Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Văn Hóa Từ Chức - Quan điểm của một nhà bình luận chính trị

 
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại lễ 
khai mạc kỳ họp Quốc Hội khóa XIII, Hà Nội, 22/10/2012

Hoài Hương-VOA


Thưa quý vị, tuần trước chúng ta đã được xem quan điểm của Tiến sĩ Vũ Tường, Giáo sư môn chính trị học tại Đại học Oregon, về phát biểu của đại biểu Dương Trung Quốc tại phiên chất vấn thủ tướng tại quốc hội Việt Nam hôm 14 tháng 11, đề nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nên làm gương bằng cách khởi động một “nền văn hóa từ chức”. Một ngày sau cuộc chất vấn, nhà bình luận chính trị Trần Bình Nam đã dành cho Hoài Hương của Ban Việt ngữ – VOA một cuộc phỏng vấn, phân tích những biến chuyển mới trên sân khấu chính trị Việt Nam.


Vụ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị các đại biểu quốc hội Việt Nam chất vấn tại kỳ họp thứ Tư của Quốc Hội khóa XIII mới đây, về phần lớn đã được các hãng tin nước ngoài đánh giá như một dấu hiệu cho thấy là các sinh hoạt chính trị tại Việt Nam đã bắt đầu cởi mở.

Pháp Tấn Xã tường thuật rằng mặc dù ông Nguyễn Tấn Dũng được coi là đã trở thành vị Thủ tướng Việt Nam có nhiều quyền lực nhất từ trước tới nay, nhưng cơ quan lập pháp Việt Nam cũng trở nên độc lập hơn, dám ăn dám nói hơn. Hãng tin này trích lời một nhà phân tích làm việc tại Hà Nội, nói rằng lời phát biểu của đại biểu Dương Trung Quốc “nêu bật nỗi bất bình đang dâng cao trong xã hội Việt Nam về sự thống trị của Đảng Cộng Sản, và câu hỏi của ông Dương Trung Quốc đặt ra một vấn đề cốt lõi: liệu quyền độc tôn lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam có lợi hay có hại cho đất nước? Và liệu đó có phải là một chọn lựa đúng đắn hay không?”

Nhà bình luận chính trị Trần Bình Nam có nhận định sau đây về cuộc trao đổi giữa đại biểu Dương Trung Quốc và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

“Vâng đúng như vậy, ngày hôm qua nếu theo dõi cuộc thảo luận ở quốc hội Việt Nam tại Hà Nội thì người ta cũng khá ngạc nhiên, vì như cô vừa nói, nhiều đại biểu đã đặt vấn đề trực tiếp và rất gắt gao với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đặc biệt là đại biểu Dương Trung Quốc. Ông đã đặt hẳn vấn đề, hỏi thủ tướng là qua những sóng gió vừa rồi khiến cho ông thủ tướng phải xin lỗi, thì liệu ông có nghĩ tới chuyện từ chức hay không. Và câu trả lời của ông Nguyễn Tấn Dũng thì tuy quanh co một chút, nhưng cũng trả lời cho ông Dương Trung Quốc, cho quốc hội và cả dân chúng biết là không, 'đảng đã giao việc cho tôi thì tôi làm. Đảng không cách chức tôi thì tôi không có từ chức gì cả.' Cũng rất đặc biệt là bởi vì chúng ta biết rằng quốc hội Việt Nam thì thường các đại biểu không có tự do để đặt câu hỏi.”

Ông Trần Bình Nam cho rằng muốn hiểu vấn đề, phải nhìn lại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 của Đảng Cộng Sản Việt Nam vừa rồi, khi mọi người chứng kiến một cuộc tranh chấp quyền lực nội bộ, giữa một bên là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và một đàng là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Lúc đó, đã có nhiều lời đồn đại rằng ông Nguyễn Tấn Dũng có thể mất chức.

Ông Trần Bình Nam tin rằng sở dĩ ông Nguyễn Tấn Dũng giữ được chiếc ghế Thủ Tướng là bởi vì Chính trị Bộ đã quyết định “làm hòa”, không cách chức ông. Vẫn theo nhà bình luận này thì điều đó khơi lên nghi vấn về liệu các câu chất vấn, những chỉ trích tấn công khả năng lãnh đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, có thể là một sự dàn dựng của Bộ Chính Trị:

Ông Trần Bình Nam: “Chúng ta thấy dư luận vẫn nói ra nói vào vấn đề ông Thủ tướng Dũng có từ chức hay không từ chức, cho nên tôi nghĩ chính vì những việc đó mà vụ quốc hội ngày hôm qua là một sự có sắp xếp chứ không phải một sáng kiến đến tự nhiên với ông Dương Trung Quốc. Cái này là tôi đoán thôi, cái này là một giả thuyết mà thôi, nghĩa là Chính trị Bộ muốn phải làm một cái gì đó để kết thúc cái vấn đề tranh chấp giữa ông Sang và ông Dũng, và những đồn đoán liệu ông có từ chức hay không từ chức. Bộ Chính Trị đã sắp xếp để có những câu hỏi gắt gao như vậy để ông Dũng trả lời một cách thẳng thắn, là tôi không từ chức.”

Về cuộc tranh chấp quyền lực trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp nhất Việt Nam trước hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp Hành Đảng Cộng Sản, một nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam là Giáo sư Trần Khuê, đồng sáng lập viên của Đảng Dân Chủ Việt Nam, nói rằng dư luận trong nước rất quan tâm tới tệ nạn tham nhũng, và những thất thoát trong các tập đoàn kinh tế quốc doanh lớn như Vinashin và Vinalines, đặc biệt là sự kiện không có bất cứ cá nhân hay cơ quan nào phải chịu trách nhiệm về những sai trái nghiêm trọng, và sự thể này đã tăng nghi ngại trong dân chúng.

Giáo sư Trần Khuê nhận định: “Các cơ quan hữu trách đưa ra những con số thống kê là khoảng 400 ngàn tỉ, tương đương với khoảng 20 tỉ đôla (bị thất thoát), thế thì tại sao lại không có người chịu trách nhiệm là như thế nào? Trước đây ở Cầu Tre có một người chỉ có giật hội có 1 tỉ đồng Việt Nam thôi, mà người ta kêu án xử tử! Tức là cái vấn đề thất thoát, tham nhũng ấy nó thuộc về pháp luật chứ không phải là bình thường mà bảo rằng phê bình và tự phê bình hay kiểm điểm nghiêm khắc.”

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trước đây cũng dùng cụm từ “một bầy sâu” khi nhắc quốc nạn tham nhũng mà ông cho là có hại cho sự tồn vong của quốc gia. Trích lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau khi bế mạc hội nghị trung ương 6, Giáo sư Trần Khuê nói rằng “có một con sâu rất bự” trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp nhất Việt Nam:

“Con sâu bự ấy ở ngay trong Bộ Chính Trị của mình, nhưng mà lại không có ai dám kỷ luật cả, không ai dám nói gì cả. Tôi cho đây không chỉ là một vấn đề kỷ luật mà là một vấn đề thuộc về pháp luật, tức là anh phạm pháp, anh làm thất thoát đến hơn 400 nghìn tỉ, thì đây là vấn đề pháp luật chứ, thế cho nên người ta chờ đợi và người ta rất là thất vọng về chuyện không ai chịu trách nhiệm cả. ”

Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định không kỷ luật những người mắc khuyết điểm với lý do là để tránh “sự xuyên tạc của các thế lực thù địch”. Giaó sư Trần Khuê nói lý do đó không đứng vững.

Ông Trần Bình Nam cho rằng vì lo ngại những tranh chấp nội bộ có thể làm xói mòn niềm tin của dân, tác động tới thế độc tôn lãnh đạo của Đảng Cộng Sản, nên cuộc chất vấn đã được dàn dựng để kết thúc dứt điểm cuộc đấu đá nội bộ:

“Đây là một thông điệp của Bộ Chính Trị, muốn nhắn đến cái nhóm ông Sang là thôi, như vậy là đủ rồi! Qua cuộc hỏi đáp như vậy đó là coi như có thể chấm dứt cái sự việc. Đó là những điều tôi nghĩ về vấn đề đó.”

Thế trong tương lai, liệu chiếc ghế Thủ tướng của ông Nguyễn Tấn Dũng có vững hay không, hay ông sẽ lại bị thách thức về những sai phạm đã được nêu lên tai hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần 6, và phiên chất vấn tại Quốc hội?

Ông Trần Bình Nam nhận định:

“Ông Dũng chắc là sẽ làm Thủ tướng cho tới thời điểm cần thay đổi, ví dụ như đại hội tới chẳng hạn, hay Hội nghị Trung ương Đảng lần tới. Tuy nhiên qua một cơn sóng gió như vậy thì đương nhiên cái thế của ông trong Bộ Chính trị tất nhiên nó phải yếu đi một chút, và tôi nghĩ ông làm cái gì bây giờ thì ông cũng phải dè dặt hơn trước.”

Nhưng nếu là một sự dàn dựng, và các nhà lãnh đạo cao cấp nhất vẫn nguyên vị, thì hóa ra phiên chất vấn đã gây náo nhiệt cho các sinh hoạt chính trị Việt Nam, và khiến nhiều người, kể cả một số độc giả đóng góp ý kiến trên diễn đàn VOA, cảm thấy phấn khởi, hóa ra chỉ là một trò diễn chính trị? Và liệu nhận thức đó có gây bức xúc trong công chúng tới độ họ đứng lên đòi phải có thay đổi?

Ông Trần Bình Nam: “Từ ngoài này mình nhìn vào thì thấy rõ ràng trong nội bộ Đảng Cộng Sản có một cuộc tranh chấp quyền lực rất là rõ ràng, nhưng mà nói tình hình này đưa đến một sự bức xúc của quần chúng thì tôi không biết là nhận xét đó có chính xác không. Tôi có cảm tưởng là những việc xảy ra tại Hà Nội thì đồng bào ngoài này bức xúc nhiều hơn là đồng bào trong nước. Mình nhìn vào thì mình cũng thấy là có hơi chướng mắt thiệt, là một người mà được nói là có lỗi này lỗi kia, và toàn là những lỗi tày đình như vậy mà cuối cùng vẫn giữ chức vụ như thường thì đối với mình, mình thấy là một cái gì rất là chướng tai gai mắt. Nhưng đồng bào trong nước họ không quan tâm như là chúng ta ở ngoài này, thành ra tôi không nghĩ là những việc vừa qua đã làm cho dân chúng trong nước hết sức là xôn xao và bức xúc, và nghĩ rằng phải có giải pháp gì, chứ không thể để như vậy.”

Quý vị vừa nghe quan điểm của nhà bình luận chính trị Trần Bình Nam. Tên thật là Trần văn Sơn, ông từng là một sĩ quan hải quân và sau đó phục vụ nền Đệ Nhị Cộng Hòa của miền Nam Việt Nam trong cương vị Dân biểu Quốc hội. Ông đã đóng góp nhiều bài viết có giá trị đăng cho các báo mạng và báo in của người Việt hải ngoại. Muốn tham khảo thêm các bài viết của tác giả, quý vị có thể truy cập trang nhà www.tranbinhnam.com.



http://www.voatiengviet.com/content/van-hoa-tu-chuc-quan-diem-nha-binh-luan-chinh-tri-tran-binh-nam/1552042.html

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam