Thứ Năm, 19 tháng 1, 2017

Trùng tu di tích: Sự “phá hoại” có giấy phép

Thiên Luân - Không phải đến bây giờ việc trùng tu, tôn tạo di tích đồng thời phá luôn nó mới được bàn đến, mà vấn đề này đã được các nhà nghiên cứu nói nhiều, báo chí cũng phản ánh nhiều nhưng dường như mọi chuyện ngày càng tệ hại.

Khoảng chục năm trở lại đây cơn lốc trùng tu, tôn tạo, phục dựng di sản kiến trúc nổi lên cũng là lúc những di sản này đối mặt với sự phá hoại nghiêm trọng - một loại hình phá hoại “có giấy phép”. Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu, việc trùng tu sẽ không khác gì phá hoại nếu người quản lý di tích không hiểu Luật Di sản, hoặc cố tình làm sai luật vì lợi ích cá nhân.

Chỉ trong hai tuần đầu năm nay, có hai sự việc liên quan đến vấn đề trùng tu di tích được báo chí phản ánh. Một là ở Huế, “Trùng tu hay 'phá' Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong?” (báo Tuổi Trẻ). Hai là ở Hà Nội, “Văn miếu Quốc Tử giám “khoác màu áo mới” (báo Lao Động)

Là một người trong nghề nên khi đọc những thông tin báo chí phản ánh tôi rất thất vọng, không có ngôn từ nào có thể diễn tả hết những căm phẩn, uất ức. Văn miếu Quốc Tử Giám tôi chưa tới, nên không bàn, nhưng Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong (bia Quốc Học) thì tôi đã đến nhiều lần.

Ở Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong, đơn vị trùng tu đã cho bóc hoàn toàn lớp vôi vữa cũ và hệ thống trang trí để làm lại. Làm lại ở đây là cạo bỏ hoa văn trang trí để làm bằng, làm mới. Đó là chưa nói đến màu sơn không phù hợp. Một công trình kiến trúc giá trị ở hoa văn mà cạo bỏ đi thì còn gì là giá trị? Chính ông ông Lê Văn Quảng - phó giám đốc phụ trách Phân viện khoa học công nghệ xây dựng tại miền Trung (thuộc Bộ Xây dựng), đơn vị phụ trách việc thiết kế dự án, đã trả lời báo chí rằng, khoảng 80% công trình đã được bóc bỏ toàn bộ phần nề vữa trang trí bên ngoài để làm lại. Ông Quảng cũng thừa nhận thật chất dự án này là nhằm cải tạo công trình “Bia Quốc học” thành một không gian để phục vụ lễ hội, nằm trong chuỗi không gian ven bờ sông Hương.

Có một điều khó hiểu là một công trình lớn như thế, có ý nghĩa lịch sử như thế tại sao đến nay vẫn chưa được xếp hạng di tích? - Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong được xây dựng vào năm 1920, để tưởng niệm những binh sĩ người Pháp và người Việt ở Trung kỳ đã tử trận trong cuộc chiến của nước Pháp chống lại Đức hồi chiến tranh thế giới lần thứ nhất 1914-1918. Phải chăng việc người Việt tử trận trận ở Pháp là vết nhơ lịch sử, nên người ta muốn hủy hoại để lãng quên?

Khi công trình mới bắt đầu trùng tu đã bộc lộ những bất cập, TS Trần Đình Hằng - Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế đã phát hiện và gặp lãnh đạo TP.Huế và nhà tư vấn thiết kế dự án để cảnh báo về nguy cơ biến dạng di tích, nhưng diễn biến sau đó vẫn không thay đổi – Theo quan điểm của ông Hằng, Không thể quan niệm đó là sản phẩm thời thực dân phong kiến, lại chưa được công nhận là di tích về mặt hành chính, mà ứng xử tùy tiện!”

Phải nói rằng, thực trạng trùng tu di tích ở Việt Nam hiện nay không khác những gì đã xảy ra ở nước Nga. Việc trùng tu các di tích nước Nga đã dẫn đến phá bỏ nó: “Không có thành phố nào thời bình ở châu Âu mà lại phải chịu cảnh bị phá hủy chỉ vì những khoản tiền kếch sù kiếm được một cách nhanh chóng như thế” - Tổ chức Bảo tồn kiến trúc Matxcơva nhận định trong báo cáo tháng 8-2009.

