Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016

Những cơn biến động nhân gian

Share
Tuấn Khanh - Hình ảnh hàng chục ngàn người chạy xô đẩy tranh nhau vào được khu vực đền Thượng, Phú Thọ làm lễ giỗ tổ Hùng Vương năm nay đã mang lại cho không ít người chứng kiến cảm giác sợ hãi.

Không phải sợ hãi vì sự hỗn loạn, đạp nhau có thể thiệt hại nhân mạng, mà kinh hoàng vì đó là hình ảnh của cơn biến động nhân gian, mà tín ngưỡng chỉ là một cái cớ.

Việc thờ cúng các đời huyền sử Hùng Vương như một cách ghi nhớ tổ tông, giống nòi không phải là chuyện lạ, mà đã có từ cả trăm năm nay.

Kể cả lúc chưa thống nhất đất nước, ngày giỗ tổ Hùng Vương ở miền Nam cũng là một ngày lễ trọng thị. Nhưng mãi đến năm 1995 thì ngày lễ này mới được chính thức nhìn nhận trên cả nước, vào ngày 10/3 âm lịch.

Bất ngờ vào ngày lễ năm nay, hình thức vọng bái mang hình thái tín ngưỡng dân gian này trở thành đại lễ quốc gia, tạo nên một cuộc biến động khó lường.

Nếu tĩnh tâm nhìn lại, người dân trên đất nước này đang bị dắt tay đi vào vô số những cuộc vui – biến động nhân gian như vậy.

Từ nhiều năm nay, từ các lễ hội “cấp quốc gia” cho đến các cuộc vui rầm rộ như bóng đá, con người bị hút theo. Khóc cười nghiêng ngả. Bùng phát các phong trào giành lộc, xin ấn, nhét tiền vào tay Phật, rồi gào thét theo đường bóng bất lực của đội tuyển quốc gia trong giấc mơ không tưởng như bánh vẽ, so với hiện thực.

Những người bình tĩnh lùi xa và nhìn ngó các dòng chảy biến động đó ắt hẳn luôn âu lo, không hiểu được trào lưu nào, điều gì đang xô đẩy người Việt dẫm đạp nhau, trở thành những hình dạng méo mó, kỳ lạ với cuộc sống ngày thường từng có.

Tên gọi của các loại lễ hội, giỗ cúng đâu xa lạ gì với người Việt. Tổ chức các lễ hội êm đềm và thành kính cũng không phải là một điều quá nhiêu khê với người Việt.

Hãy thử nhìn lại các lễ hội lớn ở miền Nam từ cả thế kỷ nay, như ở Bình Dương, Châu Đốc, An Giang… con số người tham dự lên đến cả trăm ngàn nhưng mọi thứ vẫn trật tự và khiêm cung.

Nhưng vài năm nay, việc cổ suý và phong trào thờ cúng lễ lạt dựng vội lên, ai ai cũng bất ngờ khi thấy thảm cảnh người người xông vào giật chậu hoa, cướp cây cảnh.

Người người xông lên chùa rải tiền lẻ tranh mua Phật, chen nhau để móc tiền chấm máu heo, máu trâu bị chém sống để lấy hên. Lại chực chờ sẵn sàng đạp chết nhau để xin một cái ấn vô nghĩa, rồi lại có thể bán đi với giá cắt cổ. Rồi đập vào mặt nhau, đánh vỡ đầu để giật cho được cái phết may mắn…

Thật khó mà tìm một tên gọi khác cho loại cúng bái hay lễ hội như vậy, nếu không phải là những cơn biến động nhân gian có chủ đích và tràn lan.

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 8.000 lễ hội, thờ cúng tín ngưỡng dân gian, tức trung bình mỗi ngày có khoảng 20 lễ hội.

Trong đó có hàng ngàn lễ hội, cúng bái được dựng nên như những dự án kiếm tiền của chính quyền địa phương, bỏ túi riêng cho các cá nhân bí hiểm nào đó, dọc theo chiều dài đất nước.

Những lễ hội dài ngày làm lạc hậu, trì trệ đất nước và con người. Tín ngưỡng được dựng lên kéo dài làm dân tộc mê muội.

Lễ hội, thờ cúng nhộn nhịp cả nước khiến người ta quên đi những điều cần biết hơn là hưởng thụ niềm vui trên đất nước này.

Như rồi người ta quên nhanh vụ điều tra công an đánh chết dân ở Tuy Hoà, luật sư Nguyễn Văn Thắng tố cáo việc che đậy tội ác, đã tức giận đến mức tuyên bố “sẵn sàng chết chứ không thể hèn” mà chấp nhận công lý bị bẻ cong.

Nhân dân được mời vào các phong trào rộn rịp với thần linh xa xôi, tổ tiên huyền sử nhưng lãng quên đất nước đang ngồi trên lửa với nợ công quốc gia, thực phẩm nhập khẩu vào đầu độc từng gia đình và tham nhũng kinh tế.

Hàng chục ngàn người sẽ mê mải xô nhau vào nơi vái lạy trên đất liền, không nhớ rằng giờ đây là mùa ra biển của ngư dân, nhưng ít còn ai dám đi xa vì kinh hoàng khơi xa đầy kẻ ác, kể cả nơi chính quyền Trung Quốc tặng không hàng chục ngàn USD cho các tàu cá của họ áp sát Trường Sa, không cần đánh bắt.

Thế kỷ 19, khi người Pháp đang đô hộ Việt Nam, họ cũng tổ chức vô số các cuộc vui, các lễ hội như hội chợ, thi leo cột mỡ, đấu xảo, đua xe đạp vòng quanh Đông Dương… để thu hút người dân vào cuộc vui, vào hưởng thụ mà quên tình cảnh đất nước.

Để rồi những anh hùng ái quốc như Nguyễn Thái Học chết ngậm ngùi trong tiếng vỗ tay cho tình quê hương khốc hận.

Nếu có biến động nhân gian, sao không là cơ hội cho cả nước cùng rộn rã đứng lên vạch mặt bọn quan chức tham nhũng, tố cáo “bạn vàng” đang leo cao luồn sâu vào đất nước, bá quyền trên biển Việt.

Nếu là biến động nhân gian sao không dịp là thức tỉnh các trái tim để triệu triệu người cùng dõi theo đường đi nguy nan ra khơi của ngư dân, thức tỉnh lòng tự trọng của người Việt về chuyện vì sao trên quê hương mình, nay lại nhan nhản những nơi chỉ xài tiền nhân dân tệ, chỉ tiếp người Trung Quốc mà thôi?

Thế nhưng chúng ta chỉ còn thấy những cuộc diễn tập son phấn rẻ tiền và vô bổ – như chuyện làm những cái bánh chưng hàng tấn, những tô mì khổng lồ để dâng cho ngày giỗ tổ, cho lễ lạt trong khi những đứa trẻ đói khát vẫn còn đầy ở vùng cao nguyên, những vùng khô hạn và cứu đói ngày càng dài trong danh sách.

Những cuộc biến động nhân gian vui cười không ngớt ấy như đang dẫn dắt khiến người Việt vô tâm hơn, tham lam hơn, ích kỷ hơn, và người Việt không còn biết thương người Việt.

Những cuộc biến động nhân gian trình tự đó, một ngày nào đó rồi sẽ dẫn đến một đổi thay khôn lường.

Con người rồi sẽ đứng ở những biên giới mơ hồ, vuốt mặt nhìn nhau và tự hỏi tại sao chúng ta phải trả giá cho những điều này?

Source: Tuan Khanh’s Blog
        

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam