Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

Việt Nam khó chọn được người tài?

Việc lựa chọn, bổ nhiệm quan chức lãnh đạo chính quyền, đảng và nhà nước với xu hướng được cho là 'thái tử đảng', 'hạt giống đỏ', 'con ông, cháu cha, hậu duệ' ở Việt Nam đang 'báo hiệu một thời kỳ yếu' của Đảng Cộng sản VN mà 'chắc chắn không chọn ra được nhân tài', theo một số ý kiến quan sát từ Hà Nội và Sài Gòn.

Trao đổi với BBC hôm 17/10/2015, sau khi một loạt các kết quả nhân sự từ các đại hội đảng bộ ở các tỉnh, thành tổ chức trước Đại hội toàn thể của Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12, cho thấy con cái, người thân của nhiều lãnh đạo cao cấp trong Đảng ở Việt Nam được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo lớp kế cận quan trọng, trong đó có các cương vị như Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy các địa phương quan trọng, nhà báo, blogger Hùynh Ngọc Chênh, từ Sài Gòn nói:

"Đang rộ lên chuyện đưa các 'Hạt giống đỏ' hay là người ta gọi là 'Thái tử Đảng' vào các vị trí quan trọng của Đảng, mà trước hết là nằm ở các địa phương, mới đầu từ các địa phương.
Nó lộ ra một điều như thế này tức là phát triển nhân sự lãnh đạo nhà nước, nhân sự cho cán bộ nhà nước, cán bộ đảng, thì trước hết người ta nhắm vào chính gia đình của họ.
Nhà báo, blogger Huỳnh Ngọc Chênh
"Ví dụ như ông (Nguyễn) Xuân Anh ở Đà Nẵng, ông (Nguyễn) Thanh Nghị ở Kiên Giang, rồi ông (Nguyễn) Minh Triết ở Bình Định, rồi một loạt những Thái tử Đảng khác đang đưa lên ở những chức vụ nhỏ hơn tí như Giám đốc Sở chẳng hạn.

"Nó lộ ra một điều như thế này tức là phát triển nhân sự lãnh đạo nhà nước, nhân sự cho cán bộ nhà nước, cán bộ đảng, thì trước hết người ta nhắm vào chính gia đình của họ.

Vua ở trung ương thì có quyền theo kiểu trung ương mà vua ở địa phương thì có quyền theo kiểu địa phương. Và họ nhắm phát triển lực lượng của họ, thì họ nhắm vào con cái của họ... vào hậu duệ là trước Nhà báo, blogger Huỳnh Ngọc Chênh

"Sau đó thì mới nhắm ra các đảng viên bình thường khác, đó là cung cách phát triển nhân sự của đảng cộng sản Việt Nam từ trước tới giờ, nó vẫn ưu tiên cho con cái trong gia đình, người ta gọi là ưu tiên cho truyền thống.

"Và trong dân gian cũng có câu là nhất là hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn rồi mới tới trí tuệ và tôi nghĩ nó cũng đúng luôn trong tình hình này, và bây giờ nó lộ rõ một cách rất công khai và không thể che đậy được nữa," cựu Thư ký Tòa soạn báo Thanh Niên nói.

'Báo hiệu thời kỳ yếu?'

Từ Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nhà phân tích chính trị, xã hội và vận động cho xã hội dân sự nêu nhận định:

"Về các Thái tử Đảng thì đã thấy rõ thí dụ như con cả ông Nguyễn Tấn Dũng, Bí thư tỉnh ủy ở một tỉnh ở Đồng Bằng sông Cửu Long (Kiên Giang), thì chắc chắn sẽ vào Trung ương chính thức chứ không phải là dự khuyết như khóa trước nữa.

"Rồi con một ông cựu Ủy viên Bộ chính trị khóa trước (ông Nguyễn Văn Chi) làm Bí thư thứ nhất của (thành Ủy) Đà Nẵng, ông (Nguyễn Xuân) Anh 39 tuổi, chắc chắn cũng sẽ vào Trung ương v.v...
Nó là một dấu hiệu của một sự cạnh tranh, một sự lựa chọn nhân sự hết sức không lành mạnh ở trong bộ máy của Đảng Cộng sản. Và như thế nó báo hiệu một thời kỳ yếu chứ không phải là mạnh.
TS. Nguyễn Quang A
"Nó có một điểm mà dư luận khá là bức xúc là chưa bao giờ trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà các Thái tử Đảng được dồn dập cất nhắc và bầu trọn như thế."

Theo Tiến sỹ Quang A, việc lựa chọn theo hình thức trên cho thấy những chỉ dấu mà ông gọi là 'yếu đi', 'không lành mạnh' của Đảng Cộng sản và chính quyền.

Ông nói: "Nó là một dấu hiệu của một sự cạnh tranh, một sự lựa chọn nhân sự hết sức không lành mạnh ở trong bộ máy của Đảng Cộng sản.

"Và như thế nó báo hiệu một thời kỳ yếu chứ không phải là mạnh."

Bản lĩnh, không đơn giản?

Nó là một dấu hiệu của một sự cạnh tranh, một sự lựa chọn nhân sự hết sức không lành mạnh ở trong bộ máy của Đảng Cộng sản. Và như thế nó báo hiệu một thời kỳ yếu chứ không phải là mạnhTiến sỹ Nguyễn Quang A

Tin cho hay tại Đại hội Đảng bộ của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh vừa diễn ra, trong số hai 'người thân' của Bí thư thành ủy Lê Thanh Hải, đã không có ai được bầu vào các vị trí cao để có thể được 'cơ cấu' tiếp vào các chức vụ lãnh đạo cao trong khóa tới ở Đảng bộ Thành phố này.

Trước nhận định cho rằng có thể việc này diễn ra ngoài dự đoán, kỳ vọng vì Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh 'không phải là nơi đơn giản' hoặc đây là một có thể là một 'đảng bộ có bản lĩnh', TS. Quang A bình luận tiếp:

"Tôi nghĩ không phải là như vậy, bởi vì ông con của ông bí thư thành ủy đảng cộng sản TP. Hồ Chí Minh bây giờ, ông ấy (Lê Trương Hải Hiếu) vừa xuất hiện cách đây mấy tháng, lên ở một quận, thì tôi nghĩ rằng nó chưa đủ kín để cho người ta nhét (cơ cấu) vào.

"Chứ không phải đấy là một dự định mà không được thực hiện, tôi nghĩ là như vậy," nhà quan sát và vận động cho xã hội dân sự từ Hà Nội nêu quan điểm.

Về kết quả Đại hội của Đảng này, từ Sài Gòn, nhà báo, blogger Huỳnh Ngọc Chênh bình luận mang tính phỏng đoán, suy luận:

"Về Đại hội của Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh, tôi thấy thế này, có lẽ là ông (bí thư Lê Thanh) Hải sẽ không còn làm Bí thư thành ủy ở đó nữa và Bí thư thành ủy ở đó thì phải là người vào Bộ Chính trị, cho nên bây giờ người ta sắp xếp tới bốn Phó Bí thư.

"Và chờ đến đại hội 12 thì một trong bốn Phó Bí thư đó sẽ được bầu vào Bộ Chính trị và người đó sẽ trở thành Bí thư của Thành ủy thay cho ông Hải và vì như vậy tôi nghĩ đợt này ông Hải ông ấy sẽ nghỉ. Và ông đã nghỉ thì ông không đủ lực.

"Thường thì các Ủy viên Bộ Chính trị có thể theo xu hướng bây giờ có thể bố trí con cái mình vào những vị trí này, vị trí khác, nhưng vừa rồi ông không bố trí được con ông ấy vào Thành ủy, thì có nghĩa rằng ông ấy được suy luận rằng ông ấy được suy luận rằng ông ấy 'bị thất thế' rồi."

Trở lại với vấn đề được cho là khuynh hướng lựa chọn, bổ nhiệm lãnh đạo, quan chức nhà nước, đảng và chính quyền theo lối ư tiên 'thái tử đảng, hạt giống đỏ', ông Huỳnh Ngọc Chênh bình luận:

"E rằng cách làm như vậy không chọn ra được nhân tài, chắc chắn chứ không phải là e rằng, chắc chắn là sẽ không chọn ra được nhân tài đích thực để thay thế cho tầng lớp lãnh đạo cũ," blogger nói với BBC.

Chỉ thay đổi chút ít?

Cũng hôm 17/10, trong một bình luận trên trang Facebook cá nhân của mình, bình luận tin tức liên quan tới bầu chọn nhân sự ở Đại hội Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh, nhà báo, blogger Huy Đức, viết:

"Tuy chỉ làm thay đổi chút ít (đánh rớt em trai và con Ủy viên BCT Lê Thanh Hải, trong kỳ này; đánh rớt Nguyễn Thanh Nghị, con trai Thủ tướng trong kỳ trước), các đại biểu dự Đại hội Đại biểu Thành phố (Hồ Chí Minh) đã cho thấy, nhiều người trong họ cũng "biết xấu hổ", nhà báo Huy Đức viết.

Tuy chỉ làm thay đổi chút ít (đánh rớt em trai và con Ủy viên BCT Lê Thanh Hải, trong kỳ này; đánh rớt Nguyễn Thanh Nghị, con trai Thủ tướng trong kỳ trước), các đại biểu dự Đại hội Đại biểu TPHCM đã cho thấy, nhiều người trong họ cũng "biết xấu hổ.
Blogger, nhà báo Huy Đức

Trên đây là nhận định, bình luận của một số nhà báo, blogger, nhà quan sát từ Việt Nam, các Đại hội cấp cơ sở chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn đang diễn ra và công việc chuẩn bị nhân sự cao cấp của Đảng Cộng sản vẫn chưa hoàn tất, ít nhất là cho tới trước khi Đại hội Đảng lần thứ 12 được dự kiến diễn ra đầu sang năm.

Gần đây, nhiều cơ quan báo chí, truyền thông chính thức của nhà nước và đảng cộng sản đã đưa ra các phản ánh ít nhiều về việc chuẩn bị nhân sự của Đảng và cho thấy việc chuẩn bị đang diễn ra 'tích cực, nghiêm túc', cũng như đã rút kinh nghiệm từ các Đại hội đảng các cấp từ trước.

Một dự thảo báo cáo chính trị của Đảng Cộng sản trình Đại hội 12 được đưa ra góp ý kiến trước toàn dân và toàn xã hội thời gian gần đây cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới, tăng cường chất lượng trong công tác lựa chọn, bổ nhiệm đội ngũ quan nhà nước và chính quyền.

Trong nội dung về 'Chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức', Dự thảo này viết:

"Đảng tập trung lãnh đạo về đường lối, chủ trương, xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn, cơ chế, chính sách cụ thể. Đẩy mạnh dân chủ hoá công tác cán bộ, quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi tổ chức, mỗi cấp trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới.

"Thực hiện thí điểm dân trực tiếp bầu một số chức danh ở cơ sở và ở cấp huyện; mở rộng đối tượng thi tuyển chức danh cán bộ quản lý. Hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi công vụ; xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính.

Source: BBC