Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Trung Quốc ngang ngược và dư luận Việt Nam

Phùng Thức/Người Việt

Sự kiện Trung Quốc ngang ngược gọi thầu các mỏ dầu bên trong thềm lục địa Việt Nam cho thấy hai thái độ rõ rệt trong phản ứng của chính quyền và dư luận Việt Nam.

Phía chính quyền cố gắng tiếp tục làm tròn vai diễn với những tuyên bố từ cấp bộ ngoại giao như thông lệ. Có thể lần này ngôn ngữ ngoại giao mạnh mẻ hơn nhưng về chất lượng phát ngôn vẫn không khác mấy với những lần trước dù mức độ Trung Quốc lấn xâm lấn chủ quyền quốc gia là nghiêm trọng. Ở phía dư luận công dân rộng rãi người ta nghe thấy một giọng nói chung rất cô động, gần như có tính kết luận về sự việc mất chủ quyền này là: Việt Nam hết cửa!

Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội, sáng Chủ Nhật, 1 tháng Bảy, 2012
 (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Khái niệm ‘Việt Nam hết cửa’ được người dân đưa ra gần với nghĩa bị Trung Quốc chiếu bí trên một ván cờ. Không cần suy diễn đến viễn cảnh Trung Quốc có gọi được thầu hay không gọi được thầu, chỉ cần phát ngôn và hành động gọi thầu của Trung Quốc đã cho thấy Bắc Kinh, thông qua Tổng công ty dầu khí Hải Dương ( CNOOC) đã cướp đoạt chủ quyền biển của Việt Nam, đã làm phá sản những nước đi ngoại giao và cả luật biển của Việt Nam vừa mới được quốc hội thông qua.
Vì sao những chủ trương đa phương hóa tranh chấp biển Đông bị lơ sau chuyến đi thăm Trung Quốc của Tổng bí thư đảng công sản Nguyễn Phú Trọng. Thỏa thuận cấp cao Việt - Trung về những nguyên tắc trên biển đã được ký kết chưa tròn một năm đã bị Trung Quốc biến thành một văn bản vô giá trị.

Xem lai  những tranh chấp mới nhất ở Bãi cạn Scarborough giữa Philippines và Trung Quốc, báo chí Việt Nam và người phát ngôn ngoại giao Việt Nam không thấy lên tiếng gì. Chính quyền Hà Nội cả tin Trung Quốc, chuyển chính sách biển Đông từ đối thoại đa phương sang song phương làm mất đi mặt trận ngoại giao rộng rãi là một sai lầm trầm trọng. Bây giờ Chính quyền Hà Nội kêu gọi quốc tế và các nước bạn bè trong khôi Asean ủng hộ việc hủy thầu thì ai tin, ai quan tâm... Bó đũa đã được Trung Quốc thâm hiểm tách ra từng chiếc và hậu quả phải nhận từ Trung Quốc là điều tất nhiên.

Tổng hợp bình luận dư luận lề trái ở Việt Nam đánh giá về khả năng gọi thầu của Trung Quốc có một điểm chung đáng chú ý như sau: Ngay cả khi những tập đoàn dầu khí lớn của thế giới ngần ngại làm ăn ở vùng biển Đông đang có tranh chấp thì Trung Quốc cũng thừa thủ đoạn thành lập các công ty con với nhãn mác quốc tế để dự thầu và trúng thầu. Bởi bản chấc việc Trung Quốc mời thầu lần này trọng tâm chưa phải nhằm mục đích khai thác dầu mà cái chính là áp đặt, hợp thức trắng trợn quyền lực ở biển Đông; dọn đường cho những bước đi tiếp theo, đẩy phía đối thoại song phương Việt Nam vào điểm: Hết cửa! Hết đường tính cho dù có muốn quay lại với chính sách đa phương.

Trong tuyên bố mới nhất của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc: đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển Việt Nam thông qua luật biển Việt Nam và các luật pháp quốc tế, công ước về biển... Người ta thấy Hà Nội đang ở tư thế gượng gạo và yếu thế. Trước sự lấn tới thâm hiểm, sự khiêu khích trắng trợn của Trung Quốc, nếu chế độ cộng sản nắm quyền ở Việt Nam có vận động được phiên tòa quốc tế công bình, thậm chí được tuyên thắng kiện thì thử hỏi có ích gì nữa khi biển Đông và nguồn sống dân tộc từ biển bị lưỡi bò Trung Quốc liếm sạch.
 
Nếu tin vào tuyên bố của ông đứng đầu đảng cầm quyền Việt Nam thì người ta sẽ cùng yên tâm- ngây thơ  trước miệng con sói chực chờ. Nhưng có thật là ông Trọng và Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam ngây thơ? Không ai có đầu óc biết phán đoán là lại tin những người bản lĩnh chính trị dầy dạn đó lại ngây thơ, thế thì tại sao những đối sách với Trung Quốc về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng lại đưa dân Việt Nam và tiền đồ Tổ quốc đến chuyện: mỗi ngày, mở mắt ra là thêm hốt hoảng vì các dàn khoan, tàu hải giám, tàu chiến Trung Quốc  sừng sững và ngang dọc ở thềm lục địa Việt Nam.

Trước thế và lực tham lam sâu hiểm của Trung Quốc hiên nay, đảng cộng sản cầm quyền ở Việt Nam vẫn chủ trương cần hòa bình-ổn định để phát triển kinh tế; sự hô hào đó chỉ là một cách nói giả nai để che dấu một sự thật là: Họ cần hòa bình và phát triển để giữ sự độc quyền lãnh đạo của đảng.

Thông qua chuyện đàn áp những cuộc biểu tình, bắt bớ những người biểu tình chống Trung Quốc; nhiều người tin rằng họ sẵn sàng đem chủ quyền quốc gia ra thế chấp cho Trung Quốc để đổi lấy lẽ sống còn của đảng cộng sản Việt Nam. Bình luận về việc này một trí thức muốn dấu tên nói: "Dù người Mỹ có chìa tay ra, và đã chìa tay mời rồi nhưng những người lãnh đạo cộng sản việt nam vẫn từ chối.

Chính thể độc tài hiện hành ở Việt Nam khác với chính thể dân chủ của  Philippines, Nam Hàn, Nhật Bản...Những nước dân chủ này chọn lựa chung khu vực an ninh với Hoa kỳ, còn Việt Nam thì không; bởi vì chính quyền Hà Nội lo sợ mất đảng hơn mất nước."

Nói tóm lại dù có mất chủ quyền biển hoặc tiếp tục nhượng bộ chủ quyền quốc gia thì họ vẫn chọn Trung quốc; vì sống cùng với Trung Quốc chính quyền Hà Nội nắm được điều chắc chắn là: đảng cộng sản vẫn độc quyền lãnh đạo Việt nam.

Qua sự kiện nóng Trung Quốc gọi thầu khai thác dầu bên trong thềm lục địa cũng như công khai thành lập thành phố Tam Sa, hiện tình Việt Nam có hai thái độ: Mọi công dân không phân biệt trong nước hay ở hải ngoại đều căm giân và đau buồn khi biết sơn hà đang trong cơn nguy biến, còn chính quyền Hà Nội thì trái lại; bởi họ sẽ còn dâng tiếp cho Trung Quốc chủ quyền trên biển nữa như đã từng dâng chủ quyền trên bộ và trên biển như trước đây.

Và tất nhiên, đổi lại Trung Quốc sẽ có một cam kết cốt lõi là: đảng cộng sản sẽ độc quyền sở hữu Việt Nam!

Phùng Thức/Người Việt

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam