FB Manh Kim - Ông Diệm, như nghiên cứu của Edward Miller, không hề là bù nhìn. Ông xây dựng quyền lực bằng nỗ lực riêng mà không hề chịu bất kỳ sức ép nào từ Mỹ. Vai trò kiến thiết của ông đối với miền Nam lớn đến mức nó tạo ra nền tảng văn hóa sâu rộng và mang lại sức ảnh hưởng nhiều năm sau khi ông chết và nhiều năm sau khi ông vẫn tiếp tục bị nguyền rủa! Ông Diệm, dưới mắt Edward Miller, là một nhà cải cách hiện đại. Ông biết điều hòa giữa tư tưởng truyền thống với cách tân xã hội theo kiểu tư sản. Ông từng nói: "Chúng ta sẽ không quay lại phiên bản vô ích của quá khứ quan lại mà sẽ áp dụng những gì tốt nhất của di sản vào tình hình hiện đại".
Edward Miller - giáo sư sử Đại học Dartmouth (lấy tiến sĩ sử Đại học Harvard chuyên sử quốc tế và sử Hoa Kỳ, thạc sĩ sử Đại học Michgan, cử nhân sử Đại học Swarthmore), nói và đọc thành thục tiếng Việt - hẳn nhiên là người làm sử đáng tin cậy. Nói dài dòng vậy để thấy “Misalliance” của ông là quyển sách nên đọc, để hiểu thêm về Tổng thống Ngô Đình Diệm, trước khi đưa ra những nhận xét cảm tính, thiếu thông tin lẫn thiếu văn hóa.
Trong “Misalliance”, Edward Miller có cái nhìn khá khác về ông Diệm, so với nhiều tài liệu trước đây. Miller cho rằng khi nói về lịch sử cuộc chiến Việt Nam, không nhân vật nào cần nhìn lại bằng ông Diệm. Cho đến nay, người ta vẫn quen đánh giá ông Diệm như một bù nhìn của Mỹ. Điều đó thể hiện trong cụm từ có ý miệt thị: “Mỹ-Diệm”. Tuy nhiên, người ta không tự hỏi tại sao Mỹ lại lật đổ một “tay sai đắc lực” như vậy! Lại có một đánh giá rằng ông Diệm là “sản phẩm của truyền thống”, rằng những gì ông Diệm làm, cùng chính sách của ông, đều chịu ảnh hưởng của truyền thống Á Đông lạc hậu. Những người nhận định thế này đã không để ý đến chi tiết rằng ông Diệm là người đưa ra nhiều chính sách cải tổ triệt để mang màu sắc dân chủ hiện đại.
Ông Diệm, như nghiên cứu của Edward Miller, không hề là bù nhìn. Ông xây dựng quyền lực bằng nỗ lực riêng mà không hề chịu bất kỳ sức ép nào từ Mỹ. Vai trò kiến thiết của ông đối với miền Nam lớn đến mức nó tạo ra nền tảng văn hóa sâu rộng và mang lại sức ảnh hưởng nhiều năm sau khi ông chết và nhiều năm sau khi ông vẫn tiếp tục bị nguyền rủa! Ông Diệm, dưới mắt Edward Miller, là một nhà cải cách hiện đại. Ông biết điều hòa giữa tư tưởng truyền thống với cách tân xã hội theo kiểu tư sản. Ông từng nói: "Chúng ta sẽ không quay lại phiên bản vô ích của quá khứ quan lại mà sẽ áp dụng những gì tốt nhất của di sản vào tình hình hiện đại".
Và trên hết, ông là người ái quốc tuyệt đối. Ông tin vào khả năng của mình và chống lại sự áp đặt của Mỹ, từ những ngày đầu trở về Việt Nam ngồi ghế thủ tướng rồi tổng thống cho đến những ngày cuối cùng trước khi bị giết. Ông không chịu ảnh hưởng gì của Mỹ trong việc thành lập Hiến pháp 1956 cho nền Đệ nhất Cộng hòa, trong việc thành lập Quốc hội, trong việc xây dựng các khu trù mật và ấp chiến lược… Ông nói Mỹ phải nghe chứ không phải ngược lại. Mâu thuẫn lớn nhất giữa ông Diệm và Mỹ là yếu tố chính trị của đường lối kiến thiết quốc gia (the politics of nation building). Cuối cùng, ba tố chất đặc biệt của ông Diệm - Kháng Pháp, thù Cộng, chống Mỹ - đã được Edward Miller miêu tả rõ rệt để giải đáp câu hỏi lớn nhất mà “Misalliance” muốn đề cập: ông Diệm là ai! Tác giả Miller cũng tham khảo nhiều tài liệu về ông Diệm của phe Bắc Việt và thuật nhiều chi tiết ít được nghe, chẳng hạn Hồ Chí Minh là người rất kính nể cụ ông Ngô Đình Khả.
Về quyển sách này, nói thêm một chi tiết bên lề: nó đã được dịch sang tiếng Việt, đang được hiệu chỉnh bởi chính tác giả Miller, và có thể ra mắt trong một ngày không xa. NXB Chính trị Quốc gia là nơi dịch và phát hành quyển này.