Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2017

Những ký ức không bao giờ cũ

TuanKhanh - Đó là một ngày mùa xuân lạnh lẽo bất thường ở Huế. Mùa xuân 1968. Một người cảnh sát tên Dũng bất ngờ khi thấy những người lính đối phương cầm AK tràn khắp thành phố Huế. Cuộc tiến chiếm và bắt giữ rất nhiều thường dân và viên chức chính quyền thành phố đã người diễn ra nhanh chóng trong vài ngày Tết, mà nhiều tài liệu sau này ghi lại, cho biết các thành phần Việt Cộng nằm vùng đã âm thầm lên danh sách theo từng tổ, từng tuyến và từng khu vực. Tính bất ngờ khiến cho những người lính phía Bắc Việt nắm ưu thế ngay lập tức. Nhưng Dũng là một người khá may mắn trong phút đầu, vì ông được người nhà nhanh chóng đưa ra sau vườn, đào một cái hố nhỏ và núp ở dưới trong nhiều ngày.

Vào đêm 30 Tết, tức ngày 29/1/1968, khi mọi người dân tin vào lệnh hưu chiến được quân đội Bắc Việt ký kết với phía miền Nam Việt Nam và bắt đầu nghỉ ngơi, đốt pháo ăn Tết, thì rạng sáng mùng 1 tết, những tiếng súng đầu tiên hòa lẫn với tiếng pháo đã khởi đầu cho một sự kiện đẫm máu trong lịch sử chiến tranh Việt Nam: thảm sát Mậu Thân tại Huế.

Mỗi bên đều có ngôn ngữ riêng để nhắc lại giờ phút quan trọng này. Chính quyền Sài Gòn thì diễn đạt rằng Việt Cộng đã “phản bội lại hiệp ước đình chiến” 3 ngày Tết đã ký. Còn phía Hà Nội thì diễn giải rằng hành động đó, là “cướp thời cơ”. 

Không chỉ có Huế. Tết Mậu Thân 1968 ghi dấu một cuộc tấn công bất ngờ và đồng loạt của quân đội Bắc Việt vào 25/44 tỉnh lỵ và thị trấn của phía miền Nam Việt Nam lúc đó. Vào sáng ngày mùng 1 Tết (30/1/1968),trên đài phát thanh quốc gia Saigon, cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã tuyên bố phía miền Bắc đã vi phạm việc ký kết hưu chiến trong dịp Tết, và ngay sau đó tuyên bố hủy bỏ lệnh ngưng bắn của phía Việt Nam Cộng Hòa để chính thức mở các cuộc phản công.

Cuộc chiến này, do sự hỗn loạn về truyền thông mà nhiều năm sau, người ta mới có được những số liệu tương đối chính xác. Vào khoảng 3 giờ 40 sáng ngày 30/1, những tiếng súng pháo cối từ phía núi nã vào thành phố Huế, chính là hiệu lệnh cho khoảng 80.000 binh lính chính quy Bắc Việt và quân nằm vùng đã tràn vào kinh đô cổ kính của Việt Nam, nơi có khoảng 140.000 dân sinh sống ở đó.

Lực lượng tương quan được xem là bất cân xứng, vì thuận theo hiệp ước đình chiến ngày Tết, Huế lúc đó - được sách The Tet Offensive: A Concise History and Abandoning Vietnam ghi lại – chỉ có khoảng 200 lính Mỹ và các nhân viên người Úc thuộc sư đoàn 1 đồn trú ở đó, cùng một số cảnh sát và binh lính địa phương không đáng kể.

Suốt trong nhiều ngày, người nhà của ông Dũng đã kinh hoàng chứng kiến các vụ xử bắn ngay trước hiên nhà mình, được gọi là “trừng trị bọn phản cách mạng”, mà trong đó có cả những thường dân không hề biết sử dụng vũ khí. Hàng loạt các vụ bắt và đem đi mà người ta không biết là về đâu. Mùng 7, là ngày diễn ra rất nhiều các vụ bắt bớ mang đi mất tích. Khiến rất nhiều gia đình ở Huế, cho đến tận hôm nay vẫn chọn ngày mùng 7 Tết để làm giỗ chung cho người thân cho mình.

Phía trước nhà ông Dũng là một khoảng ruộng. Tiếng súng nổ giật bắn thỉnh thoảng từ đó vang lên, như báo hiệu cho những người sống quanh đó rằng đã có ai đó bị hành hình, chôn vội… mà không có tòa án hay một tội danh đúng.

Khắp nơi trong thành phố như vậy. Sau 25 ngày Huế bị tạm chiếm bởi quân đội Bắc Việt, người ta tìm thấy nhiều hố chôn người tập thể, nhiều nơi xác người chôn sống. Các con số tổng kết tại Huế cho thấy các nạn nhân bị thảm sát được tìm thấy tại trường tiểu học Gia Hội, chùa Therevada, Bãi dâu, Cồn Hến, Tiểu Chủng Viện, khu vực phía Tây Huế gần lăng Tự Ðức và lăng Ðồng Khánh, cầu An Ninh Thượng, cửa Ðông Ba, trường An Ninh Hạ, trường Văn Chí, Chợ Thông, Lang Xá Cồn, gần lăng Gia Long, gần chùa Tường Vân, Ðông Gi (Di), Vinh Thái, Thuỷ Thanh, Lương Viện, Phù Lương, Phú Xuân (Phú Thứ), Thương Hòa, Vinh Hưng, Khe Ðá Mài... tất cả 22 địa điểm, tìm thấy được tổng cộng 2326 sọ người trong số 6.000 nạn nhân thuộc tỉnh Thừa Thiên và Huế đã được thân nhân xác nhận là chết hoặc bị bắt đi thủ tiêu, mất tích...

Không chỉ có người Việt Nam giết người Việt Nam. Trong quyển Tet, của nhà báo Don Oberdorfer, xuất bản năm 1971, cho biết có những người như Stephen Miller (28 tuổi) nhân viên Sở ngoại vụ và thông tin Hoa Kỳ bị trói mang ra sau một chủng viện Công giáo để hành hình. Các bác sĩ người Đức Raimund Discher, Alois Alteköster, và Horst-Günther Krainick cùng vợ của ông với công việc là giảng dạy về y tế cũng bị dẫn đi. Sau khi quân đội miền Nam Việt Nam tái chiếm Huế, người ta tìm thấy xác những người này bị chôn ở một khu ruộng gần đó. Một tài liệu tiết lộ vào năm 2011, còn cho biết rằng người ta tìm thấy các móng tay của người vợ ông Krainick bị gãy và đầy đất cát, có nghĩa bà đã bị chôn sống và tuyệt vọng tìm cách thoát ra. Hai linh mục người Pháp là Urban và Guy cũng không tránh khỏi thảm nạn: ông Urban thì bị trói và chôn sống. Còn ông Guy thì may mắn hơn với một viên đạn vào sau gáy.

Khi ông Dũng đang trốn trong cái hố của mình, được phủ đầy lá cây lên trên, vô tình ông nghe được người nhà nói với nhau rằng vợ của ông đang vào bệnh viện do đau đẻ sớm. Sốt ruột, ông Dũng tìm cách lẻn đến bệnh viện để nhìn vợ và con, nhưng khi vừa ra khỏi cổng bệnh viện, ông đã bị một nhóm người ập đến giải đi.

Mùng 13, khi có ai đó nói rằng ông Dũng đã bị bắn, xác chôn ở một khu ruộng gần nhà, mẹ ông Dũng cùng gia đình chạy đến để đào, tìm xác. Nhưng đó là một khu ruộng lớn, chỉ nhìn thôi cũng có cảm giác kiệt sức. Điều kỳ diệu đã xảy ra khi mọi người đã hoàn toàn tuyệt vọng. Mẹ của ông Dũng đã tung đồng xu lên, cầu nguyện rằng nếu ông chết và bị vùi thây nơi đây, hãy để đồng xu rơi xuống nơi đó. Khi mọi người đến nơi đồng xu rơi, đào lên, thì thấy ông nằm dưới xác một người đồng sự của ông. Cả hai đã chết, không biết là bị bắn hay bị chôn sống. Và cũng vì vậy, đám giỗ của ông Dũng hàng năm được tổ chức vào mùng 13 Tết, một ngày vu vơ tạm bợ nào đó, nhưng hàng ngàn gia đình ở Huế đã cắn răng chọn cho người thân của mình, sau vụ thảm sát.

Tôi ngồi nghe câu chuyện của ông Dũng, từ một người thân của ông. Đó là một người đàn ông năm nay đã gần 70 tuổi. Giọng kể chậm rãi, trầm trầm, giống như câu chuyện đọc trước giờ đi ngủ cho trẻ con. Chỉ khác rằng nó sẽ khiến bạn đi vào những cơn ác mộng không bao giờ chấm dứt, vì đó là sự man rợ mà những người Việt đã hành động trên quê hương mình, nhân danh những nấc thang lên thiên đường từ Nga Sô hay Trung Cộng.

Mỗi năm, Tết về, tôi vẫn có thói quen hay tìm hỏi những người đã sống, đã biết, đã chứng kiến thảm sát Mậu Thân, như một cách mặc niệm cho số phận người Việt Nam bị chà đạp bởi hận thù và những lý tưởng xa vời với tình yêu quê hương và dân tộc. Tôi để avatar của mình trên Facebook không màu, như một cách để tang cho những con người đã vô vọng trước họng súng và sự điên cuồng của đồng loại cùng màu da, tiếng nói. Đơn giản vì tôi thương dân tộc mình, và tôi yêu sự thật.

Trịnh Công Sơn đã viết trong tạp Ca khúc Da vàng “Xác người nằm trôi sông, phơi trên ruộng đồng Trên nóc nhà thành phố, trên những đường quanh co”. Không có gì mô tả chân thực như bài hát đó. Lịch sử Việt Nam hôm nay cũng bị bẻ quanh co, quanh những xác người vô tội như vậy, bởi những người cầm quyền. Suốt nhiều năm, những người cộng sản miền Bắc vẫn vỗ tay và gọi đó là một chiến thắng oanh liệt, còn một trong những trí thức nổi tiếng đi trong vũng máu thảm sát 1968 đó, thì nói một cách kiêu hãnh trên loạt phim tài liệu Vietnam: A History của Stanley Karnow rằng “cần thì cũng phải giết, vì đó là những con rắn độc”. Nhưng không có đạo lý nào công nhận loại chiến thắng chấp nhận dẫm đạp lên sinh mạng của nhân dân mình. Đó chỉ là một tên gọi khác của thứ tội ác ghê tởm.

Những mùa xuân thật buồn từ đó. Khi tôi đến Huế. Tôi lần bước đến sân vận động, ra trường Gia Hội cũ… và nghĩ về những ngày không bao giờ cũ. Mãi mãi không bao giờ cũ. Nếu người cầm quyền có lòng tự trọng và nhân cách, họ sẽ ghi chép sự thật và được mai sau nhìn nhận. Còn nếu không, chính nhân dân sẽ chép lại, lưu truyền ngàn đời bằng tất cả lòng khinh khi và oán hận.

Source: Tuan Khanh’s Blog