Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

Chính quyền TPHCM cấm đĩa Asia 71

Ảnh bìa của bộ đĩa Asia 71 
Các sản phẩm của Asia bị cấm bên trong lãnh thổ Việt Nam

BBC - Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh vừa ra lệnh tăng cường kiểm tra trên địa bàn thành phố để đảm bảo công chúng không thể tiếp cận được với sản phẩm mới nhất của hãng đĩa Asia có trụ sở tại Mỹ.

Đây là đĩa mang số hiệu 71 kỷ niệm 32 năm ngày thành lập của hãng đĩa này. Nội dung của Asia 71 là chương trình nhạc hội hồi cuối tháng 11 năm ngoái tại Long Beach Performing Art Centre ở tiểu bang California.

Điều đáng lưu ý là đĩa nhạc này chỉ mới được phát hành hôm thứ Sáu ngày 11/1 nhưng chính quyền thành phố đã chỉ thị hành động quyết liệt để ngăn chặt đĩa này từ hôm 10/1.

‘Xử lý nghiêm’

Bản tin trên trang mạng của Ủy ban nhân dân thành phố cho biết hôm 10/1 rằng chính quyền ‘vừa chỉ đạo các sở, ngành chức năng và ủy ban nhân dân các quận huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân không tiếp tay phổ biến bộ đĩa Asia 71 có xuất xứ từ hải ngoại’.

Theo đó thì các quận huyện trên địa bàn thành phố được yêu cầu ‘tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp in sang, tàng trữ và phát tán lưu hành bộ đĩa ca nhạc này’.

Như vậy với lệnh này, bộ đĩa mới nhất của hãng Asia trở thành ‘hàng cấm’ tại thành phố lớn nhất Việt Nam mà không ai được phép buôn bán, cất giữ hoặc xem.
"Hãy biết yêu quê hương Việt Nam. Hãy đứng lên cháu con Rồng Tiên. Đừng thờ ơ. Đừng làm ngơ. Triệu con tim cùng bước tới. Chúng ta là dòng giống Lạc Hồng." Lời bài hát 'Triệu con tim' của nhạc sỹ Trúc Hồ
Phản ứng sớm của chính quyền cho thấy họ đang rất lo ngại những tác động tiêu cực đối với chính quyền mà đĩa nhạc này có thể đem lại.

Nội dung chương trình Asia 71 là 23 tiết mục mà phần lớn là các liên khúc về tình yêu do các ca sỹ quen thuộc của trung tâm này biểu diễn. Các bản tình ca này hầu hết đều không liên quan gì đến chính trị.

Tuy nhiên, điểm nhấn của chương trình này là tiết mục số 21 – tiết mục đinh được Asia giới thiệu trong đoạn trailer quảng bá. Đó là ca khúc ‘Triệu con tim’ do nhạc sỹ Trúc Hồ, giám đốc điều hành của Trung tâm Asia, sáng tác.

Ca khúc này nhằm ủng hộ cho chiến dịch vận động chữ ký kêu gọi nhân quyền cho Việt Nam với tên gọi ‘Triệu con tim, triệu tiếng nói’.

Ca khúc này do dàn hợp ca, trong đó có cả nhạc sỹ Trúc Hồ cùng với các ca sỹ Mai Thanh Sơn, Quốc Khanh, Nguyên Khang, Đan Nguyên, Lâm Nhật Tiến, Nguyễn Hồng Nhung (ca sỹ từ Hà Nội mới gia nhập Asia), Lâm Thúy Vân, Y Phương, trình diễn cùng ca đoàn.
 
‘Đừng thờ ơ’
Hình ảnh trên trailer cho thấy các ca sỹ trong đồng phục áo phông trắng có in hình trái tim và dòng chữ ‘Triệu con tim, triệu tiếng nói’.

Hãng Asia từng phổ biến hai bài hát 
'Việt Nam tôi đâu' và 'Anh là ai' của nhạc sỹ Việt Khang

Đặc biệt, đoạn điệp khúc của bài hát này kêu gọi: 
 
“Hãy biết yêu quê hương Việt Nam. Hãy biết đau nỗi đau người dân. Ải Nam Quan, Hoàng Trường Sa, 1.000 năm giặc phương Bắc quê hương mình rồi sẽ ra sao?”

“Hãy biết yêu quê hương Việt Nam. Hãy đứng lên cháu con Rồng Tiên. Đừng thờ ơ. Đừng làm ngơ. Triệu con tim cùng bước tới. Chúng ta là dòng giống Lạc Hồng.”

Hình ảnh trên trailer cho thấy các ca sỹ trình bày ca khúc này rất hùng hồn, rất nhiệt huyết trong tiếng vỗ tay giữ nhịp của các khán giả.

Khí thế hào hùng của bài hát có mục đích là thổi bùng lòng yêu nước và hành động ở mỗi người dân Việt Nam.

Được thành lập từ năm 1981, Asia bằng đầu ghi hình để phát hành video từ năm 1991 và cho đến nay đã cho ra đời video đến số 71.

Các sản phẩm của hãng Asia ít nhiều mang tính chính trị như ca ngợi chế độ Việt Nam Cộng hòa, tôn vinh những người lính, những tử sỹ của miền Nam Việt Nam, lên án chế độ cộng sản, nêu lên tình cảnh đất nước hiện nay và kêu gọi người dân đứng lên chống lại chính quyền.

Chủ đề chính trị
"Tôi nhận được rất nhiều lời đặt hàng từ các khách hàng vì hàng chưa có mà báo đăng (chửi) quá trời." Một người kinh doanh băng đĩa giấu tên ở TPHCM
Trước đây, Asia từng có các chủ đề mang tính chính trị như: Lá thư từ chiến trường, Xuân thanh bình, Xuân chinh chiến, Xuân tha hương, Anh không chết đâu anh, Tình khúc sau cuộc chiến-Nhạc vàng 30 năm, Hành trình tìm tự do, Nhớ Sài Gòn...

Asia cũng là hãng đã dàn dựng hai bài hát ‘Anh là ai’, ‘Việt Nam tôi đâu’ của nhạc sỹ Việt Khang – người bị chính quyền trong nước ‘kết tội tuyên truyền chống Nhà nước’ với hai bài hát nói trên.

Các sản phẩm của Asia bị chính quyền trong nước dán mác ‘phản động’ nhưng vẫn có thể được tìm thấy ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Các số Asia trước đây vẫn có thể dễ dàng tìm thấy ở các cửa hàng băng đĩa ở thành phố Hồ Chí Minh nếu khách hàng có yêu cầu dù chỉ là đĩa sao chép lậu.

Tuy nhiên, ít khi nào chính quyền ra lệnh kiểm soát chặt chẽ một sản phẩm băng đĩa như đối với đĩa số 71 này.

Một người kinh doanh băng đĩa ở thành phố Hồ Chí Minh nói với BBC với điều kiện giấu tên cho biết rằng hiện nay đĩa Asia 71 vẫn chưa có mặt ở thành phố.

Tuy nhiên cũng theo người này thì hiện nay ông nhận được rất nhiều lời đặt hàng từ các khách hàng vì ‘Hàng chưa có mà báo đăng (chửi) quá trời’.
 
 

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam