Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

Cao ốc và sự lên ngôi của lợi ích nhóm

Cao Huy Huân - Tôi nhớ gió từ sông Sài Gòn. Nhiều năm trước, gió từ sông Sài Gòn vào khu vực trung tâm thành phố như chợ Bến Thành vốn là những cơn gió mát lành xua tan đi cái ngột ngạt của những hoạt động thường nhật. Việc xây dựng những cao ốc chằng chịt thiếu những quy hoạch hiệu quả vừa phá vỡ không gian thoáng đãng, vừa đang dần dần biến Sài Gòn thành một khối bê tông nóng hừng hực. Phải chăng lợi ích nhóm đang lên ngôi như các cao ốc đang mọc lên như nấm ngoài kia?

Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc đầu tư xây dựng công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội. Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội chỉ đạo tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình cao tầng theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội; xử lý đúng thẩm quyền, theo đúng quy định của pháp luật. Ông Phúc nhấn mạnh rằng “không vì lợi ích trước mắt, lợi ích nhóm mà quên lợi ích cộng đồng. Nếu không sớm khắc phục thì sau này ngân sách Nhà nước đổ vào không đủ để giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng để chống ùn tắc giao thông".

Thật ra vấn nạn cấp phép xây dựng các khu cao ốc tràn lan không phải là mới, nhưng cái mới ở đây có lẽ là việc ông Phúc nhắc đến khái niệm “lợi ích nhóm” vốn khá nhạy cảm và hiếm khi được một quan chức Nhà nước cấp cao nói đến. Việc các thành phố lớn xây dựng cao ốc làm thay đổi diện mạo thành phố, có hiệu ứng tích cực trong việc thu hút đầu tư, phát triển du lịch và thậm chí là tiền đề cho các hoạt động dịch vụ, thương mại phát triển. Tuy nhiên, lợi ích cụ thể, tức “cơm gạo” vào túi của ai và về hiệu quả tổng thể lâu dài ra sao mới là câu hỏi quan trọng.

Không thể phủ nhận một thực tế là “lợi ích nhóm” đã và đang tồn tại ở Việt Nam trong nhiều lĩnh vực và ngay cả trong hoạt động quy hoạch xây dựng các công trình cao tầng ở Hà Nội, mặc dù ông Phúc chỉ nhắc đến chứ không nêu rõ những đối tượng cụ thể. Hiện nay lợi ích trong ngành này tập trung nhiều vào các tập đoàn xây dựng, nhất là khi các khu cao ốc được xây dựng tại những địa điểm đắt địa nhất của thành phố, bất chấp nguy cơ phá vỡ các quy hoạch tổng thể, ảnh hưởng đến hệ thống giao thông, hệ thống tiện ích, các hoạt động giải phóng mặt bằng. Thực trạng này trái ngược hẳn với chủ trương chung là giảm hạ tầng từ vùng trung tâm ra vùng rìa thành phố nhằm giảm tải áp lực phân bố dân cư. Chính Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, đã trả lời trên báo Dân Việt rằng “Quy hoạch hiện nay đang rất mất cân đối, không bảo đảm được sức tải của không gian. Trong vấn đề này, có biểu hiện là chúng ta chiều theo ý của nhà đầu tư nhiều hơn là bảo vệ cảnh quan đô thị của Hà Nội. Chính vì vậy, có những nơi ở Hà Nội chúng ta chất tải khu chung cư quá nhiều.” Vị này giải thích thêm rằng điều này thể hiện sự yếu kém trong cách điều chỉnh quy hoạch của Việt Nam. Phải thừa nhận rằng nhiều khi quy hoạch được ngành chức trách làm tốt, nhưng tới quá trình triển khai, điều chỉnh quy hoạch, cơ quan ban ngành lại chiều theo mong muốn, ý định của nhà đầu tư. Nhiều trường hợp, chính quyền đã cắt đi khá nhiều không gian công cộng, dẫn tới không đảm bảo về hạ tầng, môi trường. Chính vì vậy, không gian và sức chịu tải ở nhiều khu chung cư quá lớn, không đảm bảo được điều kiện sống cho người dân và giao thông đô thị. Làm như vậy có nghĩa là chiều theo lợi ích riêng của các nhà đầu tư nhiều hơn lợi ích chung của thành phố. Mở rộng ra có nghĩa là lợi ích của nhà đầu tư được đặt trên lợi ích chung của quốc gia.

Tuy nhiên, nói đi cũng cần nói lại. Việc phát triển cao ốc cũng có thể mang lại những lợi ích mang tính tổng thể nếu nó nằm trong một quy hoạch chung. Lấy ví dụ như Singapore. Đây là quốc gia phát triển hệ thống cao ốc chung cư hiện đại, đi kèm với hệ thống viễn thông, giao thông công cộng, điện-nước... rất tiện dụng. Singapore đã trở thành quốc gia có GDP cao, là trung tâm kinh tế tài chính của châu Á cũng một phần là nhờ có những quy hoạch đô thị mang tính toàn diện và bền vững, đặt lợi ích của thành phố lên trên tất cả.

Để có một bản vẽ thành phố được quy hoạch chỉnh chu với hệ thống cao ốc đồng bộ với mức dàn trải của dân cư, hệ thống dịch vụ tiện ích, hệ thống giao thông... không phải là quá khó với Việt Nam trước đây, ít nhất là từ sau khi Việt Nam “đổi mới” với sự du nhập của các giá trị tri thức, vốn và nhân lực chất lượng cao từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên hơn 30 năm qua, bản quy hoạch tổng thể ấy bị ảnh hưởng bởi nhiều lý do: tư duy quản lý ngắn hạn theo nhiệm kỳ; sự can thiệp của lợi ích nhóm (mà các vi phạm quy hoạch là những dấu hiệu cụ thể) đã khiến quy hoạch đô thị chung của các thành phố lớn bị vỡ vụn. Người nhìn vào bản vẽ hay người dân sống tại đây thấy mức ảnh hưởng mang tính địa vị và quyền lực của các tập đoàn bất động sản, các ông trùm trong ngành kinh doanh dịch vụ nhà đất, trung tâm thương mại... nhiều hơn là thấy những lợi ích đến với họ (một môi trường giao thông thuận lợi; hệ thống điện – nước tốt; môi trường trong lành; hay thu nhập cải thiện đáng kể...).

Tôi nhớ gió từ sông Sài Gòn. Nhiều năm trước, gió từ sông Sài Gòn vào khu vực trung tâm thành phố như chợ Bến Thành vốn là những cơn gió mát lành xua tan đi cái ngột ngạt của những hoạt động thường nhật. Việc xây dựng những cao ốc chằng chịt thiếu những quy hoạch hiệu quả vừa phá vỡ không gian thoáng đãng, vừa đang dần dần biến Sài Gòn thành một khối bê tông nóng hừng hực. Phải chăng lợi ích nhóm đang lên ngôi như các cao ốc đang mọc lên như nấm ngoài kia?

Source: CaoHuyHuan