Từ
ngày thành lập đến nay, Đảng VNCS luôn xưng danh là “đại biểu trung
thành cho quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động…”. Nhưng
lợi ích từ sự phát triển kinh tế đã không được chính phủ dành cho nhân
dân, đặc biệt là các thành phần lao động. Trong thực tế, đảng VNCS đã
ngang nhiên dùng vai trò lãnh đạo độc quyền để làm giàu bất chính, thay
vì chăm lo cho quyền lợi của nhân dân.
Tình trạng tham ô của công đã
hoành hành đến nỗi các lãnh đạo Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam cũng
thừa nhận rằng tham nhũng đang là một “quốc nạn”. Đồng thời, các đại
biểu Quốc hội đã phải công khai đặt vấn đề là với mức lương bổng, tiền
thưởng, chế độ đang có (do nhà nước cấp hàng tháng) thì tiền đâu mà vô
số quan chức lại có nhà cao cửa rộng, tài sản, của chìm, của nổi, lớn và
nhiều đến như vậy. Có đại biểu đã lên tiếng trước quốc hội, đề nghị
chính phủ phải làm rõ việc chạy chức, chạy quyền từ cấp cao đến cấp địa
phương.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và cũng là một viên chức cấp cao cố vấn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, cho rằng chỉ có 5% của tảng băng tham nhũng lộ ra mà thôi; còn đến 95% vẫn còn chìm khuất.
Mặt khác, ông Trương
Tấn Sang, Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư của VNCS, cũng đã
nói rằng “Chủ trương của Đảng là mọi cán bộ, đảng viên có liên quan tới
tham nhũng đều phải được xử lý nghiêm minh theo kỷ luật Đảng và pháp
luật nhà nước, dù đó là ai, làm gì, kể cả đối với cán bộ cấp cao, không
có ngoại lệ, không có vùng cấm.”
Cùng lúc đó, các tổ chức kinh tế
quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có nạn tham nhũng
trầm trọng nhất trên thế giới (xếp hạng thứ 107 theo Tổ chức Minh Bạch
Quốc tế).
Giáo sư Yoshiharu Tsuboi (Đại học Waseda, Nhật bản), cho
rằng tham nhũng ở Việt Nam không đơn thuần là vấn đề đạo đức, mà là vấn
đề cơ cấu trong tổ chức, và để loại bỏ tham nhũng, phải cần sự cải
thiện lớn trong cơ cấu tổ chức và tài chính.
Trong một nghiên cứu
độc lập khác, Giáo sư Carlyle Thayer (thuộc Học viện Quốc phòng Úc) nhận
định chống tham nhũng đòi hỏi nhiều cải cách, nhưng đảng VNCS sẽ khó
lòng muốn thực hiện, vì những cải tổ này lại dính tới vấn đề giảm bớt
độc quyền chính trị của đảng.
Tình trạng cán bộ các cấp lạm dụng
quyền lực để tham nhũng công quỹ đã trở thành một quốc nạn mà chính Bộ
Chính Trị VNCS phải quyết định ban hành “Luật Phòng Chống Tham Nhũng”
vào ngày 29/11/2005, và thành lập cái gọi là Cục Chống tham nhũng (Thuộc
Thanh tra Chính phủ), được thành lập theo quyết định số 1424/QĐ-TTg
ngày 31 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Việt Nam. Tuy nhiên, sau gần hai
năm thành lập, nhân dân Việt Nam cũng chưa thấy cơ quan phòng chống
tham nhũng này làm được bất cứ điều gì cụ thể. Đã vậy khi báo chí trong
nước phanh phui ra những vụ tham ô lớn, thì đảng VNCS đã nhanh chóng tìm
cách ngăn chận sự điều tra, đồng thời công khai bao che hay xử án có
tính cách tượng trưng để xoa dịu dư luận!
Tình trạng tham nhũng
không phải chỉ là việc ăn cắp của công, mà còn bao gồm việc quan chức
địa phương lạm dụng quyền thế để bán công thổ, chiếm đoạt đất đai, tài
sản của dân. Đó là nguyên nhân tại sao phong trào khiếu kiện cứ sùng sục
dâng lên từ Bắc chí Nam.
Tham nhũng là tội ác không thể tha thứ,
vì nó trực tiếp xâm phạm đời sống của nhân dân một cách nghiêm trọng.
Bên cạnh sự phạm pháp, những quan chức tham nhũng đã đánh cướp các công
ích xã hội mà người dân đúng ra phải được hưởng. Sự tham ô này đã phá
hoại công cuộc phát triển xã hội, kinh tế và giáo dục mà toàn dân đang
mong đợi.
Bộ Chính Trị đảng VNCS phải chịu trách nhiệm trực tiếp
cho quốc nạn tham nhũng, và phải sửa sai bằng cách chấm dứt việc khống
chế các cơ quan truyền thông, báo chí, để họ được tự do điều tra, theo
dõi và tường trình những trường hợp tham lô, lãng phí và lạm dụng quyền
lực để làm giàu bất chính.
Các cơ quan nhà nước đồng thời phải
thực thi chức năng đang có để góp phần hoá giải quốc nạn tham nhũng.
Đảng VNCS và nhà nước VNCS phải thực sự lắng nghe nguyện vọng của nhân
dân, đặc biệt là những lời tố giác tình trạng tham ô, lãng phí và lạm
dùng quyền thế hiếp đáp, cướp của nhân dân.
Mặt khác, nhà nước
VNCS cần phải trả tự do ngay cho những người đã mạnh dạn đứng lên đòi
hỏi công bằng xã hội và đang bị công an bắt giam vô lý.
Quan trọng
hơn hết, muốn diệt trừ tận gốc tham nhũng thì guồng máy chính phủ cần
phải là một cơ chế dân chủ đa đảng, vì chỉ có như vậy thì mới có điều
kiện để giám sát lẫn nhau và có được các biện pháp chế tài hữu hiệu một
khi sự kiện tiêu cực được phát giác.
Việc phát triển quốc gia và
xây dựng xã hội chỉ có thể thực hiện được khi có một nhà nước dân chủ,
thực sự là của dân, do dân và vì dân../
http://vidan.info/index.php/en/admin/125-quandiem/125-125