Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Vàng, xăng dầu thế giới đồng loạt lao dốc, Việt Nam không ảnh hưởng?


Khách hàng mua bán vàng, theo dõi giá vàng chen chúc 
tại một cửa hàng vàng bạc ở Hà Nội ngày 17 tháng 4, 2013. AFP

Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok - 2013-04-17 - Trong khi giá dầu và vàng trên thị trường thế giới lao dốc chưa từng có thì giá xăng và vàng tại Việt Nam vẫn không có dấu hiệu gì điều chỉnh với giá của thế giới. Mặc Lâm phỏng vấn tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế thuộc Ban Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài chánh để tìm câu trả lời cho vần đề này.

Cơ chế điều hành giá chậm chạp thiếu linh hoạt

Thưa TS chắc ông cũng biết giá vàng và dầu thế giới đang sụt giảm mạnh nhưng giá dầu trong nước vẫn không có biến chuyển gì phù hợp với thị trường dầu thô thế giới. Theo TS thì có phải sự điều chỉnh của Việt Nam vẫn còn chậm so với mặt bằng giá của thế giới hay không?

TS Vũ Đình Ánh: Chính xác là như vậy, tức là với cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay thì việc bán theo giá thế giới cả theo chiều lên hay chiều xuống thì đều phản ảnh thiếu tính linh hoạt của cơ chế điều hành giá của Việt Nam. Không chỉ là xăng dầu mà còn liên quan đến giá vàng nữa, cũng tương tự như thế.

TS vừa nhắc tới giá vàng thì chúng tôi nhận thấy tuy giá vàng thế giới xuống mạnh như vậy nhưng giá vàng trong nước vẫn còn rất cao, so với giá quy đổi vẫn chênh lệch hơn 6 triệu đồng một lượng. Phải chăng do giá tham chiếu của Ngân hàng Nhà nước đã cho phép mức cao như vậy đã làm ảnh hưởng thị trường vàng hay do thị trường tự do nó tự điều chỉnh gây ra cái giá như vậy thưa ông?
Khoảng cách chênh lệch giá vàng thế giới và giá vàng trong nước chứng tỏ Ngân hàng Nhà nước phản ứng kém linh hoạt. TS Vũ Đình Ánh
TS Vũ Đình Ánh: Không phải do thị trường tự do bởi vì nguồn cung vàng hiện nay do Ngân hàng Nhà nước độc quyền và độc quyền cả cái giá mà họ định ra. Do đó khoảng cách chênh lệch giá vàng thế giới và giá vàng trong nước chứng tỏ Ngân hàng Nhà nước phản ứng kém linh hoạt. Khi thị trường thế giới lao dốc quá nhanh thì giá do Ngân hàng Nhà nước định ra làm nguồn cung đầu tiên cho đấu thầu đã điều chỉnh không kịp và do đó khoảng cách nó không những không thu hẹp mà còn dãn rộng ra.

Trước đây đã có thời gian khoảng cách thu hẹp khoảng 3 triệu cho một lượng bây giờ lại lên tới 6 triệu một lượng thì có hai nguyên nhân, thứ nhất do giá vàng thế giới lao dốc quá nhanh, thứ hai do cơ chế điều hành hay cơ chế xác định giá thầu vàng phía Ngân hang Nhà nước hiện nay đã không theo kịp với tình hình thế giới.


Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam. RFA
Thưa TS, tuy nhiên đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là ông Nguyễn Văn Bình vẫn cho rằng quyết định của ngân hàng Nhà nước là đúng đắn vì nó kiểm soát thị trường vàng. Theo ông thì trong chính sách này có điều gì cần phải điều chỉnh ngoại trừ những biểu hiệu như ông vừa nói?

TS Vũ Đình Ánh: Tôi cho rằng cách thức thì không có vấn đề gì nhưng hiện nay rõ ràng với biến động thị trường vàng như thế thì mức độ điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước có lẽ phải lớn hơn thì nó mới bám theo được diễn biến của thị trường thế giới. Nếu Ngân hàng Nhà nước làm theo cách thức giảm từng bước thì cũng được nhưng hiện nay cái bước giảm như thế nó phải lớn hơn, tức là mức điều chỉnh phải lớn hơn thì nó mới phù hợp.
Khi thị trường thế giới lao dốc quá nhanh thì giá do Ngân hàng Nhà nước định ra làm nguồn cung đầu tiên cho đấu thầu đã điều chỉnh không kịp và do đó khoảng cách nó không những không thu hẹp mà còn dãn rộng ra TS Vũ Đình Ánh
Thưa ông qua sự giảm mạnh giá vàng của thế giới thì nhiều ngân hàng cho biết đáng lẽ phải tất toán dư nợ vàng nhưng họ lại không thể thuyết phục khách hàng trả nợ, xin ông cho biết nguyên do nào gây ra sự việc này?

TS Vũ Đình Ánh: Tôi cho rằng nguyên nhân cơ bản là vừa rồi đấu thầu vàng thì giá nó khá cao nhưng cũng có người mua do một phần các tổ chức tín dụng, các tổ chức tài chính người ta phải tất toán trạng thái vàng. Nếu như Ngân hàng Nhà nước không điều chỉnh mạnh hơn để theo kịp giá vàng thế giới thì thiệt hại sẽ nằm về phía các tổ chức tín dụng và những ngân hàng đã đến thời gian tất toán vì họ phải mua vàng với giá thấp hơn so với thị trường họ có thể mua.

Kích thích buôn vàng lậu
Nhiều chuyên gia cho rẳng hiện nay giá đô la đã cán ngưỡng 21 ngàn 1 đô la. Người ta nghi ngờ đây là tín hiệu mà giới kinh doanh đang gom tiền đô để nhập lậu vàng kiếm chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới. Nếu cả thị trường chạy theo điều này thì theo ông hệ lụy nào sẽ đến cho nền kinh tế Việt Nam?


Một trạm bán xăng ở TPHCM. RFA
Nếu như Ngân hàng Nhà nước không điều chỉnh mạnh hơn để theo kịp giá vàng thế giới thì thiệt hại sẽ nằm về phía các tổ chức tín dụng và những ngân hàng đã đến thời gian tất toán vì họ phải mua vàng với giá thấp hơn so với thị trường họ có thể mua. TS Vũ Đình Ánh
TS Vũ Đình Ánh: Tôi cho rằng việc nhập lậu vàng thì nó vẫn có và nhất là khi chênh lệch giữa trong nước và thế giới quá lớn thì càng kích thích người ta nhập lậu vàng và điều này sẽ ảnh hưởng tới tỉ giá hối đoái, đặc biệt là tỉ giá hối đoái ngoài thị trường tự do. Tôi cho rằng có hai cách để xử lý vấn đề này. Thứ nhất là tăng cường kiểm soát, cái này thì Việt Nam đang làm và trong bối cảnh động lực kích thích buôn lậu nó cao hơn thì phải tăng cường kiểm soát hơn.

Thứ hai, biện pháp bài bản nhất thì Ngân hàng Nhà nước phải linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh giá vàng bám sát theo thị trường thế giới để thủ tiêu động lực kinh tế buôn lậu vàng.Điều này sẽ bớt gây áp lực trên tỉ giá hối đoái của Việt Nam. Hiện nay một trong các công tác quan trọng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong năm 2013 là phải ổn định tỉ giá hối đoái.

Vâng, bên cạnh những nhà đầu tư thì đã có rất nhiều người dân rút sổ tiết kiệm của mình ra để mua vàng vì lãi suất tiết kiệm quá thấp. Theo ông thì hành động này nếu xảy ra ồ ạt sẽ có ảnh hưởng đến thanh khoản của ngân hàng hay không?

TS Vũ Đình Ánh: Tôi cho rằng với thị trường tiền tệ tín dụng hiện nay thì vấn đề này chưa phải là vần đề đáng lo ngại. Bởi vì thực ra bây giờ vàng đang lao dốc rất mạnh và người ta chưa biết điểm đáy nó như thế nào và thậm chí nguyên nhân tại sao giá vàng thế giới lao dốc hiện nay rất là mù mờ nên phản ứng người ta rút tiền vì sức ép lãi suất chưa đủ mạnh và việc giá vàng liên tục lao dốc thì tôi cho rằng tác động nó chưa lớn, chưa phải là vấn đề đáng lo ngại.
Việc nhập lậu vàng thì nó vẫn có và nhất là khi chênh lệch giữa trong nước và thế giới quá lớn thì càng kích thích người ta nhập lậu vàng và điều này sẽ ảnh hưởng tới tỉ giá hối đoái, đặc biệt là tỉ giá hối đoái ngoài thị trường tự do. TS Vũ Đình Ánh
Như vậy theo ông điều đáng lo ngại trước mắt đối với người dân và nhà đầu tư là gì và ông có lời khuyên nào dành cho họ hay không?
TS Vũ Đình Ánh: Thât sự đối với người dân và các nhà đầu tư tôi không có lời khuyên gì cả, bởi vì vấn đề hiện nay nằm một phần ở Việt Nam và một phần khác nằm trên thế giới, mà thị trường thế giới thì rất khó đoán định. Người dân hay người kinh doanh thì họ phải một mặt cần quan sát thị trường bởi vì thị trường đang biến động mà nguyên nhân thì không rõ ràng. Thừ hai nữa là cần tạo sức ép lên cơ quan chức năng để họ điều chỉnh linh hoạt hơn tránh thiệt hại không đáng có cho những người kinh doanh trong bối cảnh thị trường biến động như hiện nay.

Một lần nữa xin cám ơn TS Vũ Đình Ánh đã chia sẻ với chúng tôi những thông tin cần thiết trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay. 
 

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam