Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

«Tòa án nhân dân» Trần Nhật Quang và những bi hài của nền tư pháp xã hội chủ nghĩa

Dư luận viên Trần Nhật Quang xuất hiện trong cuộc biểu tình đòi trả tự do cho chị Bùi Thị Minh Hằng vào sáng hôm 23/3/2014 tại Hà Nội. Photo: danchunglambao
Nguyễn Thị Từ Huy - Vụ phe nhóm Trần Nhật Quang tấn công Nguyễn Lân Thắng và gia đình một lần nữa cho thấy chính quyền đương nhiệm muốn quay trở lại sử dụng một số biện pháp của chủ nghĩa toàn trị thời kỳ đầu, thời kỳ đẫm máu và tàn bạo với các vụ thanh trừng và giết người hàng loạt mà Việt Nam cũng không tránh khỏi, được thể hiện qua những vụ thanh trừng Nhân văn Giai phẩm và cải cách ruộng đất.

Vài năm nay dồn dập các vụ thanh trừng được thông báo rộng rãi trên các phương tiện tuyên truyền của nhà nước, mục đích của những vụ khủng bố này là để nhấn chìm toàn xã hội trong không khí sợ hãi, có thể nêu một số vụ việc : vụ Nhã Thuyên (giáo dục/văn học), vụ Kim Quốc Hoa (báo chí), vụ Nguyễn Đăng Trừng (luật), và gần đây nhất là vụ Đỗ Hùng (báo chí).

Và chỉ mới cách đây mấy ngày, xuất hiện nhóm «phản ứng nhanh tự phát» của Trần Nhật Quang. Dĩ nhiên, những người có biết chút ít lịch sử đều thấy ngay sáng kiến này (của ông Quang ?) được lấy cảm hứng từ hình thức toà án nhân dân thời kỳ cải cách ruộng đất.

Mô hình của nhóm này thực chất là mô hình «tòa án nhân dân» tự phát đã được sử dụng trong cải cách ruộng đất. Mô hình đó để cho người dân tự đứng ra thành lập các nhóm tự phát với mục đích là tố cáo, kết tội, và xử tội. Tuy lần này không có màn xử tội, không có giết chóc (mặc dù không thiếu đe doạ, hành hung, theo kiểu sân khấu hề kịch, pha lẫn kịch hài dân gian và trí tuệ đỉnh cao xã hội chủ nghĩa), nhưng mục đích của toà án nhân dân tự phát do ông Trần Nhật Quang lập ra là nhằm kết tội Nguyễn Lân Thắng cùng những người bị ông ta xếp vào loại "phản động". Và bi hài thay, ông ta cho rằng ông ta đang làm cái điều mà "chính quyền không làm được" (tôi trích nguyên văn lời ông ta).

Điều mà chúng ta, khán giả của vở bi hài kịch « toà án nhân dân Trần Nhật Quang », có thể chắc chắn, đó là : « phiên toà » của ông Quang không hề tự phát, nó được dàn dựng công phu và được cho phép. Nếu hoàn toàn tự phát và không được phép của những người có thẩm quyền thì hẳn giờ này nhóm « quần chúng tự phát » của ông Quang đã phải bị công an bắt giữ và xét hỏi, vì hành động ấy không phù hợp với luật pháp Việt Nam hiện tại.

Chúng ta cần hiểu rằng, sở dĩ vụ cải cách ruộng đất có thể diễn ra vì đó là một thời điểm đặc biệt của Việt Nam và của quốc tế. Châu Âu vừa qua khỏi đêm đen của chủ nghĩa toàn trị Đức Quốc xã, nhưng một nửa thế giới đang chìm trong thời thắng thế của toàn trị cộng sản. Còn Việt Nam, quốc gia non trẻ thành lập năm 1945, một năm sau ban hành hiến pháp, nhưng mãi đến năm 1985 mới có bộ luật hình sự đầu tiên, và mười năm sau, 1995, bộ luật dân sự đầu tiên mới được Quốc hội thông qua và đến tháng 7 năm 1996 mới có hiệu lực. Thời kỳ cải cách ruộng đất, bạo lực cách mạng lên ngôi, xã hội không được quản lý bằng luật. Vì thế mới có thể xảy ra việc chỉ cần người đứng đầu quốc gia quyết định giết những người thuộc thành phần địa chủ thì cả nước phải thi hành quyết định đó, và mới có thể xảy ra việc các « toà án nhân dân » được lập ra một cách tự phát, xét xử kết tội và tử hình không cần bằng chứng và không cần các thủ tục pháp lý, chỉ cần có người tố cáo là được.

Bối cảnh quốc tế và Việt Nam ở thập niên thứ hai của thế kỷ XXI này không cho phép diễn ra vụ việc tương tự cải cách ruộng đất.

Vậy mà «toà án nhân dân » của ông Trần Nhật Quang vẫn được lập ra ! Tình huống này quả là vừa bi đát vừa hài hước cho nền tư pháp Việt Nam. Có quá nhiều điều thú vị nếu ai đó định làm thao tác diễn giải vụ này.

Ông Thắng và gia đình hoàn toàn có thể dựa vào Bộ luật Việt Nam hiện hành để kiện ông Quang và nhóm « toà án nhân dân » của ông ta ra toà. Ông Thắng đã có đầy đủ bằng chứng để làm việc đó. Vụ kiện này có thể sẽ góp phần minh định bản chất của luật pháp Việt Nam thời xã hội chủ nghĩa. Nó cũng có thể sẽ đi vào lịch sử của ngành tư pháp quốc tế như một trường hợp đặc biệt có nhiều ý nghĩa, trở thành một « trường hợp nghiên cứu » (cas d’étude) thú vị.

Tôi ghi lại dưới đây phát ngôn của Trần Nhật Quang, làm tư liệu cho những ai muốn nghiên cứu để hiểu vận hành của xã hội Việt Nam đương đại (cá nhân tôi nhìn thấy rất nhiều điều ở vụ việc này, tôi sẽ trở lại vào một dịp khác) :

«Chúng tôi, một nhóm người dân ở Hà Nội, không liên quan đến chính quyền, đã thành lập nhóm phản ứng nhanh của người dân nhằm săn lùng những tên vi phạm một trong ba tiêu chí sau đây : 1/ Xúc phạm tổ quốc và lá cờ thiêng liêng của tổ quốc, nơi công cộng. 2/ Xúc phạm các anh hùng dân tộc và lãnh tụ anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh, nơi công cộng. 3/Ca ngợi vinh danh chế độ tay sai bán nước ngụy- Việt Nam Cộng Hòa, nơi công cộng. Phạm vi săn lùng là nơi công cộng, trên đường phố, nhà riêng, hoặc nơi đối tượng đang làm việc hay là đang sinh hoạt. Mục đích là để hỏi tội. Phương pháp : 1/ Bắt xin nỗi (lỗi) vì tội tuyên truyền láo xược, nơi công cộng. 2/ Vạch tội và thông báo với chính quyền, nhân thân và hàng xóm láng giềng nơi sở tại của Nguyễn Lân Thắng nói riêng cũng như bọn phản động nói chung. Với tinh thần : chính quyền làm những việc người dân không làm được. Ngược lại, người dân chúng tôi sẽ làm những việc mà chính quyền không làm được. 3/ Chúng tôi sẽ không vi phạm pháp luật hình sự để gây khó khăn cho chính quyền : không đánh chết, không gây thương tích, không giam giữ đối tượng. Trước mắt chúng tôi mở chiến dịch « một tháng săn lùng hỏi tội Nguyễn Lân Thắng và những tên phản động xúc phạm chủ tịch Hồ Chí Minh. Đề nghị người dân cả nước : 1/ Hãy liên hệ với nhóm phản ứng nhanh của người dân thủ đô Hà Nội chúng tôi. 2/ Phát hiện Nguyễn Lân Thắng và những tên phản động khác ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ Việt Nam, hãy gọi điện thoại cho chúng tôi và gọi điện cho nhau để cùng hỏi tội bọn chúng tại chỗ. 3/ Đề nghị mỗi tỉnh thành các bạn cũng nên lập nhóm.»

Quý độc giả có thể đối chiếu với vidéo clip được giới thiệu trong bài của Nguyễn Tường Thụy, tại link này :https://www.rfavietnam.com/node/2866

Paris, 28/10/2015

Nguyễn Thị Từ Huy

Source: RFA