào Cai hôm nay (rồi) cũng đã trở thành “thô bạo” y như người Hà Nội vậy?
Xin đọc qua đôi dòng tin mới đây của báo Lao Động, số ra ngày 24 tháng 4 năm 2015:
“Vụ án Vinashin được xem là trọng án kinh tế, số tiền thất thoát rất lớn, riêng tiền thi hành án lên đến 1.200 tỉ đồng. Nhưng cay đắng thay, đến nay mới thi hành án được khoảng mấy chục tỉ đồng.
Mấy chục tỉ đồng của 1.200 tỉ đồng quả là quá nhỏ, nhỏ đến mức không đáng kể. Mặc dù phiên tòa kết thúc vào năm 2012, nhưng tiền tham nhũng thất thoát vẫn chưa gom về lại cho khổ chủ là Nhà nước. Biết đến bao giờ mới thu đủ 1.200 tỉ đồng đây!
Vụ án Vinashin tuy ồn ào, dữ dội ban đầu, nhưng sẽ không mấy ai còn nhớ đến số tiền phải thu lại là bao nhiêu, nhà nước có thu được không. Rốt cuộc, hàng nghìn tỉ đồng tham nhũng coi như mất gần hết. Những kẻ tham nhũng giấu hết tiền bạc của cải cho vợ con và cho mình, chờ ngày ra tù để hưởng.
Vụ Vinashin chỉ là một trong nhiều vụ án tham nhũng được phanh phui và xử lý theo pháp luật. Các vụ án khác cũng có chung tình trạng, đó là không thu hồi được tiền tham nhũng. Tòa tuyên phạt ông Phạm Thanh Bình bồi thường 500 tỉ đồng, nhưng ông không nộp một đồng thì quả là chuyện hài hước.”
Chuyện “hài ước” hơn nữa là Nhà Nước có khả năng tận thu của cải, khiến cho hàng triệu người dân lâm vào cảnh trắng tay, qua bao đợt “đánh tư sản mại bản” (vô cùng tàn khốc) nhưng lại hoàn toàn bất lực trong việc thu hồi mấy tỉ Mỹ Kim thất thoát – dù số tiền này vẫn nằm trong tay của gia đình những phạm nhân (đang) ở trong tù.
Khi quí quan phụ mẫu chi dân đồng lòng, và toa rập, biến những con tầu trị giá hàng chục triệu Mỹ Kim thành sắt vụn thì trách chi chuyện người dân Lào Cai gỡ (gạc) mấy con bù long đem bán làm đồng nát.
Hoạt cảnh này đã được ông Hà Sĩ Phu hình dung ra từ hơn một phần tư thế kỷ rồi: “Thấy cái ‘ông dẫn đường’ cầm doi kia tớp được cái đùi gà thì chúng tôi cũng phải lẳng lặng nhặt cho vợ con mình con tép riu, chứ ngu gì mà chịu chết đói?” Chỉ có điều là vị sĩ phu (của đất Hà Thành) đã không tưởng tượng “nổi” là mấy ông dẫn đường “tớp” toàn tiền tỉ, chứ đâu có phải mấy cái đùi gà?
Từ già đến trẻ, từ lớn tới bé, từ miền xuôi lên miền ngược – tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân – mọi người đều sẵn sàng “thẳng tay cắt dây điện để bán lấy chút tiền, có thể đốt hết một kho hàng hoá để phi tang cho một vật ăn cắp không đáng là bao.” Đây phải chăng là thành quả (hay hệ quả) sau ba phần tư thế kỷ xây dựng XHCN ở Việt Nam?