Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

Khi một lũ vừa ngu vừa tham làm quy hoạch

"...nghĩ cho cùng, khi quy hoạch thành phố được giao vào tay những con người vừa ngu, vừa tham, vừa vô trách nhiệm thì những chuyện như chặt hạ tàn sát cây xanh hay Trạm dừng xe giữa đường, xây đường chồng lên đường, vừa xây xong đã phá  còn xảy ra dài dài." ... 

"Chưa kể nếu các bên A-B bớt đi số tiền bỏ túi từ 40-50% xuống còn 10% thì đã đủ tiền làm metro từ lâu rồi"

Hà Nội sáp nhập với Hà Tây, thủ đô mở rộng về phía Tây, đáng lẽ đó là cơ hội vàng cho các nhà kiến trúc quy hoạch đô thị , nhưng hỡi ôi, họ đã phá vỡ tan tành cảnh quan Hà Nội chỉ bởi hai chữ ngu và tham.

Nói về quy hoạch Hà Nội, tôi đã viết rất nhiều bài. Có nhiều bài được các trang báo chính thống đăng tải, có nhiều bài các báo không dám đăng đành đưa lên blog cá nhân hoặc Facebook như : Kiến trúc sư trưởng. ông là ai ? Quy hoạch Hà Nội đã hết thuốc chữa, Thư ngỏ gửi KTS Nguyễn Thế Thảo …

Họ, những nhà quản lý, những nhà kĩ trị , họ biết cả đấy nhưng một là họ làm ngơ để “ngậm miệng ăn tiền” hai là họ chả có quyền hành gì cả. Kiến trúc sư trưởng Hà Nội là tập thể vô hình mà lại hữu hình . Tập thể Thường vụ Thành ủy, Thường trực Ủy ban- những người cùng hội cùng thuyền chả biết mẹ gì về quy hoạch cả dù đi tham quan (thực chất là đi chơi) rất nhiều nước – mới là kiến trúc sư trưởng có thực quyền . Họ lại được các cấp trên có thẩm quyền ủng hộ, phê duyệt vì đều nằm trong thành phần của “Nhóm lợi ích”. Vì thế Hà Nội càng mở rộng , càng xây nhiều càng lanh tanh bành . Còn thua xa những gì người Pháp làm cho Hà Nội từ đầu thế kỉ thứ 19

Đã định thôi không thèm nói nữa với một ê kíp lãnh đạo vô cảm , vô cảm đến mức dám chặt cả một hàng cây 100 tuổi là lá phổi sống của Hà Nội nhưng rồi càng đi, càng ngứa mắt và ngứa tay luôn nên lại phải viết

Muốn giải quyết vấn nạn ách tắc giao thông phải thực hiện vận tải công cộng . Vận tại hành khách công cộng phải đi trước một bước, đi song song với mở rộng mạng lưới cơ sở hạ tầng cầu cống đường xá , đi trước cả việc xây dựng nhà cửa

Nhưng đã có ai nghĩ đến chuyện đó khi chỉ nhăm nhăm quy hoạch xây các khu đô thị để đưa người của mình vào làm chủ đầu tư để kiếm lời một cách nhanh nhất trong nhiệm kì công tác ngắn ngủi của mình

Vậy nên mới có hình ảnh ngã tư Thanh Xuân- Khuất Duy Tiến hiện đang chồng lên 4 làn đường vuông góc. Bạn đã đi các nước, những nút giao cắt lập thể như thế này là điểm nhấn kiến trúc hiện đại với nhiều vòng xoáy uốn lượn tô điểm cho những ngôi nhà chọc trời . Bạn hãy quay trở lại với nút giao kể trên thấy nó vô lối bức bối con mắt biết chừng nào. Đến khi làm xong đường sắt trên cao- Dự là không phải cuối năm 2016 mà theo tôi cứ cho chắc phải là 2020 với số vốn đội lên 1 tỉ đô la chứ không phải vài trăm triệu như bây giờ-, bạn sẽ được ngồi ở độ cao tương đương một tòa nhà 5 tầng khi đi qua nút giao này và thầm mong nó không xảy ra sự cố bỗng dưng một ngày “ đẹp trời” tàu bánh sắt trượt khỏi đường ray và … rơi xuống đất như đã từng rơi các phụ kiện khi đang xây dựng

Chưa nói về cảnh quan, về mỹ quan , chỉ nói khâu an toàn đã thấy cả một vấn đề cần quan tâm rồi. Người ta có thể lập luận nếu làm các vòng xuyến lập thể sẽ mất rất nhiều đất sẽ mất rất nhiều tiền để giải phóng mặt bằng. Xin thưa chỉ với số vốn đội lên khi làm đường sắt trên cao, số tiền vô hình mất đi do ách tắc giao thông kéo dài cả chục năm nay thì đã thừa tiền giải phóng mặt bằng . Chưa kể nếu các bên A-B bớt đi số tiền bỏ túi từ 40-50 %xuống còn 10 %thì đã đủ tiền làm metro từ lâu rồi

Đi theo chủ trương “chiến lược” phát triển vận tải hành khách công cộng, mấy năm nay Hà Nội cho triển khai tuyến xe buýt hiện đại nhất hành tinh trên tuyến đường Lê Văn Lương- Tố Hữu- Lê Trọng Tấn

Đường Lê Văn Lương vừa làm xong bỗng dưng được bóc lên, đường nhựa bị đào bới để xây dựng đường bê tông riêng cho xe buýt. Ý nói xe buýt to lắm.nặng lắm phải làm đường riêng, kiên cố thì mới chịu được. Nhưng đường nhựa vừa làm xong thừa sức chịu được trọng tải của xe buýt . Vấn đề là hai anh chủ đầu tư thuộc hai ông chủ khác nhau , anh này chỉ biết việc của mình được giao đếch thèm biết công trình của anh kia, gây nên sự lãng phí xã hội ghê gớm. Đã có những phản ứng và công trình phải tạm dừng lại để nghe ngóng dư luận. Đến khi thấy êm êm thì ta lại xây tiếp. Và bây giờ đến giai đoạn xây lắp các Trạm dừng xe ở giải phân cách giữa đường . Riêng giải phân cách để rộng ba bốn mét chiếm hết chiều rộng của hai chiều đường hai bên đã là một sự vô lý . Nếu giải phân cách chỉ là một gờ tường con trạch thì mỗi chiều đường có thể có tới ba làn xe cơ giới, một làn cho xe máy thì nạn ách tắc trên đường Lê Văn Lương kéo dài đã không diễn ra hàng ngày như hôm nay

Mỗi lần đi trên con đường này, nhìn thấy các Trạm dừng xe buýt mọc lên mỗi ngày tôi cứ tự hỏi mình: Không biết nếu đỗ xe buýt sát vào Trạm dừng cho hành khách lên xuống thì cửa xe buýt phải đổi từ bên phải của xe như hiện nay sang phía bên trái , cùng chiều với cửa lên xuống của lái xe . Vậy hàng loạt xe buýt mới sẽ được đóng theo kiểu không giống ai trên thế giới và sáng kiến này có thể đăng kí dự giải Nobel!

Rồi hành khách từ bên phải đường phải ngó trước ngó sau để băng qua đường vào Trạm dừng chờ. Không cẩn thận sẽ gãy giò hoặc tử thương vì tai nạn giao thông? Lúc đó tác giả của Trạm xe buýt kiểu này sẽ trốn biệt nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự . Rồi trong Trạm dừng chờ có máy lạnh không nhất là mùa nóng bức như thế này. Nếu có thì giá thành xe buýt phải cộng thêm giá điện năng …

Ôi ! Nghĩ mà điên hết cả đầu. Ai biết giải đáp giùm tôi những thắc mắc kể trên với . Nhưng nghĩ cho cùng, khi quy hoạch thành phố được giao vào tay những con người vừa ngu, vừa tham, vừa vô trách nhiệm thì những chuyện như chặt hạ tàn sát cây xanh hay Trạm dừng xe giữa đường, xây đường chồng lên đường, vừa xây xong đã phá… còn xảy ra dài dài.

Source: Blog Lương Kháu Lão