Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Việt Nam lại xấu mặt ở Nam Vang

undefined
Phạm Trần - Ông Aquio nói ngoài Phi Luật Tân còn một nước nữa “không tán thành ý kiến loại bỏ yếu tố Quốc tế hóa”. Ông Aquino không nêu tên nhưng sau đó các viên chức Phi cho biết nước đó chính là Việt Nam. Nhưng tại sao đại biểu của Việt Nam ngồi trong phòng họp khi xảy ra sự cố này là ông Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng đoàn và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã không dám nói nửa câu để bảo vệ danh dự cho nước mình?...


“Trung Quốc và các nước ASEAN có đủ trí tuệ và năng lực, xử lý ổn thỏa mọi vấn đề kể cả tranh chấp quyền lợi lãnh thổ và biển, giữ gìn toàn cục hợp tác phát triển Đông Á trong điều kiện không bị sự quấy nhiễu của bên ngoài.”

“Lâu nay, hợp tác Đông Á được thúc đẩy thuận lợi ở mức tối đa là do các nước ASEAN đã gác lại tranh chấp, tăng cường nhận thức chung, hình thành sức mạnh tổng hợp theo "Phương thức ASEAN", tinh thần này cũng cần trở thành đề xướng và tuân thủ của các bên hợp tác Đông Á.”

Đó là lời tuyên bố của Thủ tướng Trung Cộng Ôn Gia Bảo tại kỳ Hội nghị cấp cao thứ 15 với Hiệp hội các nước Đông Nam Á họp tại Nam Vang, Cao Miên ngày 19/11 (2012), được đăng tải trên báo điện tử của Đài Phát thanh Quốc tế Trung Cộng (China Radio International, CRI).

Thông điệp của ông Ôn Gia Bảo được phía Trung Cộng giải thích rằng Bắc Kinh chỉ muốn giải quyết tranh chấp lãnh thổ với “các nước trực tiếp liên quan” và không có can dự của các nước khác.

Thêm vào đó, phía Trung Cộng cho rằng Thỏa hiệp Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, tiếng Anh gọi là Declaration of Conduct, DOC, ký tại Nam Vang (Cao Miên) năm 2002 giữa Trung Cộng và Hiệp hội các nước Đông Nam Á (The Association Of South East Asia Nations, ASEAN) đã “giới hạn” các cuộc đàm phán giữa các nước có tranh chấp mà thôi.

Nguyên nhân sâu xa

Ở câu nói thứ nhất của ông Ôn Gia Bảo không có gì mới mà chỉ lập lại lập trường cố hửu của Trung Cộng: Không nói chuyện tranh chấp với “cả khối 10 nước” của ASEAN mà chỉ nói chuyện “song phương” với nước có tranh chấp với Trung Cộng, trong trường hợp này chỉ có 4 Quốc gia trong số 10 nước của ASEAN bao gồm Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á và Brunei.

Trực tiếp và quan trọng nhất là Việt Nam và Phi Luật Tân.

Phía Việt Nam có chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa (bị Trung Cộng chiếm của Việt Nam Cộng Hòa năm 1974) và Trường Sa (Trung Cộng đã chiếm mất 8 đảo đá ngầm trong cuộc chiến năm 1988).

Phi Luật Tân có tranh chấp chủ quyền với Trung Cộng ở bãi Macclesfieldbãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh gọi là quần đảo Trung Sa.

Ngoài ra vùng lãnh thổ Đài Loan đã chiếm đóng đảo Ba Bình trong hệ thống quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ sau Thế chiến thứ II và đã xây dựng các cơ sở quân sự để phòng thủ, cũng nằm trong tầm mắt tranh chấp chủ quyền với Trung Cộng.

Tuy nhiên, Trung Cộng chưa bao giờ dùng võ lực quấy nhiễu hay tấn công lính Đài Loan ở Ba Bình nên nhiều người nghĩ Đài Loan và Bắc Kinh đã có thỏa thuận ngầm với nhau vì Trung Cộng luôn luôn coi Đài Loan là phần lãnh thổ của mình.

Các nhà địa lý và chuyên viên biển đảo của Mỹ ước tính diện tích của Biển Đông trên 3 triệu cây số vuông và có số lượng dầu khí có từ 28 đến 213 tỷ thùng, đủ cho Bắc Kinh dùng trong 60 năm. Biển Đông cũng có lượng khí đốt ít nhất cũng trên 3 ngàn tỷ mét khối, đủ cho Trung Cộng sử dụng trong 30 năm!

Đó là lý do tại sao Bắc Kinh đã tìm mọi cách đến chiếm Biển Đông bằng cách tự vẽ ra đường Lưỡi Bò, hay còn gọi là Đường 9 Đoạn bao vùng từ 80 đến 85% diện tích Biển Đông.

Vấn đề chủ quyền mơ hồ về “Đường Lưỡi Bò” “xuất hiện công khai lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1948 trong phụ đồ "Bản đồ vị trí các đảo Nam Hải" của "Bản đồ khu vực hành chính Trung Hoa Dân Quốc" (Chú thích: Trung Hoa Quốc Dân Đảng) do Cục Phương vực Bộ Nội chính Trung Hoa Dân Quốc phát hành. Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Chú thích: Trung Hoa Cộng sản từ 1949) sau khi thành lập vẫn xác định cương vực trên biển Đông theo "đường mười một đoạn" của Trung Hoa Dân Quốc, đến năm 1953 thì bỏ hai đoạn trong Vịnh Bắc Bộ, trở thành "đường chín đoạn". (Tài liệu Bách Khoa Toàn Thư mở).

“Đường Lưỡi Bò” trở thành nghiêm trọng vào ngày 06/05/2009 khi Bắc Kinh nạp tấm bản đồ 9 đường gián đoạn trên Biển Đông lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.

24 giờ đồng hồ sau đó (07/05/2009), Việt Nam, Malaysia và sau đó đến lượt Nam Dương đã phản đối và hoàn toàn bác bỏ tấm bản đồ này.

Mặc cho các nước liên hệ phản đối Trung Cộng tiếp tục lấn tới, dù ngoài miệng Bắc Kinh luôn luôn rêu rao đối với Việt Nam thì lúc nào cũng “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Bằng chứng là Trung Cộng đã thành lập chính quyền Thành phố Tam Sa bao gồm Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa. Trung Cộng cũng tấp nập thiết kế các trạm tiếp liệu quân sự trên biển, lập cầu không vận và căn cứ quân sự nổi song song với việc tổ chức các chuyến du lịch Hoàng Sa, bất kể phản đối của Việt Nam và các nước liên quan.

Song song với các hành động “hợp thức hóa vùng chiếm đóng”, Trung Cộng còn gia tăng các cuộc tấn công, chận bắt và ngăn cản ngư dân Việt Nam đến đánh bắt trong vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa

Vì vậy, khi ông Ôn Gia Bảo khẳng định không nói chuyện với một “tập thể Đông Nam Á” hay phản đối dự kiến “quốc tế hóa tranh chấp ở Biển Đông” là có ý kéo dài thời gian để chia rẽ ASEAN hòng thực hiện mưu kế “đánh lẻ” từng nước cho dễ, nhất là trường hợp Việt Nam lại là con nợ khổng lồ của Trung Cộng từ nhiều năm qua!

Quan trọng hơn, ông Ôn Gia Bảo đã tạt gáo nước lạnh vào mặt ASEAN để làm ngơ đề nghị thảo luận Code Of Conduct (COC) có yếu tố ràng buộc pháp lý giữa ASEAN và Trung Cộng chặt chẽ hơn thỏa hiệp “áp dụng hay không tùy thiện chí mỗi nước” của DOC năm 2002.

Nước đổ đầu vịt

Như vậy là xôi hỏng bỏng không. ASEAN đã mất nhiều thời gian họp và nhân nhượng lẫn nhau trước khi hoàn thành dự thảo COC để trao cho chủ nhà là Chủ tịch ASEAN Hun Sen của Cao Miên trước khi ông này trao cho ông Ôn Gia Bảo đang chính thức thăm viếng Cao Miên.

Rất tiếc vai trò “người đưa thư” của Hun Sen đã bị chính đương sự làm cháy túi bằng hành động về hùa với Ôn Gia Bảo khi Hun Sen đơn phương tuyên bố hôm 19/11 (2012) rằng ASEAN đã đồng ý hôm Chủ Nhật 18/11/2012 “không quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông.

Lời tuyên bố của Hun Sen đưa ra tại phiên họp giữa ASEAN và Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda lập tức bị Tổng Thống Phi Luật Tân Benigno Aquino III phản đối khiến Hun Sen phải ngưng bài diễn văn.

Ông Aquino III nói với các phái đoàn không làm gì có chuyện tất cả các nước của ASEAN đã đồng ý như lời tuyên bố của ông Hun Sen.

Ngược lại, Tổng thống Aquino III đòi phải mời các quốc gia có quyền lợi tại khu vực, điển hình như Hoa Kỳ, cùng tham dự thương thuyết chủ quyền trên biển với Trung Quốc.

Nhưng ông Ôn Gia Bảo đã bác bỏ ý kiến này và cũng không nhắc gì đến bản dự thảo Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biền Đông, hay còn được gội là Code of Conduct, COC của ASEAN.

Trong khi ASEAN kêu gọi Trung Cộng thảo luận “càng sớm càng tốt” thì Bắc Kinh lại “đánh bài lảng” để “ngâm tôm” yêu cầu của ASEAN, ngay trước ngày ASEAN kết thúc kỳ họp hôm 20/11/2012.

Việt Nam tự bôi mặt

Nhưng lập trường của Việt Nam tại Hội nghị Nam Vang như thế nào? 


Trưởng đoàn Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Nam Vang như người bị “què chân” sau khi thoát hình phạt kỷ luật của Ban Chấp hành Trung ương đảng. Ông ta không có sáng kiến gì mới hơn lập trường cũ, theo đó Việt Nam nói rằng:

“- Biển Đông đã trở thành vấn đề quan tâm chung, liên quan tới bảo đảm hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực. Tình hình khu vực này thời gian qua có nhiều diễn biến phức tạp. Do đó, ASEAN cần phát huy hơn nữa vai trò và tiếng nói của mình trong vấn đề này trên cơ sở quan điểm chung đã có đồng thuận là: nhấn mạnh hòa bình, ổn định ở Biển Đông, trong đó có vấn đề an ninh, an toàn hàng hải; tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982, trong đó có các quy định của Công ước về việc tôn trọng Vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển; giải quyết các tranh chấp giữa các bên liên quan bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ DOC và thúc đẩy việc sớm xây dựng COC.

- Hoan nghênh Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông, một lần nữa khẳng định lập trường chung của ASEAN về vấn đề này; đề nghị giao các Bộ trưởng và quan chức cao cấp bàn biện pháp bảo đảm triển khai đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố này.

- Ghi nhận những tiến triển đạt được trong việc thực hiện DOC thời gian qua, trong đó có việc thông qua Quy tắc hướng dẫn triển khai DOC; ủng hộ việc thông qua Tuyên bố nhân dịp kỷ niệm 10 năm ký DOC, qua đó ASEAN và Trung Quốc cần tái khẳng định mạnh mẽ quyết tâm thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC vì mục tiêu chung là hòa bình, an ninh và xây dựng lòng tin.”

Nhưng Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông có gì mới không?

Dứt khoát không, vì nó chỉ lập lại chuyện cũ, sau khi các Bộ trưởng Ngoại giao của ASEAN họp tại Nam Vang hồi tháng 7/2012 không san bằng được bất đồng ý kiến về vấn đề Biển Đông với Trung Cộng.

Nước chủ nhà Cao Miên, bị Trung Cộng áp lực, lầu đầu tiên trong 45 năm, đã quyết định không ghi vấn đề Biển Đông vào Thông cáo chung để làm hài lòng Bắc Kinh, sau một ngày nhận được viện trợ kinh tế 1 tỷ Dollars của Chủ tịch Nhà nước Trung Cộng Hồ Cẩm Đào khi ấy bất ngờ đến Cao Miên thăm viếng.

Hành động của Cao Miên đã bị lên án khắp thế giới và gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng với Việt Nam và Phi Luật Tân.

Cuối cùng Nam Dương đã tình nguyện đứng ra hàn gắn đổ vỡ bằng cách đi từng nước để thương thuyết.

Sau cùng Nguyên Tắc 6 điểm đã đạt được có nội dụng như sau:

1. Thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC).

2. Hướng dẫn thực hiện DOC (2011).

3. Sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

4. Hoàn toàn tôn trọng các nguyên tắc đã được thừa nhận của Luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

5. Các bên tiếp tục kiềm chế và không sử dụng bạo lực.

6. Giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với các nguyên tắc đã được thừa nhận của Luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Nhưng tại Nam Vang, ngày 19/11/2012, cùng ngày ASEAN họp với Trung Cộng và Nhật Bản thì ông Hun Sen lại “đơn phương” tuyên bố trong phiên họp ngày 18/11 (2012), ASEAN đã thống nhất không “quốc tế hóa” xung đột ở Biển Đông khiến Tổng Thống Phi Luật Tân Benigno Aquino III phải giơ tay cắt ngang lời nói của ông Hun Sen để bác bỏ ý kiến của Thủ tướng Cao Miên khiến cả hội trường choáng váng.

Sau đó chủ nhà Hun Sen phải tuyên bố ghi vào biên bản lời tuyên bố “bất thần” của ông Aquimo.

Ông Aquio nói ngoài Phi Luật Tân còn một nước nữa “không tán thành ý kiến loại bỏ yếu tố Quốc tế hóa”. Ông Aquino không nêu tên nhưng sau đó các viên chức Phi cho biết nước đó chính là Việt Nam.

Phạm Bình Minh

Nhưng tại sao đại biểu của Việt Nam ngồi trong phòng họp khi xảy ra sự cố này là ông Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng đoàn và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã không dám nói nửa câu để bảo vệ danh dự cho nước mình?

Câu hỏi này không khó trả lời vì lãnh đạo Việt Nam không còn biết xấu hổ là gì nữa, nói chi đến danh dự khi họ chỉ biết giương mắt chứng kiến hành động can đảm kiên quyết bảo vệ chủ quyền Phi Luật Tân, trong bất cứ hoàn cảnh nào của Tổng thống Benigno Aquino III.

Nhưng đây không phải là lần đầu tiên ông Aquio III đã làm như thế. Ông còn công khai mời đồng minh Hoa Kỳ giúp bảo vệ chủ quyền Phi Luật Tân và Hoa Thịnh Đốn đã đáp lại khiến Bắc Kinh phải chùn bước ở khu vực “Trung Sa”.

Ngược lại, phía Việt Nam chỉ biết cúi đầu phản đối Trung Cộng bằng nước bọt và tiếp tục bôi nhọ tên Tổ Quốc tại Nam Vang ngày 19/11 (2012) vừa qua.

Phạm Trần
http://danlambaovn.blogspot.com

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam