Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

Trung Quốc tiếp tục leo thang ở Biển Đông

undefined
Bản đồ mới của Trung Quốc do nhà xuất bản Sinomaps Press ấn hành, có hơn 300 hòn đảo lớn nhỏ tại Biển Đông. Photo courtesy of china.org.cn


Thanh Quang, phóng viên RFA - 2013-01-15 - Sau khi tung ra “hộ chiếu lưỡi bò” hồi năm ngoái, vừa rồi Trung Quốc lại cho in bản đồ mới phi pháp bao gồm hàng trăm đảo lớn nhỏ ở Biển Đông – và cả quần đảo Điếu Ngư, mà Nhật Bản gọi là Senkakư.

Phản ứng trong khu vực

Sau khi Trung Quốc thực hiện hầu như liên tục hành động gây hấn, xâm lấn vùng Biển Đông và rồi cả vùng Biển Hoa Đông, tờ China Daily lại diễn trò “vừa ăn cướp vừa la làng” qua việc cáo giác Nhật Bản, Việt Nam và Philippines gây căng thẳng tại 2 vùng biển này.

Cũng trong chiều hướng đó, hồi cuối tháng rồi, Tướng La Viện thuộc Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc đe doạ rằng chính sách kiên nhẫn “tự chế, gác lại tranh chấp trên biển, sống chung hoà bình” mà Hoa lục áp dụng lâu nay trước những hành động “gây hấn” của các lân quốc vừa nói không thể tiếp tục thêm được nữa vì, theo Tướng La Viện, các xứ láng giềng này cứ “khiêu khích”, “chống Trung Quốc”, nên khó tránh khỏi nguy cơ sắp tới.

Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm cho biết Trung Quốc hồi năm 2012 đã dành ra ngân khoản quốc phòng là 105 tỷ đô la, tức tăng hơn 11% so với năm 2011, mà Bắc Kinh giải thích là vì tình trạng các nước láng giềng Á Châu “không thân thiện”, mặc dù thực tế quá rõ là Trung Quốc tiếp tục mọi hành động quyết đoán, áp đặt…bất chấp luật pháp quốc tế, trong khi riêng xứ đàn em Việt Nam không bao giờ quên “4 tốt” và “16 chữ vàng”.

Chưa dừng lại ở đó, sự lấn lướt của Trung Nam Hải chứng tỏ đang trên đà tăng tốc nguy hiểm hơn khi hôm 11 tháng giêng vừa rồi, Tân Hoa Xã cho hay Cơ quan Đo đạc, Bản đồ và Thông tin Địa chất Quốc gia Trung Quốc thông báo nhà xuất bản bản đồ quốc gia Sinomaps Press của Hoa Lục lần đầu tiên cho in bản đồ mới phi pháp bao gồm hơn 130 đảo lớn, nhỏ ở Biển Đông so với bản đồ cũ “lưỡi bò” chỉ có những quần đảo lớn là “Tây Sa” – tức Hoàng Sa, “Nam Sa” – tức Trường Sa, và “Trung Sa” mà Philippines gọi là Bãi Macclesfield; bản đồ mới của Trung Quốc cũng bao gồm quần đảo Điếu Ngư mà Nhật Bản gọi là Senkakư đang trong vòng tranh chấp Nhật-Trung.
Trong tình hình này mà Trung Quốc vẽ lại bản đồ như vậy thì chỉ gây thêm căng thẳng và dư luận Nhật Bản càng phản ứng mạnh mẽ hơn, và họ sẽ càng ủng hộ Thủ Tướng Abe trong đường lối cứng rắn... Nhà báo Đỗ Thông Minh
Ông Từ Căn Tài, điều hành nhà xuất bản Sinomaps Press vừa nói cho biết, bản đồ mới này sẽ chính thức công bố vào cuối tháng Giêng, mang ý nghĩa quan trọng là nâng cao ý thức của người dân Trung Quốc về chủ quyền quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích hàng hải của Hoa Lục cũng như thể hiện lập trường chính trị, ngoại giao của Bắc Kinh.

Theo Cục trưởng Cục Hải dương Trung Quốc Lưu Tứ Quý thì tình trạng tranh chấp lãnh hải gia tăng trong năm qua khiến Trung Quốc phải tăng cường bảo vệ chủ quyền lãnh hải một cách thường xuyên trên Biển Đông cũng như Biển Hoa Đông.

Chỉ 3 ngày sau khi Bắc Kinh công bố bản đồ mới vừa nói tiếp theo việc đã áp đặt “hộ chiếu lưỡi bò” khiến nhiều nước trong và ngoài khu vực mạnh mẽ phản đối, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez khẳng định rằng Manila sẽ gởi kháng nghị để cho Bắc Kinh – và cả thế giới – biết rằng Philippines không chấp nhận mọi nội dung trong bản đồ phi pháp của TQ và đồng thời tái xác nhận chủ quyền lãnh hải chính đáng của Phi.

Trong khi đó, Manila đang đúc kết bản đồ mới của riêng họ bao gồm những khu vực “chung quanh, trong phạm vi và gần bên” quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền của mình. Chính phủ Phi cũng chính thức dùng tên “Biển Tây Philippines” mà phía Trung Quốc cho là Biển Nam Trung Hoa.

Theo các chuyên gia quốc phòng, Manila có kế hoạch phát triển những căn cứ quân sự cùng nhiều cơ sở khác để yểm trợ việc bố trí hải quân Phi cũng như thiết lập những căn cứ không quân tại Biển Tây Philippines nhằm tăng cường phòng thủ những hòn đảo và các bãi đá ngầm trong vùng lãnh hải của Manila vốn có thể bị “lực lượng bên ngoài xâm lăng”.

Phản ứng tức thời của Philippines đối với hành động mới nhất này của Trung Quốc tương phản với trường hợp Việt Nam khi, tính cho tới hôm thứ Hai 14 tháng Giêng này, chưa thấy Hà Nội đưa ra thông báo hay phản ứng chính thức nào về nội dung bản đồ mới của Trung Quốc bao gồm các khu vực biển đảo của Việt Nam, ngoại trừ phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị lên tiếng trong cuộc họp báo thường kỳ vào hôm thứ Hai này rằng “Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc huỷ bỏ ngay các hoạt động sai trái trên Biển Đông”.

GS Renato De Castro thuộc Đại học De La Salle của Philippines báo động rằng diễn biến bản đồ mới này chứng tỏ Bắc Kinh chuẩn bị đưa chiến hạm vào Biển Đông.

Lợi hay hại cho Hoa Lục?

000_Hkg8070397-250.jpg
Du khách Trung Quốc đi bộ ở quận mua sắm Ginza ở Tokyo hôm 02/12/2012. AFP photo
 
Theo chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc, ông Dương Danh Dy, nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, thì hành động mới nhất này của Bắc Kinh là “một sự trắng trợn không hơn không kém”, và “nếu Việt Nam không có những phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt hơn, Trung Quốc sẽ còn tiếp tục leo thang trong các hoạt động ở Biển Đông”.
 
Từ Tokyo, nhà báo Đỗ Thông Minh nhận xét:

“Trong tình hình này mà Trung Quốc vẽ lại bản đồ như vậy thì chỉ gây thêm căng thẳng và dư luận Nhật Bản càng phản ứng mạnh mẽ hơn, và họ sẽ càng ủng hộ Thủ Tướng Abe trong đường lối cứng rắn, tức là tăng cường quốc phòng và mạnh mẽ trong vấn đề ngoại giao.” 

Phân tích gia quốc phòng James R. Holmes của Hoa Kỳ đề cập tới lời khẳng định vừa rồi của Thủ tướng “diều hâu” Nhật Bản Shinzo Abe rằng sức mạnh của Trung Quốc ngày càng tập trung vào “ao nhà Bắc Kinh” vốn là điềm chẳng lành.
Vào lúc này lãnh đạo cả hai nước Nhật bản và Trung Quốc đều phải tỏ ra cứng rắn trong vấn đề tranh chấp này. Nhưng cả hai đều biết là quan hệ hai nước cũng hết sức quan trọng. GS Narushige Michishita
Ông Abe lập luận, để ứng phó với hành động khống chế của Hoa Lục tại vùng biển phía Nam, Nhật Bản phải tăng cường khả năng tác chiến và cảnh sát trong khi hình thành liên minh tứ cường gồm Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc và Ấn Độ để bảo vệ vùng Đông và Nam Á.

Tuy nhiên, hiện tình kinh tế Nhật-Trung phụ thuộc đáng kể lẫn nhau là điều khó có thể bỏ qua, như GS Narushige Michishita nhận định:

“Vào lúc này lãnh đạo cả hai nước Nhật bản và Trung Quốc đều phải tỏ ra cứng rắn trong vấn đề tranh chấp này. Nhưng cả hai đều biết là quan hệ hai nước cũng hết sức quan trọng”.

Tờ The Nation của Thái Lan có bài “Nhật Bản tái cân bằng chiến lược với các nước ASEAN”, nhấn mạnh rằng chỉ trong vòng 3 tuần lễ, Thủ tướng Shinzo Abe đã củng cố mối quan hệ lâu đời của xứ Phù Tang với vùng Đông Nam Á bằng cách, kể từ ngày 16 tháng giêng này, sẽ viếng thăm Việt Nam, Thái Lan và Indonesia sau khi Phó Thủ tướng Nhật Taro Aso tới thăm Miến Điện và Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishada thăm Philippines, Singapore và Brunei; trọng tâm của những chuyến đi này bao gồm cả sự hợp tác về an ninh, chiến lược.

Theo nhận định của tờ báo thì Tokyo chọn Việt Nam, Philippines, Thái Lan và Indonesia là các đối tác chiến lược chủ chốt, tiếp theo là Singapore, Malaysia và Brunei.

Và tờ The Nation kết luận, sau cùng rồi, bối cảnh an ninh khu vực trong thế kỷ 21 này sẽ không bị định đoạt hay độc quyền bởi bất kỳ cường quốc bá quyền nào cả.

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam