Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2015

Thanh Phương - Nạn bức cung, nhục hình vẫn phổ biến


Theo RFI - Share
Trong những năm gần đây nạn bức cung, nhục hình ở Việt Nam trở nên phổ biến một cách đáng ngại. Thỉnh thoảng báo chí trong nước lại loan tin có người chết tại đồn công an, mà vẫn được mô tả là do “tự tử”, do “đột tử”..., nhưng trên thực tế ai cũng biết đó là do bạo lực của công an đối với các bị can hay người bị câu lưu, tạm giữ. 

Chẳng hạn như vụ anh Nguyễn Công Nhựt ở Bình Dương, bị cho là đã “tự tử” tại đồn Công an Bến Cát vào năm 2011, vì đã chết trong tư thế treo cổ. Cho tới nay, gia đình của anh Nhựt vẫn không chấp nhận kết luận điều tra cho rằng anh đã “tự nguyện” ở lại đồn công an, rồi sau đó tự tử, để lại một “lá thư tuyệt mệnh”, với nét chữ không giống với nét chữ bình thường của anh.

Một trong những vụ được dư luận chú ý nhất là vụ anh Ngô Thanh Kiều bị 5 công an đánh chết tại đồn Công an Phú Yên năm 2012. Dư luận càng phẫn nộ khi thấy là trong phiên xử sơ thẩm vào tháng 4 năm nay, 5 công an này chỉ bị tuyên án từ 12 tháng tù treo đến 5 năm tù giam. Trước sự phản đối mạnh mẽ của dư luận, vào đầu tháng 7 vừa qua, tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã hủy án sơ thẩm để điều tra lại vụ này.

Nạn nhân thậm chí là những người chỉ phạm tội vặt vãnh, như trường hợp của anh Cao Văn Tuyên (thôn Suối Lách, xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hoà), đã bị công an xã dùng dùi cui đánh chết khi bị bắt về đồn để thẩm vấn vào đầu tháng 7 năm 2013. Nguyên nhân vụ bắt giữ chỉ là anh Tuyên thèm thịt gà mà không có tiền mua, nên ăn trộm gà hàng xóm.

Riêng trong năm 2014, chỉ tính đến tháng 6, đã có ít nhất 9 người dân chết trong đồn công an khi bị hỏi cung, căn cứ theo thông tin trên báo chí chính thức. Gần đây nhất, ngày 11/06, ông Trần Đình Toàn đã chết chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi bị đưa về trụ sở công an phường Hạ Long, Nam Định, vì bị nghi tàng trữ ma túy.

Khi đưa xác ông Toàn về để mai táng, gia đình phát hiện trên ngực ông có nhiều vết thâm bất thường, nên nghi là ông đã bị đánh chết. Còn theo Công an Nam Định, các bác sĩ tham gia cấp cứu cho ông Toàn khẳng định, những dấu vết trên là do trong quá trình cấp cứu, các bác sĩ đã ép lồng ngực ông này.

Trong số những nạn nhân chết trong đồn công an từ đầu năm 2014 đến nay, ngoài ông Toàn, có một số người khác cũng được cho là « tự tử », như trường hợp của anh Đỗ Văn Bình tại trụ sở công an huyện Hòa Vang, Đà Nẳng vào tháng 4 hay, của cô Bùi Thị Hương ở trụ sở công an ở tỉnh Bình Phước vào tháng 3.

Trong số còn lại có một người « bò » về đến nhà thì chết, đó là ông Huỳnh N. , ở xã Đạo Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Vào tháng 2, ông đã bị bắt về trụ sở công an về hành vi trộm cắp. Theo gia đình, lúc đi thì ông khoẻ, nhưng lúc công an xã cho về nhà để hôm sau lên « làm việc » tiếp với công an, thì trên người ông có hơn 30 vết thương, vết bầm tím và sáng hôm sau, nạn nhân đã tử vong.

Có người thì chết bị cho là do « đột tử » như trường hợp của ông Đỗ Duy Việt, bị mời lên trụ công an huyện Thường Xuân để điều tra về vụ xâm hại tình dục trẻ vị thành viên. Gia đình nghi nạn nhân đã bị công an đánh chết vì sức khoẻ của ông rất tốt, nhưng không thể nào biết được chuyện gì xảy ra sau khi ông bị bắt giữ.

Vấn đề là ở chỗ đó. Những người bị bắt lên đồn công an chỉ có một mình đối đầu với những đại diện cơ quan công quyền, thường là cấp xã, huyện. Những gì xảy ra ở đó rốt cuộc chỉ do các công an tham gia thẩm vấn, hỏi cung khai báo, chứ không có lời chứng của một bên thứ ba như gia đình, bạn bè, luật sư.

Cách đây vài ngày, bộ Công an Việt Nam vừa ban hành một thông tư “về công tác điều tra hình sự trong Công an nhân dân”. Thông tư này, sẽ có hiệu lực kể từ ngày 25/08/2014, “nghiêm cấm bức cung, mớm cung hoặc dùng nhục hình dưới bất kỳ hình thức nào.” 

Thông tin này đã mặc nhiên thừa nhận là tệ nạn này vẫn diễn ra phổ biến mà gần như không có công an nào bị trừng trị đích đáng, mặc dù Hiến pháp cũng như Luật hình sự nghiêm cấm bức cung, nhục hình, cũng như quy định những hình phạt rất rõ ràng đối với người vi phạm.

Mặt khác, như đã nói ở trên, một số vụ người chết là xảy ra ở trụ sở công an xã do bị công an xã hỏi cung « quá trớn », trong khi theo pháp lệnh công an xã (do Chủ tịch nước ban hành ngày 02/12/2008), công an ở cấp này chỉ có quyền « lấy lời khai ban đầu các vụ việc, nhưng không được tạm giữ hình sự, hỏi cung các nghi can, nghi phạm ». Nếu vụ việc có dấu hiệu tội phạm phải chuyển nghi can lên cơ quan công an cấp trên...

Thế nhưng, Dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự - hiện đang được thảo luận - lại dự trù là công an xã sẽ có quyền « tiến hành kiểm tra, xác minh ban đầu », tức là có thể tiến trành một số hoạt động điều tra ban đầu. Việc « tản quyền » cho công an cấp cơ sở khiến nhiều người sợ rằng nạn bức cung, nhục hình gây chết người ở trụ sở công an xã sẽ xảy ra nhiều hơn nữa, nhất là tại nhiều xã, công an gần như nắm quyền sinh sát trong tay đối với người dân. Như thế chẳng khác gì tăng thêm « quyền nhục hình » cho công an xã.

Theo tờ Người Lao Động ngày 13/07 vừa qua, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền, cho biết lả trong tháng 8, cơ quan này sẽ tổ chức điều trần về trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến việc truy bức, nhục hình trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự trong thời gian qua.

Nhưng theo ý kiến của luật sư Hà Huy Sơn ở Hà Nội, trả lời phỏng vấn RFI ngày 28/07 vừa qua, một trong những giải pháp đầu tiên để ngăn chận nạn nhục hình, đó là phải tôn trọng quyền của người bị bắt được mời luật sư đến chứng kiến việc thẩm vấn tại trụ sở công an. Nhìn xa hơn, theo luật sư Hà Huy Sơn, chỉ có một Nhà nước pháp trị thật sự mới có thể ngăn chận nạn nhục hình tại trụ sở công an. Sau đây mời quý vị theo dõi bài phỏng vấn với luật sư Hà Huy Sơn.

Share

http://vi.rfi.fr/viet-nam/

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam