Tây Khuê (Danlambao) - Đây là một khẳng định mà chính tôi là người trong cuộc, là một “dân nghèo” đúng nghĩa. Vì sao ư, chúng tôi đã mang theo câu hỏi đó hơn mười năm để đi tìm câu trả lời.
Tôi
là một trong những hộ dân ở Phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2 đang nằm trong khu quy
hoạch “ bất động” 174 hecta. Ra quyết định giải tỏa hơn mười năm rồi mà cả nhà
đầu tư lẫn chính quyền địa phương vẫn chưa tiến hành cái dự án khủng đó. Mười
năm không phải là dài nhưng đủ để nhà chúng tôi hư hỏng, dột nát. Vậy mà không
được sửa chữa, nâng cấp cuộc sống, nhìn vào thì không còn giống căn nhà nữa. Đến
cả thủ tục về giấy tờ đất đai chúng tôi cũng không được phép làm. Nhà cửa đối với
con người thiết thực như áo quần, nhà hư hỏng không được sửa sang khác nào áo
cũ mà không được thay, quần rách không được vá lại. Phải chăng nếu có vị lãnh đạo
nào có đất nằm trong quy hoạch cũng sẵn lòng chịu mặc áo rách bao năm như chúng
tôi? Quả thật là chúng tôi là những dân nghèo, nghèo về cái gọi là “ nhân quyền”.
Đã hơn 10 năm qua, chúng tôi sống trong tình cảnh quy hoạch "treo". Đất là của chúng tôi, nhà cửa là tài sản của chúng tôi nhưng tất cả mọi quyền lợi của chúng tôi cũng bị "treo" theo như một bản án lơ lửng trên đầu.
Giải tỏa thì giải tỏa đại đi cho dân nhờ, chứ sống trong cảnh
bức xúc hàng năm trời như vầy thì chúng tôi làm sao có thể an cư lạc nghiệp
trên mảnh đất của cha ông gầy dựng. Các nhà đầu tư cứ thay nhau lên kế họach
không cần biết là mảnh đất đó của ai, chúng tôi có đồng ý hay không, còn lãnh đạo
địa phương thì chỉ cần đơn giản mà nói là quy hoạch có lợi cho bên đầu tư và
bên trực tiếp thi hành thì ký giấy cho quy hoạch ngay. Còn về quyền lợi của dân
chúng thì không một ai thật sự xem xét đến. Bởi vì nếu chỉ cần giải tỏa rồi đền
bù cho dân chúng để chúng tôi bình ổn cuộc sống thì chúng tôi không khổ sở đến
vậy. Đằng này, nếu dân không đồng ý thì thi hành cưỡng chế, đập phá nhà cửa của
chúng tôi, dồn ép chúng tôi. Mặc cho dân tình khốn khó kêu than, các ông lãnh đạo
cứ thản nhiên thi hành luật “treo”, như thế thật là phi lý bởi cái gọi là quản
lý đất đai kiểu Việt Nam như vầy khác nào “cướp đất giữa ban ngày” nhưng không
ai được phản đối bởi nó đã được áp đặt thành “luật pháp công bằng dân chủ, do
dân, vì dân". Chỉ cần như thế chúng ta đã biết cái “công bằng” trong
luật pháp Việt Nam nó “vì dân” đến như thế nào.
Rõ ràng thôi vì quy hoạch tới đâu dân nghèo tới đó bởi người
dân nào mà nằm trong vùng quy hoạch treo thì khác gì gặp “đại nạn”, mọi quyền lợi
bị xâm phạm, mưu cầu sự sống trên mảnh đất của mình cũng bị tước đoạt trắng trợn
mà không được khiếu nại hay thưa gởi. Mà Chính phủ nước ta từ quan to cho đến
quan nhỏ nói là dân bầu làm đại diện cho mình nhưng khi dân chúng lâm vào khốn
cảnh như vầy thì các quan nhỏ đổ cho quan to, quan to đổ cho “ông nhà nước”, thế
là xong.
