Giàn khoan dầu Bạch Hổ ngoài khơi bờ biển Vũng Tàu
VOA - Trung Quốc ngày 6/12 yêu cầu Việt Nam ngưng ngay hành động thăm dò khai thác dầu khí đơn phương ở các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông và chấm dứt sách nhiễu tàu cá Trung Quốc.
Phản hồi sau khi Việt Nam phản đối tàu cá Trung Quốc cắt cáp tàu khảo sát địa chấn của Tập đoàn dầu khí PetroVietnam hôm 30/11 trong khu vực do Việt Nam kiểm soát ở Biển Đông (ngoài khơi đảo Cồn Cỏ), Bộ Ngoại giao Trung Quốc tố cáo phía Việt Nam đã đuổi các tàu cá Trung Quốc ra khỏi vùng biển gần tỉnh Hải Nam của Trung Quốc.
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 6/12, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi, nói Việt Nam đã có những tuyên bố không đúng với thực tế về vụ va chạm tại khu vực gần Vịnh Bắc Bộ, cách đường phân tuyến Việt-Trung 20 hải lý.
Ông Hồng Lỗi nhấn mạnh các tàu cá của Trung Quốc đang hoạt động đánh bắt thường lệ trong khu vực mà Việt-Trung đang thương lượng tranh chấp thì bị các tàu quân sự của Việt Nam vô cớ đuổi đi.
Vẫn theo lời ông Hồng Lỗi, Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Việt Nam ngưng ngay các hoạt động đơn phương thăm dò dầu khí tại các vùng biển này và chấm dứt cản trở hoạt động thông thường của các tàu cá Trung Quốc, để tạo môi trường hữu nghị cho các cuộc thương lượng song phương về tranh chấp Biển Đông.
Tàu Bình Minh 02 của PetroVietnam.
Hôm 4/12, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói tàu cá Trung Quốc 'cố tình cản trở và gây đứt cáp tàu Bình Minh 02’ trong lúc con tàu đang tiến hành thăm dò địa chấn bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, ‘bất chấp các lực lượng chức năng của Việt Nam đã phát tín hiệu cảnh báo'.
Người phát ngôn Lương Thanh Nghị của Bộ tuyên bố Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam và phải dừng ngay, không để các hành động sai trái tương tự tái diễn.
Ngoài Việt Nam, Trung Quốc cũng cảnh cáo Ấn Độ chớ nên có ý định đơn phương nào hòng khai thác dầu khí tại Biển Đông có tranh chấp. Bắc Kinh một lần nữa phản đối các nước bên ngoài khu vực nhúng tay vào vùng tranh chấp, để các nước liên quan giải quyết qua các cuộc thương lượng song phương.
Phản ứng này được đưa ra sau khi Ấn Độ tuyên bố đã sẵn sàng điều động tàu hải quân đến Biển Đông để bảo vệ các lợi ích kinh tế của Ấn tại đây.
Trong khi đó, Trung Quốc đang tiến hành khai thác các nguồn tài nguyên tại Biển Đông. Đầu tuần này, Bắc Kinh loan báo đề ra mục tiêu tới năm 2015 sẽ sản xuất 15 tỷ mét khối khí tự nhiên mỗi năm từ vùng biển này.
Cuối tháng 6 vừa qua, công ty dầu khí CNOOC của nhà nước Trung Quốc mời các công ty nước ngoài cùng hợp tác phát triển 9 lô dầu khí ở phía Tây Biển Đông, một hành động bị Việt Nam cho là bất hợp pháp và không có giá trị.
Hà Nội nói khu vực Bắc Kinh mời thầu quốc tế "nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982" và “hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp".
Ngoài ra, mới đây Trung Quốc còn tuyên bố bắt đầu từ năm tới sẽ cho cảnh sát tỉnh Hải Nam lên tàu lục soát, tịch thu, và trục suất tàu bè nước ngoài bị coi là ‘xâm nhập bất hợp pháp’ các vùng biển mà Bắc Kinh dành chủ quyền ở Biển Đông.
Nguồn: VOA