Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

Cú giáng vào nỗ lực TPP của Việt Nam?

Bà Đỗ Thị Minh Hạnh bị nhiều người đàn ông đánh vào đầu và mặt khi bà đi bảo vệ quyền lợi cho các công nhân ở Đồng Nai.
VOA - Một nhà hoạt động trong nước cho biết bà đã bị “bóp cổ” và “đánh vào đầu” khi tới bảo vệ quyền lợi cho các công nhân “thấp cổ bé họng” ở Đồng Nai, giữa bối cảnh nhiều nhà lập pháp Mỹ bày tỏ hoài nghi về TPP, nhất là vấn đề công đoàn độc lập ở Việt Nam.

Hôm qua (23/11), bà Đỗ Thị Minh Hạnh cùng ký giả tự do Trương Minh Đức tới trao đổi với hàng chục công nhân của một công ty nước ngoài hoạt động ở Việt Nam về việc họ bị “chấm dứt hợp đồng và bị sa thải trái pháp luật”, nhưng cuộc gặp đã nhanh chóng bị giải tán.

Bà Hạnh và ông Đức sau đó đã bị áp giải tới một đồn công an và bị câu lưu trong nhiều tiếng đồng hồ, trước khi được các nhà hoạt động khác tới “giải cứu”.

Người phụ nữ từng nhiều lần lên tiếng đòi quyền lợi cho công nhân kể lại sự việc với VOA Việt Ngữ:

“Tôi đã bị giam hơn 13 tiếng đồng hồ ở trong đồn công an ở Đồng Nai, và họ không đưa ra một lý do bắt tôi vào đó. Tuy nhiên, vào một giờ sáng thì họ đưa ra một văn bản vi phạm hành chính và bắt tôi ký vào, nhưng mà tôi dứt khoát không ký vào cái đó. Tôi chỉ là một nạn nhân đang chịu sự bắt bớ trái pháp luật, chịu sự đánh đập trái pháp luật. Khi ở chỗ công nhân, họ đã lôi kéo và cởi áo của tôi ra, nhưng mà may hai cái tay áo còn dính, nên áo của tôi vẫn còn trên cơ thể. Đó là cái thứ nhất. Cái thứ hai, khi họ áp tải trên xe, một tay họ bẻ quặt ra sau và một tay họ bóp cổ để giữ tôi trên xe. Và song song chiếc xe của tôi có một người khác, liên tục đánh vào đầu, vào mặt tôi. Trên đoạn đường vắng, họ dừng lại, họ bảo đánh tôi mềm ra rồi mới đưa về đồn, và nơi đây tôi đã bị đánh rất dã man của năm người đàn ông”.

VOA Việt Ngữ không thể liên lạc để phỏng vấn với lãnh đạo công an phường Long Bình, Đồng Nai, nơi bà Hạnh và ông Đức bị tạm giữ.

Tin cho hay, tài sản cá nhân cũng như các tờ rơi của tổ chức độc lập có tên gọi Lao Động Việt, mà hai người này là các thành viên sáng lập, đã bị tịch thu.

Sự việc xảy ra hơn một tháng sau khi 12 nước, trong đó có Việt Nam, hoàn tất việc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP), và được chuyển cho quốc hội các nước xem xét, thông qua.
Trường hợp của Minh Hạnh bị đánh vào ngày hôm trước là một minh chứng cho việc ngăn cản, tổ chức thành lập các nghiệp đoàn độc lập tại Việt Nam. Sự ký kết của Việt Nam trong hiệp định TPP mực còn chưa khô vậy mà họ đã ra tay, thẳng tay đàn áp công nhân như vậy.
Bà Đỗ Thị Minh Hạnh.
Toàn văn của hiệp định này đã được công bố hồi đầu tháng này, trong đó có kế hoạch của Mỹ và Việt Nam về việc tăng cường quan hệ thương mại và lao động.

Nhiều nhà lập pháp Hoa Kỳ phản đối TPP vì lo ngại công ăn việc làm của người Mỹ sẽ rơi vào tay người dân các nước khác, cũng như quan ngại về vấn đề quyền lợi của người lao động ở nhiều nước tham gia TPP, trong đó có Việt Nam.

Về vấn đề công đoàn độc lập khi Việt Nam gia nhập TPP, nhà hoạt động xã hội Đỗ Thị Minh Hạnh nói:

“Những điều khoản TPP đã mở ra một thế giới mới cho các liên đoàn độc lập tại Việt Nam, những công đoàn độc lập tại Việt Nam, cho các công nhân, những người thấp cổ bé họng, người ta không thể nào đủ lời ăn, tiếng nói để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người ta, trong khi các cơ quan chức năng như Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hay những công đoàn của công ty thì thường đứng về phía giới chủ. Trường hợp của Minh Hạnh bị đánh vào ngày hôm trước là một minh chứng cho việc ngăn cản, tổ chức thành lập các nghiệp đoàn độc lập tại Việt Nam. Sự ký kết của Việt Nam trong hiệp định TPP mực còn chưa khô vậy mà họ đã ra tay, thẳng tay đàn áp công nhân như vậy. Không phải riêng gì Minh Hạnh bị lôi, bị đánh mà những người công nhân bị giật hết tất cả giấy tờ của họ. Thậm chí có những bản hợp đồng của công nhân cũng bị những người này cướp trên tay của công nhân. Đây là một hành động đáng bị lên án”.

Hôm 18/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời chất vất của các đại biểu quốc hội về vấn đề thành lập “công đoàn độc lập” theo cam kết của TPP.

Người đứng đầu chính phủ Việt Nam được báo chí trong nước trích lời nói: “Việt Nam và tất cả các nước tham gia TPP phải tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập và gia nhập tổ chức của họ tại cơ sở doanh nghiệp. Các tổ chức này sau khi thành lập có thể lựa chọn gia nhập Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được chính thức hoạt động, và chỉ được hoạt động sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận đăng ký theo một quy trình minh bạch được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật”.

Tuy nhiên, theo bà Hạnh, công cuộc đấu tranh cho quyền lợi của công nhân của các tổ chức công đoàn độc lập ở Việt Nam vẫn còn dài.

“Những điểm tốt đẹp về nghiệp đoàn trong TPP vẫn chưa nói lên được điều gì, và thực tế chưa chứng minh được điều đó”, bà Hạnh nói.

Source: VOA