Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

Người Trung Quốc nắm 137 ‘lô đất nhạy cảm’ ở Đà Nẵng?

Một con đường tại Quận Ngũ Hành Sơn. Bí thư Quận ủy quận Ngũ Hành Sơn cho biết đã phát hiện 71 cá nhân là người Việt đứng tên mua 137 lô đất trên địa bàn quận này cho người Trung Quốc.
VOA - Vấn đề người Trung Quốc “núp bóng” người dân Đà Nẵng, mua hơn 100 khu đất gần khu vực quân sự, đang trở thành một chủ đề nóng tại thành phố được coi là mang tính chiến lược ở miền trung.

Báo chí trong nước dẫn lời ông Đào Tấn Bằng, Bí thư Quận ủy quận Ngũ Hành Sơn, cho biết đã phát hiện 71 cá nhân là người Việt đứng tên mua 137 lô đất trên địa bàn quận này cho người Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi được VOA Việt Ngữ gọi điện hỏi, ông Bằng đã từ chối trả lời.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP Đà Nẵng, khu vực mà người Trung Quốc mua chủ yếu nằm trên đường Võ Nguyên Giáp – Trường Sa, đoạn sát một căn cứ quân sự của quân khu 5.
Nhiều người dân ở Đà Nẵng, trong đó có nhiều cựu chiến binh, cho VOA Việt Ngữ biết rằng họ lo ngại về sự xuất hiện ngày một nhiều của người Trung Quốc, nhất là các công trình xây dựng ở những địa điểm quan trọng về quốc phòng.
Ông Điểu được báo Người Lao Động trích lời nói rằng đây là “những vị trí nhạy cảm liên quan đến an ninh, chính trị, quốc phòng nên phải hết sức thận trọng”.

VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với ông Điểu để hỏi ông về những thông tin mà báo chí trong nước nêu lên.

Nhiều người dân ở Đà Nẵng, trong đó có nhiều cựu chiến binh, cho VOA Việt Ngữ biết rằng họ lo ngại về sự xuất hiện ngày một nhiều của người Trung Quốc, nhất là các công trình xây dựng ở những địa điểm quan trọng về quốc phòng.

Khi được hỏi về những lo ngại của dân chúng đối với sự xuất hiện của người Trung Quốc tại thành phố, bà Lê Thị Thu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng, nói với VOA Việt Ngữ:

“Nói về quan tâm, dân của chúng tôi quan tâm tới tình hình phát triển kinh tế xã hội nói chung của thành phố, không riêng gì một vấn đề nào cả.”

Phát biểu tại kỳ họp của hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng hôm nay, bí thư thành ủy Nguyễn Xuân Anh đã đưa ra các chỉ đạo về an ninh – quốc phòng và công tác quy hoạch thành phố.
Báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng cho biết tính đến thời điểm này, ở Đà Nẵng có 55 doanh nghiệp sử dụng 276 lao động Trung Quốc.
Nhà lãnh đạo trẻ này được trích lời nói rằng cần phải “lưu ý công tác quản lý tại các khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng. Không cho xây dựng các công trình cao tầng tại các khu vực đó”.

Trước đó, chính quyền Thành phố đã đình chỉ một công trình xây dựng của chủ đầu tư Trung Quốc để xem xét xử lý về độ cao sau khi nhận thấy vị trí của công trình này nằm giữa hai trận địa pháo phòng không ở địa phương.

Theo báo chí trong nước, trong năm 2015, quận Ngũ Hành Sơn đón gần 130.000 người nước ngoài tới tham quan, trong đó có đến 65.000 lượt khách Trung Quốc.

Mỗi tuần có khoảng gần 60 chuyến bay từ các tỉnh của Trung Quốc tới Đà Nẵng, theo báo cáo của Quận ủy Ngũ Hành Sơn.

Ngoài ra, hiện có hàng chục dự án nước ngoài do người Trung Quốc làm chủ đầu tư, đưa lao động tới làm việc.

Báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng cho biết tính đến thời điểm này, ở Đà Nẵng có 55 doanh nghiệp sử dụng 276 lao động Trung Quốc.

Tin cho hay, tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh bằng đường du lịch để làm việc trái phép “đang gây nhiều phức tạp cho công tác quản lý nhà nước”.

Về sự xuất hiện ồ ạt của người Trung Quốc, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng nói với VOA Việt Ngữ:

“Chúng tôi không có khuyến khích riêng cho một quốc tịch, bất kỳ một quốc tịch nào. Tất cả thành phố đang phát triển về du lịch, dịch vụ, cho nên chúng tôi chào đón tất cả công dân của các nước đến du lịch tại thành phố Đà Nẵng chúng tôi.”

Phát biểu sáng 8/12, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành phải tăng cường quản lý chặt chẽ người nước ngoài trên địa bàn.

Ông Anh cũng yêu cầu lưu ý tình trạng khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam để hoạt động du lịch “chui”.

Các nhà quan sát cho hay, những thông tin về việc người Trung Quốc nhờ người địa phương mua đất ở Đà Nẵng được đưa ra trong bối cảnh tinh thần bài Bắc Kinh vẫn chưa có dấu hiệu “nguội” bớt, nhất là khi quốc gia láng giềng khổng lồ không che giấu tham vọng thâu tóm biển Đông.

Source: VOA

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam