Thứ Ba, 10 tháng 1, 2017

Nói một đàng làm một nẻo

Trần Thảo - Trong truyền thống Á Đông, và tôi tin là ở bất cứ nơi nào trên thế giới, người mà nói một đàng, làm một nẽo được coi như một kẻ tiểu nhân, bất cố liêm sỉ. Việc đó không có gì phải tranh luận. Chế độ CSVN từ thời HCM, luôn luôn kêu gào đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, nhưng trong thực tế, tập đoàn CSVN đã làm gì để thực hiện cái khẩu hiệu đó? Hay tất cả hành động của HCM và tay sai đều làm ngược lại những gì mà họ đã tuyên truyền?

Trong hai năm 1956 và 1957, chế độ miền bắc VN đã theo lịnh Trung Cộng, tiến hành Cải Cách Ruộng Đất, với ý đồ tiêu diệt giai cấp tư sản, địa chủ, biến quần chúng nhân dân thành một tầng lớp bần cùng duy nhất để chế độ dễ dàng kiểm soát, cai trị. Theo ước tính của những nhà nghiên cứu về hệ quả ghê gớm của CCRĐ trên đất bắc, thì số người bị tàn sát có hệ thống trong hai năm 56-57 ở trong khoảng 50 tới 120 ngàn người. Con số nạn nhân đó đã khiến cho chúng ta thực sự kinh hoàng. Nhưng đó chỉ là tai hại mặt nổi của CCRĐ, cái hệ quả tâm lý của CCRĐ đối với người dân miền bắc VN vào thời gian đó mới là ghê gớm và kéo dài mãi mãi.

Nếu đã từng có thời gian sống ở miền quê Việt Nam vào thời gian chưa có cộng sản, chúng ta đều cảm nhận được cái tình làng nghĩa xóm trên bất cứ vùng đất nào của quê hương. Thời phong kiến, dĩ nhiên cũng có những mặt bất cập của xã hội, cũng có những bất công do những cường hào, ác bá áp đặt lên tầng lớp dân nghèo, nhưng toàn cảnh của những vùng quê Việt Nam là cảnh chan chứa nghĩa tình, xóm làng có nhau, tình cảm con người trong cùng một quê hương thiết tha và gắn bó.

Nhưng sau CCRĐ, toàn cảnh xã hội miền bắc VN nói chung, và những miền quê nói riêng, đã hoàn toàn biến dạng. Những màn đấu tố hung bạo đã diễn ra, và người CSVN đã dùng mọi cách thâm độc nhất để biến những người mới hôm qua còn là một anh nông dân hiền lành chất phác mà nay đã hai mắt đỏ ngầu, lăn xả về phía trước, theo lời thúc giục của những cán bộ, những ông đội của CCRĐ, tố điêu những con người yếu thế trong cơn cuồng loạn của xã hội. Làng xóm miền bắc VN đã biến thành những bãi chiến trường, không còn cảnh thanh bình êm ả, mà chỉ còn cảnh gà bay chó chạy, con người nhìn nhau nghi kỵ, rình mò nhau, tố giác nhau vì tư lợi hay vì muốn tâng công với chế độ. Khi đã đạt được kết quả của CCRĐ, chế độ CSVN với HCM đứng đầu, đã diễn tiếp phần hai của vở bi kịch, bằng cách xoa dịu xã hội với màn cách chức Trường Chinh, Hồ Viết Thắng, và đưa tướng Giáp ra thay mặt nhà nước nhận lỗi, cộng với giọt nước mắt cá sấu của HCM. 

Đó là tất cả những gì mà HCM và đồng bọn đã làm để thực hiện khẩu hiệu đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân.

Nhưng vẫn chưa hết!

Để tiến hành âm mưu xâm chiếm miền nam VN, nhuộm đỏ toàn cõi Đông Dương, CSVN đã xua bao thế hệ thanh niên miền bắc VN đi vào chổ chết bằng những tuyên truyền láo toét. Trong hoàn cảnh thông tin bị bịt kín, người dân miền bắc VN cứ cắm đầu tin rằng đồng bào miền nam VN bị chế độ "Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, và Đế Quốc Mỹ" đàn áp, bóc lột, cơm không có ăn, áo không có mặc. Người dân miền bắc cứ thế mà góp xương máu cho bác và đảng thực hiện mưu đồ xâm lăng vùng đất phương nam vốn sống trong no đủ và phát triển. Những hy sinh của thanh niên miền bắc VN trong con mắt của Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Hồ Chí Minh hoàn toàn không đáng để bận tâm. Trong những năm 68-69 Lê Duẩn chủ trương "húc nữa, húc nữa", dù có nướng thêm bao nhiêu cán binh thì cũng phải giữ thế chủ động chiến trường. Còn HCM thì tuyên bố "Dù có đốt cháy Trường Sơn, dù có phải chiến đấu mười năm, hai mươi năm hay hơn nữa v.v..." cũng phải đánh tới cùng.

Và trong năm Mậu Thân 1968, miền bắc xua quân thực hiện cái gọi là Tổng nổi dậy. Mưu đồ khốn nạn của CSBV lúc đó không chỉ là tạo tiếng vang trên thế giới, ép Mỹ phải nhận đàm phán, mà chúng còn tiện tay nhờ hỏa lực của quân đội VNCH và Hoa Kỳ tiêu diệt lực lượng cán binh CS miền nam trong cái tổ chức bù nhìn MTDTGPMNVN, cái lực lượng mà trong mắt của lũ CSBV là lực cản cứng đầu trong tương lai.

Những vụ thảm sát dã man ở Huế năm 1968, và trên Đại Lộ Kinh Hoàng, Quảng Trị năm 1972 là những hành động ghê rợn của những con dã lang, thèm khát máu người, không còn gì là nhân tính.

Đó là hành động đoàn kết dân tộc đấy ư?

Sau khi chiếm trọn miền nam VN năm 1975, chế độ CSVN thay vì thống nhất lòng người, hòa giải dân tộc để cùng nhau xây dựng đất nước sau bao năm chiến tranh lầm than, chúng lại đối xử với dân như kẻ thù. Tất cả những quân cán chính của Việt Nam Cộng Hoà, tùy vào chức vụ và thời gian tham gia chính quyền miền nam, đều bị đưa vào những nhà tù được mệnh danh rất đẹp là TRẠI CẢI TẠO, ở đó họ bị tra tấn, bị cưỡng bức lao động, sống trong đói rét, bệnh tật, sinh mạng của họ trong mắt của chế độ CSVN không bằng một con vật. CSVN đã tạo ra bao thảm cảnh cho hằng vạn gia đình, vợ xa chồng, cha xa con, xã hội bị phủ lấp trong những tiếng than oán thấu trời. Người CSVN với thái độ xem dân như kẻ thù, đã bỏ mất dịp may đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước tươi đẹp, họ câng câng cái mặt tự hào một cách đần độn rằng đã đánh thắng hai đế quốc Pháp Mỹ thì có việc khó khăn nào mà không làm được? Những vụ đánh tư sản, đổi tiền thời Đỗ Mười đã làm cho người dân Việt Nam kiệt quệ, những kế hoạch năm năm thất bại ê chề làm cho chế độ xính vính. Hằng triệu người dân ba miền đất nước đã liều thân trên biển cả, trên rừng xanh để mong vượt thoát khỏi cái chế độ tàn bạo và ngu dốt đó.

Đó là hành động đoàn kết dân tộc đấy ư?

Và giờ đây, Nguyễn Phú Trọng lại kêu gào đại đoàn kết dân tộc và đăng đàn quốc hội, trâng tráo tuyên bố Quốc Hội của dân, do dân, vì dân.

Có phải Nguyễn Phú Trọng bị tâm thần không? Trong 10 năm gần đây nhất, chế độ CSVN càng ngày càng xử dụng bạo lực để duy trì sự lãnh đạo tuyệt đối và thường xuyên của đảng. Những tiếng nói của lương tri, của lòng yêu nước đã bị lực lượng chó săn "còn đảng còn mình" đàn áp thẳng tay, không một chút xót thương, dù đó là cụ già, em bé, phụ nữ v.v... Những tiếng nói kêu đòi Tự Do Dân Chủ bị bắt giam, bị cô lập, bị chận đánh ngoài đường, bị ném mắm tôm vào nhà,và những cái chết bất minh của dân đen trong đồn công an bị lấp liếm, cho qua, tất cả cho thấy chế độ CSVN quyết tâm đi ngược lại nguyện vọng của dân tộc, cố ý sai lực lượng công an chó săn tạo ra khủng bố để cho nhân dân sợ hãi, không dám phản kháng. Một thanh niên đứng xem người ta chơi bầu cua ở Bình Định thế mà công an cứ tỉnh bơ đánh chết, rồi đưa ra bằng chứng pháp y cho rằng anh ta chạy trốn công an quá sức, thiếu oxy nên chết. Rồi chị Nguyễn Thị Thắm, người đưa video cho thấy hai người công an phạm tội sát nhân đã bị dân chúng quanh vùng áp lực phải quỳ trước xác nạn nhân, đã bị công an áp lực phải lên tiếng xin lỗi cộng đồng mạng vì đã đưa tin nhầm, không trung thực. Điều ấu trĩ là chị Nguyễn Thị Thắm có viết hay nói gì trong video kể trên đâu mà gọi là đưa tin nhầm lẫn?

Chứng cớ rành rành ra đó nhưng CSVN cứ thế mà nói điêu. Bạn có nghĩ là mấy thằng công an ở Bình Định chúng bị tâm thần không? Không phải đâu! Nguyễn Phú Trọng, tiến sĩ Mác Lenin, Tổng Bí Thư của đảng, và tụi công an cả nước nói chung và công an Bình Định nói riêng, chúng không có bị tâm thần. Nguyễn Phú Trọng biết rất rành rằng nhân dân ngán đảng CS tới cổ rồi, nhưng vẫn kêu gào đại đoàn kết dân tộc vẫn nói Quốc Hội của dân, do dân và vì dân, vì có nói như thế, dù chẳng có ai tin, thì đảng mới có lý do tồn tại. Trong bụng của Nguyễn Phú Trọng có muốn dân tộc đại đoàn kết không? Nguyễn Phú Trọng chưa có điên để mong muốn như thế, bởi vì với bộ mặt loang lổ về chiều của đảng bây giờ, nhân dân bị đe dọa, bị sợ hãi, nghi kỵ lẫn nhau thì đảng mới sống tốt, chứ nhân dân mà đại đoàn kết thì đảng có nước chạy không kịp xách quần. Lực lượng công an cũng thế. Họ không cần lý lẽ đúng đắn gì cả, mục tiêu của công an CSVN từ thời Trần Đại Quang cho đến Tô Lâm ngày nay là gieo rắc khủng bố, lan truyền sự sợ hãi của nhân dân đối với bạo lực của chế độ toàn trị, điều đó giải thích cho sự kiện những vụ công an giết dân, bằng chứng rõ như ban ngày, nhưng chế độ làm lơ, phóng tay cho lực lượng này ngày càng trở nên kiêu binh, không sợ bất cứ hình phạt nào của pháp luật, bởi chính chúng là đại biểu của pháp luật, được trao quyền giết dân, tra tấn dân, đạt tới hiệu quả làm cho dân sợ, đó là điều đảng muốn.

Tôi viết bài này để vạch rõ những ý đồ của đảng CSVN, từ Nguyễn Phú Trọng cho tới thằng công an, thằng dân phòng tàn bạo kia, chúng chia nhau mỗi thằng mỗi việc. Nguyễn Phú Trọng và tập đoàn CS trong BCT, trong TWĐ, thì cứ oang oang cái miệng giành thế chính thống cho đảng trong mấy khẩu hiệu "Nhà nước của dân, do dân, vì dân", kêu gào Đại Đoàn Kết Dân Tộc. Lực lượng công an thì tiếp tục bất cố liêm sỉ, muối mặt sống nhờ tiền thuế của dân, nhưng ra tay đàn áp nhân dân một cách cực kỳ tàn bạo.

Tất cả bè lũ khốn nạn trong cái cơ chế CSVN đã không còn che đậy được những trò bỉ ổi của bọn chúng trong bao nhiêu năm qua. Chúng không còn lý do nào để tồn tại và tiếp tục cai trị trên đầu trên cổ nhân dân, NHƯNG điều cốt yếu nhất là nhân dân Việt Nam vẫn chưa thoát ra được sự sợ hãi đã đeo bám trong nhiều năm. Nữ ca nhạc sĩ Mai Khôi, khi được RFA phỏng vấn, hỏi rằng cô có sợ hãi khi sáng tác những ca khúc nói lên ước vọng tự do dân chủ của người dân hay không, cô đã cười tươi và trả lời rằng cô không sợ, vì cô nghĩ sợ hãi không giúp gì được cho con người. Câu trả lời của Mai Khôi khiến cho thính giả cảm thấy ấm lòng vì lòng can đảm và nhiệt huyết của một người trẻ. Nhưng vấn đề này không hề đơn giản như vậy! Tôi nhớ lại trước đây có đọc một giai thoại về nhà văn Nguyễn Tuân và nhạc sĩ Văn Cao.

Trong một bữa rượu với bạn hữu, ông Nguyễn Tuân, một tay trùm chữ nghĩa của giới văn học miền bắc, mộ̣t tay cứng đầu có tiếng, vậy mà nói trong nước mắt: "Tớ mà còn sống và viết được cho đến nay là do tớ biết sợ đấy chúng mày ạ". Còn nhạc sĩ Văn Cao, ở tuổi 73, sắp qua đời, đã nói: "Tôi bây giờ đã 73 tuổi, tôi không còn sợ nữa, không ai có thể giết tôi thêm được nữa." Tôi không còn sợ nữa, có nghĩa là tôi đã từng sợ. Cả hai ông Nguyễn Tuân và Văn Cao, họ sợ điều gì vậy? Ngoài sự đau đớn thể xác khi là nạn nhân của bạo lực, còn gì có thể khiến con người sợ hãi triền miên như thế? Xin thưa, chính là sợ bị cô lập, sợ bị mất chức, sợ vợ con bị mất nồi cơm, sợ bị phân biệt đối xử v.v... Nhà thơ Phùng Quán, hơn ba mươi năm bị cô lập, phải sống kiếp Văn Chui, Rượu Chịu, Cá Trộm để cố nuôi vợ con, đã phải thốt lên: "Tôi đã làm gì nên tội, mà chén rượu đời người cho tôi đắng thế?"

Chỉ có câu nói của nhạc sĩ Văn Cao là làm tôi suy nghĩ nhiều. Cái gì đã khiến cho Văn Cao không còn sợ nữa? Có phải trong lòng Văn Cao hiện hữu hai nỗi sợ, sợ mất và sợ chết, và nỗi sợ đối diện tử thần quá lớn đã che mờ nỗi sợ mất mát? Tôi không nghĩ như vậy! Theo cái nhìn chủ quan của tôi, thì một người từng trải qua nhiều sóng gió cuộc đời, nếm nhiều vị đắng của thế gian như Văn Cao, ông không còn tham sống sợ chết, với ông, cái chết còn có thể mang ý nghĩa giải thoát cho cá nhân mình. Ông đã không sợ chết thì những mất mát, giới hạn, thuộc về vật chất kia nào có nghĩa lý gì nữa. Đối với Văn Cao lúc đó, có thể nói là không còn gì để phải sợ nữa, đây chính là lý do cho lời nói của ông.

Có phải dân tộc Việt Nam đang chờ tới lúc tận cùng, không còn gì để mất như nhạc sĩ Văn Cao, mới cởi bỏ được nỗi sợ hãi bấy lâu nay để có thể đối mặt với chế độ CSVN, đứng lên đòi hỏi những quyền căn bản, để sống cho ra dáng một con người? Vấn nạn này sẽ còn ám ảnh chúng ta dài lâu. Theo tôi, không có thuốc nào để trị bịnh sợ hãi. Không có lời khuyên nào hữu ích cho người dân vin vào đó để vượt qua sợ hãi. Chỉ khi nào người dân tự thấy rằng gia đình mình, con cháu mình, nếu tiếp tục sống trong hoàn cảnh như bây giờ thì ngày tận cùng của cuộc sống sẽ đến, lúc đó họ bị dồn vào vị trí cùng đường, hoặc chống lại hoặc chết, họ sẽ không còn sợ hãi nữa. Ngày đó bao giờ sẽ đến? Không ai biết, nó tùy thuộc vào nhận thức của người dân, trong khi đó thì chế độ CSVN, tuy ngu dốt trong việc xây dựng đất nước, nhưng lại đủ gian manh và xảo trá để hiện trạng xã hội cứ kéo dài như thế. Chúng bóp hầu, bóp họng người dân, nhưng lâu lâu lại lỏng tay cho dân thở, dân thở ra một hơi, lại tiếp tục ảo tưởng đảng sẽ khá hơn, thôi ráng..., và cứ thế.

Nguyễn Phú Trọng và tay chân của hắn trong BCT, trong TWĐ lại tiếp tục chơi chữ với nhân dân, cứ nói một đàng mà làm một nẻo. Ngày 12-15 tháng 01 năm 2017, ông ta sẽ đi triều kiến thiên tử Tập Cận Bình, khẳng định với hán chúa rằng Việt Nam kiên trì đường lối ngoại giao độc lập, không theo một nước nào để chống Trung Quốc (nói thẳng ra cho nó gọn), kiên trì đấu tranh vì lợi ích của nhân dân hai nước bla bla... Thằng dân Việt Nam mãi mãi ngự trên cửa miệng của ông Tổng và BCT và TWĐ, giúp cho CSVN luôn giành được thế CHÍNH trong chữ CHÍNH QUYỀN trong khi thực chất, chúng còn tệ hơn loài thú vật. Loài thú vật, dù là dã lang khát máu, cũng không cắn xé đồng loại, trong khi bè lũ CSVN thì coi nhân dân đồng bào như kẻ thù, sẵn sàng lấy bạo lực để đàn áp, giết chóc, miễn sao bảo vệ được quyền lợi của đảng.

Nhân dân Việt Nam biết đến bao giờ mới thực sự trở mình đứng dậy?

Trần Thảo

Source: Dân Làm Báo