Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

‘Cái nước mình nó thế’

"Một cô giáo kể, trong một chuyến du lịch tới nước Mỹ xa xôi mà tới giờ nhớ lại cô vẫn thấy ngượng ngùng. Ngồi chơi bên bờ hồ ngắm cảnh, sau khi ăn một thanh sôcôla, cô vứt luôn miếng giấy gói xuống nước. Người bạn Mỹ đi cùng đã thảng thốt kêu lên, la mắng cô, và anh ấy lội ngay xuống hồ nước ngập ngang ngực để vớt bằng được miếng giấy gói kẹo."
"Ở Mỹ, chính quyền sở tại buộc những người bán hàng rong tại các công viên quốc gia phải sử dụng đĩa, ly đựng thức ăn bằng chất liệu có thể phân hủy sinh học. Tính riêng ở Hawaii, sáng kiến thưởng tiền mặt cho ngư dân nhặt rác thải đã giúp thu gom được gần 75 tấn chất thải trong hơn 2 năm. Ở Ireland, việc đánh thuế 0,02USD cho mỗi túi nylon đã thu về gần 13 triệu USD và giảm tới 90% mức tiêu thụ túi nylon dùng một lần. Số tiền thu được này dùng đóng góp cho những hoạt động môi trường của quốc gia. Ở Hàn Quốc, ngư dân được trả tiền để thu gom rác thải."
Hồng Bích - Alan Phan - Cứ mỗi sáng Chủ nhật, bên hồ Hoàn Kiếm lại xuất hiện một người kiên nhẫn nhặt từng cái rác. Ông là doanh nhân người Nhật và đã cần mẫn làm công việc này suốt một năm qua.

Tay trái ông cầm cái túi nylon to, tay phải cầm kẹp sắt dài nửa mét, cúi gập cả người xuống gầm ghế đá ven hồ moi những mẩu thuốc lá hút dở lẫn vào đất hay vỏ chai nước nằm lăn lóc. Đầu phố Đinh Tiên Hoàng, gần đài phun nước cũng có nhiều bạn sinh viên đang lúi húi với chiếc kẹp sắt nhặt rác.

Chúng tôi tự hỏi, trong lúc doanh nhân người Nhật này và các bạn trẻ đang làm những việc ý nghĩa đó, những người đi ngang có cảm giác thế nào, và hôm ấy liệu người qua lại có vẫn tiếp tục thờ ơ, cố tình ném rác xuống đường nữa không?

Nhiều lần chúng tôi bắt gặp một người đàn ông có gương mặt hiền lành, đôi mắt tinh anh hụp lặn ở bãi tắm đẹp ven vịnh Đà Nẵng. Mỗi chiều ông vừa tắm biển, vừa tranh thủ vớt rác trôi trên biển. Nhớ dáng ông thanh thản đi trên cát, tay cầm một cái bao to đựng rác, trong đó là bao nylon, cá chết, lá chuối, thức ăn thừa. Người đàn ông nhặt rác biển ấy là vị cựu Chủ tịch thành phố Đà Nẵng thập niên 1990, sau đó ông là Trưởng Văn phòng đại diện của Tổng cục Du lịch tại miền Trung.

Người vớt rác dưới biển như ông không nhiều. Nhưng hình ảnh mỗi chiều ông từ biển đi lên, tay cầm một bao nylon đựng rác có thể tác động đến người xung quanh, người ta sẽ thận trọng hơn với những gì đem theo ra biển.

Dần dần tôi đã thấy rất nhiều người trước khi rời khỏi bãi biển đã dọn sạch rác quanh chỗ mình ngồi! Cuối cùng, không biết có phải do sự việc nhiều người cùng tham gia đi nhặt rác tác động mà chính quyền đã có lệnh cấm nghiêm ngặt mang thức ăn vào bãi tắm, rồi đâu đâu cũng thấy giỏ đựng rác và những tấm biển nhắc nhở gìn giữ môi trường.

Hình minh họa

Bây giờ, theo thói quen, thỉnh thoảng ông vẫn vừa tắm, vừa nhặt rác trôi trong con sóng, nhưng rõ ràng hình ảnh ông cựu Chủ tịch thành phố nhặt rác để bảo vệ môi trường đã có tác dụng giáo dục vô cùng lớn, nó góp một phần không nhỏ tạo nên ý thức giữ gìn môi trường biển và không gian nghỉ dưỡng biển cho ngành du lịch Đà Nẵng hôm nay.

Một cô giáo kể, trong một chuyến du lịch tới nước Mỹ xa xôi mà tới giờ nhớ lại cô vẫn thấy ngượng ngùng. Ngồi chơi bên bờ hồ ngắm cảnh, sau khi ăn một thanh sôcôla, cô vứt luôn miếng giấy gói xuống nước. Người bạn Mỹ đi cùng đã thảng thốt kêu lên, la mắng cô, và anh ấy lội ngay xuống hồ nước ngập ngang ngực để vớt bằng được miếng giấy gói kẹo.

Nghe đến đây, thấy quá “đau” khi nhớ lại từng xem một clip quay cảnh cụ Rùa Hồ Gươm ăn xác một con mèo chết bị ném xuống hồ, và đã có biết bao người đứng trên bờ cười chế nhạo! Liệu có bao nhiêu người cảm thấy áy náy khi nhìn rác trôi bập bềnh trên mặt nước Hồ Gươm, khi nơi đây không chỉ là một điểm tham quan du lịch, mà còn gần như là trái tim văn hóa của thủ đô?

Người doanh nhân Nhật nhặt rác ở Hồ Gươm là một bài học trực quan kêu gọi mọi người phải có ý thức giữ gìn môi trường. Vậy mà có tờ báo lại đi phỏng vấn các công nhân vệ sinh và ghi lại lời nói phủ nhận công việc của người doanh nhân Nhật: “Nếu muốn nhặt rác sao không đi từ 4 giờ sáng mà quét dọn, chúng tôi quét sạch rồi, còn gì mà nhặt.”…

Một lần, trong lúc đợi ở cửa một lớp học thêm, các cô cậu học sinh cấp 2 vừa rời trường học, được cha mẹ chở đến lớp học thêm, chúng ăn bánh mì, uống sữa rồi vứt hộp giấy, bao nylon ngay tại chỗ đứng, xong vội vàng vào lớp. Chúng không có thì giờ để đi tìm một thùng rác công cộng, cũng không có thì giờ nghĩ về chuyện ấy.

Rời khỏi ghế nhà trường chính khóa, thời gian còn lại trong ngày dành trọn cho việc học thêm. Quan sát cảnh này, có bao nhiêu phụ huynh biết “đau” khi thấy một lớp trẻ học ngày học đêm vẫn chưa “thành nhân”, chưa thực hiện được những điều tốt đẹp tối thiểu của một lối sống có văn hóa?

Chúng ta cũng không cần phải quá tự ti mà thốt lên như GS.Hoàng Ngọc Hiến từng thốt: “Cái nước mình nó thế!”. Rất nhiều nơi trên thế giới cũng vậy, nên Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) được trình bày tại Hội nghị Đại dương Thế giới hồi tháng 5/2009 tại Indonesia, nơi 120 quốc gia tập trung họp bàn về các giải pháp nâng cao chất lượng môi trường toàn cầu, đã phải đưa ra các giải pháp để buộc người dân tham gia gìn giữ môi trường.

Ở Mỹ, chính quyền sở tại buộc những người bán hàng rong tại các công viên quốc gia phải sử dụng đĩa, ly đựng thức ăn bằng chất liệu có thể phân hủy sinh học. Tính riêng ở Hawaii, sáng kiến thưởng tiền mặt cho ngư dân nhặt rác thải đã giúp thu gom được gần 75 tấn chất thải trong hơn 2 năm. Ở Ireland, việc đánh thuế 0,02USD cho mỗi túi nylon đã thu về gần 13 triệu USD và giảm tới 90% mức tiêu thụ túi nylon dùng một lần. Số tiền thu được này dùng đóng góp cho những hoạt động môi trường của quốc gia. Ở Hàn Quốc, ngư dân được trả tiền để thu gom rác thải.

Ở Việt Nam thì sao? Có lẽ chỉ có hai địa điểm là bãi tắm biển Đà Nẵng được giữ sạch bằng ý thức công dân kết hợp với các quy định khắt khe của chính quyền; và Hội An với thành phố ít tiếng động cơ và không sử dụng bao nylon. Không biết đến bao giờ doanh nhân người Nhật nói trên ra Hồ Gươm chỉ để ngắm cảnh?

Hồng Bích

http://www.gocnhinalan.com/blog-cua-alan-va-bca/cai-nuoc-minh-no-the.html

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam