Thứ Hai, 21 tháng 12, 2015

Phạm Nhật Bình - Một con số đáng giật mình

Kính gởi quý cơ quan truyền thông báo chí,

Tổng thanh tra chính phủ Huỳnh Phong Tranh ngày 13/12 vừa qua trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" đã cho biết rằng trong năm 2015, ngành thanh tra chính phủ đã thực hiện 40.000 cuộc thanh tra các cấp và đã phát hiện sai phạm 212.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 10 tỷ USD. Tiền ấy chạy đi đâu hay trốn vào túi ai? Những sai phạm ấy là sai phạm gì, từ đâu ra và ai là người sai phạm?

Kính mời quý vị đọc bài viết "Một con số đáng giật mình" của tác giả Phạm Nhật Bình và kính mong được tiếp tay phổ biến.

Trân trọng,
Mai Hương
Trưởng Ban Liên Lạc Truyền Thông Đảng Việt Tân

***

Một con số đáng giật mình

Việt Nam là một quốc gia có nhiều con số đáng giật mình.

Con số trên 2,8 triệu công chức cán bộ, do ngân sách quốc gia nuôi để phục vụ 90 triệu dân Việt Nam già trẻ lớn bé cho thấy đảng CSVN yêu dân đến… cỡ nào.

Nếu so sánh với Hoa Kỳ là nước giàu nhất nhì thế giới mà chỉ có 1,8 triệu công chức phục vụ cho trên 300 triệu dân, Việt Nam thuộc vào hàng “do dân, vì dân” hạng nhất.

Còn việc công khai đón đường đánh đập công dân là chuyện đùa bỡn của bọn côn đồ có giấy phép hành nghề của Bộ.

Hay số tiền ngót nghét 100 triệu đô-la ngân sách phải chi tiêu để nuôi văn phòng Trung ương đảng năm 2014. Nó làm cho người dân kinh ngạc khi nghĩ đến bao nhiêu trẻ em vùng cao còn đu dây đi học hàng ngày.

Gần đây nhất là con số đông đảo cán bộ viên chức sắp về hưu hăng hái tham gia phái đoàn xuất cảnh nghiên cứu làm du lịch, học tập bán vé số sáng mua chiều xổ cũng là một con số đáng phấn khởi.

Cán bộ ở vào tuổi hoàng hôn của cuộc đời làm đày tớ dân mà còn năng nổ học hỏi như thế, chẳng là phúc đức cho đất nước lắm sao?

Nhưng bên cạnh đó, con số mà ông Tổng thanh tra chính phủ Huỳnh Phong Tranh đưa ra ngày 13/12 trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời", mới thật sự làm người dân phải giật mình. Theo đó trong năm 2015, ngành thanh tra chính phủ đã thực hiện 40.000 cuộc thanh tra các cấp và đã phát hiện sai phạm 212.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 10 tỷ USD.

Người dân chẳng những giật mình mà còn bàng hoàng chua xót vì con số 10 tỷ đô-la bị bốc hơi chỉ trong vòng 12 tháng ngắn ngủi. Đối với một nước được xếp vào hạng nghèo, vừa chậm phát triển vừa không chịu phát triển như Việt Nam, số tiền 10 tỷ đô-la ấy thật lớn.

Nếu so với ngân sách quốc phòng của Philippines mới công bố, chỉ vỏn vẹn khoảng 500 triệu đô la, người ta sẽ thấy Việt Nam thật sự không nghèo, vì nghèo thì lấy đâu ra để vung vãi một số tiền to đến thế?

Nhưng thử đặt câu hỏi, sau khi đã giật mình: tiền ấy chạy đi đâu hay trốn vào túi ai? Những sai phạm ấy là sai phạm gì, từ đâu ra và ai là người sai phạm?

Câu trả lời đầu tiên cũng thật hiển nhiên vì đã được lặp đi lặp lại hàng triệu lần: chính mạng lưới tham nhũng dầy đặc trong các tầng lớp cán bộ đảng viên từ trên xuống dưới đã thủ đắc nó.

Không thể nói gì khác hơn, tham nhũng từ lâu đã trở thành “chủ trương lớn” của đảng. Chính sách độc quyền chính trị, độc quyền kinh tế của đảng đã tạo ra tham nhũng. Đảng nuôi dưỡng, vỗ béo tham nhũng để phục vụ lợi ích riêng tư của mình.

Chính lợi ích riêng tư này đã vô hiệu hóa pháp luật, triệt tiêu quyền tố cáo của công dân, cho phép các tập đoàn cầm quyền từ thành thị đến thôn quê tha hồ bòn rút của công, ăn cắp ngân sách.

Chỉ cần so sánh tình trạng một nước GDP chỉ đạt 120 tỷ Mỹ kim một năm mà con số thất thoát đã lên đến 10 tỷ Mỹ Kim, chiếm gần 1/10 GDP quốc gia. Nói cách khác, cứ cả nước làm ra 100 đồng thì bị ăn cắp 10 đồng. Kẻ cắp không ai khác hơn là các tầng lớp cán bộ đảng ẩn náu dưới những hình thức gọi là tập đoàn lợi ích để trốn tránh trách nhiệm.

Sự tiêu xài hoang phí của các “đày tớ dân” đã góp phần tạo nên tình trạng nợ nần chồng chất. Trái với những quốc gia nghèo khác vay nợ để đầu tư xây dựng đất nước, kế sách lâu dài của chính phủ Việt Nam là vay nợ để tiêu xài và tiêu xài vung vít, tiêu xài vô tội vạ, vừa tiêu xài vừa ăn cắp.

Họ mạnh tay đầu tư công vào những công trình hay dự án “tầm vóc thế kỷ” để chứng minh tính ưu việt của thời kỳ quá độ tiến lên xã hội chủ nghĩa. Họ hoàn toàn bỏ quên phúc lợi thực tế của người dân, một phần vì các dự án vẽ vời ra chỉ là chủ trương của các phe nhóm tìm cách bòn rút ngân sách.

Tiền thì đi vào túi các tham quan đầu sỏ và chia chác cho đàn em cấp dưới, nợ đi vay thì do người dân gánh vác.

Nhìn vào con số đầu tư cho tượng đài Hồ Chí Minh ở Sơn La trị giá 1 ngàn 400 tỷ hay đồ án Trung tâm hành chính tỉnh Khánh Hòa dự trù chi ra 4.300 tỷ, người dân dù bất mãn nhưng sẽ thấy 212.000 tỷ đồng thất thoát trong một năm cũng không phải không hợp lý.

Còn biết bao tượng đài, trung tâm hành chánh khác của các tỉnh đang lên kế hoạch thì còn đi vay nợ để thực hiện và con số thất thoát sẽ không dừng lại ở đó.

Ngoài ra, Tổng thanh tra chính phủ chỉ đưa ra một con số bị biến đi khơi khơi mà không nói được là ai hay phe nhóm nào đã làm thất thoát. Đồng đô-la chắc chắn không thể mọc cánh bay vào khối tài sản của các quan tham.

Chính vì chế độ trách nhiệm không được đề ra nên “trách nhiệm tập thể” là pháo đài kiên cố nhất để trốn trách nhiệm sau khi đã hoang phí, ăn chia trên sự suy sụp của nền kinh tế. Hay các viên thanh tra nhà nước chỉ nhìn con số trên giấy tờ mà không nhìn thấy con người?

Điều này cũng cho thấy, Ban chỉ đạo chống tham nhũng mà Nguyễn Phú Trọng giật lấy từ tay Nguyễn Tấn Dũng hiện nay cũng chỉ là một trò đấu đá trong nội bộ đảng để giành phần béo bở hơn mà thôi. Nó chẳng phát hiện ra điều gì mới mẻ, đúng như báo cáo của hai thành phố lớn nhất nước: 9 tháng đầu năm không …. tìm thấy tham nhũng.

Có người hỏi một cách không vui: vậy tham nhũng trốn đi đâu? Câu trả lời hợp lý nhất là tham nhũng nay đều là thành viên của các Ủy ban chống tham nhũng trên cả nước.

Nên Việt Nam sẽ còn nhiều con số đáng giật mình hơn chứ không chỉ có một.

Phạm Nhật Bình

Source: Dân Luận

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam