Đinh Tấn Lực
“Phỉnh phờ đê tiện
Bả bẫy tù đày
Máu chảy đầu rơi ngày tháng
Ngót thế kỷ bạo quyền
Không dập tắt nổi nén nhang”
(Phùng Cung)
Đường Cùng của 1 nhà nước là khi nó bắt dân làm con tin.
Mỗi con tin được thả ra khỏi tù trước ngày mãn án là một chặng đường thoát hiểm giai đoạn của chế độ: Lê Quốc Quân (2007), Nguyễn Quốc Quân (2007 & 2012), Cù Huy Hà Vũ (2014), Điếu Cày Nguyễn Văn Hải (2014), Đỗ Thị Minh Hạnh (2015), Tạ Phong Tần (2015).
Những người được “đặc xá”: Đinh Đăng Định, Nguyễn Hữu Cầu.
Những người mãn án khá đông, tạm liệt kê: Nguyễn Đan Quế, Bùi Minh Quốc, Mai Thái Lĩnh, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Thanh Giang, Phạm Quế Dương, Trần Khuê, Phan Văn Lợi, Nguyễn Hữu Giải, Thích Không Tánh, Nguyễn Khắc Toàn, Trần Anh Kim, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Quốc Quân, Lê Công Định, Phạm Minh Hoàng, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Văn Túc, Phạm Bá Hải, Phạm Hồng Sơn, Vũ Văn Hùng, Trần Đức Thạch, Vi Đức Hồi, Phạm Văn Trội, Phạm Thanh Nghiên, Lê Nguyên Sang, Nguyễn Bắc Truyễn, Huỳnh Nguyên Đạo, Huỳnh Ngọc Tuấn, Lê Anh Hùng, Lê Thị Phương Anh, Nguyễn Phương Uyên, Trần Thị Hài, Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Hữu Tình, Nguyễn Kim Nhàn, Ngô Quỳnh, Đinh Nhật Uy, Cấn Thị Thêu, Chu Mạnh Sơn, Dương Kim Khải, Đặng Ngọc Minh, Đậu Văn Dương, Hồ Văn Oanh, Nguyễn Văn Duyệt, Nguyễn Văn Oai, Nguyễn Xuân Anh, Paulus Lê Sơn, Trần Minh Nhật, Thái Văn Dung, Thích Thiện Minh, Thích Nhật Ban, Võ Văn Bửu, Nguyễn Trung Tôn, Thân Văn Trường, Trần Ngọc Anh, Trương Minh Đức, Võ Văn Thanh Liêm…
Những người còn đang bị giam cầm: Nguyễn Văn Lý, Trần Huỳnh Duy Thức, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Đặng Xuân Diệu, Nguyễn Đình Cương, Nguyễn Ngọc Già, Bùi Thị Minh Hằng, Đinh Nguyên Kha, Trần Vũ Anh Bình, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương…
Gần nhất, người vừa mới bị kết án là công dân Nguyễn Viết Dũng, can tội mặc áo trận của VNCH đi biểu tình bảo vệ cây xanh Hà Nội. Phiên tòa tiêu biểu này không có nhân chứng, vật chứng, với bản án đã có sẵn trước giờ khai mạc; chủ tọa liên tục cắt lời luật sư, sau cùng, đuổi một luật sư ra ngoài, khiến cả ba luật sư cùng ra ngoài phản đối. Bên ngoài tòa án, hàng nghìn người biểu tình lên án phiên tòa áp án bất công.
Có mấy điểm đáng ghi nhận về bước đường cùng này của chế độ:
Một, án tù loại này được sử dụng để khiến người ta hãi, thì ngược lại chỉ khiến dân khinh.
Hai, tù nhân (chống chế độ) được trui rèn trong môi trường tập trung dễ quảng bá cho lý tưởng tự do dân chủ hơn cả thời ở ngoài.
Ba, mỗi người tù (chống chế độ) ra khỏi tù đều được đón chào như những anh hùng (vừa tốt nghiệp “đại học CS”, theo cách nói của các lão thành cách mạng).
Bốn, người ra tù và những người chuẩn bị vào tù gắn bó khắng khít hơn, trò chuyện thoải mái hơn, cả về những tổ chức/đảng phái mà họ từng giữ kín kẽ trước đây.
***
Đường Cùng của 1 nhà nước là khi nó núp bóng côn đồ.
Án tù không làm dân sợ, nhà nước tập trung dồn sức vào việc ra đòn tay chân, tuýp sắt. Côn đồ vừa là giải pháp vừa là phương tiện. Cả côn đồ trong tù trị tội đồng sự “rửa bát bẩn”, lẫn côn đồ đường phố hành hung luật sư “lái xe tung bụi”. Hoặc, chuyên viên cưa đá, giật giải băng tang, đánh người đổ máu/gãy chân/bể sống mũi. Lại còn “ĐM nhà báo hả? Tẩn bỏ mẹ nó đi!”…
Rõ là côn đồ thì xứ nào cũng có ít nhiều. Song, nhà nước phải núp bóng côn đồ như một thứ chính sách chiến lược để cai trị nhân dân, và lập luận cực kỳ trẻ con để bao che cho côn đồ, thì thế giới chỉ có một.
Nó là chứng cứ “không thể chối cãi” về một nhà nước vô chính phủ, một đảng cầm quyền tự đánh đồng với băng đảng xã hội đen, đến mức LHQ kêu gọi chính phủ VN điều tra các vụ hành hung giới hoạt động vì nhân quyền, và Tổ chức Quan trắc Nhân Quyền (HRW) nói bạo lực kiểu này sẽ chỉ làm cho nhà nước “giống côn đồ”.
Nói thế không đúng. Nhà nước VN không hề giống côn đồ. Nhà nước VN chính là côn đồ!
***
Đường Cùng của 1 nhà nước là khi nó ăn mày cả tiếng nói của nước ngoài.
Không chỉ ăn mày các thứ viện trợ phát triển và bỏ túi riêng. Chủ tịch nước xứ này ăn mày cả tếng nói của nước ngoài, thông qua “đề nghị QH Đức có tiếng nói mạnh mẽ về Biển Đông”, sau khi đã bắn 21 phát đại bác và trải thảm đỏ mời Tập Cận Bình ban huấn từ tại phòng họp Diên Hồng của QH Việt Nam chỉ già 2 tuần trước đó.
Còn thủ tướng xứ này thì quanh đi quẩn lại chỉ có thể tự đánh bóng bằng những bài cậy đăng trên báo rác nước ngoài. Cả báo rác của Đức, của Hàn trước đây, và mới đây là Boston Global Forum do đồng chí Nguyễn Anh Tuấn được phân làm chủ nhiệm.
Lòe thiên hạ trong nước bằng các bài “báo nước ngoài” viết sai chính tả bét nhè trên trang web quả thật không phải là một cách nên làm, trong thời buổi thông tin như điện chớp này.
Quả thật, cũng chẳng ai ngờ lãnh đạo xứ ta bị dí vào đường cùng bởi các tay tổ truyền thông ở tận đẩu đâu mà cũng chẳng ân oán hận thù gì!
***
Đường Cùng của 1 nhà nước là khi nó trấn áp dân để lấp cái hèn.
Tám năm trước khi ngư dân Trương Đình Bảy bị bắn chết trên ngư trường truyền thống Biển Đông, nhà nước ta đã phóng tay đàn áp các cuộc biểu tình chống Tam Sa 2007, chống rước đuốc Olympic 2008, chống Haiyang-981… Hàng chục, thậm chí, hàng trăm công dân VN bị bắt bớ, tù đày, triệu tập… vì đã tham gia các cuộc biểu tình phản đối vừa kể.
Ba tuần trước khi ngư dân Trương Đình Bảy bị bắn chết, lãnh đạo Ba Đình đã xếp hàng trải thảm đỏ, rót sâm banh đón tiếp chủ tịch nước giặc bằng 21 phát đại bác, và mời giặc ban huấn dụ cho toàn thể đại biểu quốc hội VN, tức là cho toàn thể 90 triệu dân Việt!
Bốn ngày sau khi ngư dân Trương Đình Bảy bị bắn chết và chuyển thi thể ướp đá vào bờ, bộ quốc phòng đứng đón tại bờ và tuyên bố vào cuộc điều tra, với 2 kịch bản dạo đầu là (1) hung thủ người Philippines; và (2) “Không loại trừ khả năng vi phạm lãnh hải nước bạn”, ngay trên ngư trường truyền thống của ta. Đồng nghĩa với sự thừa nhận rằng Trường Sa là của TQ?
Hai tuần sau khi ngư dân Trương Đình Bảy bị bắn chết trên ngư trường truyền thống Biển Đông, bộ quốc phòng vẫn im tiếng.
Xem ra trấn áp dân dễ hơn là lấp cái hèn.
***
Đường Cùng của 1 nhà nước là khi mỗi cá nhân của nó tự tìm đường rút.
Lãnh đạo Bảo Việt đồng loạt thôi chức. Lãnh đạo Mía đường Thành Thành Công đồng loạt thôi chức. Một loạt quan chức cấp đầu tỉnh đầu huyện xin thôi chức, nghỉ hưu sớm. Lãnh đạo Trầm Bê của Sacombank xin thôi chức. Lãnh đạo Eximbank dọa từ chức tập thể…
Ngược lại là hiện tượng đồng bộ đưa thân nhân trẻ tuổi trong giòng tộc vào các vị trí lãnh đạo cấp tỉnh ủy, giám đốc sở…
Bên cạnh đó là khai thác “tình hình lớn mạnh của thế lực thù địch” để làm đòn bẫy sửa đổi cơ chế đặc biệt (thêm hạn tuổi) mà giải quyết nhân sự trong tiến trình sắp xếp đại hội XII.
Hiện tượng “vét cú chót” được phô diễn công khai. Cũng không hề có điều gì cấm kỵ để bàn về quy trình “hoàng hôn nhiệm kỳ” ở khúc cuối đường cùng.
***
Đường Cùng của 1 nhà nước là khi nó chịu thua hệ truyền thông đại chúng.
Sức mạnh của độc tài phần lớn phải dựa vào tuyên truyền dối trá một chiều. Các bức màn sắt/màn tre là để ngăn chiều Sự Thật dội ngược. Nhà nước độc tài quen thói phỉnh dân và tự phỉnh nhau, cứ ngỡ Tuyên Giáo TW vẫn còn là guồng máy tạo ra lực cuốn.
Tuyên giáo ngủ quên trên xe bò, không hay thời nay truyền thông nó đi nhanh hơn máy bay phản lực siêu thanh. Báo in chỉ được dùng ở mỗi chức năng của giấy. Bài đăng trên báo mạng chỉ chực giờ gỡ xuống. Thậm chí, báo hình chiếu hình trẻ con cầm sách ngược mà vẫn đọc xuôi. Lời chạy tội còn ngô nghê hơn cả thằng bé cầm sách kia. Truyền thông cho quảng đại quần chúng thu gọn lại ở một phần nhỏ quần chúng đảng. Ngay chính Tuyên giáo cũng phủi tay với quần chúng dư luận viên nhất mực trung thành.
Nhà nước đe dân phải xài mạng xã hội nội hóa, không xong. Cả chính phủ cũng phải hòa mạng FB. Nhà báo có thẻ nghiện FB hơn mạng chính quy. Báo chính quy lại phải lấy tin từ FB.
Không ai kể hết được những bước lùi của nhà nước khi Facebookers lên tiếng. Thế nhưng vẫn còn lắm kẻ cứ ngỡ trị tội FBkers cũng không khác gì quân dưới trướng, nên lãnh đạo thi đua nhau “thánh phán” phát ngôn xằng, sau đó làthỏ thẻ rút lệnh phạt, mà không ngờ mỗi lần phán xằng một việc cỏn con lại làm lộ ra hàng tá chuyện tối mật vĩ đại khác…
Đường cùng của độc tài là một sự chọn lựa không mấy dễ: Muốn đối đầu với nhân dân, phải đối đầu (và chiến thắng) các mạng xã hội đang thực sự là hệ truyền thông đại chúng.
***
Đường Cùng của 1 nhà nước là khi nó hết tiền.
Nhà nước không cần giấu diếm gì tình trạng cạn kiệt ngân sách. Có lẽ cũng không thể giấu diếm điều gì vào thời buổi này. Bạc Liêu & Cà Mau đã báo cáo cạn ngân. Hải Phòng & Đắc Lắc hết tiền trả cho bác sĩ, y tá & công nhân viên các bệnh viện. Tình hình các địa phương kêu đòi cứu đói giáp hạt có thể tăng cao hơn các năm trước.
Tình hình là trung ương cũng khánh tận. Đi vay không dễ. Đi xin càng khó. Muối mặt đã xình như mắm. Giải pháp là mỗi địa phương “hồn ai nấy giữ”. Thuế tăng, phí tăng, xin khất lương công nhân viên chức… là điều tất yếu. Cũng là tất yếu khi mọi người chỉ tay vào nhau: Lỗi không ở tôi. Nó mới là thủ phạm!
Trung ương chạy vạy thế nào? Đâu là mốc điểm giới hạn việc gật nợ qua lại? Nghị quyết 11 TTCP đánh sập bao nhiêu vạn doanh nghiệp? Nợ xấu thủng trần bao lâu rồi? Nợ công thật sự tương đương với mấy lần GDP?
Liệu có là muối bỏ biển khi QH thông qua bổ sung Điều 216 bộ luật hình sự nhằm cứu nguy tài chính: Trốn đóng BHXH/BHYT/BHTN bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 – 7 năm?
Liệu là đảng & nhà nước sẽ cầm cự được khúc cuối đoạn đường cùng này cho tới lúc tuyên bố đại hội 12 thành công mỹ mãn?
***
Đường Cùng của 1 nhà nước là khi nó sợ dân.
Dân ới tin cho nhau cực nhanh. Dân viết băng-rôn nhanh như chớp. Dân biết có quyền chụp ảnh, quay clips. Dân đoàn kết đòi người. Dân rành luật giao thông hơn cả CSGT. Dân có nghìn cách kháo chuyện, và có nghìn lẻ một cách bẻ lý côn an.
Nhà nước ngày càng giỏi trong việc sản xuất ra thêm thành phần chống đối, sau Dân Oan.
Dân Oan không chỉ đòi đất đòi nhà riêng. Dân Oan đòi cả lãnh thổ đã mất vào tay giặc. Dân Oan đòi cả công lý và quyền làm người cho mọi thành phần dân tộc.
Nhà nước hãi tuổi sinh viên (Nguyễn Viết Dũng/Nguyễn Phương Uyên).
Nhà nước sợ người làm việc thiện nguyện. Sợ “Ước Mơ Của Thủy” ở tầm thách thức chế độ. Sợ lời thơ “Hiên ngang sống và hiên ngang yêu nước – Chả khi nào thẹn với núi sông ơi”. Sợ cả “Tiếng Hát Cho Biển Đông & Quyền Con Người”. Sợ cả những nốt nhạc có dấu chấm hỏi “Việt Nam Tôi Đâu?”. Sợ cả lời nhạc có dấu chấm than “chống quân xâm lược! chống kẻ nhu nhược bán nước hại dân!”.
Nhà nước đang cần gấp tấm phao cứu đuối. Cả đuối hơi, đuối lý lẫn đuối lực.
Càng phô trương bạo lực, nhà nước càng chóng thu ngắn cái chết lâm sàng ở khúc cuối đường cùng!
15/12/2015 – Tròn 76 năm lần đầu công chiếu bộ phim Cuốn Theo Chiều Gió
Blogger Đinh Tấn Lực