Nửa đêm rầm rầm dàn trận, đao tấu vung vít tít trời, thây phơi đầy đường, máu tuôn ngập cống, đã thế trời lại mưa… Tôi hoàn toàn đồng ý với Hội đồng Duyệt phim Quốc gia rằng hiện thực Việt Nam không như thế. Đây là Bụi đời Chợ Lớn chứ có phải Gangs of New York đâu. Để phản ảnh trung thực hiện thực nước ta, chậm nhất là sau nhát mã tấu thứ hai đâm vào đùi ai đó đạo diễn phải cho một “lực lượng xã hội”, chẳng hạn đại diện tổ dân phố, dân phòng hay tốt nhất là cho công an xuất hiện, như bà Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan gợi ý. Như thế cảnh đánh đấm trong một phim hành động cần đánh đấm rất có khả năng thăng hoa thành đánh đấm hướng thiện, đánh đấm “thấm đẫm tính nhân văn”, như bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội đồng nói trên, mong mỏi.
Đọc báo thì biết rằng để chăn dắt nền điện ảnh hẳn là vị thành niên của nước nhà, chín vị trong Hội đồng này [1] thường có những lí do rất phong phú. Cái này cần cắt vì “tình hình xã hội chưa cho phép”, vì “nhạy cảm”, vì “quá nóng”, vì “không có được ý nghĩa nhân văn cần thiết”, “không phù hợp với văn hóa Á đông”; cái kia cần loại trừ vì “có nội dung thiếu logic” hay “chất lượng kém”. Đặc biệt gây ấn tượng với tôi là lí do cấm một bộ phim vì “không phù hợp với giới trẻ khi cho một nhân vật trong phim giết chết 6 người bạn cùng lớp”. (Chỉ giết 5 bạn và tha cho một bạn thì có “tính nhân văn” hơn không nhỉ?). Đặc sắc hơn nữa là quyết định cắt cảnh một người đàn bà bị đánh ghen, bị lột quần áo đứng giữa chợ, với lí do “diễn viên già, xấu quá, đưa cảnh đó lên làm gì”. (Ôi, tôi không muốn hình dung họ sẽ làm gì với bộ ngực của Maria Antonietta Beluzzi trong Amarcord!)
Song vũ khí lợi hại nhất trong tay tất cả các nhà quản lí văn nghệ Việt Nam, tính đến nay đã truyền cho mấy thế hệ, là hiện thực. Văn nghệ sĩ là đám hay cãi. Giỏi cãi đằng giỏi. Dốt cãi đằng dốt. Nhưng cứ giơ nỏ thần hiện thực ra bắn thì đám này câm miệng. Bảo thế này là bóp méo hiện thực – tất nhiên là hiện thực nước ta -, thế kia là không sát với hiện thực, thế kia nữa là không phù hợp với hiện thực thì cãi vào chỗ nào. Hiện thực muôn năm!
Những tác phẩm xa rời hiện thực như Bụi đời Chợ Lớn tất nhiên khó được duyệt, nhưng một bộ phim về Vụ án Tiên Lãng, không cần một hư cấu nào, nguyên vẹn như đã xảy ra, hẳn phải được các nhà lãnh đạo điện ảnh Việt Nam nồng nhiệt hoan nghênh và nóng lòng chờ đợi. Có thể họ sắp phát động một cuộc thi kịch bản điện ảnh về sự kiện đó. Nếu bạn định tham gia, tôi xin gợi ý vài cái tên: Hải Phòng hoa cải đỏ (văn vẻ), Tiên Lãng không tin vào những giọt nước mắt (Tây Liên Xô), Đầm tôm nổi giận (Mạc Ngôn), hay đơn giản là Vươn vào tù.
_________________________
© 2013 pro&contra Phạm Thị Hoài
[1] Gồm: Bùi Đình Hạc (nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh), chủ tịch; Nguyễn Thị Hồng Ngát (nguyên Cục phó Cục Điện ảnh), phó chủ tịch và các thành viên: Nguyễn Hữu Thức (Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương); Lý Phương Dung (Trưởng phòng Nghệ thuật Cục Điện ảnh); Nguyễn Danh Dương (Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia); Vũ Xuân Hưng, Trịnh Thanh Nhã, Phạm Thanh Hà và Đinh Ngọc Mai.
See Translation
Đọc báo thì biết rằng để chăn dắt nền điện ảnh hẳn là vị thành niên của nước nhà, chín vị trong Hội đồng này [1] thường có những lí do rất phong phú. Cái này cần cắt vì “tình hình xã hội chưa cho phép”, vì “nhạy cảm”, vì “quá nóng”, vì “không có được ý nghĩa nhân văn cần thiết”, “không phù hợp với văn hóa Á đông”; cái kia cần loại trừ vì “có nội dung thiếu logic” hay “chất lượng kém”. Đặc biệt gây ấn tượng với tôi là lí do cấm một bộ phim vì “không phù hợp với giới trẻ khi cho một nhân vật trong phim giết chết 6 người bạn cùng lớp”. (Chỉ giết 5 bạn và tha cho một bạn thì có “tính nhân văn” hơn không nhỉ?). Đặc sắc hơn nữa là quyết định cắt cảnh một người đàn bà bị đánh ghen, bị lột quần áo đứng giữa chợ, với lí do “diễn viên già, xấu quá, đưa cảnh đó lên làm gì”. (Ôi, tôi không muốn hình dung họ sẽ làm gì với bộ ngực của Maria Antonietta Beluzzi trong Amarcord!)
Song vũ khí lợi hại nhất trong tay tất cả các nhà quản lí văn nghệ Việt Nam, tính đến nay đã truyền cho mấy thế hệ, là hiện thực. Văn nghệ sĩ là đám hay cãi. Giỏi cãi đằng giỏi. Dốt cãi đằng dốt. Nhưng cứ giơ nỏ thần hiện thực ra bắn thì đám này câm miệng. Bảo thế này là bóp méo hiện thực – tất nhiên là hiện thực nước ta -, thế kia là không sát với hiện thực, thế kia nữa là không phù hợp với hiện thực thì cãi vào chỗ nào. Hiện thực muôn năm!
Những tác phẩm xa rời hiện thực như Bụi đời Chợ Lớn tất nhiên khó được duyệt, nhưng một bộ phim về Vụ án Tiên Lãng, không cần một hư cấu nào, nguyên vẹn như đã xảy ra, hẳn phải được các nhà lãnh đạo điện ảnh Việt Nam nồng nhiệt hoan nghênh và nóng lòng chờ đợi. Có thể họ sắp phát động một cuộc thi kịch bản điện ảnh về sự kiện đó. Nếu bạn định tham gia, tôi xin gợi ý vài cái tên: Hải Phòng hoa cải đỏ (văn vẻ), Tiên Lãng không tin vào những giọt nước mắt (Tây Liên Xô), Đầm tôm nổi giận (Mạc Ngôn), hay đơn giản là Vươn vào tù.
_________________________
© 2013 pro&contra Phạm Thị Hoài
[1] Gồm: Bùi Đình Hạc (nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh), chủ tịch; Nguyễn Thị Hồng Ngát (nguyên Cục phó Cục Điện ảnh), phó chủ tịch và các thành viên: Nguyễn Hữu Thức (Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương); Lý Phương Dung (Trưởng phòng Nghệ thuật Cục Điện ảnh); Nguyễn Danh Dương (Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia); Vũ Xuân Hưng, Trịnh Thanh Nhã, Phạm Thanh Hà và Đinh Ngọc Mai.
See Translation