Đến ban hành “Luật đất đai” cũng kỳ lạ không kém : “Nhà nước
công nhận quyền sử dụng đất đối với người đang sử dụng đất ổn định”. Tức là Nhà
nước không công nhận quyền sử dụng đất nếu không có Giấy chứng nhận QSDĐ. Trong
khi đó, vẫn còn một bộ phận lớn dân cư sử dụng đất chính đáng mà chưa được cấp
giấy (ví dụ như là đất đang bị quy hoạch treo) nhưng chúng tôi vẫn phải thực hiện
đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước. Quyền lợi tài sản thì bị “đóng băng” không cục cựa,
nhưng nghĩa vụ đóng thuế nhà đất, thuế môn bài, các loại quỹ... hằng năm nhà nước
vẫn cứ thu bình thường là sao? Không biết có phải vì định hướng phát triển đất
nước mới lạ của nhà nước ta không mà nhìn sao thì những dự án “treo” kiểu này
giống sợi dây thừng siết cổ dân nghèo cho đến chết mới thôi .
Tại sao dân chúng Việt Nam không được hưởng cái quyền tuyệt đối
như mọi công dân khác trên thế giới, khi đã thực hiện mọi nghĩa vụ đóng thuế với
nhà nước thì chúng tôi có quyền quyết định về tài sản của mình. Nếu các nhà đầu
tư nào có nhu cầu thì trước hết phải bàn bạc thỏa thuận, nếu hai bên cùng thống
nhất thì mới tiến hành dự án chứ không phải các vị cứ ưng ý ở đâu thì làm ở đó.
Để rồi các “dự án siêu đầu cơ không vốn” này treo hàng mấy mươi năm, đến bao giờ
các vị mới buông xuống cho dân nhờ?
Nhìn chung người dân đang đối mặt với những khó khăn mà chính
người cầm quyền đem đến. Bất công khi các nhà đầu tư thu bao nhiêu là lợi nhuận
từ đất đai đã cướp đi của chúng tôi, khác nào họ đang giàu lên trên chính xương
máu của dân nghèo. Còn đạo lý nào khi người giàu cướp đất của dân nghèo. Nếu
nhìn về quá khứ, chúng ta đã tự hào cha ông ta đã dùng xương máu để bảo vệ mảnh
đất dưới chân mình trước sự xâm phạm của kẻ thù. Ngày hôm nay, chúng tôi biết
làm gì khi chính “người lãnh đạo” mà chúng tôi đã bảo vệ lại đi cướp đất của
dân. Khó khăn đang chồng chất khó khăn, những dự án treo như vầy đang đẩy chúng
tôi đến bờ vực thẳm. Dân là gốc của đất nước, nếu cái cội rễ đã hư hỏng thì chắc
chắn cây đại thụ ngày nào đó sẽ đổ.
Chúng tôi tin chắc đã đến lúc thực hiện “dự án tư duy hóa” một
bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo để gỡ bỏ tình trạng những dự án cứ được treo
liên tục làm dân chúng điêu đứng như vầy. Đồng thời tiến hành cải cách Luật
pháp, tôn trọng quyền lợi của nhân dân, công bằng dân chủ văn minh. Luật ban
hành là để thực hiện chứ không phải để làm đẹp cho nước nhà nên những dự án quy
hoạch “treo tòng teng” hơn ba năm thì thực hiện hoặc xóa bỏ như luật đã ban
hành. Các nhà đầu tư trước hết phải được xem xét tài chính thực tế trước khi tiến
hành ký phép làm dự án để tránh tình trạng “dự án to mà vốn thì nhỏ” nên sau
cùng là “treo”. Cuối cùng, những dân nghèo chúng tôi chỉ có nguyện vọng là có lại
được quyền lợi mà vốn dĩ chúng tôi xứng đáng được có.