Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Việt Nam vẫn còn thua Cao Miên và Miến Điện!

Người Việt chúng ta vẫn thường tự hào về một lịch sử với bốn ngàn năm văn hiến, một quá trình chống ngoại xâm hào hùng và một ý chí vươn lên từ mọi nghịch cảnh. Nhưng hiện nay, chế độ chính trị nước ta vẫn còn chậm tiến hơn cả Cao Miên và Miến Điện!

Tại Cao Miên, dù bị quốc nạn diệt chủng bởi Khmer Đỏ và cuộc nội chiến hơn 10 năm sau đó, chế độ độc đảng của nước này cũng đã chấm dứt từ năm 1993 với một hiến pháp dân chủ và một chính phủ đa đảng. Trong 15 năm qua, đảng Nhân dân Cao Miên của ông Hun Sen nắm quyền hành ở thế thượng phong với đa số ghế Quốc hội, song các đảng đối lập vẫn có thể hoạt động hợp pháp tương đối tự do và được quyền đưa người tham gia Nội các. Với 6 tổ chức chính đảng tân lập và 4 chính đảng tham chính, nền dân chủ trẻ trên Vương quốc Cao Miên có nhiều cơ hội phát triển tốt đẹp hơn nữa trong thời gian tới.
Tại Miến Điện, cho dù nước này vẫn nằm dưới sự cai trị của một chế độ độc tài quân phiệt, song sinh hoạt đấu tranh dân chủ vẫn có sắc thái tự do nhiều hơn Việt Nam. Ít nhất, cho dù bị chế độ kiểm soát và hạn chế gắt gao, các đảng đối lập như “Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ”, “Liên đoàn Dân tộc Shan vì Dân chủ”, “Đảng Thống nhất Quốc gia”, v.v… vẫn đã có cơ hội để công khai hoạt động đấu tranh tại Miến Điện. Cuộc Tổng Tuyển Cử Quốc Hội năm 1990 cũng đã đặt một nền tảng dân chủ cơ bản cho nước này và bà Aung Sang Suu Kyi được thế giới nhìn nhận như là một người lãnh đạo nước Miến Điện, dù kết quả cuộc bầu cử không được nhà cầm quyền độc tài tôn trọng. Mặt khác, với hình ảnh cuộc biểu tình với hàng trăm ngàn sư sãi và dân chúng xuống đường công khai đòi hỏi cải cách kinh tế, chính trị và dân chủ vào tháng 9/2007, người ta thấy Miến Điện đã đi trước Việt Nam một số bước trong tiến trình dân chủ hoá đất nước của họ. 

Tại nước ta, sự bảo thủ và ích kỷ của đảng VNCS đã kềm hãm sự phát triển mọi mặt của đất nước. Với lý do cần có “ổn định chính trị” để phát triển kinh tế, bộ máy cầm quyền đã thẳng tay đàn áp và trù dập tất cả cá nhân, tổ chức đối lập, kể cả những người đấu tranh dân quyền một cách ôn hòa như ký giả Trương Minh Đức, sinh viên Đặng Hùng, v.v... Tệ hại hơn cả là dân oan biểu tình đòi công lý cũng bị đàn áp thô bạo và bắt bỏ tù vô cớ. Lý luận bảo thủ của đảng VNCS từ lâu đã không thuyết phục được ai, vì với sự một hiểu biết tối thiểu, mọi người đều biết là các quốc gia hùng mạnh mà Việt Nam đang làm bạn đều có thể chế dân chủ đa đảng. Như vậy, rõ ràng là đa đảng làm cho xã hội phát triển lành mạnh và tốt đẹp hơn độc đảng.

Vì chế độ độc đảng nên tình trạng độc tài, tham nhũng và lạc hậu vẫn tiếp tục hoành hành xã hội Việt Nam. Vì không có được cơ chế dân chủ đúng nghĩa để kiểm soát và chế tài bộ máy nhà nước, nên vô số tình trạng tiêu cực to lớn được dư luận báo động nhiều lần vẫn không có cách nào giải quyết được. 

Tự do kinh tế đã giải thoát đất nước Việt Nam khỏi nạn đói nghèo và giúp xã hội có cơ hội phục hoạt đáng kể. Thành quả đó đúng ra đã phải là một kinh nghiệm quý báu cho thành phần lãnh đạo Việt Nam, để từ đó, tìm kiếm giải pháp hoá giải các bế tắc chính trị của nước nhà một cách nhanh chóng và tốt đẹp. Tiếc rằng đảng CSN đã không có đủ thiện chí và sự can đảm để thực sự đổi mới.

Đã đến lúc để nhân dân và những người tiến bộ trong đảng VNCS có thái độ mạnh mẽ với thành phần bảo thủ đang nắm quyền lãnh đạo đảng và nhà nước hiện nay. SựÏ đổi mới cần có của đảng VNCS là chấp nhận trao quyền lãnh đạo đất nước lại cho toàn dân.

http://vidan.info/index.php/en/admin/119-binhluan/132-132 


Lâm Thế Nguyên (ĐVD)
http://vidan.info/index.php/en/admin/119-binhluan/132-132  

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam