Người dân Hà Nội liên
tiếp lên tiếng phản đối Trung Quốc
Không một ai được ngăn cản lòng yêu nước của người dân. Đất nước này còn là ở lòng yêu nước của người dân chứ không ở đảng phái nào cả. (Nguyễn Hữu Vinh, người quan sát biểu tình).
Sau một tuần gián đoạn, hôm Chủ
nhật ngày 22/7 Hà Nội một lần nữa chứng kiến một cuộc biểu tình
chống các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.
Đây là lần xuống đường lần thứ
ba của người dân Hà Nội trong mùa hè năm 2012 kể từ khi cuộc biểu
tình đầu tiên xảy ra và ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng 7.
Cũng giống như hai lần trước,
những người biểu tình xuất phát từ Nhà hát lớn và diễu hành qua
các con phố trung tâm Hà Nội để hướng đến đích là Tòa Đại sứ Trung
Quốc nằm trên phố Hoàng Diệu.
Các hình ảnh video được đưa lên
mạng cho thấy hô những khẩu hiệu ‘đả đảo, đả đảo’ Trung Quốc xâm
lược rất khí thế và lấn át cả tiếng loa phát thanh của chính quyền
Hà Nội yêu cầu giải tán vì hành động biểu tình ‘chỉ làm phức tạp
tình hình và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của thủ đô’.
Tiếng loa phóng thanh cũng giải
thích với những người biểu tình về những hành động của Đảng và
chính phủ trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước.
‘Diễn ra tốt đẹp’
Ông Nguyễn Hữu Vinh, người tham gia quan sát và chụp
ảnh cuộc biểu tình hôm 22/7, nói với BBC rằng số lượng người dân
xuống đường lần này ‘không quá đông cũng không ít’ và dao động ở mức
‘vài trăm người’.
Tuy nhiên, theo một số nhân chứng khác thì số người
tham gia tuần hành chỉ vào khoảng trên dưới 100 người. BBC không có mặt
tại chỗ nên không thể kiểm chứng một cách độc lập.
Những người biểu tình đã hô những khẩu hiệu như
‘Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam’, ‘Biển là máu thịt của Việt
Nam’ và ‘Kiên quyết giữ gìn biển đảo’, ông Nguyễn Hữu Vinh kể lại.
Theo ông Vinh nhận xét thì cuộc
biểu tình lần ba này ‘đã diễn ra tốt đẹp’ với ‘khí thế mạnh mẽ’
và ‘tinh thần ngày càng cao’.
“Trời rất nắng nôi khổ sở mà
nhiều người vẫn đi từ đầu đến cuối,” ông nói, “Tôi đánh giá cao lòng
yêu nước của họ.”
Ông kể lại trường hợp một
người mẹ bế con nhỏ đi cùng trên tay cầm khẩu hiệu ‘Tổ quốc gọi
chúng con có mặt’ đã làm cho ông ‘rất xúc động’.
Người
biểu tình hô các khẩu hiệu rất khí thế
“Tôi cảm thấy xấu hổ cho những
vị tai to mặt lớn mà không dám nói gì trong tình hình Tổ quốc lâm
nguy,” ông nói.
Theo lời ông Vinh thì cuộc biểu
tình cũng gặp một số trở ngại như những người tụ tập ở Nhà hát
Lớn bị yêu cầu giải tán hoặc bị hàng rào chắn chặn lại trên phố
Tràng Tiền phía đầu Bờ Hồ.
‘Ngăn là phản động’
Tuy nhiên, cũng như các lần trước thì đoàn biểu tình
đã không tiếp cận được Đại sứ quán Trung Quốc.
Trước địa điểm này chính quyền Hà Nội đã dựng hai
lớp hàng rào sắt với rất nhiều công an trong nhiều sắc phục khác
nhau, dân quân tự vệ và đoàn thanh niên cộng sản.
Hình ảnh trên mạng cho thấy ở
hai phía hàng rào sắt thì người biểu tình đối diện với rất đông
thanh niên trong đồng phục xanh của Đoàn thanh niên cộng sản.
Sau cuộc biểu tình ngày 8/7 thì
chính quyền Hà Nội đã thực hiện cuộc vận động một số nhân vật nổi
bật không tiếp tục xuống đường.
Truyền thông Hà Nội thì đăng
những bài đả kích những người tham gia tích cực vào cuộc biểu tình
hôm 8/7 như luật sư Lê Quốc Quân và cụ bà Lê Hiền Đức.
Bản thân ông Nguyễn Hữu Vinh
cũng được Mặt trận Tổ quốc phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, nơi ông
cư trú đến vận động thuyết phục.
“Không một ai được ngăn cản lòng
yêu nước của người dân. Đất nước này còn là ở lòng yêu nước của
người dân chứ không ở đảng phái nào cả,” ông nói với BBC và gọi
những ai ngăn cản biểu tình chống Trung Quốc là ‘phản động’.
Khi được hỏi có e ngại những
động thái sắp tới của chính quyền Hà Nội đối với ông hay không thì
ông nói rằng ‘Được thể hiện lòng yêu nước thì dù có xả thân tôi
cũng không tiếc’.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/07/120722_third_antichina_protest.shtml