Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2015

Bộ Công An VN giải thích tình trạng bức cung nhục hình là do nôn nóng điều tra









Theo VOA - Share
... theo luật, tất cả các cơ quan của nhà nước đứng về một bên, gọi là cơ quan tiến hành tố tụng gồm công an, Viện Kiểm sát, Tòa án. Còn bên còn lại như luật sư và bị cáo gọi là bên tham gia tố tụng. Ngay từ đó có thể thấy là với mô hình như vậy, phía tham gia tố tụng yếu hơn rất là nhiều..
LS Trần Hồng Phong

Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam thừa nhận có tệ nạn bức cung nhục hình trong quá trình điều tra, lấy cung và giải thích rằng vì điều tra viên ‘nôn nóng.’

Truyền thông trong nước dẫn phát biểu của ông Lê Quý Vương hôm nay trả lời chất vấn Thường vụ Quốc hội về nguyên nhân dẫn tới các bản án oan sai và biện pháp xử lý.

Ông Vương nói để xảy ra án oan là do ‘chưa tập trung tôn trọng việc chứng minh khách quan mà chủ yếu tập trung vào lời khai, trọng cung hơn trọng chứng cứ.’ Một nguyên do nữa, vẫn theo lời ông, là còn nhiều tiêu cực trong công tác thu thập dấu vết hiện trường.

Một nguyên nhân khác của tình trạng án oan sai tại Việt Nam vốn lâu nay gây bức xúc công luận cũng được lãnh đạo Bộ Công An thẳng thắn thừa nhận là do ‘năng lực và trách nhiệm trong công tác điều tra.’ Thứ trưởng Công An Lê Qúy Vương nói ‘Còn tâm trạng nôn nóng nên xảy ra bức cung nhục hình.’

Phát biểu của lãnh đạo ngành công an được đưa ra giữa những chỉ trích gia tăng từ công luận trong và ngoài nước và giới bảo vệ nhân quyền quốc tế về thực trạng leo thang bạo lực trong ngành công an và nạn bức cung nhục hình tràn lan chưa có biện pháp khắc phục tại Việt Nam, dù chính phủ Hà Nội đã ký kết Công ước Liên hiệp quốc Chống Tra tấn từ cuối năm 2013 tới nay.

Ông Nguyễn Thanh Chấn
Vấn đề án oan sai đặc biệt làm dậy sóng dư luận sau vụ ông Nguyễn Thanh Chấn được trả tự do hồi tháng 10/2013 sau 10 năm thụ án tù chung thân về tội danh giết người. Tuy nhiên, nỗi oan của ông Chấn chỉ được giải tỏa sau khi chính hung thủ ra đầu thú. Ngoài vụ án gây chấn động này, dường như chưa có trường hợp nào khác được giải oan, dù án oan, theo giới chuyên môn, là một thực trạng phổ biến tại Việt Nam. 

Trong số các trường hợp kêu oan ròng rã nhiều năm được công luận chú ý hiện nay có bản án của tử tù Hồ Duy Hải ở Long An và tử tù Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Phòng. Hai vụ này cũng được nêu ra chất vấn tại cuộc họp Thường vụ Quốc hội hôm nay.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình cho biết cơ quan tố tụng đang phối hợp giải quyết các vụ án này. 

Luật sư Trần Hồng Phong, một trong những luật sư bảo vệ pháp lý cho tử tù Hồ Duy Hải, nói về khuyết điểm chính của ngành tư pháp hiện nay:

“Nói chung chỉ chia thành 2 nhóm: các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng. Không có sự độc lập trong các cơ quan. Cơ quan kết tội và cơ quan xét xử cần phải độc lập với nhau. Trên lý thuyết là độc lập, nhưng ngay quá trình điều tra đã có sự liên thông với nhau. Cho nên, theo luật, tất cả các cơ quan của nhà nước đứng về một bên, gọi là cơ quan tiến hành tố tụng gồm công an, Viện Kiểm sát, Tòa án. Còn bên còn lại như luật sư và bị cáo gọi là bên tham gia tố tụng. Ngay từ đó có thể thấy là với mô hình như vậy, phía tham gia tố tụng yếu hơn rất là nhiều. Sự tách biệt, sự giám sát độc lập thật sự giữa các cơ quan đó là không có. Cho nên, rất khó.”

Luật sư Phong nói khó có thể tránh oán oan sai khi mà tiếng nói của luật sư chưa được bảo vệ và vai trò của người luật sư chưa được tôn trọng, bị hạn chế quá nhiều, chỉ mang tính ‘hình thức.’

Để chống oan sai, luật sư Phong đề nghị cần bổ sung và quy định cụ thể quyền của bị can, bị cáo, và luật sư cũng như có chế tài rõ ràng đối với các vi phạm trong tiến trình tố tụng, xét xử.

Luật sư Trần Hồng Phong:

“Bây giờ muốn khắc phục những cái đó, trước tiên pháp luật phải được thật sự tôn trọng cái đã. Luật cũng có quy định rồi chứ không phải không, nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng lại không tuyệt đối tuân thủ. Người ta cố tình đưa ra những cản trở. Tôi nghĩ, cấp lãnh đạo cao nhất, thậm chí là cấp lãnh đạo bên ngoài hệ thống tòa án này như lãnh đạo bên đảng và nhà nước cần phải cụ thể hơn về quyền và nghĩa vụ của luật sư, của bị cáo. Phải quy định rõ bắt buộc phải có sự tham gia của luật sư ngay từ đầu mới được, các buổi hỏi cung phải có camera ghi âm lại..v..v..Các vấn đề này đã nêu ra rồi nhưng chẳng thấy chuyển biến gì. Thứ hai, về chế tài, cũng có một số điều luật quy định xử lý, truy cứu trách nhiệm về sai phạm trong hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, trên thực tế gần như không thấy. Giới luật sư rất là bức xúc, rất buồn phiền vì hoạt động của mình mang tính hình thức, hiệu quả không cao.”

Tại phiên chất vấn hôm nay, đáp câu hỏi sau vụ Nguyễn Thanh Chấn còn bao nhiêu vụ oan sai chưa rà soát hết, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình nói trong nhiệm kỳ của ông có 35 trường hợp kêu oan, 24 trường hợp đã xác định là kết tội đúng. Chỉ có vụ ông Chấn được minh oan, 10 vụ còn lại chưa thể kết luận oan hay không.

Phản hồi về phiên chất vấn Thường vụ Quốc hội, các ý kiến đăng tải trên mạng cho rằng ‘Tóm lại, các ông chỉ biết sẽ xem xét, chờ xem xét, chán lắm.’

Về phát biểu của Thứ trưởng Bộ Công an, một bạn đọc của VNExpress nói ‘Nôn nóng rồi đánh người ta có khác gì côn đồ.’ Một bình luận khác ghi rằng ‘Sức khỏe, tính mạng của con người mà nói là do nôn nóng gây ra thì quá thiếu trách nhiệm.’

Trong khi đó, có người đề nghị cần có một cơ quan thứ tư giám sát quá trình làm việc của tòa án, Viện Kiểm sát, và công an. Có như vậy mới giảm thiểu oan sai, bức cung.

Share

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam