Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2016

Việt Nam sắp xét xử những người vượt biên bị Úc trả về

Một kênh truyền hình của Úc đưa tin một con tàu đưa những người vượt biển đến Úc hôm 15/12/2010. AFP photo
Share
Việt Hà - RFA - Bốn người Việt Nam tham gia tổ chức vượt biên cho 42 người khác đến Úc bằng thuyền vào tháng 7 năm ngoái sẽ bị đưa ra xét xử vào ngày 5 tháng 4 tới tại tỉnh Bình Thuận với tội danh ‘tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép’ theo điều 275 Bộ luật hình sự. Bà Trần Thị Lụa, 36 tuổi, một trong 4 người sắp hầu tòa cho đài Á châu tự do biết như vậy.

Bị Úc trả về

Theo bản cáo trạng của viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bình thuận ký ngày 13 tháng 1 năm 2016 mà đài Á Châu Tự Do thu thập được, những người bị truy tố bao gồm Trần thị Lụa, ông Nguyễn Minh Quyết, bà Huỳnh Thị Kiều và chồng là Nguyễn Đình Quý. Tất cả những người này đều thường trú tại thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận. Theo kết luận điều tra, 46 người đã rời Việt Nam bằng thuyền ngày 1 tháng 7 năm 2015 và đến ngày 21 tháng 7 thì sang hải phận nước Úc.

Những người này sau đó được thẩm vấn trên tàu của Úc và được nước Úc trao trả cho chính phủ Việt Nam vào ngày 25 tháng 7. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 điều 275 Bộ luật hình sự, những người bị cáo buộc tội này phải đối mặt với án tù từ 2 đến 7 năm. Bà Trần Thị Lụa cho biết về mức án mà bà và 3 người còn lại sẽ có thể phải chịu tại phiên tòa lưu động sắp diễn ra tại thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận:

Trong mức án ở tù khoản 1, điều 275 bộ luật hình sự, án này ở tù từ 4 năm. Em là người rủ trước ở 4 năm, mấy người kia là 3 năm tức 36 tháng.

Theo cáo trạng của viện kiểm sát thị xã La Gi, bà Lụa bị kết luận là ‘người khởi xướng, rủ rê lôi kéo những người thân, họ hàng, người quen đi vượt biên và trực tiếp đi tìm mua thuyền vượt biển sang Úc’. 3 người còn lại là những người theo sau bà Lụa để tổ chức chuyến vượt biên. Cáo trạng cũng cho biết cả 4 người có thái độ thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn hối cải và có nhân thân tốt. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo.

Bản cáo trạng của viện kiểm sát ghi nhận lời khai của các bị cáo cho biết họ đã thu tổng cộng 440 triệu đồng dùng để mua thuyền và thực phẩm phục vụ cho chuyến đi. Từ đó viện kiểm sát đi đến kết luận ‘đây là vụ án tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép do bị can Trần Thị Lụa và các đồng phạm là Huỳnh Thị Kiều, Nguyễn Đình Quý và Nguyễn Minh Quyết đều là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện’.

Bà Trần Thị Lụa cho biết nguyên nhân 46 người tìm được vượt biển là vì họ gặp khó khăn trong cuộc sống và họ không phải là những kẻ buôn người để phải chịu những án phạt nặng nề:

Chúng tôi đi là đại gia đình, toàn trong gia đình không à. Ai có nhiều thì đậu nhiều, ai có ít thì đậu ít, đậu vô để mua một chiếc thuyền và lương thực ăn đi thôi. Chúng tôi không có buôn người, không có lợi nhuận gì hết…. Ở đây khổ quá thì mới đi. Làm ở đây khổ quá không đủ để nuôi con, sống không có đủ cho nên muốn qua làm có đồng tiền, đời sống con cái khác hẳn ở Việt Nam.

Theo bà Lụa, trong số 46 người vượt biên, có 30 người lớn còn lại là trẻ em, nhỏ nhất là 4 tuổi. Bản thân bà Lụa vượt biển với 3 người con. Đứa lớn nhất 12 tuổi và nhỏ nhất là 4 tuổi.

Phía VN nói gì?

Bà Lụa và 3 người tổ chức vượt biên đã bị công an thẩm vấn nhiều lần sau khi trở về Việt Nam trái với những lời hứa mà chính quyền Việt Nam đưa ra sau khi tiếp nhận 46 người từ phía Úc.

Khi xuống sân bay cô nữ công an nói vậy nè là chúng tôi đến đây thay mặt cho chính phủ Việt Nam khoan hồng cho mấy anh chị đi về hòa hợp với cộng đồng không bắt tù tội gì. Chúng tôi đến đây đưa các anh chị về nhà mà nó không đưa về nhà mà nó nhốt tới giờ luôn, rồi khởi tố cho ở tù luôn.

Ngoài ra bà cho biết, những người còn lại trong đoàn dù không bị giam giữ nhưng cũng gặp khó khăn trong cuộc sống:

Làm ăn thì cũng khó khăn. Ai có con lớn đi làm thì khi đi xin việc làm thì có giấy là vượt biên trái phép đi xin việc làm không ai cho làm hết.

Theo cáo trạng của viện Kiểm sát, những người này bị bắt giữ từ ngày 18 tháng 8 năm ngoái. Bà Lụa được cho bảo lãnh từ ngày 6 tháng 11 do vấn đề sức khỏe. Bà Huỳnh Thị Kiều được tại ngoại ngay từ đầu, theo bà Lụa cho biết vì bà Kiều có ba con nhỏ trong khi chồng là ông Nguyễn Đình Quý đang bị tạm giam để điều tra.

Hồi tháng 4 năm ngoái, cũng có một chiếc thuyền khác chở 46 người Việt Nam vượt biển đến Úc và bị tàu Úc bắt quay trở lại Việt Nam. Ông Đoàn Việt Trung, cựu Chủ tịch Cộng đồng người Việt tự do Úc châu cho biết nguồn tin của ông ở Việt Nam cho biết ít nhất 2 trong số 46 người này đã bị thẩm vấn và bắt giam. Phiên tòa xử những người này dự định diễn ra vào ngày 25 tháng 3 vừa qua đã bị hoãn lại vì không có đủ những người vượt biển trong chuyến đó tham dự. Bà Lụa cho biết, phiên tòa lưu động sắp tới cũng yêu cầu tất cả những người tham gia vượt biên cùng bà từ 18 tuổi trở lên phải có mặt để hầu tòa.

Chính quyền Úc trong những năm trở lại đây đã áp dụng chính sách đẩy trả lại thuyền của những người vượt biển đến Úc. Những người tìm kiếm quy chế tị nạn đến Úc bằng thuyền nếu không bị trả lại cũng bị giam giữ trong các trại tạm giam nơi điều kiện sinh sống được cho là rất tồi tệ. Chính sách cứng rắn này của chính phủ Úc đối với những người tìm kiếm quy chế tị nạn đến Úc bằng đường biển đã bị nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích.

Ông Đoàn Việt Trung cho rằng cho rằng việc chính quyền Úc đem trả lại những người tị nạn về Việt Nam là một điều sai trái:

Chúng tôi nghĩ khi chính quyền Úc đưa người về Việt Nam như thế có nghĩa là chính quyền Úc chắc chắn là sẽ đưa một số người vào nhà tù. Với tư cách là một công dân Úc tôi nghĩ đó là điều rất sai trái.

Theo ước tính của Liên minh Việt BP, một tổ chức chuyên hỗ trợ các thuyền nhân Việt Nam đến Úc, hiện có khoảng vài trăm người Việt trong các trại khắp nước Úc. Theo Bộ di trú Úc, hồi năm 2013, chính quyền Úc đã bắt hồi hương 82 người Việt.

Bà Trần Thị Lụa cho biết hiện bà rất lo lắng cho tương lai sắp tới vì bà còn 3 người con nhỏ không có ai chăm sóc khi bà phải ngồi tù, trong khi trước đó chính quyền Úc và Việt Nam đã hứa sẽ tạo điều kiện cho bà và mọi người hòa hợp cộng đồng và không phải ngồi tù.

Source: RFA