Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

Những thách thức đang chờ Tổng thống Obama

Mặc Lâm & Nguyễn Khanh - RFA - Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã được cử tri tái tín nhiệm, nhưng câu hỏi đầu tiên mà chính những người ủng hộ ông cũng đang muốn biết là ông sẽ làm những gì trong 4 năm tới.

Tổng thống Obama và gia đình tại buổi lễ 
mừng chiến thắng tối 06/11/2012 ở Chicago. AFP

Mặc Lâm có cuộc trao đổi ngắn với Anh Nguyễn Khanh về những gì ông Obama phải làm trong nhiệm kỳ tới.


Nước Mỹ chia đôi?

Mặc Lâm: Chào Anh Nguyễn Khanh, tôi xin được đặt ra ngay với anh một câu hỏi: Ông Obama thắng lớn, với hơn 300 phiếu cử tri đoàn…
48% cử tri Hoa Kỳ bỏ phiếu cho ông Romney, điều đó có nghĩa là gần một nửa nước Mỹ không hài lòng với ông Obama và những gì ông đã làm trong 4 năm qua. Nguyễn Khanh
Nguyễn Khanh: Xin ngắt lời anh Mặc Lâm ngay ở chỗ này. Nếu nói ông thắng lớn thì cũng đúng, bảo rằng ông thắng khít khao thì cũng chẳng sai. Anh nói ông Obama thành công với hơn 300 phiếu cử tri đoàn, điều đó không sai, nhưng có lẽ chúng ta cũng cần phải nhìn vào lá phiếu của cử tri. Bốn mưới tám phần trăm (48%) cử tri Hoa Kỳ bỏ phiếu cho ông Romney, điều đó có nghĩa là gần một nửa nước Mỹ không hài lòng với ông Obama và những gì ông đã làm trong 4 năm qua, con số đó không phải là nhỏ.


Tôi còn nhớ 4 năm trước đây khi đứng nhìn ông Obama tuyên thệ nhậm chức, trở thành vị tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ, lúc đó, tôi nhìn thấy một biểu tượng chính trị mới của nước Mỹ, lần đầu tiên có tổng thống da màu, lúc đó, tôi nghe thấy ông nói về hy vọng và thay đổi. Năm 2008, người dân Hoa Kỳ đã bỏ phiếu chọn ông vì những điều đó.

Cử tri vui mừng trước chiến thắng của Tổng Thống Obama 
hôm 06/11/2012 tại Chicago. AFP photo

Bốn năm vừa qua, dù ông Obama có nói là đã đi đúng hướng, nhưng thành quả ông đạt được ở mức nào là điều chính cử tri Hoa Kỳ phải đặt ra khi họ đi bầu, và câu trả lời rõ nhất vẫn là con số mà tôi vừa nói đến: 48% không ủng hộ ông. Nếu anh cho phép, tôi xin nói như thế này: nước Mỹ đã chia 2 vì ông Obama. Trách nhiệm của ông bây giờ là phải kết tụ nước Mỹ làm một. Ông Obama nên nhìn kết quả cuộc bầu cử mới diễn ra 24 giờ đồng hồ trước đây là người dân cho ông một cơ hội khác.

Mặc Lâm: Ông Obama đã làm những gì để nước Mỹ chia hai như anh vừa nói?

Nguyễn Khanh: Điều không chỉ cá nhân tôi mà cả nước Mỹ đều thấy là ông không tìm được cách để làm việc chung với Quốc Hội. Anh thấy rõ hầu hết những gì ông Obama đưa ra không được Quốc Hội Cộng Hòa ủng hộ, gây nên tình trạng bế tắc chính trị ở Washington. Trong nhiệm kỳ tới của ông, Hạ Viện vẫn là Hạ Viện Cộng Hòa và trong vai trò của người lãnh đạo, trách nhiệm của ông là phải tìm cách bắt tay làm việc chung, thể hiện đoàn kết chính trị.

Tôi biết là “lỗi anh lỗi ả, lỗi cả đôi đàng”, nhưng xin nhấn mạnh ở chỗ ông Obama là người lãnh đạo quốc gia. Trách nhiệm lớn nhất vẫn nằm ở ông. Ông biết điều đó, nên trong bài nói chuyện sau khi được tin tái đắc cử, ông có nói sẽ ngồi xuống với ông Mitt Romney để bàn xem những gì cần làm để tạo dựng đoàn kết, ông cũng hứa sẽ làm việc với phía Cộng Hòa, thay vì tiếp tục lên tiếng chỉ trích, cho rằng cánh Cộng Hòa chỉ ủng hộ người giàu và gây khó khăn cho những quyền lợi mà phụ nữ Mỹ đang được hưởng.

Mặc Lâm: Nếu 2 bên làm việc được với nhau, sẽ có những điểm lợi nào?
Tôi biết là “lỗi anh lỗi ả, lỗi cả đôi đàng”, nhưng xin nhấn mạnh ở chỗ ông Obama là người lãnh đạo quốc gia. Trách nhiệm lớn nhất vẫn nằm ở ông. Nguyễn Khanh
Nguyễn Khanh: Nhiều lắm. Lợi điểm đầu tiên là chuyện ngân sách, hai bên có thể đi đến một giải pháp để cắt giảm ngân sách, giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt và chuyện nợ nần. Chuyện thứ nhì là giải quyết điều cả 2 bên đều nói là sẽ giảm thuế cho dân, giảm thế nào, mức độ bao nhiêu, liệu có bắt buộc thành phần có mức thu nhập cao đóng thêm thuế không? Nếu có, mức thuế họ đóng là bao nhiêu? Đó chỉ là những việc trong số biết bao việc cần có sự hợp tác giữa đôi bên.

Cũng đừng quên kinh tế và việc làm vẫn là mối quan tâm hàng đầu của người dân. Đây không phải là chuyện chỉ Nhà Trắng hay Quốc Hội phải làm, mà là chuyện của cả 2 bên. Ngay cả chuyện ông Obama muốn cắt giảm ngân sách quốc phòng, chuyện này cũng đòi hỏi sự hợp tác của hành pháp và lập pháp.

Mặc Lâm: Thế về đối ngoại thì sao?

Nguyễn Khanh: Đây cũng là một thử thách lớn cho ông Barack Obama. Tình hình Syria chưa giải quyết được, hòa bình vẫn chưa đến với vùng Trung Đông, Iran và Bắc Hàn vẫn là hiểm họa hạt nhân, chính sách “ngoại giao khôn khéo” mà ông từng nói đến cũng không đem lại kết quả như trông chờ, giải pháp cấm vận có đem lại một số thành quả tốt đối với Iran, nhưng nhiều người nói vẫn chưa đủ để đẩy Iran tới chỗ phải ngưng các hoạt động hạt nhân mà họ vẫn đang theo đuổi.

Với Châu Á-Thài Bình Dương, tôi tin chính sách của Washington sẽ không thay đổi, nhưng đừng quên 24 giờ đồng hồ nữa Đảng Cộng Sản Trung Quốc họp đại hội, để trao quyền hành cho một thế hệ lãnh đạo mới, mà hầu như cả thế giới không biết nhiều về họ. Đó cũng là mối quan tâm của ông Obama.

Mặc Lâm: Cám ơn anh Nguyễn Khanh.

Nguyễn Khanh: Cám ơn anh Mặc Lâm, cám ơn quý độc giả.



http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/obama-second-term-what-have-to-do-nk-11082012100415.html

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam