Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2016

Sự khẩn thiết cho một nền tự do báo chí

Share
Triết Học Đường Phố - Báo chí là sự kiện, và sự kiện liên quan đến thông tin. Thông tin phải là thông tin đa chiều, và có tính sự kiện. Thông tin có tính sự kiện có nghĩa là chuyện gì đang xảy ra thì phải truyển tải đúng như nó là, không bóp méo, diễn giải một chiều. Thứ hai phải là đa chiều, tức là có cái nhìn tổng thể, không định hướng và không được chủ quan. Bởi vậy, đối với tôi mà nói nghề làm báo là nghề cao quý. Lý do đơn giản là vì người làm báo là người truyền tải sự thật, và hiểu về giá trị của hiện tại hơn ai hết. Báo chí theo một cách nào đó cũng chính là người đang làm công việc giáo dục, và đang tự học hỏi từng ngày.


Thực trạng nền báo chí Việt Nam
(Lưu ý: tôi đang đề cập đến các tờ báo nhận tiền lương từ ngân sách nhà nước.)

Nói về thực trạng báo chí Việt Nam, tôi có ý nói đến câu chuyện về thông tin. Tôi không nói về hệ thống báo chí, sự phân chia cấp bậc trong nghề làm báo. Những thứ đó là ràng buộc, là giả dối và là nhà tù của sự thật.

Thông tin là sự kiện. Sự kiện ông A tham nhũng, ông B lạm quyền, tổ chức, cơ quan này lảng phí, không hiệu quả, vân vân. Như vậy, báo chí khi truyền tải thông tin phải trung thực. Thiếu trung thực là nét đặc thù của nền báo chí Việt Nam.

Tại sao thông tin lại bị bóp méo trong nghề báo ở Việt Nam? Câu trả lời là báo chí là công cụ cho quyền lực chính trị. Cụ thể, toàn thế hệ thống báo chí sau ngày 30/4 đều nằm dưới sự kiểm soát và định hướng Ban Tuyên Giáo, một tổ chức của ĐCSVN.

Khi báo chí là công cụ thì thông tin là thuốc độc. Khi thông tin là thuộc độc thì người đọc là nạn nhân. Nạn nhân của thông tin sai trái sẽ tạo ra những con người vô tâm, vô cảm và ngu muội trước những gì đang xảy ra. Báo chí liên quan đến những vấn đề đang xảy ra trong hiện tại, và khi thông tin bị bóp méo thì hiện tại cũng không có giá trị với người đọc. Ví dụ: báo chí viết về tham nhũng nhưng lại bóp méo về thông tin. Cơ chế độc quyền, độc đảng khiến tham nhũng trở nên quốc nạn thì lại không nêu ra cho người đọc, nhưng lại đổ tội nào là do lối sống tây phương thực dụng, thể lực thù địch tìm cách quấy phá. Khi người đọc tiếp nhận thông tin sai trái, họ cũng sẽ có những phán ứng sai trái.

Báo chí là công cụ thì xã hội sẽ suy tàn. Tại sao? Tương lai của một xã hội cũng giống một con người, chính là do hiện tại vun đắp. Khi người ta có những hành vi sai trái trong hiện tại, thì tương lai sẽ nhận được những kết quả thảm hại. Vì báo chí công cụ đã bóp méo sai trái thông tin của hiện tại, nên những con người trong xã hội đó cũng có những hành vi sai trái. Đừng hy vọng về sự tốt đẹp của xã hội trong một nền báo chí công cụ.

Nói về báo chí Việt Nam thì cũng nên nói đôi chút về độc giả của nó

Sự thật là không phải ai cũng biết về nền báo chí công cụ ở Việt Nam, và vì thế phần lớn người Việt vẫn rất tin tưởng vào các thông tin họ tiếp nhận hàng ngày. Những câu nói như: tại sao tôi không thấy báo chí nhắc tới vấn đề bạn đang nói? Tôi không tin điều bạn nói vì nếu nó có xảy ra thì báo chí đã viết rồi, vân vân.

Nói chung những người đọc đều thiếu khả năng sàn lọc thông tin, không có tính nghi ngờ thông tin họ tiếp nhận. Báo chí viết thế nào thì họ tin như vậy. Nói chuyện với những người mà tin báo chí như tin cha mẹ thế này, đó là một sự phí phạm thời gian. Tại sao phần lớn độc giả Việt Nam lại có tâm lý lệ thuộc báo chí như vậy? Câu trả lời nằm ở chính nền tảng giáo dục họ tiếp nhận. Một nền giáo dục công cụ thì cũng chỉ tạo ra những công cụ cho ai đó mà thôi. Công cụ dù là con người hay thông tin đều có một điểm chung là ngu ngốc.

Các độc giả của báo chí nhà nước phần lớn lại là những người thích đọc các bản tin đâm chém, cướp hiếp, hay các thông tin về đời sống riêng tư của những người nổi tiếng. Điều này phản ánh hai thực trạng trong việc tiếp nhận thông tin của người đọc. Người đọc thiếu chiều sâu về nhận thức nên họ sẽ tiếp nhận các thông tin sôi nổi bên ngoài. Thứ hai, nhận thức về bản thân kém nên họ thích soi mói đến đời sống riêng tư người khác.

Từ báo chí đến độc giả, có thể nói như một trò hề rẻ tiền. Kẻ tung người hứng nhưng lại không nhận ra mình đang làm trò chơi cho những kẻ khác, mà dù biết vẫn thấy vui lòng. Thật không sai khi nói, báo chí đang là một trong những nguyên nhân khiến xã hội này đi xuống. Bởi thế, nhu cầu một nền báo chí tự do cho xã hội Việt Nam là khẩn thiết và gấp gáp hơn cả.

Tự do báo chí

Tự do báo chí không chỉ là quyền tự do ngôn luận, nó còn là quyền truyền tải sự thật. Tôi không nói về sự thật tuyệt đối mà các tôn giáo đang nói tới, tôi nói về sự thật của từng sự kiện đang xảy ra. Tôi nói về thông tin.

Con người ta có hai sự lớn lên, một lớn lên thể lý, hai lớn lên về tinh thần. Thông tin tiếp nhận hàng ngày như thức ăn dành cho thân xác. Một người ăn uống thức ăn độc hại hàng ngày thì mang bệnh vào người là chuyện không thể tránh khỏi. Cũng thế, nếu chúng ta tiếp nhận thông tin sai trái hàng ngày thì chúng ta sẽ có những hành vi sai trái vì nhận thức của chúng ta sai trái qua những thông tin giả dối. Như vậy, tự do báo chí chính là tự do nói lên sự thật như nó là mà xã hội phải đảm bảo an toàn cho họ trước những đe doạ.

Bên cạnh truyền tải sự thật, tự do báo chí còn là quyền tiếp nhận sự thật. Được tự do viết mà cấm đoán người đọc thì không thể có cái gọi là tự do. Độc giả phải có quyền trong việc tiếp nhận thông tin, và truyền tải thông tin đó cho nhau nếu họ thấy cần thiết.

Giáo dục là tương lai của xã hội, báo chí là hiện tại của xã hội. Chỉ cần nhìn vào nền giáo dục của một xã hội, bạn có thể đoán ra tương lai của xã hội đó. Cũng vậy, chỉ cần xem nền báo chí hiện tại của xã hội đó cũng đoán ra thực trạng xã hội đang xảy ra. Không phải xem những gì báo chí đang đề cập, bởi thứ báo chí công cụ sẽ vẽ ra hàng ngàn bánh vẽ đẹp đẽ trong các bài báo của nó. Đó là giả dối. Điều bạn cần làm là quan sát xem cách mà nền báo chí đó vận hành, bởi nó phán ảnh cách mà xã hội này đang là.

Một xã hội không đảm bảo đầy đủ quyền tự do báo chí, thì xã hội đó cũng không tốt đẹp gì hơn nó. Tự do báo chí cũng đồng nghĩa với trách nhiệm, quyền lợi mà công dân đó được hưởng. Một xã hội mà người ta tự do truyền tải và tiếp nhận sự thật, thì ở đó quyền con người của người dân cũng được tôn trọng. Và hơn nữa ý thức trách nhiệm xã hội của họ cũng cao như quyền lợi họ được hưởng. Ví dụ khi báo chí được tự do nói về sự thối nát của nền chính trị, vạch rõ bản chất sự xấu xa của quyền lực tập trung thì ở đó các quyền về chính trị của công dân sẽ không bị xâm phạm, và sự thờ ơ về chính trị của họ cũng sẽ tan biến. Việt Nam thiếu tự do báo chí nên người dân cũng thiếu luôn cái quyền này, và vô cảm trước các vấn nạn quốc gia.

Làm thế nào để có một nền tự do báo chí

Nói tới báo chí là nói tới thông tin. Thông tin được truyền tải qua hai dạng thức cổ điển sau đây: một là được truyền miệng. Loại hình thức này dễ tam sao thất bản, và có tính chủ quan rất nhiều. Xin không đề cập đến việc truyền tải thông tin kiểu này, tôi muốn đề cập đến loại truyền tải thông tin thứ hai.

Hai là được truyền tải qua những bản viết trên giấy, người ta gọi nó báo in. Ngày nay còn có một loại nữa là báo điện tử. Câu hỏi là làm thể nào để có nền báo chí tự do trong in ấn và phát hành trên mạng internet?

Nền báo chí Việt Nam bị cấm đoán nguyên nhân là do thể chế chính trị. Chính thể chế chính trị này đang biến mọi thứ làm công cụ cho nó từ giáo dục, tôn giáo, truyền thống và văn hoá đến báo chí. Vì thế, đừng mong mỏi thể chế này cho phép tự do báo chí, bởi nó tôn trọng quyền tự do báo chí và đảm bảo quyền đó cho công dân thì nó cũng tự tàn sát nó. Cũng giống như giáo dục, chúng ta không thể yêu cầu chính quyền độc tài cho phép tự do hoạt động và bảo vệ các quyền tự do đó, vì nó chẳng khác nào việc bạn yêu cầu họ trao công an và quân đội vào tay bạn. Có lẽ, câu hỏi của chúng ta trong lúc này không phải là làm thế nào để có nền tự do báo chí hợp pháp? Câu hỏi nên là làm thế nào để có thể truyền tải sự thật đến với người dân trong điều kiện xã hội như bây giờ?

Chúng ta không có quyền tự do báo chí điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể truyền tải sự thật đến với người khác. Sự công nhận chẳng qua chỉ là việc làm hiển nhiên của một chính quyền vì dân, do dân. Còn việc truyền tải sự thật lại là điều hiển nhiên nơi mọi con người, không cần đến sự công nhận của bất kỳ thế lực quyền lực nào. Nó hiển nhiên như quyền sống của chúng ta. Vậy phải truyền tải thông tin đến cách nào?

Thứ nhất truyền tải thông tin không phải là tuyên truyền. Chúng có thể làm theo cách giống nhau nhưng mục đích của tuyên truyền là định hướng, dẫn dụ, kích động để đạt tới mục đích nào đó. Còn truyền tải thông tin là truyền tải sự kiện như nó là, không dẫn dụ, định hướng và kích động người đọc. Và người đọc thông minh cũng phải cẩn thận điều này. Ví dụ: bạn thấy một nhóm công an đánh dân. Bạn hãy truyền tải sự kiện đó, truyền tải như nó là. Nếu có thể bạn có thể đi đến cùng sự kiện đó như cách giải quyết sai trái của pháp luật đối với người công an đó như thế nào? Bạn có thể viết dựa vào sự bình đẳng để đánh giá về việc làm đó. Vân vân. Truyền tải sự thật, và khi sự thật đó được truyền tải đầy đủ và khách quan, sự thật đó có khả năng giải thoát. Vậy phải làm thế nào để truyền tải sự thật trong thực trạng cấm đoán như xhvn ngày hôm nay?

Tôi đặt câu hỏi và tôi sẽ không trả lời, vì tôi biết độc giả của THĐP không phải là những cá nhân lười biếng, thích làm những gì được định sẵn. Tôi nghĩ khi chúng ta có câu hỏi thì không sớm thì muộn chúng ta sẽ tìm cho mình được câu trả lời. Hãy là người truyền tải sự thật theo cách của bạn, và hãy tự do làm điều đó đừng vì bất kỳ ai kích động và lôi kéo.

Thân!
Joseptuat.


Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam