Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2017

Ngày Valentine màu đỏ

Kính Hòa - Ngày lễ Valentine, vốn có màu đỏ, màu đỏ của hai trái tim yêu nhau. Năm nay tại Việt Nam, màu đỏ đó còn là màu máu của dân chúng Quỳnh Lưu, Nghệ An, đi biểu tình đòi quyền lợi, bị công an đàn áp. Dùi cui đã vung lên, lựu đạn cay đã ném ra và máu đã đổ.

Blogger Cánh Cò mở đầu ngày hôm ấy bằng sự chờ đợi những hình ảnh tươi đẹp của ngày tình yêu trên mạng xã hội, nhưng đã phải xem đến 10 đoạn phim cảnh đoàn người biểu tình bị đánh đập.

Trong bài viết Valentine cho một đoàn người, blogger Cánh Cò nhìn thấy trong đoàn biểu tình có hàng trăm thanh niên nam nữ, mà vào ngày lễ tình yêu, lẽ ra họ không đi bộ hàng trăm cây số, đương đầu với bạo lực như vậy.

Tôi tin những thanh niên nam nữ trong đám đông ấy không quên hôm nay là ngày tình nhân, ngày của người yêu nhau. Bởi yêu nhau, họ xuống đường tìm lời giải đáp của hệ thống công lý trên đất nước này và rồi họ sẽ có câu trả lời cho những gì mà họ mong đợi. Đừng nghĩ là họ bị dẫn dắt hay giật dây, suy nghĩ như vậy là dại dột và kiêu ngạo. Những con người trẻ trung ấy chính là mầm sống của tương lai, họ đã dám thoát ra khỏi đám đông hưởng thụ để cùng kề vai vác cây thánh giá nặng trĩu sợ hãi, tù đày, sách nhiễu và bạo loạn. Tôi thấy màu hồng của tình yêu không diễn tả hết ánh mắt của những người trẻ hôm nay, trong cuộc xuống đường này. Họ bừng lên sắc đỏ của nhiệt huyết, thứ mà khi yêu nhau người ta sẽ thấy trong mắt của nhau.

Việc họ làm không phải là việc đạo, mà là việc đời. Đơn giản, họ là người dân Việt! -Blogger Lê Tuấn Huy

Blogger Bạch Cúc không có được cái bình tĩnh của Cánh Cò khi nhìn thấy máu đổ ngày Venlentine:

Valentine của tôi là giọt nước mắt cho đồng bào và quê hương!
Máu dân đã đổ xuống
Lửa tự do sẽ được thắp lên!
Ghi nhớ nỗi đau này và cả hy vọng cho Tổ quốc.
Hận!

Đây là cuộc biểu tình mới nhất trong hàng chục cuộc biểu tình trong gần 1 năm qua, từ khi biển miền Trung bị nhiễm độc, cá chết, ngư dân mất việc làm. Thủ phạm của vụ này là công ty Forrmosa đã thành công trong việc dàn xếp với chính phủ Việt Nam một món tiền bồi thường 500 triệu đô la Mỹ, mà người ta vẫn bảo là không thấm vào đâu so với những mất mát dài lâu của ngư dân miền Trung.

Những cuộc biểu tình bùng phát để đòi lại sự công bằng, công lý mà luật sư Lê Công Định viết là không hề dễ dàng trong lòng xã hội cộng sản:

Chúng ta hãy mừng vì sự biến 14/2/2017 khiến toàn dân bừng tỉnh và nhận rõ bản chất của một thể chế chính trị không chính danh, hoàn toàn đánh mất lòng dân.

Cuộc tuần hành vì dân quyền của Linh mục Nguyễn Đình Thục đã chiến thắng và đạt được mục đích tối hậu trước nỗ lực vô vọng và tàn bạo của những kẻ cố bám víu quyền lực mục nát.

Tìm kiếm công lý giữa xã hội cộng sản tưởng chừng là ảo tưởng, nhưng đó chính là phương thức cần thiết vạch trần bản chất của nhà cầm quyền phi chính nghĩa. Dân quyền mới chính là điều chúng ta hướng đến cho mục tiêu tranh đấu ngày nay.

Và ông cho rằng ngày 14 tháng hai năm nay đã đi vào lịch sử Việt Nam như một ngày đấu tranh vì dân quyền của đất nước này. Luật sư Định đã so sánh đoạn đường tuần hành của dân chúng Quỳnh Lưu, Nghệ An, dưới sự hướng dẫn của Linh mục Nguyễn Đình Thục, với cuộc bộ hành Muối trong cuộc đấu tranh bất bạo động của Mahatma Gandhi chống thực dân Anh hồi thế kỷ trước tại Ấn Độ.

Blogger Lê Tuấn Huy viết rằng những đoạn phim ngắn mà những nhà hoạt động xã hội thu được về cuộc đàn áp ngày 14 tháng hai nên được lưu giữ như những thước phim lịch sử.

Những người Công giáo

Đoàn dừng chân tại giáo xứ Yên Lý để dùng cơm và nghỉ trưa. Photo courtesy of xuandienhannom

Đa số người dân Quỳnh Lưu biểu tình ngày 14 tháng hai là những giáo dân Công giáo. Nhưng đối với blogger Lê Tuấn Huy, những người đi biểu tình mà ông xem qua những đoạn phim ngắn trên mạng xã hội, không chỉ là những người Công giáo.

Tôi không xem đoàn nggười bị đàn áp đổ máu hôm nay - khi đang phải đi bộ, trên đường từ Nghệ An ra Hà Tĩnh, mưu tìm việc khởi kiện Formosa - là giáo dân.

Việc họ làm không phải là việc đạo, mà là việc đời.

Họ lên tiếng không vì đức tin, mà vì cuộc sống.

Những thiệt hại, tác hại mà họ muốn cáo kiện, thì muôn người Việt khác cũng phải gánh chịu, ở những phương diện, hình thức, mức độ khác nhau.

Đơn giản, họ là người dân Việt!

Quan hệ giữa Giáo hội Công giáo Việt Nam và nhà cầm quyền Việt Nam vốn không lúc nào thuận buồm xuôi gió cả. Cũng chính tại Quỳnh Lưu, cách đây hơn 60 năm đã diễn ra một cuộc khởi nghĩa chống lại những bức hại và bất công trong chiến dịch cải cách ruộng đất đẫm máu của những người cộng sản.

Và cụm từ đội lốt tôn giáo vẫn thường xuyên được các cơ quan tuyên truyền của đảng cộng sản dùng để chỉ những hoạt động của giáo dân mà nhà cầm quyền không thích.

Blogger Đoan Trang viết rằng:
Sức mạnh bạo lực của một chính quyền không thể ngăn chặn cái ác, nhưng tôn giáo thì có thể. 
-Blogger Đoan Trang
Đừng nghĩ rằng các linh mục thích “đội lốt tôn giáo để làm chính trị”, hay là “ăn tiền hải ngoại” để kích động dân làm loạn. Đẻ ra các luận điệu ấy là những kẻ đê tiện, còn nếu tin vào các luận điệu ấy, thì bạn không chỉ đê tiện mà còn ngu xuẩn; bạn không hiểu gì về tôn giáo và rõ ràng là cũng không có ý định tìm hiểu.

Chỉ xin bạn nhớ điều này: Sức mạnh bạo lực của một chính quyền không thể ngăn chặn cái ác, nhưng tôn giáo thì có thể. Chính vì thế, một chính quyền khôn ngoan phải biết khuyến khích tôn giáo hoặc đơn giản là để yên cho tôn giáo chăm sóc đời sống tâm linh và đạo đức của dân chúng.

Ngược lại, một nhà nước đàn áp tôn giáo, chia rẽ nhân dân, thì chắc chắn nó sẽ sụp đổ và đội ngũ lãnh đạo của nó phải trả nghiệp rất thảm khốc.

Đoan Trang là người nhận mình sinh ra và lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa và đã từng vì sự ảnh hưởng của sự tuyên truyền của đảng mà không có cảm tình với tôn giáo.

Cùng một nhận xét với Lê Tuấn Huy là blogger Trịnh Kim Tiến, khi cô viết rằng đất nước này không phải chỉ là của những người Công giáo:

Điều đáng buồn là rất nhiều người thờ ơ với hiện trạng của đất nước khi nghe Ban tuyên giáo xuyên tạc, tuyên truyền thì vẫn tin rằng những con người đang chịu bất công kia là một đám con Chiên gây rối. Họ hỏi nhau rằng, tại sao lúc nào cũng chỉ có bọn Công giáo lên tiếng, trong khi không tự hỏi mình rằng, họ đã làm những gì khi đất nước rơi vào cảnh khốn cùng, bị tàn phá bởi những thảm họa và cuộc sống của chính họ đang bị đe dọa từng ngày. Đất nước này đâu chỉ của riêng người Công giáo đúng không?

Blogger Trương Duy Nhất không phải là người thờ ơ, ông viết rằng trong những ngày mà giáo dân miền Trung tuần hành đòi quyền sống, ông nghĩ rằng ông cũng chia sẻ tình cảm với những người đồng bào Công giáo của ông.

Vì sao, nhiều người ngoại đạo như tôi, nhưng trong cuộc chiến chống Formosa, đã đồng tâm, tự nguyện như ngả về bên... Chúa?

Chúa cho họ niềm tin, những giáo dân Quỳnh Lưu kia đã cho chúng tôi niềm tin. Chứ không phải chính quyền.

Sau lưng giáo dân Quỳnh Lưu hôm nay, chẳng biết có bàn tay của "thế lực thù địch" hay bọn "phản động" nào không? Nhưng chắc chắn là không có chính quyền. Sau lưng họ là Chúa! Sau lưng họ, là cả những người ngoại đạo như tôi.

Là người ngoại đạo, nhưng hôm nay xin chia buồn cùng Chúa. Vâng, một ngày buồn, thật buồn. Máu đã đổ. Máu của giáo dân Quỳnh Lưu, hay máu Chúa?

Không bất ngờ. Nhưng buồn, thật buồn. Thoả hiệp được với kẻ xâm lược Formosa, nhưng lại không thể thoả hiệp được với nhân dân. Ấy là một chính quyền phi nhân.

Đàn áp và sống còn

Một người tham gia đoàn khiếu kiện hôm 14/2/2017 bị công an đánh chảy máu mũi. Hình thính giả gửi RFA

Nỗi buồn không phải chỉ có riêng blogger Trương Duy Nhất, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền viết những dòng sau đây khi anh nhìn thấy cuộc đàn áp ngày Valentine:

Dân mình làm sao thoát khỏi hoạn nạn này đây? 
Mỗi người mình mạnh dạn hơn nữa, bạn bè mình ạ. Sống tốt, sống an phận cách mấy nhưng rồi cũng không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi các ác, cái xấu đang tấn công vào từng ngóc ngách mỗi gia đình.

Lời kêu gọi và thúc giục bạn bè hãy cất lên tiếng nói cũng là ý muốn của blogger Trịnh Anh Tuấn. Anh nhìn điều đó như là sứ mạng của dân tộc Việt Nam trong lúc này:

Dân tộc nào sinh ra đều có sứ mệnh nào đó. Và quan trọng, họ phải thực hiện sứ mệnh của mình. Lịch sử đất nước này là một dân tộc nhỏ bé bên cạnh một dân tộc đông đúc, thường xuyên muốn thôn tính mình. Những thế hệ cha ông đã làm xong sứ mệnh của họ. Sứ mệnh của chúng ta bây giờ là phải chịu đựng một chế độ cầm quyền dung dưỡng đầy tội ác, bất công và tàn bạo. Một nhóm người đứng đầu quốc gia luôn đặt lợi ích của cá nhân, của đảng phái của họ hơn lợi ích của đất nước, của người dân. Vì lợi ích, họ đã để mấy trăm ngàn ngư dân chết mòn trong một vùng biển chết, và của cả thế hệ tương lai.

Và có lẽ, đó là sứ mệnh của chúng ta. Thực hiện sứ mệnh đó hay không, là lựa chọn của dân tộc này; hoặc là lụi tàn như loài cỏ dại.

Có những sự lựa chọn khác nhau, có những người Việt sống an phận như trong câu viết buồn bã của Trọng Hiền, có những người Việt bỏ đi ra nước ngoài, có những người Việt ở lại và làm giàu. Những người Việt thiểu số giàu có này rồi cũng ra đi khi họ không còn chịu nỗi môi trường sống ô nhiễm, và môi trường giáo dục rối loạn nữa.

Từ Canada, blogger Hải Lý viết về những người bà con giàu có của mình ở Việt Nam lên đường rời bỏ quê hương.

Tôi không nghĩ cô chú có lý tưởng tự do dân chủ chi cả. Lý tưởng duy nhất với họ, có lẽ, là sự sống còn.

Đến một lúc nào đó, có lẽ họ đã nhận ra những BMW, những nhà cao cửa rộng, kẻ hầu người hạ, tiền bạc rủng rỉnh, v.v... sẽ chẳng có nghĩa lý gì mấy trong một môi trường sống bị hủy hoại, tàn phá một cách không thương tiếc.

Và hôm nay, lên FaceBook, tôi lại thấy hình ảnh những đoàn người đi bộ khiếu kiện Formosa. Và vẫn cái vòng lẩn quẩn oan nghiệt: họ bị đánh, bị bắt, báo chí, dân tình đa số làm ngơ, người dân vẫn tiếp tục rời bỏ mảnh đất đã không còn nuôi sống họ được nữa.

Những người đi biểu tình, không như vợ chồng cô chú ấy và hàng ngàn người Việt Nam khác, họ không thoát được, và tôi cũng không rõ là họ có muốn thoát hay không. Chỉ rõ một điều, là họ cố gắng bám lấy mảnh đất hình chữ S đau thương ấy, tiếp tục đấu tranh bất bạo động, tiếp tục đòi quyền sống cho môi trường, cho người dân nói chung và bản thân họ nói riêng.

Có nhiều người ở lại, trong số đó là những người biểu tình bị đánh đổ máu trong ngày 14 tháng hai, một hành động mà blogger Nguyễn Anh Tuấn cho là ăn thua đủ với dân, chỉ nhồi thêm thuốc súng cho quả bom nổ chậm Formosa mà thôi.

Source: RFA