Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Ngày Quốc Tế Lao Động và những cuộc đời cần lao ở Hà Nội

Một người bán hàng rong tại Hà Nội hôm 29 tháng 9 năm 2012. RFA PHOTO/Uyên Nguyên

Uyên Nguyên, tường trình từ Việt Nam cho RFA 2013-05-01

Hà Nội, sau lễ ăn mừng 30 tháng Tư, tiếp theo, lễ Quốc Tế Lao Động, cờ hoa, băng rôn và biểu ngữ khắp phố, nhất là thành phố thủ đô của đất nước vốn do giai cấp công nhân lãnh đạo. Nhưng, cũng chính trong những ngày lễ này, có một bộ phận không nhỏ tuy vẫn biết về ngày lễ Quốc Tế Lao Động, vẫn mong mỏi được nghỉ, được ăn mừng nhưng lại không có cơ hội nào để họ giải lao. Đó là những người bán trái cây, bán nước, bán vé số dạo và những dân oan trong vườn hoa Mai Xuân Thưởng hay công viên Lý Tự Trọng.

Lao động nâu

Hà Nội ngõ nhỏ, phố nhỏ, những gia đình lao động nhỏ nằm khép mình trong các khu chung cư, tập thể cũ hoặc những phòng trọ chưa đầy 10m2 chứa những cuộc đời, những cơ hội tồn tại cũng nhỏ không kém. Đó là đôi quang gánh tuy nhỏ nhưng chất nặng hàng hóa trên đôi vai, kéo bước chân từ sáng đến chiều, từ đầu phố cho đến cuối hẻm cùng tiếng rao dài mệt mỏi nhưng chất đầy lửa hy vọng. Với mức thu nhập chưa đầy 150 ngàn đồng mỗi ngày để trang trải nơi ăn chốn ở, nhiều việc phát sinh và dành dụm hằng tháng để nuôi con ăn học, có thể nói đời sống của người lao động bán hàng rong Hà Nội vô cùng khó khăn, chật vật.

Chị Hà, bán nước sấu bên bờ hồ Tây cho biết, chị vốn là một nông dân ở Đông Triều, Hà Nội, sau khi nhận tiền đền bù giải tỏa, mua một căn nhà nhỏ ở quê, còn dư mười lăm triệu đồng, anh chị gởi tiết kiệm ngân hàng, nhưng đồng tiền rớt giá quá nhanh, trước đây mười lăm triệu sắm được ba lượng vàng, bây giờ chỉ sắm được chưa tới ba chỉ rưỡi vàng, lấy cả lãi lẫn gốc cũng chỉ sắm chưa tới năm chỉ vàng. Không có nghề nghiệp gì ngoài việc làm nông, đất không còn, anh chị dắt díu nhau lên phố kiếm sống, anh chạy xe ôm, chị đi bán nước sấu, nước me để nuôi hai đứa con ăn học, đứa lớn đang học năm thứ nhì đại học xây dựng, đứa nhỏ đang học lớp 12.

Mặc dù hai đứa con cũng phải phụ giúp anh chị việc nhà và làm thêm để kiếm tiền nộp những khoản phí nhỏ trong học tập như lệ phí đoàn thanh niên hay các khoản đóng góp nhà trường yêu cầu… Nhưng đời sống gia đình chị Hà vẫn hết sức chật vật, khó khăn, nhiều lúc có cảm giác không gượng dậy nổi, chỉ mong ngủ một đếm đến sáng rồi nhắm mắt luôn cho qua kiếp nghèo.

Khi nghe chúng tôi hỏi về cảm giác của một người phải làm lụng vất vả trong ngày Quốc Tế Lao Động , ngày mà mọi người được nghỉ ngơi và vui chơi, chị Hà lắc đầu buồn thiu, trả lời chúng tôi với ngụ ý rằng lao động có ba loại: ‘lao động đỏ’, ‘lao động vàng’ và ‘lao động nâu’. ‘Lao động đỏ’ là những công chức quan chức nhà nước, những đảng viên Cộng sản, cuộc đời họ đầu xuôi đuôi lọt, cuộc sống thoải mái, vương giả, vì lý lịch của họ đỏ, không cần phải bàn thêm về họ.


Người dân nghèo đi khiếu kiện đất đai tại Hà Nội hôm 29 tháng 9 năm 2012. RFA PHOTO / Uyên Nguyên.

‘Lao động vàng’ là những thường dân không có lý lịch dính dáng đến đảng và nhà nước, không thuộc giới công chức, có thể bán sức lao động trí tuệ hoặc sức lao động tay chân để sống. Lao động vàng cũng ám chỉ những người có của ăn của để, đất đai còn rộng, không phải vất vả, mệt mỏi vì cái ăn, chỗ ở.

Còn những người lao động nghèo giống như chị Hà sẽ là ‘lao động nâu’, họ không có gì cả ngoài một cuộc đời vất vả, bon chen bán mặt cho đất bán lưng cho trời lúc còn ruộng vườn, khi ruộng vườn mất, họ lại bán mặt cho phố, bán lưng cho nắng cháy mưa chang để kiếm cơm, cuộc đời họ chỉ biết làm và làm, không có khái niệm hưởng thụ dù một giây phút rất nhỏ. Ngày lễ Quốc tế Lao Động đối với họ là một ngày gì đó rất trêu ngươi vào nỗi buồn của họ.

Cách phân chia nhóm lao động vừa dí dòm vừa chua cay của chị Hà khiến chúng tôi nghĩ đến một nhóm lao động nữa không có ở miền Bắc nhưng chắc chắn sẽ có ở miền Nam, đó là ‘lao động đen’. ‘Lao động đen’ ám chỉ những người không có tài sản, không có quyền thế, không có thứ gì ngoài sức lao động để bon chen kiếm sống mỗi ngày, nhưng họ có một thứ, đó là lý lịch bị bôi đen trong nhà nước mới sau năm 1975 vì bản thân hoặc thân nhân là người của chế độ Việt Nam Công Hòa. Nhưng đó là một câu chuyện khác, tuy cũng là chuyện của người lao động nghèo và ngày Quốc Tế Lao Động.

Nỗi khổ dân oan

Cũng trong ngày này, ở công viên Lý Tự Trọng, những lao động nghèo trong tình trạng dân oan bị mất đất đi khiếu kiện đòi công lý, cuộc sống của họ còn đau khổ và khó khăn ngoài mức tưởng tượng. Một chị cũng tên Hà, cư dân sống gần cầu Thăng Long, Hà Nội, đã cùng chồng và ba đứa con nhỏ lên quận Hoàn Kiếm khiếu kiện đất đai suốt hai năm nay.

Chị Hà cho biết, trong tập thể có lúc lên đến hơn ba trăm người, có lúc ít nhất cũng năm mươi người ăn vỉa hè ngủ công viên, màn trời chiếu đất, ban ngày chia phiên nhau, người đi xếp hàng nộp đơn, người căng biểu ngữ đợi các quan chức chính phủ đến để họ nhìn thấy, người thì đi nhặt đồng nát, đi làm thuê để kiếm cái mà bỏ vào bụng, mà duy trì qua ngày đoạn tháng. Đoàn người đến từ nhiều nơi trên đất nước, Cà Mau, Kên Giang, Bến Tre, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Đắc Nông, Lâm Đồng… Có người lớn, có trẻ em.

Người dân đi khiếu kiện đất đai tại Hà Nội hôm 28 tháng 9 năm 2012. RFA PHOTO / Uyên Nguyên.

Tội nghiệp nhất vẫn là những trẻ em mười hai, mười ba tuổi không đường đến trường, suốt ngày lượm củi trong công viên về cho cha mẹ thổi cơm, rảnh tay thì đi nhặt đồng nát để bán. Những bãi rác thủ đô, những con hẻm chứa rác và những thứ bỏ đi sẽ là niềm vui kiếm sống của những em nhỏ này.

Ngày Quốc Tế Lao Động, các em nhỏ, những người lớn trong tập thể dân oan vẫn phải đi làm lụng tất bật để kiếm bữa cơm. Ban đêm ngủ không có giường, chỉ trải một tấm bạt xuống nền công viên để ngủ, ban ngày thì co cụm dưới những gốc cây tìm chút bóng mát và có thể bị công an, dân phòng đên xua đuổi bất kì giờ nào, thậm chí áo quần, tư trang có thể bị tịch thu mang đổ bãi rác. Những cư dân Hà Nội tốt bụng đã thương tình những người lao động nghèo không may mắn này, họ mang quà đến tặng, người thì vài kí gạo, người vài lạng thịt, người nửa ký đường…

Sáng nay, theo như chị Hà cho biết, có người mang bánh chưng đến công viên lúc 5 giờ, gọi bà con dậy và tặng. Tặng xong, người này vội vã bỏ đi vì sợ an ninh biết được, theo dõi thêm rắc rối. Lúc kể với chúng tôi về chuyện bánh chưng, chị Hà lấy chiếc bánh chưng trong giỏ xách ra bóc lá, mời chúng tôi ăn, chúng tôi cám ơn và từ chối, chị Hà ngồi vừa nói chuyện vừa ăn bánh chưng ngon lành.

Nhìn cách ăn bánh chưng vừa có chút gì đó vội vã hân hoan nhưng cũng vừa có chút gì đó đượm buồn, tủi khổ của một người lao động nghèo giữa thủ đô Hà Nội trong ngày Quốc Tế Lao Động, chúng tôi chỉ biết thở dài và buồn. Có lẽ, đây là nỗi buồn không riêng gì chúng tôi đeo mang nếu nhìn thấy đời sống tủi khổ của đồng loại trong những ngày này!

Uyên Nguyên, tường trình từ Hà Nội, Việt Nam.

Chiến tranh và góa phụ 


Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam