Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

Làm thế nào để chấm dứt tình trạng thực phẩm độc hại trên thị trường Việt Nam?

Share
Triết Học Đường Phố - Tôi tin không người Việt nào có lương tri mà có thể yên tâm ăn ngủ khi nghĩ về cái dịch ung thư đang xảy ra ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân chính là người Việt đang phải ăn và uống hàng ngày các loại thực phẩm độc hại, được tuồn từ Trung Quốc và từ chính người Việt làm ra. Rõ ràng để giải quyết vấn nạn này, cần có nhiều biện pháp đồng bộ về luật pháp, về kinh tế, về giáo dục, về chính trị. Không thể ra luật cấm, xử phạt thật nặng là xong, vì nó cũng giống như tham nhũng và trộm cắp. Luật pháp xử rất nặng các tội này, có khi là chung thân và tử hình thế mà tham nhũng ngày càng phát triển, trộm cướp ngày càng lộng hành táo tợn hơn. Muốn chấm dứt được tình trạng thực phẩm độc hại trên thị trường cần phải có một nền kinh tế thị trường tự do, một nền chính trị dân chủ, một nền pháp trị, và một xã hội tôn trọng dân quyền. Đây không là giải pháp mới, đây cũng không là hiến kế cho chính quyền cộng sản, đây chỉ là đang trả lời câu hỏi vì sao của hàng triệu người dân Việt Nam trước đại dịch ung thư, quốc nạn tham nhũng, bắt cóc trẻ em và phụ nữ, cướp bóc, lộng hành. Bài viết này chỉ xin nhấn mạnh đến vấn đề nhận hối lộ và thực phẩm độc hại. 

Câu hỏi đầu tiên mà ai trong chúng ta cũng sẽ hỏi khi thấy cảnh người Việt tiêm chất độc hại vào thịt, hoa quả, rau, vân vân rồi tung ra thị trường. Tại sao họ lại có thể làm như vậy? 

Vâng, lương tri họ để ở đâu mà có thể tự đầu độc người đồng bào mình như vậy? Ở Việt Nam hiện nay có câu nói rất phổ biến là: lương tâm không bằng lương tháng. Lương tâm có thì làm đẹp tâm hồn và đẹp xã hội, nhưng lương tháng quá ít hay không có thì cũng rất khó để nói đến lương tâm. Bởi thế câu hỏi nên đặt ra lúc này là tại sao người ta không thể sống nổi bởi làm ăn lương thiện? Đây mới là câu hỏi thực tế và cần thiết. 

Tại sao người Việt ở đất Việt không thể làm ăn lương thiện để sống? Chắc chắn có không ít người Việt đang làm ăn lương thiện để sống, nhưng để gọi là sống đủ, sống tốt, sống có tương lai, có dư giả thì hiếm người lắm. Tại sao? Vấn đề này liên quan đến lợi nhuận trong kinh doanh. Đây là một chủ đề của kinh tế học, cả vĩ mô lẫn vi mô. 

Làm ăn thì phải có lợi nhuận. Không ai làm ăn mà không muốn có thật nhiều lợi nhuận. Phần lợi nhuận này là phần mà người kinh doanh trừ ra hết các khoản chi phí dùng để sản xuất sản phẩm, hay cung cấp dịch vụ. Phần chi phí sản xuất tất tần tật có thể được tính vào giá cả. Như vậy muốn có lợi nhuận thì mức giá phải vừa hợp lý và hợp túi tiền người tiêu dùng. Giá cả ở đây nói tới là chi phí dùng để sản xuất sản phẩm. 

Vấn đề đặt ra là trong nền kinh tế trị thường nếu anh muốn tồn tại và phát triển là cạnh tranh. Cạnh tranh là một trong những yếu tố chính giúp cải thiện chất lượng sản phẩm, và bảo vệ người tiêu dùng khỏi cơ chế độc quyền. Lúc này người kinh doanh Việt Nam đặt ra cho mình câu hỏi: làm thế nào để cạnh tranh? 

Trước khi trả lời câu hỏi làm thế nào để cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường, chúng ta thứ tìm hiểu xem người kinh doanh Việt đang phải cạnh tranh với ai? Chúng ta biết kinh tế Việt Nam có hai đặc điểm chính: một tập trung vào các tập đoàn nhà nước, hai phụ thuộc vào TQ. Như vậy đổi thủ của các doanh nghiệp, các nhà buôn Việt vừa và nhỏ trên thị trường là hai gã khổng lồ với số vốn từ nhà nước cung cấp không giới hạn. 

Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào TQ, và các doanh nghiệp TQ lại được sự hỗ trợ từ chính quyền của họ, nên họ không hề theo cái gọi lại quy luật cung cầu trong kinh tế. Họ bán phá giá sản phẩm không thương tiếc, bán với những cái giá rất rẻ, đủ sức lôi kéo kẻ keo kiệt nhất về tiền bạc. Đây là một nguyên nhân khiến các sản phẩm làm ra dù chất lượng ở Việt Nam không thể cạnh tranh với hàng hoá TQ. Giá cả quá cao sẽ không bán được, vì không thể cạnh tranh với hàng giá rẻ TQ. Bán giá thấp thì sẽ thua lỗ, doanh nghiệp phá sản. 

Nguyên nhân thứ hai đó là tệ nạn nhận hội lộ. Dù Việt Nam là nền kinh tế thị trường, nhưng thực sự vẫn là một nền kinh tế với cơ chế xin cho, cấp phép. Không phải anh đủ vốn, đủ cơ sơ hạ tầng, đủ nhân lực là có thể kinh doanh, điều tối thiếu và quan trọng bậc nhất ở Việt Nam nếu muốn hoạt động kinh doanh đó là được phép. Nếu cơ quan chức năng không cho phép anh không thể hoạt động. Vì bóng ma quyền lực kiểm soát mọi thứ, nên nó sinh ra cái bệnh là hối lộ. Tiền hội lộ không chỉ một lần, mà hầu như là theo định kỳ, giống như lũ anh chị đi thu tiền bảo kê hàng tháng mà chúng ta hay xem trên các phim xhd hk. Tiền này khi chi ra đã khiến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tăng lên đáng kể, vì thế nó lại là một cản trở không nhỏ khiến doanh nghiệp Việt Nam mất sức cạnh trạnh với hàng TQ. Bên cạnh đó, với hàng trăm các khoản lệ phí, thuế mà doanh nghiệp phải đóng cho nhà nước thì có thể nói, không hàng hoá nào Việt Nam đủ khả năng cạnh tranh với hàng TQ, nếu còn muốn làm ăn lương thiện. 

Bạn thấy đấy, hối lộ không chỉ là gánh nặng khiến hàng Việt Nam chất lượng chết yểu ngay từ khi mới manh nha, mà nó còn là cơ hội để TQ có thể dễ dàng tuồn hàng độc hại vào Việt Nam, và thu mua hàng nông sản chất lượng từ Việt Nam. Có thể nói, các doanh nghiệp TQ làm ăn với Việt Nam không phải vì lợi nhuận, mà có lẽ vì mục đích chính trị. Họ làm việc có kể hoạch và tổ chức rất bài bản. Từ khâu thua mua hàng chất lượng Việt Nam giá cao đến tuồn hàng phế thải vào Việt Nam. Nhìn kỹ thì sẽ thấy luôn có bàn tay của chính quyền TQ dính vào trong những vụ việc thế này. Hối lộ là cách dễ dàng nhất khiến mọi hoạt động này của TQ diễn ra suôn sẻ mấy chục năm qua. Chỉ cần cho cán bộ nhà nước tiền, thế là mọi hàng hoá dù độc hại từ TQ hay ở Việt Nam đều có thể tuồn ra thị trường. 

Bây giờ chúng ta trở lại với câu hỏi: hàng hoá Việt Nam làm thế nào để cạnh tranh với hàng TQ? Đây là câu hỏi cần thiết nếu doanh nghiệp muốn tiếp tục các hoạt động kinh doanh, nhưng ở Việt Nam nó lại là một ngõ cụt nếu muốn làm công việc khó hơn lên trời này. Chắc chắn không thể có hàng giá rẻ hơn TQ mà chất lượng nếu còn phải chịu cảnh xin cho, cấp phép này được. Và những ai nghĩ tới lợi nhuận, bắt đầu làm hàng giả giống thật, tìm mọi cách làm ra sản phẩm với giá thật rẻ mà khách hàng vẫn tiêu dùng được. Và thế là hàng độc hại do người Việt làm ra đời. Cá, mực, tôm, thịt, rau, trái cây, nước mắm, nước ngọt hàng TQ có bao nhiêu hàng độc hại Việt Nam có bây nhiêu. Và kỳ lạ là những bí quyết, những chất độc hại lại tuồn từ TQ là chính. Các con buôn TQ không sợ hàng độc hại người Việt canh tranh với hàng của họ, mà họ còn giúp người Việt tạo ra sản phẩm như họ. Có vẻ như họ lại thấy vui vì người Việt đang làm rất tốt công việc ban đầu của họ. 

Bây giờ câu hỏi lớn nhất là tại sao tệ nạn nhận hối lộ lại xảy ra ở Việt Nam? Đây chính xác là vấn đề chính trị, mà nói tới chính trị là vấn đề nhạy cảm, dễ bị coi là phản động. Nhưng cũng xin nói ngắn gọn thế thế này. Muốn chấm dứt hàng độc hại trên thị trường phải chấm dứt nạn hối lộ. Muốn chấp dứt nạn hối lộ phải chấm dứt độc quyền. Nói trắng ra là cơ chế chính trị có vấn đề, quyền lực tâp trung sinh ra quan liêu cửa quyền, và nó làm tha hoá không chỉ người cầm quyền, mà còn cả kẻ bị trị.