Cơn bão đả thực, bài phong, chống mê tín dị đoan một thời đã tàn phá biết bao nhiêu là đình chùa, miếu mạo. Các giá trị văn hóa ngàn đời bị phá bỏ không thương tiếc, không có mất mát nào lớn hơn, đau hơn. Và những gì còn sót lại hôm nay vẫn đang tiếp tục bị tàn phá dưới chiêu bài trùng tu, phục dựng. Nói theo một nhà nghiên cứu người Nga “sự phá hoại kém hiểu biết”.

Trùng tu ư? Theo tôi, chỉ rất ít người thực tâm làm việc này vì sự nghiệp bảo tồn văn hóa dân tộc, phần lớn họ vì tiền. Vấn nạn tham nhũng trong phục chế, trùng tu, tôn tạo di tích cũng không kém các ngành nghề khác.

Ngu dốt cộng với tham lam sẽ là phá hoại. Tôi nhớ cách đâu không lâu PGS-TS Nguyễn Tá Nhí (Viện Hán Nôm) tại hội thảo “Văn hóa Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng”) đã đưa ra ý kiến, câu đối hoành phi ở các địa điểm chùa chiền nên được chuyển ngữ sang tiếng Việt, có thể hạ các hoành phi câu đối bằng chữ Hán Nôm xuống chuyển vào các bảo tàng, thay vào đó là đưa các hoành phi, câu đối mới chép lại chính những nội dung đó, nhưng được ghi bằng chữ quốc ngữ để thay thế… Ngay lập tức ý kiến này gặp phải sự phản đối kịch liệt của các nhà nghiên cứu vì rằng như vậy sẽ làm mới di tích và vi phạm quy định về trùng tu di tích lịch sử. Và không ít ngôi chùa, di tích đã làm theo ý kiến trên, kết quả sau khi trùng tu nó chỉ còn là cái xác, phần hồn đã bị mất.

Hà Nội là nơi có nhiều di tích được trùng tu tôn tạo nhất cả nước và cũng là điểm nóng của tình trạng di tích bị xâm phạm, hoặc bị “biến hình” sau khi tôn tạo. Đình Quang Húc (xã Đông Quang, Ba Vì, Hà Nội), có gần 400 năm tuổi, có nhiều giá trị cả về lịch sử và mỹ thuật rơi vào tình trạng tan hoang sau dự án trùng tu. Chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội) một thời gian cũng làm nóng dư luận, tốn không ít bút mực báo chí. Sai phạm ở di tích chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), một công trình lại xuất hiện tại không gian vùng lõi của chùa Thiên Trù thuộc di tích chùa Hương làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp cổ kính. Việc sơn mới nhà hát lớn Hà Nội đã làm hỏng không gian kiến trúc của một công trình văn hóa có tuổi đời hơn trăm năm, gắn với lịch sử, văn hóa của thủ đô.

Hay như di tích quốc gia thành nhà Mạc, nơi chứa bao giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh, sau dựa án trùng tu tôn tạo 10 tỉ đồng đã bị biến thành cái “lò gạch”. Nhà sử học Dương Trung Quốc đã đau xót nói: “Sự chắp vá, đắp mới của công cuộc trùng tu đã phá vở những giá trị kiến trúc, nghệ thuật vốn có của thành cổ. Người ta đã cố tình làm xấu, làm biến dạng và làm mất đi cái hồn của thành nhà Mạc”.

Nghĩ rằng sau những việc như vậy họ sẽ thay đổi. Nhưng không, những sai phạm sau còn nghiêm trọng hơn sai phạm trước. Và rồi xử lý sai phạm cũng chỉ dừng ở mức rút kinh nghiệm.

Mỗi năm ngân sách nhà nước chi hàng trăm tỉ đồng được để trùng tu, tôn tạo các di tích, nhưng cứ sau mỗi lần trùng tu, các di tích lại trở nên méo mó, biến dạng, thậm chí bị phá hủy. Thật xót xa cho di sản văn hóa dân tộc.

Thiên Luân

Source: Dân Luận