Phạm Tín An Ninh - 08.04.2013 - Thật lòng, tôi không có nhiều gắn bó với Pleiku. Và dường như
cái phố núi buồn hiu ấy đã cho tôi nhiều nỗi buồn hơn là niềm vui. Vậy
mà khi đã xa - thực sự vĩnh viễn xa - Pleiku rồi, tôi lại thấy da diết
nhớ, trăn trở với cái cảm giác mình có tội với Pleiku, và mãi mãi sẽ còn
nợ phố núi này một lời xin lỗi.
Tôi chưa (và có thể không) có dịp về thăm lại Pleiku, nên cái xa
cách ấy lại càng thấy mịt mùng. Cái phố núi vốn đã bé nhỏ, như một ông
nhà thơ đã ví von “đi dăm phút trở về chốn cũ” ấy, giờ với tôi dường như
chỉ còn là chút sương khói trong lòng. Điều kỳ lạ là chút khói sương mờ
ảo ấy cứ luôn lãng đãng trong ký ức và trái tim già cỗi của tôi, như
những mảng mù sương từng bao phủ, giăng mắc trên phố núi Pleiku ngày
trước.
Nếu không có cuộc chiến Kontum, có lẽ sẽ không có dấu chân nào của
tôi trên bùn lầy đất đỏ Pleiku. Dẫu là dấu chân của người lính chiến.
Chợt đến chợt đi, hay có khi nằm lại vĩnh viễn trên núi rừng heo hút vô
danh. Thống thuộc một đại đơn vị có bản doanh tại Ban Mê Thuột, nhưng
đơn vị tôi có hậu cứ tại Sông Mao (Phan Thiết) và đảm trách một vùng
hành quân khá rộng lớn dọc theo miền duyên hải. Đúng ngày cuối năm âm
lịch 1972, khi cả đơn vị đang chuẩn bị cho quân sĩ ăn Tết tại doanh trại
Lý Thường Kiệt - Sông Mao, chúng tôi nhận lệnh di chuyển khẩn cấp lên
An Khê, thay thế cho một đơn vị của Sư Đoàn 101 Không Kỵ Hoa Kỳ rút quân
về nước, và tăng cường cho mặt trận Bình Định, khi một số đơn vị của Sư
Đoàn 22BB hoạt động ở đây, vừa di chuyển lên mặt trận Dakto, Tân Cảnh.
Loanh quanh ở An Khê chưa được hai tháng, cùng với Thiết Đoàn 3 Kỵ
Binh tăng phái, đánh vài trận, giải tỏa một số căn cứ của Sư Đoàn Mãnh
Hổ Đại Hàn nằm dọc trên đèo An Khê bị Cộng quân tạo nhiều vòng đai vây
hãm, đơn vị chúng tôi được lệnh di chuyển khẩn cấp lên phi trường Pleiku
để được không vận lên Kontum. Bộ Tư Lệnh HQ Sư Đoàn 22BB vừa bị tràn
ngập tại căn cứ Tân Cảnh và vị Tư lệnh đã ở lại để vùi thây nơi chiến
địa cùng với quân sĩ dưới quyền. Địch quân đang trên đà tràn xuống trong
ý đồ chiếm lấy Kontum.
Tôi đến Pleiku như vậy đó. Thời gian chưa đủ nhìn một dãy phố và
núi đồi chạy dọc theo con đường dẫn ra phi trường Cù Hanh. Tôi có cảm
giác chưa đến thì đã rời khỏi Pleiku. Hơn tám tháng sống chết với chiến
trường và giữ vững Kontum, chúng tôi được kéo về Pleiku dưỡng quân và bổ
sung quân số. Đây là phần thưởng đặc biệt cho một đơn vị tạo nên kỳ
tích trong trận chiến đẩm máu để có một “Kontum Kiêu hùng”. Một tháng
đóng quân trên Đồi Đức Mẹ. Lại là một tháng “gió lạnh mưa mùa”. Cả núi
đồi và thành phố Pleiku mờ mịt và lầy lội trong mưa. Hình ảnh của bao
nhiêu bạn bè đồng đội vừa mới hy sinh trên chiến trường Kontum lúc nào
cũng hiện ra trước mặt, đau đớn tựa hồ như những nhát chém còn rỉ máu
trong lòng. Muốn tạm quên chốc lác đã là một điều không dễ. Bọn tôi cần
được say. Mỗi ngày chỉ ra phố để uống rượu. Thỉnh thoảng đi nhận đám
lính bị Quân cảnh của ông đại úy Hiển bắt. Khi đó tôi đâu có biết ông
đồn trưởng Quân cảnh này là nhà thơ Hoàng Khởi Phong, cũng chịu chơi,
nhậu nhẹt, lãng mạn (và vi phạm quân phong quân kỷ?) như ai.
Pleiku có nhiều quán cà phê và nhiều khuôn mặt mỹ nhân, nhưng chúng
tôi chỉ chọn các quán rượu. Dường như cà phê không đủ ấm, không đủ để
quên, và cái say của rượu cũng chóng phôi pha hơn cái say đàn bà, con
gái. Hơn nữa chỉ được có một tháng, mà trước mặt là những trận chiến đẫm
máu đang chờ. Chẳng ai muốn vương vấn nợ tình.
Riêng tôi còn có một anh bạn, Liên Đoàn Trưởng BĐQ trú đóng ở Biển
Hồ. Vợ và hai đứa con chết thảm tại Quảng Đức vì xe bị VC giật mìn, nên
bây giờ anh chỉ làm người tình với rượu. Tôi bị anh kéo theo cái vòng
“tục lụy” này.
Lúc trước anh là một cấp chỉ huy nổi tiếng trong BĐQ, thời gian
binh chủng này mới thành lập. Nhưng sau đó do ảnh hưởng từ các phe nhóm
chính trị, anh đã bị bắt đi tù một thời gian, ngưng thăng cấp và sau đó
chuyển đến đơn vị tôi, với cái lệnh “không được giữ chức vụ chỉ huy
nào.” Biết anh là một niên trưởng và từng dạn dày lửa đạn, tôi tận tình
giúp đỡ an ủi anh. Thời gian sau anh bỗng dưng được “vô tội”, trở lại
binh chủng, thăng cấp và chỉ huy một Liên Đoàn BĐQ tại QK2.
Do cái ân tình đó, nên những ngày không hành quân, anh đến kéo tôi
ra quán rượu. Tôi chỉ nhìn Pleiku qua những cơn say. Vì vậy Pleiku với
tôi càng nhỏ hẹp hơn, chỉ là không gian của một quán rượu trong khu Chợ
Mới. Một tháng, tôi chưa hề biết tên một con đường, thì làm sao biết
được tên của một mỹ nhân, để “may mà có em đời con dễ thương!”
Tôi rời khỏi Pleiku một ngày sau khi thành phố Ban Mê Thuột vừa lọt
vào tay giặc. Sáng ngày 13/3/75, theo những toán quân đầu tiên của đơn
vị được trực thăng vận từ Hàm Rồng đổ xuống Phước An, quận lỵ duy nhất
còn lại của tỉnh Darlac, nằm cách BMT khoảng 30 cây số trên QL 21 về
hướng Nha Trang. Khi một nửa đơn vị vừa xuống Phước An, thì Pleiku có
lệnh di tản. Một nửa quân số còn lại phải di chuyển theo đoàn quân di
tản trên Tỉnh Lộ 7B. Một cuộc triệt thoái sai lầm, tệ hại và bi thảm
nhất trong chiến tranh. Một nửa đơn vị của tôi gần như bị xóa sổ. Hai
người bạn thân của tôi đều là tiểu đoàn trưởng đã tự sát, nhiều đồng đội
đã chết trong đớn đau tức tưởi.
Hình ảnh cuối cùng của Pleiku trong mắt tôi là dãy núi Hàm Rồng,
nhưng trong trí óc tôi chỉ còn đọng lại những cái chết bi tráng của đám
bạn bè đồng đội cùng với những người Pleiku mà tôi chưa kịp biết mặt,
làm quen. Và trong lòng tôi, dường như Pleiku chỉ có thế. Không phải là
những con đường, góc phố, là rạp ciné Diệp Kính, Thanh Bình, hội quán
Phượng Hoàng, quán cà phê Dinh Điền, cà phê Văn, cà phê Lính, Bắc Hương,
Thiên Lý, và lại càng xa lạ với những ngôi trường mang tên Pleime,
Pleiku, Phạm Hồng Thái, Minh Đức, Bồ Đề… mà những cô học trò ngày ấy bây
giờ đang mang theo cái hồn Phố Núi đi khắp muôn phương. (Giờ nghĩ lại,
tôi thấy mình khờ khạo biết bao nhiêu!)
Ngày ấy, tôi là thằng lính bộ binh, một thứ lính “hạng bét”, chỉ có
khốn khổ gian truân và chết chóc. Tháng năm lặn lội trong núi rừng, chỉ
còn biết có súng đạn và mục tiêu trước mặt. Được chút thời gian không
đủ cho một cơn say, thì đâu còn biết gì tới thơ với thẩn (mặc dù tôi vốn
mê thơ - nhưng rất dốt về thơ). Ngoài bài hát nổi danh được phổ từ thơ
Vũ Hữu Định, tôi chưa hề được đọc thơ các thi nhân nổi tiếng một thời
của Pleiku hay viết về Pleiku. Sau này đọc Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Mạnh
Trinh, Kim Tuấn, Nguyễn Xuân Thiệp, Võ Ý, Cao Thoại Châu, Hoàng Khời
Phong…, tôi thấy hối tiếc quá chừng. Pleiku đẹp quá, dễ thương, thơ mộng
quá.
Nguyễn Bắc Sơn, nhà thơ một thời hành quân đánh giặc ở Mật khu Lê
Hồng Phong, Sông Mao, nơi đơn vị tôi trú đóng, từng viết những câu thơ
hào sảng:
Ngày mai đánh giặc may còn sống
Về ghé Sông Mao phá phách chơi,
Uống rượu tiêu sầu cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui
….
Ngày mai đánh giặc may còn sống
Về ghé Sông Mao phá phách chơi,
Uống rượu tiêu sầu cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui
….
cũng từng bị “đày” lên Phố Núi, nhưng giờ thì đắm say ánh mắt của một nàng thiếu nữ Pleiku:
Ðứng trên núi thấy hàng đèn thị trấn
Là thấy mình buốt lạnh mấy nghìn năm
Vì đêm nay trời đất lạnh căm căm
Nên chợt nhớ chút lửa hồng bếp cũ
Nên phải nhớ mắt một người thiếu nữ
Ðã nhìn mình rất ấm một ngày xưa
Dù mai sau ngày nắng tiếp ngày mưa
Nhưng vĩnh cửu chút mơ màng thuở đó
….
Ðứng trên núi thấy hàng đèn thị trấn
Là thấy mình buốt lạnh mấy nghìn năm
Vì đêm nay trời đất lạnh căm căm
Nên chợt nhớ chút lửa hồng bếp cũ
Nên phải nhớ mắt một người thiếu nữ
Ðã nhìn mình rất ấm một ngày xưa
Dù mai sau ngày nắng tiếp ngày mưa
Nhưng vĩnh cửu chút mơ màng thuở đó
….
Vậy mà hơn một tháng ở Pleiku tôi đã ngu ngơ, lãng phí. Không
nhìn ngắm, mơ mộng với Pleiku mà chỉ biết say với rượu. “Ta say, trời
đất cũng say.” Tôi đã bắt Pleiku say với tôi, mà đáng lý ra tôi phải say
đắm với Pleiku mới phải. Đôi khi tôi cũng tự gạt để an ủi mình “Có thể
chính mấy ông nhà thơ này đã làm cho Phố Núi đẹp hơn, thơ mộng và lãng
mạn hơn những gì nó có?” Nhưng có lẽ tôi đã nhầm, sau này được dịp làm
quen với những người Phố Núi, tôi chợt nhận ra rằng Pleiku đâu chỉ có
những ông thi sĩ tài danh ấy, mà dường như cứ mỗi người Pleiku đã là một
nhà thơ, hay ít nhất cũng là một bài thơ chưa được viết thành lời. Dẫu
gì, tôi cũng có tội với Pleiku.
Ba năm hành quân ở Kontum và Pleiku, nhiều đồng đội, bạn bè tôi đã
nằm lại nơi này. Võ Anh Tài, Đặng Trung Đức, Trần Công Lâm, Đỗ Bê ...
những tiểu đoàn trưởng nổi danh, những người anh, người bạn thân thiết
như tình huynh đệ cùng một đơn vị từ ngày tôi vừa mới ra trường, đã vĩnh
viễn ở lại với Kontum, với Pleiku. Khi tất cả - có lẽ cũng như tôi -
chưa biết rõ mặt Pleiku cùng những vần thơ tuyệt vời ca tụng phố núi thơ
mộng một thời.
Tôi vẫn mãi đau đớn khi hình dung cuôc di tản bi thảm trên Tỉnh Lộ
7B vào những ngày giữa tháng 3. Cùng với những đổng đội của tôi, còn có
biết bao nhiêu người Pleiku đã không đi hết đoạn đường kinh hoàng đẫm
máu ấy. Trong đó chắc chắn có rất nhiều “em Pleiku má đỏ môi hồng” của
nhà thơ Vũ Hữu Định, những bông hoa dại đã làm cho những thằng lính “bị
đày” lên phố núi thấy đời dễ thương hơn. Thiếu những bông hoa ấy, Phố
Núi sẽ không còn đẹp, không còn lãng mạn, để cho bao thi nhân cảm xúc,
để cho nhà thơ Không Quân Võ Ý vẫn mãi còn tiếc nhớ khôn nguôi một thời
“Xưa Trên Đó”:
Xưa trên đó sương nhòa hơi thở đượm
dốc cũng vừa ta bước xuống vô biên
mê cho lắm cho tay dài với mộng
mặt trời lên chiếu rạng tới ưu phiền
…
Một dạo bay qua nhìn qua trên đó
đồi như vương cây như vấn chân nàng
phố cũng xưa và tim thì đau nhói
quạt nồng đâu qua đó để cơ hàn…”
Xưa trên đó sương nhòa hơi thở đượm
dốc cũng vừa ta bước xuống vô biên
mê cho lắm cho tay dài với mộng
mặt trời lên chiếu rạng tới ưu phiền
…
Một dạo bay qua nhìn qua trên đó
đồi như vương cây như vấn chân nàng
phố cũng xưa và tim thì đau nhói
quạt nồng đâu qua đó để cơ hàn…”
Chúng tôi ra đi, cũng (rất vô tình) bỏ lại các cô gái Thượng.
Những cô gái chân chất hồn nhiên mà đẹp đẽ như những cánh lan rừng. Họ
mới thực sự là những người chủ Phố Núi, nên không đành bỏ núi đồi, buôn
bản. Và chắc không hề biết đã từng là niềm vui, là nỗi khát khao của
những thằng lính trẻ xa nhà, khi rủ nhau ẩn nấp sau những gốc cây, bờ đá
để nhìn (trộm) các cô vô tư khoe mình bên các dòng suối biếc. Tuyệt
vời!
Thuở ra đi, lòng dạ rối bời, chưa kịp nhận ra những điều gắn bó,
giờ hồi tưởng, trong lòng bỗng chợt dấy lên bao nỗi bâng khuâng.
Thì ra, tôi đã mắc nợ phố núi quá nhiều. Nợ những người đã ở lại
với Pleiku trong cơn đổi đời khốn khó, nợ người Pleiku nằm lại đâu đó
trên tỉnh lộ 7B kinh hoàng, và nợ cả những người Pleiku ra đi mang theo
bóng dáng mờ ảo mù sương và cả cái hồn Phố Núi.
Nợ ân tình thì không thể nào trả cho hết được. Đành viết mấy dòng này xin tạ lỗi Pleiku. - Phạm Tín An Ninh