Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016

Suy ngẫm về lá thư của một bạn sinh viên quê Sầm Sơn trên Facebook

Bauxite Việt Nam - Giải đất hình chữ S nằm về một góc Đông Nam châu Á này bao gồm núi sông, trời biển, rừng suối, gò đồi, đồng ruộng, đầm lầy... tất tật đều là tài sản chung của cả cộng đồng dân lộc Việt từ thuở khai thiên lập địa đến nay. Cả một dân tộc đã chung lưng đấu cật cùng nhau, ngày này qua tháng khác đổ không biết bao nhiêu máu, mồ hôi, góp tay xây dựng, gìn giữ, mở mang suốt mấy nghìn năm mới tạo nên được. Vì thế, ngay dưới thời phong kiến, tuy vua chúa có quyền ban cấp đất đai cho quan lại bề tôi có công nhưng mỗi khi làm việc động chạm đến quyền lợi tối thiêng liêng của dân, triều đại nào cũng nhìn vào lòng dân mà cân nhắc rất kỹ lưỡng. Có loại đất phong cấp trên giấy tờ hàng nghìn mẫu mà không hề có trên thực địa và có loại đất gọi là thực phong, thực cấp thì chỉ giới hạn ở một diện tích rất nhỏ, nhiều lắm là một làng. Và Triều đình cũng chỉ ban phong để các công thần hàng năm thu thêm một khoản ngoài thuế của nhà nước, chứ không phải tự tiện muốn chiếm lấy đất của hộ dân nào thì chiếm, hoặc tự tiện giao đất của gia đình này cho gia đình kia làm cho dân chúng nhiều người trắng tay, lâm vào tình cảnh lầm than đói khát. Nếu cả một vùng không còn yên sống, đi ngược với chính sách yên dân thì sẽ mắc tội lớn với Triều đình. Nghĩa là dù vai trò của ông vua trong chế độ phong kiến được coi là là tối thượng (Thiên tử con trời) thì vẫn không vua chúa nào dám liều lĩnh làm càn đến mức trắng trợn cướp đất của dân.

Dưới thời Pháp đô hộ cũng vậy. Tuy là kẻ xâm lược đến chiếm nước ta, các nhà tư bản Pháp muốn mở đồn điền đều phải có đơn xin Nhà nước Bảo hộ cho phép mình trưng khẩn. Mà trưng khẩn ở đây là khai khẩn đất hoang vô chủ, phần lớn là đất cao nguyên, đồi núi, để biến thành đất trồng trọt, sau một số năm sẽ đóng thuế cho Nhà nước theo luật định. Còn đất đai của dân chúng đang sinh sống và nhiều đời truyền nối cho nhau làm phương tiện sinh sống, nhằm bảo tồn sự sống của gia đình, họ mạc, làng xóm mình, thì ngoại trừ một vài trường hợp hãn hữu, những nhà tư bản Pháp đâu có dại nhảy vào tranh cướp. Ngay pháp luật của chế độ thực dân cũng không cho phép họ cái quyền phi lý kia.

Chỉ có dưới chế độ XHCN Việt Nam ngày nay mới nảy sinh ra một thứ luật, đúng hơn là một thứ quyền, rất lạ: quan chức nhà nước đứng đầu cả nước hay đứng đầu một vùng, mỗi khi nhìn thấy một mảnh đất, một bãi biển, một ngọn núi hay một đầm hồ nào đấy có vẻ ngon mắt, có khả năng sinh lời khi chuyển đổi mục đích kinh doanh, thì họ liền ngỏ lời với “đối tác” – có thể là các doanh nghiệp, nhóm lợi ích, thậm chí là đối tác nước ngoài – và nếu được đối tác tán đồng mua với giá cao để biến thành đất thổ cư, làm khu vui chơi giải trí, làng sinh thái hoặc khu chung cư..., là y như các vị quan lớn nhà ta tự cho mình cái quyền cắm cây cọc gọi là “quy hoạch” vào đấy rồi định một giá rẻ mạt bắt dân phải bán, cũng định ra một thời hạn để xuống lệnh đuổi dân đi. Nếu dân không chịu bán, không chịu đi thì lập tức cho đội quân chức năng – trong đó có cả tầng lớp lưu manh đầu gấu do chính quyền trực tiếp chiêu mộ – đến cưỡng chế bằng đủ mọi cách; cách thường dùng nhất là trấn áp, phá tan nhà cửa ruộng vườn trồng trọt của dân. Rất nhiều người dân tay lấm chân bùn đang yên đang lành bỗng nhiên một sớm tỉnh dậy thấy mình mất đi tất cả. Mất trắng. Họ trở thành dân oan, phải kéo nhau đội đơn đi kêu cứu hết nơi này nơi nọ suốt năm này tháng khác. Có người quá bức xúc kéo đến trụ sở chính quyền phản đối thì bị kẻ cầm luật trong tay “khởi tố”, như trường hợp người dân Sầm Sơn mất bãi biển hành nghề ngư nghiệp cha truyền con nối hàng nghìn năm, rộ lên từ hơn một tuần nay. Tình cảnh của họ đúng là tình cảnh lớp người tha hóa, nhưng tha hóa không phải do quy luật đào thải tự nhiên – mà do chính kẻ cầm cân nẩy mực đẩy họ đến bước đường cùng.

Mà đâu phải chỉ có nông thôn. Một thành phố như Hà Nội, có bao nhiêu chợ cổ truyền như chợ Hôm, chợ Hàng Da, chợ Bưởi, chợ Mơ, chợ Cửa Nam... cho đến hết thời Pháp vẫn để dân yên ổn buôn bán làm ăn, bởi họ biết người Việt vốn còn rất nghèo, tầng lớp tiểu thương đông đảo thường chỉ có một gánh hàng cỏn con ngày ngày tất tả mua từ ngoại ô đem vào phố bán, các loại chợ đó là nơi “hạ gánh” thuận tiện nhất của họ. Mà người mua cũng vậy, với túi tiền vốn không xông xênh gì mấy, các bà phụ nữ nội trợ thường mỗi sáng chỉ đạp xe vào chợ một chốc là ra về với mớ rau, con cá đèo trên giỏ là xong. Ấy thế mà người đứng đầu nhà nước hoặc đứng đầu Kinh đô đã để mắt đến không gian của những chợ cổ truyền nọ từ lâu. Họ chỉ cần ra một cái lệnh giải thể các chợ đó để xây “trung tâm thương mại”, thế là một sớm những chị tiểu thương bừng mắt dậy bỗng không còn đất ngồi bán hàng nữa. Họ phải long tong chạy xuôi chạy ngược khắp các phố phường Hà thành. Đâu có thể ngả gánh ra bán là họ ngả gánh ra. Rồi họ tụ tập nhau lại (phải tụ tập nhau đông đúc thì mới bán được hàng, tâm lý người bán và người mua xưa nay là thế). Và các chợ cóc cứ thế hình thành, chiếm hết vỉa hè của nhiều phố xá, làm cho Hà Nội ngày càng nhếch nhác bẩn thỉu hơn, trong khi diện tích các chợ cũ bán xong, tiền vào túi lãnh đạo rồi lại rơi vãi vào đâu không biết, nhưng các trung tâm thương mại hoành tráng xây lên thì chẳng ma nào thèm vào. Không có tiền để mua một chỗ ngồi bán đã đành, ngay người mua tìm cho được chỗ gửi xe để leo lên các tầng chỉ mua một mớ rau, vài ký gạo là điều quá chừng cực nhọc. Không ít trung tâm thương mại ở Hà Nội trở nên vắng teo. Ấy thế mà chẳng một ai trong các thế hệ ngồi trên đầu dân chịu rút kinh nghiệm, chợ này đuổi dân xong để bán cho nhà doanh nghiệp rồi chợ khác lại đuổi dân tiếp, càng lâu về sau thì đội quân lang thang trong hàng ngũ tiểu thương ngày một thêm đông đảo. Họ chưa đến nỗi là dân oan nhưng cũng mấp mé loại người một sớm phải đứng đường, lúc này lúc khác bị công an bố ráp giật hết các gánh hàng tấm quẳng lên xe đem về đồn...

Thử hỏi, cái việc làm hoàn toàn trái ngược với truyền thống nói trên đây, vừa thất nhân tâm, vừa đẩy dân chúng đến chỗ hết đường sinh sống, có thể gọi tên đúng là gì nhỉ? Xã hội chủ nghĩa chăng? Lấy dân làm gốc chăng? Không được. Đối với những người còn chút lương tri giải thích bằng những lời như thế là không đứng đắn. Đành phải tìm một từ chính xác để gọi cho đúng bản chất, dù rằng lâu nay chúng ta vẫn cố tránh, bởi không phải một ai cũng muốn đóng vai chú bé nói về vị Hoàng đế cởi truồng. Nhưng hiện tại đất nước đang hào hứng với khí thế “dân chủ đến thế là cùng” kia mà. Vậy thì đành xin thưa, chỉ có hai từ đơn giản thôi, hai từ hoàn toàn thích hợp với hành động không tiền khoáng hậu của các vị – ĂN CƯỚP. Và nếu nói như người xưa thì có thể thêm ĂN CƯỚP CÓ MÔN BÀI.

Cực chẳng đã phải gọi tên những việc làm vốn bị nhân loại ghét bỏ này, thực lòng chúng tôi không lấy gì làm thích thú. Nhưng nếu không nói thì chính mình lại tự đánh mất nhân cách, tự mình rơi vào tình thế nuốt nhục. Nói ra, dẫu có thể mang tiếng là lăng mạ những ai ai đó, thì đối với người còn tỉnh táo, mà chúng tôi tin rằng còn, sau khi đã trải qua cú sốc, hẳn sẽ có lúc giật mình về món “thuốc đắng” gửi gắm trong mấy lời thô thiển này. Và chỉ cần giật mình thôi cũng đủ là sự cảnh báo với mình để quyết tâm tìm cách “dã tật”, khi mà khuyết tật đang lồ lộ ra khắp nơi mọi chốn.

BVN

Source: Bauxite Việt Nam