Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Cả nước phì cười

Kim Đạt bị bắt ngày 7-7 tại Singapore sau hơn 1.800 ngày trốn truy nã.
Văn Quang - Vụ Giang Kim Đạt chỉ với chức vụ nhỏ, trong thời gian ngắn và với vài dự án mà đã có thể kiếm chác hơn 18,6 triệu USD của nhà nước vừa bị bắt và khui ra trước công luận khiến dư luận tại VN nổi sóng ba đào. Báo chí lề phải, lề trái cùng người dân bàn tán rôm rả những đề tài xung quanh câu chuyện này.

Nhưng có một chuyện cũng được mang ra công bố trong thời gian này đó là báo cáo của Thanh tra Chính phủ. Theo báo cáo này tính đến ngày 31/5/2015 trong tổng số 995.383 người kê khai tài sản thu nhập thì chỉ có 4 người kê khai không trung thực. Một con số quá lý tưởng. Nó cho dư luận thấy việc kê khai tài sản thu nhập rất “nghiêm túc”, 4 người gian dối so với gần một triệu người kê khai thì tỉ lệ coi như không có. 

Chỉ cần đọc đến đây thôi bất cứ người dân lương thiện nào cũng phải phì cười. Tất nhiên các quan tham còn đương chức đương quyền và những quan đã “hạ cánh an toàn” thấy khoái chí vì sự làm việc “cần mẫn” của các ông Thanh tra Chính phủ. Bởi các ông ấy đã chịu khó lục lọi hàng triệu hồ sơ kê khai tài sản vốn rất lôi thôi, phức tạp của hầu hết các quan chức từ cấp phó trưởng phòng trở lên cho đến các quan chức trong chính phủ. Đúng là một công việc quá khó, quá mệt với hàng đống hồ sơ cao như trái núi. Thế mà chỉ tìm ra có 4 ông kê khai không trung thực và 2 ông đã bị kỷ luật, chả biết là kỷ luật như thế nào. 

Chắc cũng lại “phê bình, kiểm điểm, rút kinh nghiệm” là xong. Làm thế cho nó nhàn chứ khép các ông này vào tội gì bây giờ? Chỉ là kê khai “nhầm” thôi mà có gì chứng minh là tham nhũng đâu. 


Báo cáo tiếp tay cho tham nhũng lộng hành

Vậy là việc kê khai tài sản thu nhập của các quan chức năng như thế là thành công. Như thế tham nhũng sẽ bị diệt hết trơn, bởi tài sản đã được kê “trung thực” rồi. Thế mà theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố xếp hạng thường niên về tham nhũng trên thế giới thì Việt Nam đứng ở vị trí thứ 116/177 quốc gia được xếp hạng. Theo Trace International, một cơ quan nghiên cứu và theo dõi nạn hối lộ thì cuộc khảo sát năm 2014 chấm điểm 197 quốc gia trên thế giới thì Việt Nam đứng hạng 188 với 82/100 điểm, thuộc nhóm 10 quốc gia tham nhũng nhất thế giới. 

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ (TTCP) chẳng khác nào bênh vực cho tham nhũng lộng hành. Nếu hỏi bất cứ người dân VN nào về con số 4 người không trung thực trên một triệu người kê khai tài sản có đáng tin cậy không? Chắc chắn sẽ có 99,9% người lắc đầu quầy quậy “Thế mà cũng báo cáo, báo cầy được!” Vậy ai tham nhũng, tham nhũng ở đâu? Có một phản tác dụng thấy rõ là người dân hoang mang bởi những bản kê khai tham nhũng của những “thế lực thù địch” nào là ông này có hàng tỉ đô la ở Thụy Sĩ, ông kia có năm bảy trăm triệu đô la đứng tên ai, ở đâu… Người dân tin vào đâu bây giờ? Thế nên chuyện đó cứ âm thầm lan truyền trong dân chúng. Tại sao không công khai bản kê khai tài sản của quan chức cho người dân biết?


Nhân dân chẳng thấy mặt mũi bản kê khai của ông nào

Thật ra, cũng theo báo cáo của TTCP, 98,4% bản kê khai đã được công khai bằng các hình thức niêm yết hoặc công bố. Không rõ niêm yết, công bố ở đâu chứ dân thường chúng tôi quả thực chưa hề thấy mặt mũi cái bản kê khai của các quan chức như thế nào (theo báo Kiến Thức). Quả thật vậy, tôi ở VN bao nhiêu năm mà chưa từng thấy mặt mũi cái bản kê khai ấy ra sao chứ đừng nói đến bản kê khai của mấy ông ngay trong phường, trong quận, trong thành phố Sài Gòn, nơi tôi cư ngụ. 

Dân chỉ thấy nhà cửa, đất đai, biệt thự của họ cứ mọc lên ngày một nhiều, chình ình ra đấy, nếu quy ra tiền thì giá trị phải bằng vài trăm năm tiền lương của một công chức. Tài sản khủng ấy ở đâu ra? Câu trả lời lại cùng một kiểu nguồn gốc: Vợ con làm ra, ông bà để lại, người nhà ở nước ngoài gửi về! Kê xong rồi nội bộ các ông tự thông qua với nhau, chẳng ai dại vạch áo cho người xem lưng. Những tài sản khổng lồ đó cứ nghiễm nhiên thách thức dư luận.


Nhịn cười không nổi

Trường hợp đầu tiên phải nhắc đến là ông nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền có khối tài sản khủng trị giá khoảng vài chục triệu USD, không biết khi đương chức đương quyền ông kê khai thế nào, có trung thực hay không?

Ông Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cũng có một khối tài sản khổng lồ mà đến lương Bộ trưởng còm cọm tích lũy cả đời cũng khó mà có được. 

Rồi là ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương có tới trên 100ha đất rừng cao su, tài sản dinh thự lộng lẫy và đất rừng trị giá hàng trăm tỷ đồng, thu nhập từ rừng hàng chục tỷ đồng/năm liệu có kê khai đầy đủ không, có trung thực không? 

Ở tỉnh Hà Giang cũng có những trường hợp Chủ tịch UBND, Phó Bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo ban ngành của tỉnh cũng ôm một khối tài sản nhà cửa có giá trị lớn, nguyên liệu làm nhà toàn bằng gỗ quý, loại bị cấm khai thác không biết có trung thực, có nhớ để kê khai hay không? 

Vậy những con số mà ông Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đưa ra làm sao có sức thuyết phục, làm sao mà dân tin được? Người dân có quyền đặt ra câu hỏi còn bao nhiêu ông kê khai tài sản không trung thực nữa, tất nhiên con số đó nhắm vào hơn 90% ông đã kê khai tài sản mà người dân hoàn toàn mù tịt. Nếu các ông đưa ra con số tạm chấp nhận được như khoảng 20-30% còn đỡ buồn cười chứ đưa ra những con số “quá đẹp” là 04/1 triệu như vậy, dân nhịn cười làm sao được!


Chính vì người dân tố cáo kê khai tài sản gian dối nên mới có vụ Giang Kim Đạt

Một cán bộ cấp trưởng phòng, trong vòng 2 năm tham ô của nhà nước 18,6 triệu USD nhưng không bị phát hiện. Tại sao Giang Kim Đạt có thể thực hiện trót lọt hành vi của mình dễ dàng. Theo Nghị định của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, ở doanh nghiệp có vốn nhà nước, cán bộ cấp phó trưởng phòng trở lên buộc phải kê khai tài sản. Như vậy, là trưởng phòng, Giang Kim Đạt cũng thuộc diện phải kê khai tài sản và thu nhập. Thế nhưng, những gì đã diễn ra cho thấy quy định này không được thực thi hoặc được thực thi qua loa cho có thôi. 

Theo luật sư Nguyễn Văn Đức: “Hệ thống quản lý, theo dõi của chúng ta dày đặc, tầng tầng lớp lớp mà tại sao không biết? Buôn lậu, làm hàng giả, đánh bạc, mại dâm, ma túy, nghiện hút, tham nhũng…, việc gì dân ta cũng biết nhưng chưa được tạo cơ chế, điều kiện để tham gia phòng chống tham nhũng, thậm chí có khi còn bị vô hiệu hóa. Tiền mặt, kim cương, vàng bạc thì có thể giấu giếm, lén lút, chứ nhà đất và tài khoản thì quá dễ phát hiện. Nhiều vụ như thế rồi thì phải xem xét và sửa lại lỗi hệ thống, cốt lõi, gốc rễ, chứ đừng loay hoay với cái lá, cái ngọn”.


Từ vụ tham nhũng lớn nhất nước Vinashin

Rất nhiều chi tiết trong vụ Giang Kim Đạt bỏ túi hơn 16 triệu đô la, ở đây, tôi chỉ tóm tắt những sự kiện chính:

Vụ án Vinashin đã từng gây rúng động trong thời gian mấy năm vừa qua, không một người dân VN nào không biết. Vụ án đã làm thiệt hại của dân ít nhất 550 tỉ đồng. 

Tập đoàn Vinashin một thời dậy sóng vì đã làm hại dân hại nước 550 tỉ đồng. 

Tài sản có giá trị hơn 1.000 tỉ đồng, đầu tư gốc 1.600 tỉ nhưng hiện nhiều con tàu của Vinashinlines đang đứng trước khả năng phải bán với giá sắt vụn. Cụ thể, do không còn nguồn thu để duy trì tình trạng an toàn tối thiểu nên các giấy chứng nhận an toàn sẽ hết hiệu lực. Khi đó, chỉ có thể bán với giá sắt vụn chứ không thể bán với giá tàu còn khai thác. 

Tàu Hoa Sen của Vinashin ế khách, nợ lương nhân viên hàng tỷ đồng. 
Ngoài ra, riêng tiền trông coi bảo quản tối thiểu cho mỗi con tàu cũng đã ngốn thêm trên dưới 400 triệu đồng mỗi tháng và 7 tàu có nguy cơ thành sắt vụn của Vinashinlines như tàu Lash, Tàu Green Sea, Tàu Vinashin Liner 1 và 2, Tàu Cái Lân 4, Tàu New Energy,Tàu New Sun.

Hầu hết 9 ông lớn của Vinashin bị bắt và bị truy tố, nhưng Giang Kim Đạt nhanh chân trốn thoát. Cựu Chủ tịch Vinashin bị thu hồi 500 tỉ đồng nhưng chưa thi hành án được đồng nào. Xác minh tài sản thì coi như tay trắng, muốn thu hồi cũng không biết lấy gì để thu hồi.

9 ông lớn Vinashin ra trước tòa lãnh án. 

Giang Kim Đạt là ai?

Giang Kim Đạt (SN 1977, quê quán huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), nguyên quyền trưởng phòng Kinh doanh của Công ty Vận tải Viễn Dương Vinashin (Vinashinlines), là đối tượng chính trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin). 

Vụ án này được Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an khởi tố ngày 23-8-2010. Trước khi khởi tố vụ án, Giang Kim Đạt đã bỏ trốn ra nước ngoài. Ngay sau đó, Cơ quan An ninh điều tra đã phát lệnh truy nã đặc biệt. Bộ Công an đã phối hợp với Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) và cơ quan thực thi pháp luật các nước liên quan để truy bắt.


Giang Kim Đạt sống cực kỳ sang trọng ở Singapore

Theo xác minh của Cục An ninh kinh tế, gia đình Đạt có tới 40 biệt thự, căn nhà cao cấp, đất đai vị trí “vàng” trên khắp cả nước cùng nhiều xe hơi đắt tiền. Khối tài sản lớn đứng tên gia đình Đạt đều có từ sau thời gian Đạt làm việc tại Vinashinlines, đảm nhận cương vị trưởng phòng kinh doanh.

Kim Đạt bị bắt ngày 7-7 tại Singapore sau hơn 1.800 ngày trốn truy nã.
Đầu năm 2015, sau nhiều ngày xác minh, truy xét, cơ quan điều tra đã biết được Đạt đang lẩn trốn ở nước ngoài. Lần theo dấu vết của Đạt, cơ quan điều tra đã xác định được Đạt đã bỏ trốn sang Singapore, Thái Lan, Trung Quốc và một số nước khác. Vốn có sẵn tiền trong nhiều tài khoản nước ngoài, khi bỏ trốn, Đạt vung tay tiêu xài như đi du lịch. Sang Singapore không lâu, Đạt đã mạnh tay mua một căn nhà cao cấp với giá 3,6 triệu USD. Thậm chí, trong thời gian này, Đạt có quan hệ tình cảm với một số người... (chắc là toàn người đẹp cẳng dài).


Khởi tố và bắt giam Giang Văn Hiền - cha của Giang Kim Đạt 

Sau khi bỏ trốn ra nước ngoài, Đạt yêu cầu các công ty “đối tác” mà Đạt là đại diện Vinashinlines ký kết hợp đồng phải chuyển toàn bộ số ngoại tệ như đã thoả thuận trước đó vào nhiều tài khoản mang tên bố đẻ của Đạt là Giang Văn Hiển, 65 tuổi, ở tại quận 2, TP Sài Gòn, cán bộ hưu trí. Sau đó, ông Hiển rút tiền để mua bán bất động sản và nhiều tài sản khác. 

Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Giang Văn Hiển về tội “chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. 

Đến nay, cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã xác minh, kê biên khoảng 30 bất động sản, bao gồm: nhà ở, biệt thự, đất đai chủ yếu ở TP Sài Gòn; Hà Nội; TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà… Đây là những bất động sản đứng tên ông Hiển và người thân trong gia đình, hoặc nhờ người khác đứng tên, thu hồi tài sản cho nhà nước. 

Người dân có quyền đặt ra nghi vấn: Còn bao nhiêu Giang Kim Đạt và bố Đạt cùng anh chị em họ hàng nhà Đạt nữa đang sống ung dung trên đầu trên cổ dân nghèo rớt mồng tơi với những thuế phí và cuộc sống đầy bất an? 

Viết từ Sài Gòn ngày 27.07.2015 

Văn Quang

Source: Blog Khai Dân Trí