Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

Việt Nam: khủng hoảng kinh tế làm xấu thêm vấn đề xã hội

Vietnam_ leaders_14.2.2013 
Các nhà lãnh đạo Việt Nam đối mặt với chỉ trích về chính sách kinh tế sai lầm.  

ABC Radio Australia - Số người bị phá sản do đầu tư vào cổ phiếu hay bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế gia tăng khiến nhiều người Việt Nam quy trách nhiệm cho sự lãnh đạo của đảng Cộng sản.

Sau khi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung theo mô hình Liên Xô bị thay thế bởi cơ chế kinh tế thị trường, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao, cùng với sự gia tăng của đầu tư nước ngoài và bùng nổ của tầng lớp trung lưu.

Tuy nhiên, hiện kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn buồn thảm và các chuyên gia chỉ ra rằng, nguyên nhân của nó đến từ sai lầm trong quản lý kinh tế trong những thập niên vừa qua. Nhiều người Việt Nam nói họ không chỉ mất tiền bạc mà đáng mất cả niềm tin vào chính phủ.

“Đây là gian đoạn khó khăn nhất từ trước tới nay của gia đình tôi... Tài sản tích góp được đã tan thành mây khói,” chị Nguyễn Thị Hương, một phụ nữ 37 tuổi làm việc trong lĩnh vực bất động sản nói. Thu nhập của gia đình chị Hương giảm mạnh vì thị trường bất động sản đóng băng.

Chính sách ‘Đổi mới’ tiến hành từ năm 1986 đem lại cho Việt Nam một thời kỳ phát triển kinh tế mạnh mẽ mà đỉnh điểm là năm 2005 với tăng trưởng đạt mức kỷ lục 8,4%. Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới hai năm sau đó.

“Thời kỳ đó, ai cũng phấn khởi và mơ rằng, Việt Nam sẽ nhanh chóng hóa rồng,” một nhà phân tích kinh tế ở Việt Nam nói với điều kiện giấu tên. “Tuy nhiên, chính phủ gặp sai lầm trong chính sách kinh tế vĩ mô. Hậu quả của những sai lầm đó mới chỉ bắt đầu hiện ra và hiện họ đang cố che giấu.”

Cuộc khủng hoảng tín dụng mà rõ nhất là sự sụp đổ của các ngân hàng, sự trì trệ của cổ phiếu và thị trường bất động sản đã làm thương tổn tầng lớp trung lựu, không chỉ trong vấn đề tài chính. Theo truyền thông nhà nước, nhiều người đang tìm liệu pháp chữa trị căng thẳng và trầm cảm.

“Tôi chưa bao giờ nhìn thấy có nhiều bệnh nhân đến điều trị rối loạn tâm thần do thua lỗ trong kinh doanh như năm 2012,” bác sĩ Lê Hiếu ở một bệnh viện tâm thần tại TP Hồ Chí Minh nói với Vietnamnet. Còn theo ông Trần Thanh Hùng, 46 tuổi, người đã phải sa thải tới một nửa nhân viên trong năm 2012 thì cho rằng, sức khỏe tâm thần có vấn đề là có thể hiểu được. “Cả tiền bạc lẫn niềm tin vào con người đều đang suy kiệt,” ông Hùng nói.

Năm ngoái, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã xuống mức thấp nhất trong 13 năm qua, với 5,03% và quốc gia 90 triệu dân này “đang trài qua một thời kỳ khủng hoảng kinh tế tổi tệ nhất,” chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A cho biết. Các khoản nợ xấu làm tê liệt hệ thống ngân hàng; đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm trong khi các nước như Indonesia và Myanmar trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư. Những ‘căn bệnh tiềm ẩn’ lâu nay của nền kinh tế đã hiện rõ. “Vấn đề này hiện như một khối u ác tính và đảng cộng sản phải xử lý nó,’ ông Quang A nói.

Các vấn đề này là nợ nần chồng chất ở khu vực kinh tế nhà nước, thị trường chứng khoán giảm hơn một nửa giá trị so với thời điểm năm 2007, thị trường bất động sản đóng băng và hệ thống ngân hàng sa lầy trong các khoản nợ xấu.

Theo số liệu thống kê chính thức, năm ngoái, hơn 55 ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phải ngừng hoạt động, tỉ lệ thất nghiệp hiện đang tăng. Tết Nguyên đán năm nay, nhiều doanh nghiệp đã phải bỏ hoặc giảm tiền thưởng Tết cho người lao động. Công nhân may mặc Trần Thị Hải ở Hà Nội được thưởng Tết là 70 đôi tất thay vì thêm một tháng lương như trước đây. “Tôi phải ra đường bán chúng để kiếm ít tiền còn hơn là không có gì," bà Hải nói.

AFP
 

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam