Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

Mật nghị bầu chọn Giáo hoàng Công giáo La Mã

000_Par7472265-305.jpg 
Một số ứng viên trong cuộc bầu chọn Giáo Hoàng, hàng trên từ trái sang phải: Đức Hồng Y Brazil Claudio Hummes, Đức Hồng Y Honduras Oscar Andres Rodriguez Maradiaga, Tổng Giám Mục Argentina Jorge Mario Bergoglio, Mexico - Norberto Rivera Carrera, Brazil - Joao Braz de Aviz, Philippines - Luis Antonio Tagle và Nigeria - Peter Turkson. Hàng dưới từ trái sang: Áo - Cristoph Schonborn, Hungary - Peter Erdoe, Ý - Angelo Scola, Canada - Marc Ouellet, Nigeria - Francis Arinze, Nigeria - John Onaiyekan, và USA - Timothy Dolan. AFP PHOTO 

Gia Minh, biên tập viên RFA - 2013-03-11 - Các hồng y cử tri bầu cử Giáo hoàng Công giáo La Mã hôm nay 12/3 bắt đầu mật nghị để tiến hành hoạt động chọn vị đứng đầu giáo hội.

 

Những điểm đáng chú ý?


Gia Minh hỏi chuyện nguyên giáo sư thần học Nguyễn Đăng Trúc, Đại học Strasbourg, Pháp về vấn đề đó. Trước hết đối với câu hỏi, vị giáo hoàng mới cần có những phẩm chất nào để có thể đáp ứng nhu cầu của giáo hội trong giai đoạn mới, ông Nguyễn Đăng Trúc cho biết:

GS Nguyễn Đăng Trúc: Theo tôi nghĩ, tùy thuộc vào hoàn cảnh của giáo hội và hoàn cảnh của xã hội. Dĩ nhiên trong cương vị của ngài, ngài được kêu gọi để lãnh đạo toàn thể giáo hội có tính cách trường kỳ. Tuy nhiên mỗi vị giáo hoàng được bầu lên, thường phải đáp ứng vấn đề lãnh đạo của giáo hội, trong hoàn cảnh xã hội đương thời.


Theo những cuộc bàn cải của những vị hồng y trong các ngày vừa qua, chúng ta thấy hai vấn đề chính của giáo hội và của xã hội được nêu lên để phần nào soi sáng quyết định của họ khi họ bầu cử.
Mỗi vị giáo hoàng được bầu lên, thường phải đáp ứng vấn đề lãnh đạo của giáo hội, trong hoàn cảnh xã hội đương thời. GS Nguyễn Đăng Trúc
Thế thì giáo hội lúc này có nhu cầu như canh tân giáo triều tại trung ương, vấn đề làm sao thông đạt niềm tin cho những người chung quanh mình. Thứ hai nữa giáo hội cũng gặp những khó khăn; chẳng hạn như về phía Tây Phương, chúng ta thấy việc sống đạo ngày càng suy giảm đi. Trái lại vấn đề truyền giáo tại những vùng địa lý-chính trị như ở nước Trung Hoa, Phi Châu, Ấn Độ… đặt cho giáo hội những thách đố mới. Thành thử giáo hội có nhiều vấn đề đòi hỏi vị đứng đầu tương lai có thể thích ứng trong vấn đề lãnh đạo của mình. Ngoài ra xã hội cũng vậy; xã hội có những vấn đề khó khăn: kinh tế, xã hội… Họ chờ đợi một sư soi dẫn về phía giáo hội thì giáo hội phải đáp ứng. Có những vấn đề như vấn đề gia đình, chiến tranh, vấn đề xung đột giữa các tôn giáo, vấn đề phát triển khoa học và niềm tin. Trước tất cả những vấn đề đó, người ta đòi hỏi vị giáo hoàng sắp tới phải nhạy bén về những biến đổi của xã hội để có thể thích ứng với niềm tin của mình. Thế thì vấn đề lãnh đạo, đức giáo hoàng sắp tới có nhiệm vụ rất nặng nề; và ai cũng biết rằng với sức con người khó có thể đáp ứng được.

Vấn đề đó được đặt ra và sự chờ đợi qua phát biểu của các vị hồng y trong những ngày vừa qua, cũng như báo chí của Công giáo đây đó; thì người ta thấy rằng nhiều tên tuổi được nêu lên; tạm gọi là có được khả năng nhạy bén, có vẻ thích ứng với hoàn cảnh đó.

Gia Minh: Vậy trong số những vị đang tham gia cơ mật viện có những khuôn mặt nào có được một số phẩm chất được nêu ra như thế?

GS Nguyễn Đăng Trúc: Vấn đề đó tùy theo quan điểm của mỗi tờ báo, mỗi quốc gia, tùy theo sự mến chuộng của họ.

001_GR331016-250.jpg
Sơ đồ giải thích quá trình bầu chọn giáo hoàng Công giáo La Mã. AFP photo.

Có những lý do hết sức bình thường là vấn đề dân tộc. Có người đặt vấn đề chính trị thế nọ, thế kia; nhưng kỳ thực ra; người ta không đặc vấn đề chung chung về chính trị hay vấn đề cấp tiến hay bảo thủ…; người ta chỉ nhìn thấy khả năng lãnh đạo. Tôi nói khả năng lãnh đạo tức trong hoàn cảnh khó khăn bây giờ có sức để có những quyết định để canh tân. Thứ hai, điều bình thường, là có đủ sức khỏe để có thể đáp ứng những cuộc đi lại. Trong tương lai chắc chắn, các vị giáo hoàng phải tiếp cận với các dân tộc, với các nhóm người ở trên thế giới,nên cần có khả năng về sức khỏe. Cũng như phải có khả năng về ngôn ngữ để diễn đạt, tài năng để truyền thông… Có vài người được đặt ra. Có người nói cõ lẽ bây giờ đã đến giao đoạn mà Âu châu muốn mở ra thì cần có một người ở các lục địa khác có thể nhạy bén hơn. Người ta đề nghị chẳng hạn vị hồng y người gốc Canada; có người nói hồng y gốc người Mỹ hoặc Nam Mỹ; có người nói trở về với một vị Á Châu trẻ tuổi, gần với quần chúng nghèo; có người nói đi về Châu Âu để kiếm một vị giáo hoàng sâu sắc về đức tin… Cho đến bây giờ tôi thấy nhiều tên được đặt ra; nhưng nói thật thì cuộc bầu cử nào cũng giống một ‘phép lạ’ vậy; sau đó sẽ có những ngạc nhiên!

Chế độ tập quyền

 

Gia Minh: Nhưng một giáo hoàng La Mã có thể quyết định tất cả mọi việc của giáo hội hay không?

GS Nguyễn Đăng Trúc: Ngài mang trách nhiệm là người kế nhiệm thánh Phê rô để có quyết định cuối cùng. Nhưng trong làm việc thì thực hiện trên nguyên tắc được nêu ra trong các Hiến chế, tức gần như hiến pháp của các nước, tức có sự cộng tác của các giám mục chung quanh ngài. Người ta nói đó là nguyên tắc làm việc chung giữa giám mục Roma, tức giáo hoàng, với các giám mục. Đầu tiên thông qua tổ chức của giáo triều.
Quyền của giáo hội là đức tin từ trời ban xuống qua sự nhập thể của đức Ki tô. Quyền tập trung nơi niềm tin vào chân lý và chân lý không phải là một lý thuyết mà chân lý chính là đức Ki tô. GS Nguyễn Đăng Trúc
Đức giáo hoàng quyết định nhưng phải có cộng tác để quyết định của ngài được sáng suốt. Đó là nguyên tắc; nhưng tôi nói lại, nhất là trong vấn đề đức tin và phong hóa, quyết định nằm trong quyền của ngài, quyền riêng của ngài. Tuy nhiên đi đến quyết định đó như thế nào là tùy vào sự làm việc chung của ngài. Vì vậy vấn đề đặt ra ngày nay là làm sao đức giáo hoàng có thể tiếp cận và cùng cộng tác với các vị hồng y và cùng các vị chủ chăn địa phương - các giám mục. Đó là nguyên tắc tổ chức của giáo hội đang trông chờ giáo hoàng sắp đến để canh tân lại đường lối điều hành đó cho hữu hiệu.

Gia Minh: Lâu nay, người ta thường nói đến chế độ tập quyền của giáo hội Công giáo La Mã cũng tương tự như một số quốc gia tập trung ‘dân chủ’ kiểu cộng sản, vậy theo giáo sư có gì khác giữa hai hệ thống như thế?

GS Nguyễn Đăng Trúc: Khác nhau. Khác nhau ở chỗ, thứ nhất về phương diện lịch sử mà nói, nguyên tắc về quyền chính trị đổi thay. Ai cũng biết, từ xưa đến nay qua nhiều lý thuyết khác nhau, qua nhiều chế độ khác nhau, quan niệm về quyền dân sự cũng đổi thay. Chung chung, đến ngày hôm nay, hiện tại đây, ‘cái đó’ dựa trên ý người dân. Người ta gọi là ‘ủy quyền’ cho nhà cầm quyền hành xử quyền của người dân. Người ta tạm gọi đó là dân chủ. Quyền của giáo hội không phải vậy. Quyền của giáo hội là đức tin từ trời ban xuống qua sự nhập thể của đức Ki tô. Quyền tập trung nơi niềm tin vào chân lý và chân lý không phải là một lý thuyết mà chân lý chính là đức Ki tô. Đức Ki tô giao quyền lại cho Phê rô, tức giáo hoàng, để hành xử quyền đó.

Thành ra so sánh giữa chữ ‘quyền’ thì nghe áp dụng giống nhau; nhưng ý nghĩa và nền tảng bên trong hai vấn đề khác nhau. Nhưng đức giáo hoàng khi dùng quyền thánh Phê rô, hay các giám mục khi sử dụng quyền ‘tông đồ’ của mình thế nào và cảm ứng quyền của Đức Ki Tô truyền như thế nào; đó là một nghệ thuật áp dụng. Thế nhưng, căn bản hai quyền đó khác nhau. Ở đây không phải quyền do dân ủy ra. Trong giáo hội người ta hay nói câu ‘chân lý mà giáo hội rao truyền và quyền phát xuất từ chân lý không phải do bầu mà ra’. Chân lý của Phúc âm không phải do bầu cử mà ra, mà do chính Đức Ki tô, một vị thôi, do Đức Chúa Cha sai đến.

Thành thử hai nguyên tắc đó khác nhau.

Gia Minh: Cám ơn giáo sư.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/papal-conclave-starts-today-gm-03112013151202.html


Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam