Vụ Nguyễn Chí Tuyến bị đánh trọng thương hôm 11/5/2015 đã dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Sau khi anh bị đánh, thông tin lập tức được chia sẻ lên mạng Internet. Nhiều bài viết, nhiều bài phỏng vấn của những tờ báo có uy tín cho đến hôm nay vẫn liên tục đưa tin và bày tỏ thái độ về vụ việc này.
Sự kiện chấn động tới mức ngay hôm sau, ông Felix Tham tán ĐSQ Đức đã sang tận nhà Tuyến bên Ngọc Thụy quận Long Biên để thăm, còn trước cả nhiều bạn bè anh ở Hà Nội. Ngày 14/5, bà Janet Nguyễn, Thượng Nghị Sĩ tiểu bang California viết thư yêu cầu Tòa Đại Sứ Mỹ và Human Rights Watch điều tra làm rõ vụ việc này. Ngày 15/5, bà Jennifer đại điện đại sứ quán Mỹ và bà Rose McConnell đại diện đại sứ quán Úc đã đến thăm Nguyễn Chí Tuyến.
Sự việc Nguyễn Chí Tuyến bị đánh đã làm cho sự phẫn nộ bấy lâu nay bật lên thành cao trào phản đối khủng bố những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, những người yêu cây xanh Hà Nội, yêu biển đảo của Tổ quốc, yêu công bằng, lẽ phải.
Trước Nguyễn Chí Tuyến, ngày 22/4/2015, Trịnh Anh Tuấn cũng bị 3 tên đón đường đánh lần thứ 2 (lần thứ nhất vào ngày 20/3/2014 sau khi anh tham gia buổi thảo luận của Mạng lưới blogger VN về)
Có thể kể thêm rất nhiều nhà hoạt động bị đánh trộm trong thời gian 2 năm gần đây:
Ngày 22/3/2014, anh Trương Văn Dũng bị đánh tại gần cây xăng Nam Đồng, Hà Nội. Anh còn bị đánh ngày 26/8/2014 tại Cao Lãnh khi đang đón xe về Sài Gòn.
Ngày 24/2/2014, anh Nguyễn Bắc Truyển bị đánh trên đường tới Đại sứ quán Úc.
Ngày 25/5/2014, cô Trần Thị Nga bị đánh tại thị trấn Văn Điển khi vừa ở nhà blogger Nguyễn Tường Thụy ra về.
Ngày 8/9/2014, anh Trương Minh Đức bị đánh tại Khâm Thiên Hà Nội khi anh đang trên đường tới phố Nguyễn Đình Chiểu
Ngày 29/10/2014, anh Phạm Bá Hải bị đánh tại Đức Trọng, Lâm Đồng khi đến thăm anh Dương Âu.
Ngày 9/12/2014, Nguyễn Hoàng Vi bị đánh khi vừa ra khỏi nhà. Đây là lần thứ 3 Nguyễn Hoàng Vi bị đánh.
và còn nhiều vụ đánh trộm khác.
Trần Thị Nga bị đánh ngày 25/5/2014
Những ví dụ trên đây chỉ nêu các trường hợp bị mai phục đón đánh ngoài đường, chưa tính đến các vụ bị đánh trong đồn công an. Chẳng hạn anh Trương Văn Dũng bị đánh tất cả 7 lần, trong đó 5 lần bị đánh trong đồn công an, còn 2 lần bị đánh ngoài đường như đã kê ở trên.
Việc những thành phần bất hảo được huy động đến để đánh các nhà hoạt động ngay trước mặt công an nhưng không bao giờ bắt được hoặc tìm ra danh tính vì có công an đứng cạnh bảo kê cũng coi như đánh trộm. Ví dụ trường hợp Lê Quốc Quyết, Mai Phương Thảo bị đánh tại ngã ba Pháp Vân (Hà Nội) ngày 22/4/2014, hay vụ Nguyễn Tường Thụy bị 6,7 tên xông vào đánh ngay bên kia đường, trước mặt cả công an huyện Thanh Trì và công an xã Vĩnh Quỳnh, đối diện nhà ở vào ngày 10/5/2010.
Theo Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền Human Rights Watch, chỉ riêng trong năm 2014, ít nhất 22 blogger và nhà hoạt động nhân quyền bị những người mặc thường phục tấn công.
Ai là thủ phạm? Thủ phạm nói ở đây là trước hết là những kẻ tổ chức, sau đó là những kẻ thực hiện. Nhiều người bị đánh nhận được mặt kẻ đánh trộm là những kẻ thường xuyên rình rập, canh nhà họ từ lâu nay. Có những trường hợp kẻ đánh vừa đánh vừa xưng “Tao là công an đây” như trong vụ đánh Trần Thị Nga, Phạm Bá Hải. Ngày 10/5/2010, chúng cũng vừa đánh tôi vừa xưng: “Tao là công an đây”. Có những trường hợp người bị đánh chụp được ảnh kẻ hành hung, như cô Trần Thị Nga chụp được ảnh kẻ đánh cô, hoặc trong vụ 10/5/2010, tôi cũng chụp được ảnh bọn chúng cung cấp cho công an, chỉ rõ chúng là người nhà của kẻ đang thuê nhà số 44.
Phải nói, việc điều tra ra thủ phạm hoàn toàn không khó. Thế nhưng nạn nhân đi trình báo, tố cáo, tất cả đều không được giải quyết. Đây là sự bao che, đồng lõa với thủ phạm. Thường là khi làm việc với công an, nạn nhân hay được hỏi câu: “Anh có thù oán với ai không?”, kể cả với những người từ SG ra Hà Nội, làm như thể họ bị đánh chỉ vì mâu thuẫn cá nhân.
Xét đối tượng bị đánh có thể khẳng định được thế lực nào tổ chức các vụ hành hung nói trên. Họ là những người hoạt động dân chủ, nhân quyền, các hoạt động xã hội khác như bảo vệ biển đảo, bảo vệ cây xanh. Những người này là đối tượng thường xuyên bị theo dõi, gây khó khăn trong cuộc sống.
Phân tích như thế để xác định kẻ nào tổ chức các vụ đánh trộm nói trên. Ví dụ, việc Nguyễn Chí Tuyến và Trịnh Anh Tuấn bị đánh cách nhau 20 ngày là hai vụ gần đây nhất nên có thể hiểu kẻ chỉ đạo đánh hai anh là những kẻ có lợi ích từ vụ chặt hạ bừa bãi cây xanh ở Hà Nội. Trước đó, trong các hoạt động bảo vệ cây xanh, Nguyễn Chí Tuyến là người hưởng ứng, cổ vũ hăng hái nhất cho hoạt động này. Còn Trịnh Anh Tuấn với nick facebook Gió Lang Thang là admin của nhóm “Vì một Hà Nội xanh”. Việc đi bộ tuần hành bảo vệ cây xanh Hà Nội diễn ra được 5 buổi thì bị công an Hà Nội đàn áp thẳng tay.
Mỗi khi những nhà hoạt động bị đón đường đánh, tất cả các ý kiến đều cho là công an hoặc chính quyền tổ chức và điều này hầu như không có ai nghi ngờ. Ngay sau khi bị đánh, Nguyễn Chí Tuyến đã khẳng định: “Trách nhiệm này hoàn toàn thuộc về ông Đại tá Hùng - Trưởng công an Long Biên”.
Tại sao lại gọi là đánh trộm? Đánh trộm là đánh giấu mặt, rình khi người ta sơ hở không phòng bị, lao vào đánh rồi bỏ chạy. Chúng thường dùng số đông hơn, huy động từ 3 đến 6, 7 để đánh một người.
Xét về bản chất, đánh trộm khác hẳn với những cuộc so sức, so tài. Những cuộc so sức so tài đều diễn ra công khai sòng phẳng, một đấu một và có luật chơi rõ ràng, có trọng tài. Chẳng hạn môn quyền Anh, các võ sĩ cùng hạng cân đấu với nhau chứ hạng nặng không được đấu với hạng nhẹ. Võ sĩ phải dùng găng và không được đánh dưới thắt lưng để đảm bảo tính mạng cho đối thủ. Khi đã phân biệt thắng thua, họ có thể là những người bạn và đều phấn đấu rèn luyện để đạt được thành tích cao hơn. Đấy là sự cao thượng của tinh thần thể thao.
So sánh như thế để thấy rõ sự hèn hạ của việc đánh trộm.
Tại sao lại đánh trộm những người hoạt động phản biện:
Tôi dùng cụm từ “hoạt động phản biện” để chỉ những người có hoạt động phản đối những sai trái của chính quyền để phân biệt với những người hoạt động xã hội nói chung.
Những kẻ đánh trộm tự biết không thể so sức, so tài, so chính nghĩa một cách công khai nên phải đánh lén và dùng số đông để chắc thắng và dễ bề tẩu thoát. Những người hoạt động phản biện hoạt động công khai trong khuôn khổ của pháp luật. Tuy vậy, việc làm của họ đã gây nên sự khó chịu, làm ảnh hưởng đến quyền lợi bất chính của một nhóm lợi ích nào đó. Vì họ hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật nên không thể hơi tí vu cho họ tội danh khác để bắt bỏ tù vì số này rất đông không thể bỏ tù hết được. Vì vậy, các nhóm lợi ích thường dùng thủ đoạn như đánh dằn mặt, vừa đe nạn nhân, vừa cảnh báo những kẻ khác. Khi không có chính nghĩa, chúng đành phải dùng cách thức của xã hội đen để bảo vệ quyền lợi của chúng.
Nhưng chúng đã nhầm.
Đánh trộm nhằm vào những người hoạt động phản biện không bao giờ làm cho chúng đạt được mục đích. Vụ đánh Nguyễn Chí Tuyến đã tạo nên làn sóng phẫn nộ của công luận, của báo giới và chính giới các quốc gia dân chủ. Những người hoạt động phản biện đồng loạt lên tiếng ủng hộ, bảo vệ anh, tiếp tục sát cánh cùng anh trên con đường đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền. Rất nhiều người dùng hình ảnh anh để làm avatar để bày tỏ sự ủng hộ. Blogger Điếu Cày và nhiều facebooker khác mang dòng chữ "Tôi là Nguyễn Chí Tuyến" để nhắc nhở những người vô cảm rằng, hôm nay là Nguyễn Chí Tuyến, ngày mai có thể sẽ là bạn. Chỉ có báo chí Nhà nước thì không bao giờ đưa tin những vụ việc này, mặc dù báo của họ nhan nhản những tin cướp, hiếp, giết, đánh ghen, những tin về đời tư của ca sĩ, người mẫu, hoa hậu...
Hôm nay là Nguyễn Chí Tuyến, ngày mai có thể sẽ là bạn.
Sau khi Nguyễn Chí Tuyến bị đánh, Nhóm “Vì một Hà Nội xanh” ra tuyên bố, khẳng định: “Chúng tôi không sợ hãi và sẽ không lùi bước trong cuộc đấu tranh vì lợi ích chung - bảo vệ môi trường, bảo vệ cây xanh Hà Nội, thúc đẩy chính quyền minh bạch và có trách nhiệm giải trình”.
Việc khủng bố, đánh trộm những nhà hoạt động có thể làm cho họ đau đớn về thể xác, làm tổn hại đến sức khỏe của họ, có thể làm cho kẻ khủng bố hả hê phần nào sự căm tức nhưng sự thiệt hại vô hình của chúng là vô cùng lớn. Đó là tự bôi thêm sự nhơ nhuốc, xấu xa, bất lực, phi nghĩa, của mình. Đó là làm đông thêm số người chống lại chúng. Tiếc thay, với đầu óc dốt nát, vô học, mù quáng bởi những lợi ích nhỏ nhen, chúng không dễ dàng nhận ra.
Tàn ác, hèn hạ, bỉ ổi, đê tiện… , ngôn từ Việt Nam không bao giờ đủ để diễn đạt về chúng - quân đánh trộm
16/5/2015
NGUYỄN TƯỜNG THỤY