Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

Liệu Hoa Kỳ có để Bắc Hàn “làm tiền”?

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (T) và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (P) 
tham dự một cuộc họp song phương tại Seoul hôm 12/4/2013. AFP photo

RFA - Giữa lúc Bắc Hàn đe dọa tiếp tục thử nghiệm hoả tiễn cũng như đe dọa tấn công Nam Hàn và Hoa Kỳ bằng võ khí nguyên tử, thì Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 15/4 gởi một thông điệp là sẵn sàng đối thoại với Bắc Hàn. Nhưng trong quá khứ, Bắc Hàn từng giở trò đe dọa nguyên tử để làm tiền Hoa Kỳ, Nam Hàn, Nhật Bản và cả những nước phương Tây. Câu hỏi nêu lên là liệu thông điệp vừa rồi của Ngoại trưởng John Kerry có lại tạo điều kiện cho Bình Nhưỡng tiếp tục trò làm tiền đó hay không?

Trung Quốc và Hoa Kỳ đồng thuận
Qua cuộc trao đổi với Thanh Quang, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc Đại Học George Mason, Virginia, Hoa Kỳ, cho biết:

Nếu nhìn vào những lời tuyên bố gần đây của Ngoại trưởng Kerry, thì chúng ta thấy có 2 điều đáng để ý:

Điều thứ nhất là Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều đồng ý biến Bán Đảo Triều Tiên thành một vùng không có võ khí nguyên tử - có nghĩa là phải giải giới nguyên tử, trong đó có Bắc Hàn. Hai cường quốc này đã đồng ý rõ rệt chuyện đó rồi, và đó là mục tiêu mà họ sẽ tiến tới.

Điều thứ hai mà Ngoại trưởng Kerry đã khuyến cáo là nếu như Bắc Hàn sợ an ninh của họ bị đe dọa, sợ bị tấn công thì Bình Nhưỡng nên quay trở lại bàn hội nghị đa phương để thảo luận chuyện đó với Mỹ.

Bởi vì trước kia Bắc Hàn cũng từng đòi ký hiệp ước bất tương xâm với Mỹ; Bắc Hàn muốn nói chuyện với Mỹ chứ không muốn nói chuyện với Nam Hàn. Như vậy, nếu có điều đình thì phải có đi, có lại. Nếu Bắc Hàn có những hành động cụ thể hướng tới những mục tiêu mà cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đồng ý, tức là giải giới võ khí nguyên tử, thì Bắc Hàn chắc chắn sẽ được viện trợ.

Thanh Quang: Giáo sư vừa nhắc tới Trung Quốc, thì theo Ngoại trưởng John Kerry, ông cũng được Trung Quốc cam kết hợp tác với Hoa Kỳ cùng những đồng minh của Mỹ để giúp làm giảm tình hình căng thẳng tại Bán Đảo Triều Tiên. Nhưng lâu nay, có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc “đánh trống bỏ dùi”, cứ bao che, dung túng cho những hành động “làm tiền” của đàn em Bắc Hàn. Như vậy, liệu Bắc Kinh lần này “cam kết” như Ngoại trưởng Kerry vừa nói có thể là một sự hứa suông, thậm chí “lường gạt” Mỹ nữa không ?

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Trung Quốc không những cam kết giúp làm giảm căng thẳng vùng đó, mà còn cam kết biến vùng Bán Đảo Triều Tiên này thành vùng phi nguyên tử. Vì lý do an ninh của chính mình, Trung Quốc rõ ràng là không muốn có chiến tranh ở Bán Đảo Triều Tiên, và cũng không muốn cho Bắc Hàn bị sụp đổ. Nhưng những hành động gần đây của Bình Nhưỡng có thể đưa vùng này gần hơn đến hiểm hoạ chiến tranh, khiến chiến tranh có thể xảy ra do rủi ro hoặc do tính toán sai lầm, hay do hiểu lầm lẫn nhau. Thì cam kết của Trung Quốc biến Bán đảo Triều Tiền thành vùng phi nguyên tử là cam kết thật vì đó là quyền lợi của Trung Quốc. Còn Bắc Kinh thực hiện cam kết này tới đau, đó lại là chuyện khác. Có thể có người nghĩ rằng sự tính toán của Trung Quốc là nhằm cầm chân Mỹ ở vùng Bắc Á để Bắc Kinh có thể rảnh tay ở Đông Nam Á và vùng Biển Đông. Đây là một sự liều lĩnh có tính toán. Nhưng nếu để cho Bắc Hàn làm quá đà khiến chiến tranh xảy ra, thì an ninh của Trung Quốc sẽ bị đe dọa, bởi vì quân Mỹ sẽ đến ngay vùng biên giới của Trung Quốc. Như vậy thì lời hứa của Trung Quốc như nêu trên không phải là lời hứa suông, mà Trung Quốc có những khó khăn trong việc thực hiện lời hứa đó bởi vì trong số những mục tiêu của họ, có những mục tiêu mâu thuẫn với nhau.

Bắc Hàn lỡ leo lưng cọp

Thanh Quang: Trở lại những lời đe dọa trong mấy ngày qua của Bắc Hàn mà công luận đặc biệt theo dõi, đó là việc Bình Nhưỡng đe dọa lại phóng hoả tiễn, thì hiện có nhiều ý kiến tin rằng Bắc Hàn, rốt cuộc, sẽ thực hiện cuộc thử nghiệm nguyên tử lần thứ tư. Giáo Sư nghĩ vấn đề này như thế nào ? Liệu Hoa Kỳ, Nam Hàn và cả Nhật Bản nữa có thể ứng phó hiệu quả gì không với hành động như vậy của Bắc Hàn?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Lần này thì cả Mỹ, Nam Hàn lẫn Nhật Bản đều đã chuẩn bị và đều đưa ra những lời tuyên bố rất cứng rắn. Họ đã nói rõ rằng nếu mà hoả tiễn Bắc Hàn hướng về phía họ thì họ sẽ bắn rơi. Thành ra Bắc Hàn hiện nay chẳng khác nào leo lên lưng cọp; muốn xuống thì phải có đường xuống mà không để bị mất thể diện. Cái đường “xuống lưng cọp” đó có thể là, hiện nay, nhân lúc Bắc Hàn đang kỷ niệm sinh nhật của người sáng lập chế độ Bình Nhưỡng, ông Kim Il-Sung( Kim Nhật Thành – ông nội của đương kim chủ tịch Kim Jong-Un), thì họ có thể bắn hoả tiễn gọi là “mừng” dịp lễ này; họ bắn ra biển. Và đạn đạo đó, Mỹ cho biết là chỉ cần vài phút là có thể tính nó đã đi được tới đâu; và bắn ra biển như vậy thì cũng là thử hoả tiễn mà lại không có làm gì ai cả. Đó có thể là một cách mà Bắc Hàn thực hiện.

Thanh Quang: Thưa Giáo sư, do hành động khiêu khích đáng ngại của Bắc Hàn mà lực lượng Mỹ và Nam Hàn hiện đang trong tình trạng báo động, trong khi Nhật Bản đã bố trí hệ thống hoả tiễn Patriot chống hoả tiễn ở quanh thủ đô Tokyo, giữa lúc Hoa Kỳ tăng cường sự hiện diện quân đội Mỹ tại vùng Á Châu-Thái Bình Dương trong những tuần gần đây. Như vậy, hành động khiêu khích, đe dọa nguyên tử của Bắc Hàn có vô tình tạo thuận lợi cho Hoa Kỳ cùng các đồng minh của Mỹ không, xét về mặt hợp tác quân sự, chiến lược ?

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Điều này nói chung là đúng. Nhưng nó cũng tạo cho Mỹ một số tổn thất bởi vì mỗi lần Hoa Kỳ cho bay máy bay tàng hình B-2 thì tốn rất nhiều tiền, nhất là trong lúc Mỹ đang gặp phải “sequestration” khiến cắt giảm chi tiêu quốc phòng. Do đó, nếu Hoa Kỳ hướng về phía vùng này nhiều quá thì sẽ chỉ còn những ngân khoản hạn hẹp để hướng về những khu vực khác vốn cũng quan trọng không kém.

Thanh Quang: Vâng, chẳng hạn như vùng Biển Đông. Thưa Giáo sư, một cách tổng quát thì Giáo sư nhận định như thế nào về tình hình Bán Đảo Triều Tiên và vùng Biển Hoa Đông (East China Sea) có thể ra sao?

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Theo ý tôi thì tình trạng ở đó hiện nay rất căng thẳng, cần phải xuống thang. Tình trạng này thuộc trong khuyến cáo cua mọi quốc gia, trừ Bắc Hàn thôi. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn đều đã chuẩn bị. Mà như Ngoại trưởng John Kerry đã nói rõ – và cả Bắc Hàn cũng biết rõ – là nếu xảy ra chiến tranh, Bình Nhưỡng sẽ nắm chắc phần thua và sẽ bị tàn phá. Đây là điều mà cả Trung Quốc cũng không muốn xảy ra. Thế thì trừ phi Bắc Hàn tính toán sai hoặc là họ bị mất lý trí, chứ còn tình trạng căng thẳng sẽ phải giảm xuống, và cuộc điều đình sẽ phải xảy ra. Bắc hàn sẽ phải tìm một cớ nào đó để xuống thang những hành động và lời tuyên bố quá khích của mình mà không mất thể diện.

Tôi nghĩ là các quốc gia sẽ mở đường như vậy cho Bắc Hàn và Trung Quốc cũng sẽ tìm cách cho Bắc Hàn làm được điều đó.

Thanh Quang: Cảm ơn Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng.
 

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam